1. Triết lý lập pháp xã hội chủ nghĩa
Việt Nam là một quốc gia có hệ thống pháp luật theo truyền thống pháp luật XHCN với những đặc tính nổi bật về nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng Cộng sản, lý tưởng nhân đạo xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa, tính giai cấp của pháp luật... Với lối tư duy truyền thống, khép kín trước đây, pháp luật được quan niệm là một hiện tượng lịch sử, chỉ phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp, pháp luật xã hội chủ nghĩa là một sản phẩm của hành động có ý thức của con người, là biểu hiện tập trung của chính trị và là ý chí của giai cấp thống trị trong một xã hội. Pháp luật luôn có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời với nhà nước và là một loại hoạt động của nhà nước. Pháp luật sẽ vô nghĩa nếu không có bộ máy có đủ sức mạnh thực hiện việc cưỡng chế tuân thủ pháp luật. Lối tư duy này dẫn chúng ta đến hai nhận định cơ bản về pháp luật: Thứ nhất: Nhận thức, quan niệm về pháp luật với lối tư duy khá hẹp: Pháp luật thường được thuần tuý hiểu là tập hợp một cách có hệ thống những khuôn thước hành xử hiện hữu do cơ quan công quyền công bố và đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế (luật thực định). Thứ hai: Đánh đồng pháp luật với hoạt động làm luật, từ đó nhấn mạnh yếu tố quyền lực và coi pháp luật chỉ là phương tiện đặc hữu của nhà nước; hoạt động sáng tạo pháp luật là lĩnh vực độc quyền nhà nước; khi nói đến pháp luật, người ta nhấn mạnh đến tính cưỡng chế, yêu cầu tuân phục hơn là huy động sự đồng thuận, thuyết phục, giáo dục và khơi gợi ý thức tự giác trong xã hội.
Chỉ một vài năm sau khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới (1986), tiến trình dân chủ hóa đã được triển khai cả về bề rộng và chiều sâu, tính công khai, dân chủ, ý thức về pháp quyền, công lý, công bằng xã hội đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ trong toàn xã hội. Với tư tưởng chủ đạo “lấy dân làm gốc”, làm cho người dân thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xí nghiệp, hợp tác xã của mình và yêu cầu nhà nước phải quản lý toàn bộ đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật, một số quan điểm về nhà nước và pháp luật truyền thống đã được áp dụng trong nhiều thập kỷ của thời kỳ kế hoạch hoá, tập trung quan liêu bao cấp đã không còn thực sự phù hợp, từ đó đã tạo ra một “chiếc áo pháp lý” chật hẹp, gò bó, thiếu tính linh hoạt và không còn đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn đổi mới. Có thể nói, đổi mới tư duy chính trị, tư duy kinh tế đã đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải khẩn trương, tích cực, quyết liệt và kiên trì đổi mới tư duy pháp lý nhằm góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Trọng tâm của đổi mới tư duy pháp lý trong thời kỳ đầu chính là yêu cầu nâng cao vai trò điều chỉnh xã hội của pháp luật, pháp luật phải là một “phương tiện hùng mạnh” để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, là công cụ đấu tranh chống tiêu cực và bảo vệ nền dân chủ XHCN. Pháp luật cần phải được quan niệm lại, theo đó, nó không chỉ thuần tuý tồn tại với ý nghĩa là một sức mạnh cưỡng chế mà còn phải là một công cụ giáo dục tích cực nhằm khắc phục những tàn dư tư tưởng, những thành kiến coi thường pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác trong cán bộ và nhân dân.
Trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm xây dựng nhà nước, xây dựng pháp luật và quản lý xã hội đã có, thực hiện đồng bộ đổi mới tư duy chính trị, tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, Đảng ta đã mạnh dạn, sáng suốt lựa chọn và phát triển hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là một mô hình nhà nước được đánh giá là phương thức tổ chức quyền lực hợp lý, có điều kiện phát huy đầy đủ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng, có khả năng tạo môi trường và điều kiện cần thiết để người dân thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.
Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, một số quan điểm nghiên cứu đã cho rằng pháp luật không chỉ đơn thuần là sản phẩm “độc quyền” của nhà nước mà trước hết phải là sự kết tinh thiêng liêng những giá trị cao quý trong xã hội, dựa trên nền tảng dân chủ, nhân bản, lương tri và đạo lý mà không một ai bác bỏ được để trở thành lẽ phải đương nhiên như tự do, bình đẳng, công lý, công minh. Nhà nước phải thừa nhận và phục tùng lẽ phải và công lý, lấy đó làm thước đo để hướng tới sự phù hợp và hoàn thiện để củng cố lòng tin của nhân dân vào sự công chính.
