Điều kiện về mức phạt tù và nhân thân người phạm tội khi áp dụng án treo

02/03/2015
 

Điều kiện áp dụng án treo là những căn cứ pháp lý mà dựa vào những căn cứ này tòa án sẽ xem xét đánh giá rồi đi đến quyết định cho hưởng án treo hay không cho hưởng án treo. Vậy những căn cứ nào là căn cứ để tòa án quyết định cho hưởng án treo?

Trước đây khi chưa có Bộ luật Hình sự, trong một thời gian dài, các tòa án của nước ta đều dựa trên các căn cứ pháp lý được hướng dẫn tại Thông tư số 2308/NCPL ngày 01/12/1961 của Tòa án nhân dân tối cáo “về việc áp dụng án treo”. Cụ thể là: (1) Bị xử hình phạt tương đối nhẹ; (2) Bản chất không nguy hiểm.

Việc quy định các điều kiện này vẫn còn chung chung cho nên việc áp dụng những quy định của pháp luật đã gặp nhiều khó khăn và nhiều khi dẫn đến việc hiểu sai về các điều kiện này; biểu hiện là dù có sự hướng dẫn trong Thông tư về mức phạt tù là từ 3 năm đến 5 năm (chủ yếu áp dụng ở mức 3 năm, cá biệt có thể áp dụng cho mức 5 năm), như vậy sẽ không thống nhất và dễ bị lạm dụng.

 Khi Bộ luật hình sự năm 1985 ra đời, qua các lần sửa đổi thì điều kiện áp dụng án treo đã được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 44 và đã khắc phục được các hạn chế của Thông tư số 2308/NCPL. Cụ thể: “ Khi xử phạt tù không quá năm năm, căn cứ vào thân nhân của người phạm tội và các tìnhtiết giảm nhẹ, nếu xét không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Toà áncho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.”

Kế thừa quy định trên của Bộ luật hình sự năm 1985, khoản 1 Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng quy định:

“1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.”

Theo đó, để cho hưởng án treo, tòa án sẽ phải xem xét 05 điều kiện sau: (1) Điều kiện về mức phạt tù; (2) Điều kiện về nhân thân người phạm tội; (3) Điều kiện về các tình tiết giảm nhẹ; (4) Điều kiện về yêu cầu phòng ngừa tội phạm – xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù.

1. Điều kiện về mức phạt tù

Theo điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP thì điều kiện về mức phạt tù để cho hưởng án treo là “không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng”. Vấn đề đặt ra là cần phải quyết định một hình phạt đúng, việc quyết định một hình phạt đúng sẽ là cơ sở để cho việc cho hưởng án treo hay không? Bởi vì, điều kiện về mức phạt tù là điều kiện đầu tiên, là điều kiện cần thiết để tòa án xem xét khi cho hưởng án treo và một hình phạt đúng là một hình phạt thể hiện được sự tương ứng giữa sự lên án, sự trừng trị của nhà nước với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Như vậy, để quyết định được một hình phạt đúng tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, trước tiên cần phải hiểu hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm là hành vi như thế nào?

Theo Khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999 thì: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”.

Như vậy, những xử sự của con người biểu hiện ra thế giới bên ngoài gây ra nguy hiểm hoặc đe dọa gây ra nguy hiểm cho xã hội đều bị coi là hành vi nguy hiểm, mà tội phạm lại là hành vi nguy hiểm. Những hành vi nguy hiểm bị coi là tội phạm được thể hiện dưới hai dạng là hành động phạm tội và không hành động phạm tội.

- Hành động phạm tôi là một hình thức của hành vi phạm tội là biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, gây thiệt hại cho khách thể qua việc chủ thể làm một việc bị pháp luật cấm.

- Không hành động phạm tội là một hình thức của hành vi phạm tội làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, gây thiệt hại cho khách thể qua việc chủ thể đã không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm.

Tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội là một căn cứ rất quan trọng để xem xét quyết định hình phạt, song phải đặt hành vi phạm tội trong một hoàn cảnh cụ thể, một thời gian cụ thể và trong những điều kiện nhất định mới cho phép xác định được đúng tính chất nguy hiểm này. Tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội được xác định bằng tính chất nguy hiểm và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội là đặc tính về chất của tội phạm cho phép phân biệt tội phạm ở nhóm này với tội phạm ở nhóm khác trong Bộ luật hình sự.

Mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội là đặc tính về lượng của tội phạm cho phép phân biệt mức độ nguy hiểm giữa tội này với tội khác trong cùng một nhóm, hoặc cùng một tội song ở các trường hợp phạm tội khác nhau.

Để đánh giá và xác định đúng tính chất nguy hiểm cũng như mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội thì cần phải xem xét những dấu hiệu nào? Trong thực tiễn cũng như lý luận thì đánh giá và xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cần phải dựa trên các dấu hiệu sau:

- Khách thể của tội phạm là quan hệ được luật hình sự bảo vệ, và mỗi tội phạm đều là những hành vi nguy hiểm xâm hại các quan hệ xã hội này, song một lẽ đương nhiên là không phải tất cả hành vi xâm hại vào các quan hệ xã hội là khách thể của tội phạm đều có mức độ nguy hiểm như nhau, mà chúng có sự khác nhau về mức độ nguy hiểm biểu hiện qua tầm quan trọng của quan hệ xã hội được luật hình sự ưu tiên bảo vệ. Theo như khoản 1 Điều 8 thì những quan hệ xã hội như sự vững mạnh, nền độc lập, chủ quyền… của đất nước là những khách thể có tầm quan trọng bậc nhất, tiếp đến là sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân mối con người là những khách thể cũng rất quan trọng và do đó khi hành vi nguy hiểm xâm hại những quan hệ xã hội này đương nhiên sẽ có tính chất và mức độ nguy hiểm là lớn nhất và hơn hẳn so với các hành vi phạm tội xâm hại vào các quan hệ xã hội khác cũng như được luật hình sự bảo vệ. Nói cách khác thì hành vi phạm tội xâm hại vào khách thể có tầm quan trọng càng lớn thì thể hiện tính chất và mức độ nguy hiểm càng cao.

- Hậu quả của tội phạm cũng là một căn cứ để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, biểu hiện là sự gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, chỉ coi là hậu quả của tội phạm khi đó là những thiệt hại thực tế xảy ra hoặc có khả năng thực tế xảy ra. Hậu quả sẽ nói lên tính chất nguy hiểm rất lớn nếu như hậu quả này là sự thiệt hại của các quan hệ xã hội có tầm quan trọng bậc nhất – sự toàn vẹn lãnh thổ, sự vững mạnh của chính quyền… tính mạng, sức khỏe con người, được gây ra và là kết quả của chính hành vi phạm tội xâm hại vào các quan hệ xã hội này. Mức độ nguy hiểm còn thể hiện ở mức độ của sự thiệt hại (trong trường hợp gây thiệt hại cho con người từ 61% trở lên thì cũng là thể hiện mức độ nguy hiểm cao hơn so với thiệt hại 11%. Việc xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trên dấu hiệu hậu quả của tội phạm, còn phải xác định cả những thiệt hại phi vật chất. Ví dụ, hành vi cướp của giết người, ngoài những thiệt hại về tính mạng, tài sản của nạn nhân còn phải tính đến cả những thiệt hại như sự ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an của địa phương, tâm lý hoang mang trong nhân dân…

- Các giai đoạn thực hiện tội phạm cũng là một trong những dấu hiệu để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, kẻ phạm tội chưa bắt tay vào thực hiện các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm, song nó đã thực hiện những hành vi đi liền trước và chính nhờ những hành vi đi liền trước này (hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiên phạm tội…) mà hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm được thực hiện dễ dàng hơn, và cũng chính vì vậy những hành vi thuộc giai đoạn chuẩn bị phạm tội đã ít nhiều thể hiện mức độ nguy hiểm cho xã hội. Song không phải mọi trường hợp chuẩn bị phạm tội đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà nó phụ thuộc vào tội chuẩn bị thực hiện là tội phạm nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Điều 17 Bộ luật hình sự 1999 quy định: “Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện.” Còn ở giai đoạn phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành thì kẻ phạm tội đã thực hiện được một, một số hoặc tất cả các hành vi mà kẻ phạm tội cho là cần thiết song kẻ phạm tội không thực hiện được đến cùng là vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn. Còn trong trường hợp tội phạm hoàn thành thì kẻ phạm tội đã thực hiện được tất cả các hành vi thuộc mặt khách quan không phụ thuộc vào việc đã đạt được mục đích hay chưa. Tuy nhiên, với mỗi loại cấu thành tội phạm thì có một thời điểm để xác định tội phạm hoàn thành riêng. Cụ thể như trường hợp tội có cấu thành vật chất thì phải xảy ra hậu quả mới được coi là tội phạm đã hoàn thành, song với tội có cấu thành hình thức thì chỉ cần có hành vi thuộc mặt khách quan được thực hiện (có thể là một hành vi hoặc hai hành vi) không cần có hậu quả xảy ra, là tội phạm đã hoàn thành. Như vậy, với các giai đoạn thực hiện tội phạm thì đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của các trường hợp này cần phải nắm vững bản chất của từng vấn đề, rõ ràng trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc tội phạm hoàn thành thì sẽ thể hiện tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội lớn hơn so với những hành vi thuộc giai đoạn chuẩn bị phạm tội… Một điều cần lưu ý là các giai đoạn thực hiện tội phạm chỉ xảy ra trong trường hợp tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Hình thức và mức độ lỗi cũng là những dấu hiệu cần thiết phải được xem xét, đánh giá để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Một hành vi gây thiệt hại cho xã hội chỉ bị coi là hành vi nguy hiểm khi người thực hiện hành vi này có lỗi, bởi vì lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra. Việc đánh giá thái độ tâm lý được dựa trên hai yếu tố lý trí và ý chí: 

