Đề xuất sửa đổi tội Mua bán người và tội Mua bán trẻ em trong Bộ luật hình sự

10/01/2013
Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự (BLHS) vào năm 2009, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất sửa tội Mua bán phụ nữ (quy định tại Điều 119) thành tội Buôn bán người (BBN) theo hướng tiếp thu các chuẩn mực quốc tế quy định về loại tội phạm này.

Tuy nhiên, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS được ban hành, Điều 119 chỉ được sửa đổi theo hướng bổ sung đối tượng của tội phạm là nam giới từ đủ 16 tuổi trở lên (sửa tên điều luật từ “Tội mua bán phụ nữ” thành “Tội mua bán người”) và thêm một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, còn cấu thành tội phạm về cơ bản vẫn giữ nguyên. Việc sửa đổi như vậy chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu đấu tranh chống tội phạm BBN và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Hơn nữa, cách đây hơn một năm, vào ngày 29/12/2011, Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc BBN, đặc biệt là phụ nữ trẻ em. Vì thế, trong lần sửa đổi toàn diện BLHS tới đây, việc sửa đổi, bổ sung Điều 119 và Điều 120 tiếp tục được đặt ra nhằm khắc phục những khiếm khuyết nội tại của hai điều luật này, đồng thời để bảo đảm tính tương thích giữa quy định của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ nêu, phân tích và so sánh quy định pháp luật quốc tế và Việt Nam về khái niệm/cấu thành tội phạm BBN/MBN, chỉ ra những điểm bất cập trong quy định của pháp luật Việt Nam và đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung tội Mua bán người (MBN) và Mua bán trẻ em (MBTE) trong BLHS.

1. Quy định của pháp luật quốc tế về khái niệm BBN 

Tại Điều 3 Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội BBN, đặc biệt là phụ nữ trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (sau đây gọi tắt là Nghị định thư về chống BBN) có đưa ra khái niệm “buôn bán người”[1], theo đó, tùy vào việc đối tượng bị buôn bán là người đã thành niên hay trẻ em mà các yếu tố cấu thành tội phạm có sự khác nhau, cụ thể:

a) Trường hợp buôn bán người đã thành niên:

- Đối tượng bị buôn bán: người lớn (cả nam lẫn nữ, từ đủ 18 tuổi trở lên).

- Hành vi: thực hiện một trong các hành vi: tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp (che giấu), tiếp nhận.

- Phương thức, thủ đoạn: sử dụng một trong các phương thức, thủ đoạn: đe dọa, sử dụng bạo lực; ép buộc, bắt cóc; lừa gạt, man trá; lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương của nạn nhân; cho hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người kiểm soát đối với một người khác. (Lưu ý: khi một người sử dụng các phương thức, thủ đoạn này để thực hiện các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, nhận người thì mặc dù có sự đồng ý của nạn nhân vẫn bị coi là BBN).

- Mục đích: bóc lột nạn nhân (bóc lột - exploitation ở đây có thể hiểu là khai thác sức lao động hoặc khai thác bản thân nạn nhân) bao gồm các hình thức bóc lột mại dâm hoặc các hành vi bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hay lấy các bộ phận cơ thể.

b) Trường hợp buôn bán trẻ em:

- Đối tượng bị buôn bán: trẻ em (cả nam lẫn nữ dưới 18 tuổi).

- Hành vi: thực hiện một trong các hành vi: tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp (che giấu), tiếp nhận.

- Phương thức, thủ đoạn: không phải là yếu tố bắt buộc. Chỉ cần có hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận một đứa trẻ nhằm mục đích bóc lột thì sẽ bị coi là BBN, ngay cả khi hành vi này được thực hiện mà không cần dùng đến bất kỳ một phương thức, thủ đoạn nào được nêu trên. Sự đồng ý của trẻ em là vô hiệu trong mọi trường hợp.