Theo cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác - Lê nin về mối quan hệ giữa con người và pháp luật trong chế độ dân chủ, con người luôn được coi là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Trong chế độ dân chủ, “không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con người... Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy”. Pháp luật là yếu tố thuộc thượng tầng kiến trúc, do đó nó không thể cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hoá của xã hội, pháp luật là sự biểu hiện của lợi ích và nhu cầu chung của xã hội do phương thức sản xuất nhất định sinh ra. Đặc biệt, về phương pháp luận chỉ đạo các nguyên tắc hoạt động xây dựng pháp luật trong hệ thống pháp luật XHCN, C.Mác đã mạnh mẽ khẳng định: “Nhà lập pháp phải coi mình như là nhà khoa học tự nhiên. Ông ta không làm ra luật, ông ta không phát minh ra chúng mà chỉ nêu chúng lên; ông ta biểu hiện những quy luật nội tại của những mối quan hệ tinh thần thành những đạo luật thành văn có ý thức. Chúng ta sẽ phải chê trách nhà làm luật là vô cùng tuỳ tiện, nếu như ông ta thay thế bản chất của sự vật bằng nhiều điều bịa đặt của mình”.
Nắm vững, vận dụng và phản ánh đầy đủ, kịp thời những “quy luật nội tại” thành những đạo luật thành văn chính là yêu cầu cốt tuỷ đối với mỗi cán bộ làm công tác pháp luật. Không hiểu; vận dụng không đúng đắn, thậm chí chủ quan, duy ý chí sẽ dẫn đến những tác hại vô cùng to lớn cho xã hội. “Khoán Kim Ngọc” ở Vĩnh Phúc chính là bài học về những chủ trương, chính sách, những quy định không thực sự phản ánh khách quan những “quy luật nội tại”, đã gây ra những trì trệ kinh tế, mất ổn định xã hội trong cả một giai đoạn của đất nước trong thời gian dài.
Có thể khẳng định, luật pháp không phải là làm ra mà là tìm ra, tìm ra ngay từ bản chất của sự vật, hiện tượng. Sẽ là tuỳ tiện, là bịa đặt nếu các đạo luật thành văn không phải là sự biểu hiện khách quan, trung thực, đầy đủ, kịp thời những “quy luật nội tại” của các sự vật, hiện tượng. Một nhà tư tưởng thời Hy Lạp cổ đại đã nói: Luật pháp đã nằm ngay trong bản chất của mọi sự vật, hiện tượng. Luật pháp sẽ là một thứ chuyên chế nếu chúng buộc con người hành động trái với bản tính của mình.
2. Xác định vị trí việc làm thực hiện công tác xây dựng pháp luật tại Bộ Tư pháp
Nhìn lại đất nước giai đoạn đầu Đổi mới, chúng ta có thể thấy rằng yêu cầu luật pháp phải “đoạn tuyệt” với thói quen mệnh lệnh, duy ý chí; mà phải trở lại phản ánh đúng bản chất của sự vật, hiện tượng, phản ánh đúng quy luật khách quan của cuộc sống chính là điểm căn cốt nhất của đổi mới tư duy pháp lý. Cố Tổng bí thư Trường Chinh (1907-1988), một trong số ít người đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng đường lối Đổi mới, đã khẳng định mạnh mẽ: “Làm sai quy luật thì không thể đi lên chủ nghĩa xã hội được, càng sai quy luật thì con đường lên chủ nghĩa xã hội càng kéo dài ra, chứ không hề gần lại với chúng ta. Đốt cháy giai đoạn, làm trái quy luật, tưởng như là đi nhanh hơn, kỳ thật sẽ đi rất chậm”. Chính vì vậy, theo Tổng bí thư, để có thể tiến hành đổi mới thành công trong mỗi lĩnh vực thì “tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng đúng đắn, hành động theo quy luật chính là cách đi lên chủ nghĩa xã hội đúng nhất và nhanh nhất, không còn con đường nào khác”. Còn Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định các văn bản pháp luật phải “vang vọng tiếng dân”, phải là chất kết tinh, là nguyện vọng, khát vọng đúng đắn và khách quan của người dân: “Đại biểu Quốc hội phải gắn bó máu thịt với nhân dân, nói lên tiếng nói của họ, đại diện cho nguyện vọng và lợi ích của họ. Ý kiến của đại biểu Quốc hội phải là chất kết tinh suy nghĩ và khát vọng đúng đắn và chân thành của bộ phận nhân dân mà mình là người đại diện”.