Yếu tố lý trí thể hiện năng lực nhận thức thực tại khách quan và yếu tố ý chí thể hiện năng lực điều khiển hành vi trên cơ sở của sự nhận thức. Mọi hành vi có ý thức của con người nhất thiết phải có hai yếu tố này. Vì vậy, một hành vi bị coi là có lỗi nghĩa là quá trình lý trí và ý trí có những đặc điểm phản ánh rằng: chủ thể đã tự lựa chọn và quyết định hành vi xử sự trái với lợi ích xã hội trong khi có đủ điều kiện để quyết định lựa chọn một xử sự khác phù hợp hơn. Lỗi được chia làm hai loại là lỗi cố ý và lỗi vô ý.

Lỗi cố ý là lỗi của một người nhận thức rõ hành vi của mình có tính chất nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

Lỗi vô ý là lỗi của một người do cẩu thả mà không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước hoặc lỗi của một người tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Như vậy thì lỗi cố ý trong hành vi phạm tội thể hiện mức độ nguy hiểm hơn so với lỗi vô ý trong hành vi phạm tội. Một người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý thì dù có thể hậu quả chưa xảy ra đã đủ cấu thành tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội với lỗi vô ý thì dứt khoát phải có hậu quả xảy ra mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 108 Bộ luật hình sự 1999) thì thiệt hại ở đây phải từ 31% sức khỏe trở lên mới tính đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự còn nếu chưa đến thì xử lý bằng biện pháp khác.

Bên cạnh việc xem xét hình thức lỗi thì xem xét mức độ lỗi cũng sẽ giúp cho việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Đánh giá mức độ lỗi là đánh giá thái độ tâm lý của con người – sự thiếu thận trọng, sự cẩu thả trong khi thực hiện hành vi, thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác. Một người phạm tội liên tục hoặc thể hiện sự cố ý phạm tội đến cùng thì cũng có nghĩa thể hiện một mức độ lỗi cố ý rất nghiêm trọng. Ví dụ, Lê Văn Tr sinh năm 1977 ở tỉnh H, một ngày  trong tháng 4/2014 sau khi cùng một số thanh niên xem phim đồi trụy, kích dục, Tr đã hiếp dâm em C - 16 tuổi rồi giết chết em C và em ruột của C mới 14 tuổi, sau đó nghiêm trọng hơn y còn định dùng búa định giết một em gái nữa của C mới 6 tuổi – trường hợp này thể hiện một mức độ lỗi đặc biệt nghiêm trọng nói lên tính chất và mức độ nguy hiểm rất cao trong hành vi giết người dã man không còn một chút nhân tính.

Về hình thức của lỗi thì lỗi còn được chia ra làm lỗi cố ý trực tiếp, lỗi cố ý gián tiếp, lỗi vô ý vì quá tự tin và lỗi vô ý do cẩu thả. Việc phân chia này rất có ý nghĩa trong việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong các trường hợp phạm tội cụ thể.

Trong trường hợp đồng phạm thì việc đánh giá mức độ lỗi dựa trên nguyên tắc đánh giá chung về hành vi của từng người, hành vi của cả nhóm…, sự liên kết và mức độ thực hiện hành vi của cá nhân và cả nhóm, đảm bảo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự.