- Mục đích: bóc lột nạn nhân (bóc lột mại dâm hoặc các hành vi bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hay lấy các bộ phận cơ thể).

Quy trình BBN có thể được mô tả bằng sơ đồ sau đây:

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định thư về chống BBN, bất kỳ hành vi nào, trừ hành vi bóc lột, trong chuỗi hành vi thuộc quy trình BBN, nếu được thực hiện bằng một trong các thủ đoạn nêu trên và vì một trong các mục đích bóc lột nêu trên thì đều bị coi là hành vi BBN. Việc không quy định hành vi bóc lột là một trong những hành vi khách quan của tội BBN sẽ cho phép trừng trị sớm hành vi BBN khi bóc lột mới chỉ nằm trong ý đồ của kẻ phạm tội. 

2. Quy định của pháp luật Việt Nam về tội phạm MBN, MBTE:

Ở Việt Nam, MBN được hiểu là việc “coi người như một loại hàng hóa để trao đổi bằng tiền hoặc lợi ích vật chất khác”[2].

BLHS năm 1999 (sửa đổi năm 2009) không có điều luật nào quy định về tội BBN mà chỉ có 2 điều luật quy định về Tội mua bán người (Điều 119)[3] và Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120)[4].

Các yếu tố cấu thành tội phạm MBN và MBTE bao gồm:

  Tội MBN (Điều 119) Tội MBTE (Điều 120)

- Khách thể của tội phạm

 

+ Con người (cả nam và nữ) từ đủ 16 tuổi trở lên bị coi là hàng hóa để mua bán, trao đổi kiếm lời;

+ Tội phạm xâm phạm quyền bất khả xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do của con người.

+ Con người (cả nam và nữ) dưới 16 tuổi.

 

+ Tội phạm xâm hại quyền tự do thân thể, danh dự, nhân phẩm của trẻ em và quyền được chăm sóc, giáo dục của trẻ em.

- Mặt khách quan của tội phạm

+ Thể hiện ở hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi, mua bán người/trẻ em như một thứ hàng hóa.

+ Hậu quả của hành vi MBN là con người bị đem ra mua bán, trao đổi như hàng hóa, danh dự nhân phẩm bị trà đạp, bị cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục.

- Chủ thể của tội phạm

Là người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự

- Mặt chủ quan của tội phạm

+ Tội phạm thực hiện do lỗi cố ý.

+ Điều luật không quy định động cơ, mục đích phạm tội (hành vi MBN, MBTE vì động cơ, mục đích gì đều là phạm tội)

Như vậy, các yếu tố cấu thành tội MBN và MBTE theo quy định của BLHS là tương tự như nhau. Độ tuổi của nạn nhân chỉ có ý nghĩa đối với việc xác định mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Nếu nạn nhân là người lớn (đủ 16 tuổi trở lên) thì kẻ phạm tội sẽ bị xử lý theo Điều 119 - Tội mua bán người. Nếu nạn nhân là trẻ em (người dưới 16 tuổi) thì kẻ phạm tội sẽ bị xử lý theo Điều 120 - Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em với khung hình phạt nặng hơn.

3. So sánh quy định về tội phạm “MBN” của Việt Nam và quy định về tội phạm BBN tại Điều 3 Nghị định thư về chống BBN.

Nghiên cứu các quy phạm pháp luật của Việt Nam có liên quan đến tội MBN và MBTE đặt trong mối tương quan so sánh với pháp luật quốc tế cho thấy các quy định về tội phạm MBN của Việt Nam mặc dù có một số điểm tương đồng với quy định về tội phạm BBN của quốc tế, nhưng cũng còn nhiều điểm chưa tương thích, tập trung vào một số vấn đề sau:

a) Về hành vi:

“MBN” theo pháp luật Việt Nam chỉ bao gồm 2 loại hành vi “mua” và “bán” (tức là việc dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để đổi lấy người), không bao gồm các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người (là những hành vi khác bên cạnh hành vi mua bán xảy ra trong toàn bộ quá trình BBN được bao hàm trong định nghĩa về BBN tại Điều 3 Nghị định thư về chống BBN). Pháp luật Việt Nam coi hành vi tuyển mộ, vận chuyển, đưa chuyển, chứa chấp (che giấu) và tiếp nhận là các hành vi giúp sức và tạo điều kiện cho việc MBN. Trên thực tế, những người thực hiện các hành vi nêu trên sẽ bị trừng trị theo các quy định pháp luật tương ứng (Ví dụ: bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật). Trong trường hợp chứng minh được một người thực hiện hành vi tuyển mộ, vận chuyển,  chứa chấp hoặc tiếp nhận người với mục đích MBN đó thì họ sẽ bị xử lý về tội MBN với vai trò đồng phạm.

b) Về phương thức, thủ đoạn:

Pháp luật Việt Nam không quy định phương thức bọn tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, hay nói cách khác là động cơ, mục đích, thủ đoạn không phải là yếu tố bắt buộc để cấu thành tội phạm MBN. Điều này có nghĩa là chỉ cần có hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để đổi lấy người là sẽ cấu thành tội MBN, kể cả trong trường hợp nạn nhân hoàn toàn đồng ý với việc mua bán (mặc dù điều này trong thực tiễn hầu như không xảy ra, nạn nhân chỉ có thể đồng ý ban đầu do nhận thức sai về việc mình bị mua bán chứ nếu biết hoàn cảnh thật thì họ không bao giờ đồng ý).

Trong khi đó, Nghị định thư về chống BBN quy định các hành vi nói trên phải được thực hiện theo các phương thức như: đe dọa sử dụng, sử dụng bạo lực hay các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc cho hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người kiểm soát đối với những người khác (nghĩa là hành vi BBN xảy ra một cách trái ý muốn của nạn nhân). Trong trường hợp đối tượng bị xâm hại là trẻ em thì không cần tính đến việc bọn tội phạm có sử dụng hay không sử dụng các phương thức này, nghĩa là trong trường hợp trẻ em hoàn toàn đồng tình với hành vi của bọn tội phạm thì vẫn coi là buôn bán trẻ em nếu có hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, tiếp nhận, che giấu trẻ em... nhằm mục đích bóc lột.

c) Về mục đích: yếu tố “để bóc lột”:

Theo Nghị định thư về chống BBN thì mục đích “để bóc lột” là một trong những yếu tố bắt buộc cấu thành khái niệm BBN. Trong khi đó, theo pháp luật hình sự Việt Nam thì chỉ cần có hành vi chuyển giao người/trẻ em từ một người/nhóm người này sang một người/nhóm người khác để đổi lấy tiền hoặc lợi ích vật chất (coi người như một loại hàng hóa để trao đổi bằng tiền hoặc lợi ích vật chất khác) là đã thỏa mãn cấu thành tội phạm MBN/MBTE mà không cần phải có mục đích “để bóc lột”[5] .

d) Về đối tượng bị buôn bán:

- Đối tượng bị buôn bán/mua bán theo quy định của Nghị định thư về chống BBN và pháp luật Việt Nam bao gồm cả nam giới, phụ nữ, trẻ em.

- Định nghĩa “trẻ em” của pháp luật Việt Nam chưa tương thích với Nghị định thư, pháp luật Việt Nam coi trẻ em là người dưới 16 tuổi, trong khi đó theo Nghị định thư thì trẻ em là người dưới 18 tuổi.