Có thể nói, công tác nghiên cứu khoa học pháp lý và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật ở nước ta được đánh giá là một trong những ngành đào tạo phát triển khá chậm trễ. Trường Đại học pháp lý đầu tiên được thành lập vào cuối năm 1948 tồn tại đến năm 1950 nhưng công tác đào tạo hầu như không được thực hiện nhưng do đất nước hoàn cảnh chiến tranh. Đến năm 1976, Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp được thành lập. Ngày 10/11/1979, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 405-CP thành lập trường Đại học pháp lý trên cơ sở thống nhất khoa Pháp lý Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Cao đẳng pháp lý. Cho đến nay, các cơ sở đào tạo luật lớn cần được kể đến là Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội. Chương trình chính của các cơ sở đào tạo này tập trung chủ yếu vào “phần ngọn” của công tác xây dựng pháp luật, bao gồm: lý luận, kỹ thuật xây dựng văn bản và các quy định của pháp luật thực định trong các lĩnh vực chuyên ngành.
Trong nhiều năm qua, công tác tuyển dụng công chức tư pháp được thực hiện chủ yếu từ nguồn sinh viên tốt nghiệp đại học luật. Ngày 26 tháng 7 năm 1993, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 483/TCCB-QĐ ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch công chức hành chính ngành tư pháp với các ngạch chuyên viên cao cấp pháp lý, chuyên viên chính pháp lý, chuyên viên pháp lý, cán sự pháp lý để làm cơ sở cho công tác tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá công chức và kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật. Theo quy định này, trình độ chuẩn đối với công chức làm công tác xây dựng pháp luật là phải có tốt nghiệp đại học luật. Trong thời gian qua, trước yêu cầu đặc thù của công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã bước đầu thực hiện chủ trương đa dạng hoá nguồn tuyển dụng đối với một số vị trí công tác, tuy nhiên, đối với đội ngũ chuyên viên pháp lý, nguồn tuyển dụng hầu hết vẫn là sinh viên mới tốt nghiệp đại học luật.
Có thể nhận thấy, việc đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật được tuyển chọn hầu hết từ những sinh viên mới tốt nghiệp luật không phải là sự đảm bảo tối ưu cho công tác xây dựng pháp luật theo triết lý lập pháp chúng ta đã bàn luận. Tại Hoa Kỳ, đào tạo cử nhân luật được coi là một ngành đào tạo sau đại học sau khi sinh viên đó đã tốt nghiệp một chuyên ngành nhất định. Có như vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể có kiến thức chuyên sâu về bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng và kỹ năng thể hiện, phản ánh đầy đủ, trung thực, khách quan những quy luật đó thành luật thực định. Tại Cộng hòa liên bang Đức, để có thể được tham gia công tác xây dựng pháp luật tại Bộ Tư pháp liên bang, cán bộ phải được lựa chọn từ những người có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm và thâm niên công tác trong các lĩnh vực được Bộ Tư pháp hoặc Đoàn Luật sư các bang lựa chọn, giới thiệu.
Trở lại với triết lý lập pháp chúng ta đã bàn luận: Nắm vững, vận dụng và phản ánh khách quan, đầy đủ, kịp thời những “quy luật nội tại” thành những đạo luật thành văn chính là yêu cầu cốt tuỷ đối với mỗi cán bộ làm công tác pháp luật. Yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới đòi hỏi chúng ta không chỉ phát triển một đội ngũ “chuyên viên pháp lý thuần tuý” mà cần phải có một định hướng lâu dài, một chiến lược dài hạn để xây dựng và phát triển đội ngũ công chức chuyên sâu công tác xây dựng pháp luật trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề trước yêu cầu phát triển của đất nước như năng lượng, tài nguyên, môi trường, kinh tế, tài chính, thậm chí cả các ngành vũ trụ, hạt nhân. Chính vì vậy, việc xác định vị trí việc làm, đặc biệt là xây dựng khung năng lực công chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ càng hơn, lâu dài hơn, bám sát hơn yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách pháp luật trong thời gian tới./.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Chánh VP Tổng cục THADS
Tài liệu tham khảo:
1. Trường Chinh: Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại, Nhà xuất bản Sự thật, năm 1987.
2. Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nhà xuất bản Sự thật, năm 1988.
3. Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Mười, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại Hội nghị Tư pháp năm 1989. Xem: Bộ Tư pháp: Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng - Nhà xuất bản Tư pháp năm 2005.
4. GS.TS. Hoàng Chí Bảo (Chủ biên): Bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia năm 2010.
5. TS. Huỳnh Văn Thới: Pháp luật được “tìm ra” hay “làm ra”, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số ngày 31 tháng 01 năm 2010.
6. Đặng Phong: “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới, Nhà xuất bản Tri thức, năm 2012.
7. Raymond Wacks: Triết học luật pháp, Nxb. Tri thức năm 2011 (bản dịch của Phạm Kiều Tùng).