Một căn cứ nữa cần phải được xem xét đánh giá trong quá trình xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đó là hình thức phạm tội. Việc phạm tội chỉ do một người thực hiện hay là dưới hình thức đồng phạm (hoặc phạm tội có tổ chức) và một điều tất yếu là việc phạm tội có tổ chức thì tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm sẽ rất lớn so với trường hợp phạm tội một người. Bởi vì trong quá trình phạm tội chúng dựa vào nhau, củng cố cho nhau về mặt tinh thần, tự tin hơn đồng thời trước đó chúng đã có sự bàn bạc, tính toán việc phạm tội, bổ sung những thiếu xót cho nhau… Và vì vậy việc phạm tội sẽ rất nguy hiểm, thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt hơn…, thiệt hại xảy ra chắc chắn là lớn hơn. Chính vì vậy, luật hình sự nước ta trừng trị nghiêm khắc kẻ chủ mưu, cầm đầu trong hình thức phạm tội có tổ chức.

Bên cạnh các dấu hiệu cơ bản đã được phân tích ở trên giúp cho việc đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội từ đó quyết định được một hình phạt đúng làm tiền đề cho việc cho hưởng án treo hay không, thì còn một loạt các dấu hiệu như thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội, thời gian, hoàn cảnh, động cơ, mục đích của việc thực hiện tội phạm. Các dấu hiệu này không phải là bắt buộc phải có trong mọi cấu thành tội phạm, song sự hiện diện của nó trong các trường hợp phạm tội cụ thể và trong một số tội việc xuất hiện một vài dấu hiệu này (mục đích, địa điểm, động cơ thực hiện tội phạm…) là bắt buộc, có ý nghĩa rất lớn trong việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Một người phá hoại đường dây điện thoại của nhà nước qua đó đạt mục đích chống chính quyền nhân dân thì rõ ràng mục đích của việc phạm tội trong trường hợp này, thể hiện mức độ nguy hiểm rất lớn so với trường hợp vì không có sự hiểu biết mà lấy trộm dây điện thoại về làm dây phơi quần áo và lẽ đương nhiên hai trường hợp này sẽ thuộc vào hai tội khác nhau. Kẻ phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì động cơ phạm tội biểu hiện tính chất và mức độ nguy hiểm không lớn lắm so với trường hợp giết người vì động cơ đê hèn.

Như vậy, khi quyết định một hình phạt tòa án cần nắm vững những căn cứ, dấu hiệu đã phân tích ở trên với sự đánh giá, xem xét, cân nhắc kỹ càng từng chi tiết trong mối quan hệ tác động lẫn nhau từ đó mới đi đến một quyết định đúng được. Tuy nhiên, một điều không thể thiếu được là tòa án còn phải nắm vững các quy định khác trong Bộ luật hình sự quy định về các trường hợp phạm tội mà kẻ phạm tội là người chưa thành niên, về độ tuổi, về các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự, về các quy định trong từng điều luật cụ thể của phần các tội phạm, các quy định về nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng cũng rất có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Trên cơ sở nắm vững các tình tiết này, tòa án sẽ xem xét, đối chiếu và đi đến quyết định hình phạt thực sự tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội từ đó tạo tiền đề cho việc xem xét cho hưởng án treo. Việc quyết định hình phạt đúng sẽ là nhân tố quan trọng đối với việc cho hưởng án treo và phát huy được tính tích cực của chế định án treo vì người được hưởng án treo cảm thấy mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của mình.

Đối chiếu với mức phạt tù mà luật định cùng với sự phân tích các dấu hiệu để các định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, thì có thể khẳng định là án treo được áp dụng đối với các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, thiệt hại xảy ra không lớn, hoặc đã được bồi hoàn, kẻ phạm tội có nhân thân tốt và phạm tội trong trường hợp có các tình tiết giảm nhẹ. Thực tiễn vận dụng án treo thì đa số các tòa án của ta đã nắm vững đường lối, phương hướng cho hưởng án treo. Đa số bị cáo được tòa án cho hưởng án treo đều phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng song hành vi phạm tội trong thực tế chỉ ở trường hợp ít nghiêm trọng và có nhân thân tốt và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.  