4. Những điểm bất cập trong yếu tố cấu thành MBN, MBTE trong BLHS:

Kết quả so sánh quy định về tội phạm “MBN” của Việt Nam và tội phạm BBN tại Điều 3 Nghị định thư về chống BBN cho thấy yếu tố cấu thành của tội MBN và MBTE trong BLHS còn nhiều bất cập, cụ thể:

- Một là, BLHS quy định MBN, MBTE chỉ bao gồm 2 loại hành vi là “mua” và “bán”, trong khi MBN là cả một quá trình bao gồm một chuỗi hành vi bắt đầu từ “tuyển mộ” đến “vận chuyển”, “chuyển giao”, “chứa chấp (che giấu)” và cuối cùng là “tiếp nhận” người. Quy định như vậy đã dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc phát hiện, điều tra và xử lý loại tội phạm này, trong nhiều trường hợp dẫn đến bỏ lọt tội phạm, vì việc tìm ra các chứng cứ để chứng minh đối tượng có hành vi “mua” và “bán” (dùng tiền/lợi ích vật chất khác để đổi lấy người) không phải dễ dàng. Nhiều nạn nhân bị bắt cóc, lừa gạt, mua đi bán lại nhiều lần nhưng ngay bản thân nạn nhân cũng ít khi biết được là mình đã bị bán với giá bao nhiêu tiền. Có một số trường hợp, cơ quan điều tra giải cứu được nạn nhân khỏi cơ sở mại dâm, nạn nhân khai đã bị bắt cóc và bị đưa sang một cơ sở mại dâm bên kia biên giới và bị buộc phải bán dâm (tức là có dấu hiệu của hành vi tuyển mộ, vận chuyển, bóc lột nạn nhân), nhưng vì không có bằng chứng chứng minh việc trao người - nhận tiền nên không xử lý được về tội MBN hoặc chỉ có thể xử lý về một số tội khác có mức hình phạt nhẹ hơn tội MBN (chứa mại dâm, bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật,...).  

- Hai là, Điều 119 và Điều 120 không quy định thủ đoạn, phương thức mà bọn tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, trong khi đây chính là những yếu tố quan trọng giúp phân biệt giữa hành vi MBN với một số hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác (VD: tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, chứa mại dâm, môi giới mại dâm,…) cũng như một số hành vi không bị coi là tội phạm (VD: môi giới kết hôn, môi giới lao động, môi giới nhận nuôi con nuôi…), vì giữa các hành vi này có nhiều điểm khá tương đồng (đều là chuyển giao người để lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác). Bên cạnh đó, việc không quy định thủ đoạn, phương thức phạm tội khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất khi xử lý những trường hợp MBN mà đối tượng được mua bán hoàn toàn tự nguyện. (VD: một cô gái vì muốn được ra sinh sống ở nước ngoài và có một khoản tiền phụ giúp bố mẹ nên đã đồng ý để một người môi giới đưa mình sang Hàn Quốc kết hôn; người môi giới và bố mẹ cô gái đều được người đàn ông Hàn Quốc trả một khoản tiền). Trong trường hợp này, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất về việc có nên xử lý về tội MBN hay không.

- Ba là, yếu tố để phân biệt tội MBN theo Điều 119 và tội MBTE theo Điều 120 chỉ là sự khác biệt về độ tuổi của người bị mua bán, trong khi mức độ nguy hiểm những tội phạm nhằm vào trẻ em còn thể hiện ở cả cách thức thực hiện tội phạm.

- Bốn là, Điều 119 và Điều 120 không quy định mục đích “bóc lột” là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, trong khi đây chính là yếu tố lột tả bản chất nguy hiểm của loại tội phạm BBN với tính chất là loại tội phạm nhằm vào con người, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm, danh dự và quyền tự do của con người. Cái “lợi” mà bọn tội phạm hướng tới khi thực hiện loại tội phạm này không phải chỉ là khoản tiền/lợi ích thu được từ việc mua bán người mà là những lợi ích lớn và lâu dài thu được từ việc bóc lột nạn nhân (bóc lột mại dâm, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể,..). Mặt khác, mục đích “bóc lột” còn là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt tội phạm MBN với một số tội phạm khác (Ví dụ: tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép). Thực tế điều tra, truy tố, xét xử thời gian qua cũng cho thấy có những trường hợp môi giới lao động, môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài, cho nhận con nuôi (người nhận nuôi có đưa cho bố mẹ đẻ của đứa trẻ một số tiền), về hình thức thì hoàn toàn đủ dấu hiệu cấu thành của Điều 119 hoặc Điều 120, nhưng “nạn nhân” trong những trường hợp này lại không bị thiệt hại gì, thậm chí còn có cuộc sống đầy đủ, sung sướng hơn so với trước khi bị bán. Đối với những trường hợp mà người bị mua bán không bị bóc lột như vậy thì nếu xử lý về tội MBN hay MBTE có phần khiên cưỡng và không phục vụ được mục đích đấu tranh phòng, chống tội phạm.