Việc quyết định hình phạt đúng sẽ tạo điều kiện cho việc xem xét cho hưởng án treo hay không song cần phải tránh tình trạng cho rằng án treo chỉ áp dụng với tội ít nghiêm trọng (vì mức hình phạt để xem xét cho hưởng án treo là “không quá 3 năm”), hoặc tình trạng có ý định cho hưởng án treo sẵn từ trước nên khi quyết định hình phạt cố tình hạ xuống 3 năm trong khi đáng lẽ ra là phải phạt trên 3 năm, hoặc cũng vì không muốn cho hưởng án treo nên hành vi phạm tội chỉ cần tuyên một hình phạt tù trong một thời gian ngắn (ví dụ 06 tháng) nên đã tăng mức phạt tù lên để không cho hưởng án treo. Vì vậy đã không thực sự tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tạo cảm giác mình bị trừng trị quá nặng trong kẻ phạm tội (vì hậu quả pháp lý của án treo là rất nghiêm khắc), không đạt được mục đích cải tạo, giáo dục. Chính vì điều này mà cần có sự phân biệt giữa việc quyết định hình phạt và việc cho hưởng án treo: như đã trình bày ở trên, việc cho hưởng án treo là một quá trình được thực hiện làm 2 bước: bước 1. Là quyết định hình phạt, bước 2. Là xem xét, đánh giá về nhân thân, về các tình tiết giảm nhẹ, xét yêu cầu phòng ngừa tội phạm… Khi thỏa mãn các điều kiện đặt ra thì quyết định cho hưởng án treo. Như vậy thì việc quyết định hình phạt chỉ là một bước trong việc cho hưởng án treo, do đó không thể nhập hai bước này làm một, hoặc làm ngược lại nghĩa là cho hưởng án treo rồi mới quyết định hình phạt, mà bao giờ cũng phải lên một mức hình phạt tù tương ứng với hành vi phạm tội rồi sau đó mới có thể xem xét cho hưởng án treo.

Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP thì khi quyết định hình phạt phải tuân thủ nguyên tắc xử lý quy định tại Điều 3 của Bộ luật hình sự kết hợp với các căn cứ quyết định hình phạt quy định tại Điều 45 của Bộ luật hình sự; không được cho rằng án treo là một loại hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù để tăng hình phạt lên cao hơn các trường hợp khác không có căn cứ và cho hưởng án treo; không được tùy tiện giảm mức hình phạt tù không có căn cứ để đủ điều kiện về mức hình phạt tù quy định tại Điều 60 của Bộ luật hình sự và cho hưởng án treo.

Tóm lại, việc đánh giá đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội từ đó quyết định được một hình phạt đúng là tiền đề cho việc xem xét quyết định cho hưởng án treo hay không. Mặt khác, điều kiện về mức phạt tù “không quá 3 năm tù” không có nghĩa là tất cả những người bị tòa tuyên phạt 3 năm tù trở xuống đều có thể cho hưởng án treo. Đây mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là đủ, cần phải hội đủ những điều kiện khác nữa.

2. Điều kiện về nhân thân người phạm tội

Vấn đề nhân thân người phạm tội là một vấn đề được nhiều ngành khoa học xã hội nghiên cứu như triết học, tội phạm học, khoa học về điều tra hình sự… và luật hình sự. Tuy nhiên, mỗi ngành khoa học này tiếp cận, nghiên cứu vấn đề nhân thân người phạm tội dưới những góc độ khác nhau và phục vụ cho yêu cầu riêng của mỗi ngành.

Tội phạm học tiếp cận nghiên cứu vấn đề nhân thân người phạm tội qua đó đánh giá những yếu tố nào thuộc về nhân thân người phạm tội có ảnh hưởng trực tiếp đến việc phạm tội, thúc đẩy cho việc phạm tội được thực hiện từ đó đưa ra những kiến nghị, những giải pháp đấu tranh và phòng ngừa tội phạm từ khía cạnh nhân thân.

Khoa học điều tra hình sự lại tiếp cận nghiên cứu vấn đề nhân thân người phạm tội dưới góc độ xem xét các dấu hiệu về nhân thân để từ đó xây dựng nên các giả thiết điều tra, kiểm tra các giả thiết điều tra phục vụ cho công tác đấu tranh chống tội phạm.

Nhân thân người phạm tội là một căn cứ quan trọng trong khi xác định trách nhiệm hình sự và có vai trò quan trọng trong việc quyết định hình phạt. Chính vì thế, nó được coi là một dấu hiệu bắt buộc phải xem xét trong căn cứ quyết định hình phạt quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự năm 1999, và cũng bởi tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội không chỉ thể hiện ở chỗ hành vi phạm tội đã thực hiện, mà còn biểu hiện ở chỗ trong những điều kiện nhất định, người phạm tội có tiếp tục thực hiện tội phạm nữa không. Chính bởi xuất phát từ điều này mà vấn đề nhân thân người phạm tội được coi là một điều kiện để xem xét cho hưởng án treo.

Vậy nhân thân là gì? Xuất phát từ quan điểm của Mác coi “bản chất của con người không  phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”[1].

Luật hình sự Việt Nam coi: “nhân thân người phạm tội được hiểu là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của họ. Những đặc điểm đó có thể là tuổi, nghề nghiệp, thái độ làm việc, thái độ trong quan hệ với người khác, trình độ văn hóa, lối sống, hoàn cảnh gia đình, đời sống kinh tế, thái độ chính trị, ý thức pháp luật, tôn giáo, tiền án tiền sự…”[2]

Như vậy, nhân thân người phạm tội là tổng hợp những đặc điểm nói lên chất của một con người, những đặc điểm này có ảnh hưởng nhất định đến hành vi phạm tội và khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội.

Vậy thì “căn cứ vào nhân thân” khi xem xét cho hưởng án treo là đánh giá, xem xét những đặc điểm nào? Đó là:

- Những đặc điểm mang tính pháp lý là những đặc điểm có ảnh hưởng trực tiếp đến tội phạm như là phạm tội lần đầu hay tái phạm; tái phạm nguy hiểm, đã có tiền án tiền sự chưa, là người chưa thành niên hay đã thành niên…

Bên cạnh đó cũng cần xem xét đến những đặc điểm tuy không mang tính chất pháp lý nhưng có tính chất bền vững nói lên bản chất của người phạm tội như các đặc điểm về ý thức chính trị, ý thức lao động, trình độ nhận thức, hiểu biết xã hội hoặc các đặc điểm có liên quan đến đối tượng thuộc chính sách lớn của nhà nước như người phạm tội thuộc dân tộc ít người, là người có công với cách mạng, bản thân là thương binh… hoặc là các đặc điểm phản ánh hoàn cảnh thực tế của gia đình như phụ nữ nuôi con nhỏ, bị bệnh hiểm nghèo… Những đặc điểm này trong nhiều trường hợp có ý nghĩa quan trọng khi đánh giá về nhân thân người phạm tội.

Tóm lại thì nhân thân người phạm tội là tổng hợp tất cả những đặc điểm có ảnh hưởng nhất định đến hành vi phạm tội và khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội.

Mặt khác, xuất phát từ bản chất của chế định án treo là không bắt người phạm tội phải cách ly ra khỏi đời sống xã hội mà để họ tự giáo dục, cải tạo… tuy nhiên người phạm tội phải như thế nào thì để được nhà nước mà ở đây là tòa án có thể tin rằng họ sẽ tự cải tạo, giáo dục? và một trong những cơ sở để tòa án tin họ sẽ tự cải tạo, giáo dục chính là tòa án đã “căn cứ vào nhân thân người phạm tội” bởi vì nhân thân với các đặc điểm như đã trình bày ở trên, mặc dù không phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm song nó có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội, định khung hình phạt, quyết định hình phạt.

Và pháp luật quy định khi tòa án xem xét cho hưởng án treo cũng chính là đặt ra nhiệm vụ cho tòa án đánh giá nhân thân người phạm tội có ảnh hưởng đến tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội như thế nào? Bởi vì giữa một người bình thường và hành vi của họ thực hiện bao giờ cũng có quan hệ với nhau, có thể là cùng một hành vi song ở người này nó là sự ngẫu nhiên, vô tình song ở người khác lại là một sự sắp đặt tinh vi, biểu hiện bản chất người phạm tội. Do đó, một hành vi phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm như thế nào một phần cũng phụ thuộc vào bản chất của người phạm tội. Một người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm quy định trong cấu thành tội phạm tăng nặng của tội cướp tài sản thì điều đó nói lên rằng bản chất của con người này rất nguy hiểm, tư tưởng phạm tội cùng với sự coi thường pháp luật ăn sâu vào ý thức của người đó, và điều đó cũng có nghĩa là nhân thân của ngươi này rất xấu. Giải quyết vấn đề nhân thân giúp cho việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội xác thực hơn bởi vì chính việc “căn cứ vào nhân thân người phạm tội” là tòa án đã giải quyết mối quan hệ giữa hành vi phạm tội được thực hiện với con người phạm tội đã có hành vi đó, điều này giúp cho tòa án đánh giá được bản chất của người phạm tội từ đó có thể đánh giá được khả năng tự cải tạo, giáo dục của họ.