5. Kiến nghị sửa đổi Điều 119, 120 BLHS:

Để bảo đảm tính tương thích giữa quy định của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh chống tội phạm MBN, cần nghiên cứu sửa đổi cấu thành tội phạm MBN và MBTE theo hướng:

- Thứ nhất, hành vi MBN và MBTE cần được mô tả bao gồm bất cứ hành vi nào trong quy trình MBN, từ tuyển mộ, vận chuyển đến chuyển giao, chứa chấp (che giấu), nhận người.

- Thứ hai, những hành vi trên phải được thực hiện bằng những thủ đoạn như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay các thủ đoạn ép buộc khác, lừa gạt, lạm dụng quyền lực, lợi dụng tình trạng quẫn bách hay bất kỳ thủ đoạn nào khác để bóc lột nạn nhân trái với ý muốn của họ. Yếu tố này không áp dụng trong trường hợp đối tượng bị mua bán là người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi).

- Thứ ba, bổ sung mục đích “bóc lột” (bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hay các hình thức bóc lột khác) là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

Việc quy định yếu tố cấu thành của điều luật như trên sẽ góp phần khắc phục được cơ bản những khó khăn, vướng mắc khi định tội danh mà hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng đang gặp phải trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội MBN, đồng thời lột tả rõ bản chất nguy hiểm của tội phạm MBN như đã phân tích ở trên./.

Ths.Nguyễn Hải Anh, Văn phòng luật sư Vũ Tuấn Nghĩa và đồng nghiệp


[1] Điều 3 Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội BBN, đặc biệt là PNTE, bổ sung cho Công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia quy định:

a) “BBN” được hiểu là “việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách đe dọa, sử dụng bạo lực hay các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc cho hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người kiểm soát đối với những người khác vì mục đích bóc lột.

Hành vi bóc lột ở đây ít nhất là bao gồm bóc lột vì mục đích mại dâm hoặc các hành vi bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hay lấy các bộ phận cơ thể.

b) Việc một nạn nhân của việc BBN chấp nhận sự bóc lột có chủ ý được nêu tại Khoản a trên đây sẽ không được tính đến nếu bất kỳ một cách thức nào nêu trong Khoản a đã được sử dụng.

c) Việc tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận trẻ em nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là BBN ngay cả khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ một cách thức nào được nói tại Khoản a trên đây”.

d) “Trẻ em” có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi.

[2] Điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ

[3] Điều 119. Tội mua bán người

1. Người nào mua bán người thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm:

a) Vì mục đích mại dâm;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

đ) Để đưa ra nước ngoài;

e) Đối với nhiều người;

g) Phạm tội nhiều lần.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”

[4] Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em 

1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

 “2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Đối với nhiều trẻ em;

đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

e) Để đưa ra nước ngoài;

g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;

h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;

i) Tái phạm nguy hiểm;

k) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.”

[5] Khoản 1, Điều 119 BLHS quy định: “1. Người nào mua bán người thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. Nếu có thêm các mục đích: mại dâm, để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, để đưa ra nước ngoài thì người phạm tội sẽ bị xử lý về tội mua bán người với khung hình phạt nặng hơn quy định tại Khoản 2 Điều này.