Bên cạnh đó, qua nghiên cứu vấn đề nhân thân, giải quyết mối quan hệ giữa hành vi phạm tội và con người phạm tội sẽ giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và tòa án nói riêng có thể xác định được một số vấn đề trong cấu thành tội phạm như lỗi, mục đích, động cơ của người phạm tội. Việc làm sáng tỏ được một số dấu hiệu này có một ý nghĩa quan trọng trong quá trình tòa án xem xét, đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, từ đó quyết định một hình phạt hợp lý và cũng là cơ sở giúp cho tòa án đánh giá về khả năng giáo dục, cải tạo người phạm tội.

Chính vì vậy, việc đánh giá, xem xét vấn đề nhân thân người phạm tội là một nguyên tắc khi quyết định hình phạt nói chung và là một điều kiện bắt buộc khi xem xét cho hưởng án treo nói riêng bởi vì nghiên cứu về nhân thân chính là giải quyết mối quan hệ giữa hành vi của người phạm tội và con người phạm tội này, từ đó đánh giá được bản chất của người phạm tội qua tính chất nguy hiểm và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Một con người có bản chất nguy hiểm, có nhân thân xấu thì đương nhiên một điều là trong hành vi phạm tội của mình sẽ thể hiện tính nguy hiểm hơn những người khác cũng thực hiện hành vi như vậy. Điều này được minh chứng qua việc pháp luật hình sự quy định một số dấu hiệu về nhân thân thể hiện tính chất và mức độ nguy hiểm trong một số cấu thành tội phạm tăng nặng là các tình tiết tiết định khung tăng nặng như tình tiết tái phạm nguy hiểm trong tội cướp tài sản… Việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hành vi phạm tội và con người phạm tội, qua đó đánh giá được nhân thân người phạm tôi có ý nghĩa như thê nào với tính chất, mức độ nguy hiểm trong hành vi phạm tội. Và điều cơ bản là tòa án sẽ đánh giá được khả năng người phạm tội có tiếp tục phạm tội nữa không. Chính qua việc nghiên cứu nhân thân và chủ yếu qua việc đánh giá nhân thân, tòa án sẽ có được những cơ sở chắc chắn nhất để đánh giá về khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội bởi vì sự đánh giá này được xuất phát từ bản chất của con người phạm tội.

Bằng sự phân tích như trên thể hiện sự ảnh hưởng của nhân thân đến tính chất nguy hiểm và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đồng thời đánh giá được khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội. Vậy để được hưởng án treo – người phạm tội không phải cách ly khỏi xã hội và tự cải tạo giáo dục thì phải có nhân thân như thế nào?

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NĐ-CP thì có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật.

Trường hợp người phạm tội có án tích nhưng đã được xóa án tích, được đương nhiên xóa án tích thì coi là chưa bị kết án; đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật thì được coi là chưa bị xử lý hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật, nhưng không phải là có nhân thân tốt. Việc cho hưởng án treo đối với những trường hợp này phải hết sức chặt chẽ. Chỉ có thể xem xét cho hưởng án treo khi thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Người bị kết án từ trên 3 năm tù đến 15 năm tù về tội do cố ý (kể cả trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều tội hoặc nhiều bản án) mà thời gian được xóa án tích tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 2 năm;

+ Người bị kết án đến 3 năm tù về tội do cố ý mà thời gian được xóa án tích tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 1 năm;

+ Người bị kết án về các hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ mà thời gian được xóa án tích tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 1 năm;

+ Người bị kết án về các tội do vô ý mà đã được xóa án tích;

+ Người đã bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc từ hai lần trở lên mà thời gian được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 2 năm;

+ Người đã bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc một lần và có nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 2 năm;

+ Người đã bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc mà thời gian được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 18 tháng;

+ Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật từ hai lần trở lên mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 18 tháng;

+ Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật về hành vi có cùng tính chất với hành vi phạm tội lần này mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 1 năm;

+ Người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 6 tháng;

+ Người đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính;

Theo như hướng dẫn của Nghị quyết trên, điều kiện về nhân thân để một người phạm tội được hưởng án treo là họ phải có nhân thân tốt, nhưng để đánh giá một người có nhân thân tốt thì phải là sự đánh giá cả một quá trình về thái độ của kẻ phạm tội trước, trong và sau khi phạm tội trong mối quan hệ với nhau.

Sự đánh giá người phạm tội trước, trong và sau khi phạm tội sẽ có được một kết quả đúng đắn và khách quan nhất, bởi vì trong nhiều trường hợp kẻ phạm tội sau khi phạm tội thì tỏ vẻ thật thà, ăn năn, hối cải nhưng đó chỉ là biểu hiện bên ngoài nhằm che đậy bản chất bên trong hòng đánh lừa cơ quan điều tra và mong được coi đấy là tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào sự đánh giá ở góc độ này sẽ dẫn đến cái nhìn phiến diện và không thấy được bản chất nguy hiểm của kẻ phạm tội, vì những tên như vậy cũng chứng tỏ rằng chúng có kinh nghiệm đối phó với cơ quan điều tra, xét xử… Như vậy thì một lẽ đương nhiên là không thể cho người phạm tội có bản chất nguy hiểm thể hiện một quá khứ với nhiều tiền án, tiền sự trước khi phạm tội thể hiện sự tính toán sắp đạt tinh vi xảo quyệt, trong khi phạm tội thì cố ý thực hiện tội phạm đến cùng, thủ đoạn và hành vi phạm tội thể hiện sự dã man, côn đồ, khi bị bắt thì quanh co, gian dối… được hưởng án treo; nó cho thấy con người phạm tội này với bản chất nguy hiểm như vậy sẽ không thể tự giáo dục, cải tạo chính mình được mà cần những hình phạt nghiêm khắc hơn. Việc chỉ cho những người vì hoàn cảnh khó khăn mà nhất thời phạm tội, phạm tội lần đầu, thủ đoạn phạm tội đơn giản, đã tự nguyện bồi thường và có thái độ ăn năn, hối cải thực sự về hành vi phạm tội của mình, được hưởng án treo sẽ phát huy được tác dụng tích cực của chế định này.

Một vấn đề quan trọng trong việc đánh giá về nhân thân người phạm tội đó là dấu hiệu tuổi (vấn đề này có một ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội) và sự đánh giá về khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội nhất là những trường hợp mà kẻ phạm tội là người chưa thành niên. Bởi vì độ tuổi chính là cơ sở để tòa án đánh giá khả năng nhận thức về hành vi nguy hiểm mà người phạm tội đã thực hiện, và độ tuổi chưa thành niên phản ánh rằng người phạm tội chưa có sự nhận thức đầy đủ, suy nghĩ chín chắn khi thực hiện hành vi, nhiều khi chỉ vì bộc phát, bị rủ rê lôi kéo mà chưa thấy được tác hại của hành vi mà mình gây ra. Chính vì điều này mà luật hình sự nước ta quy định, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.

Do đó, khi xem xét nhân thân thì tòa án cũng cần phải xem xét về độ tuổi, đặc biệt là trong các vụ án mà người phạm tội là người chưa thành niên để coi đây là một tình tiết giảm nhẹ thuộc về nhân thân, mà từ đó lượng hình thích hợp và cũng coi đây là một trong những dấu hiệu để đánh giá về khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội mà xem xét cho họ hưởng án treo. Bởi nếu chỉ vì bộc phát nông nổi hoặc bị rủ rê lôi kéo mà không ý thức được hành vi của mình thì họ cũng dễ dàng nhận ra sai lầm của mình và khả năng tự cải tạo, giáo dục dưới sự giám sát của chính quyền sẽ dễ đạt được ở những người chưa thành niên. Và trước mắt họ vẫn là quãng đời dài, việc tạo cho họ điều kiện dễ dàng tìm lại chỗ đứng trong xã hội trở thành người lương thiện, đồng thời tránh được những hậu quả tiêu cực, những ảnh hưởng xấu của chế độ tù giam là một sự cần thiết.

Thực tiễn vận dụng án treo đã chứng tỏ một điều là đa số các tòa án của ta đánh giá và xem xét vấn đề nhân thân người phạm tội khi quyết định hình phạt cũng như khi xem xét cho hưởng án treo là chính xác.

 
Nguyễn Thị Giang

[1] C. Mác, F.Ang-ghen Tuyển tập, tập 1, NXB. Sự thật, Hà Nội 1980, tr. 257.

[2] Giáo trinh Luật Hình sự Việt Nam – phần chung, Đại học Luật Hà Nội - 1994, tr. 127.