Bàn về mối quan hệ phối hợp trong công tác tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự

05/01/2013
Thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp, bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Nhận thức tầm quan trọng của công tác thi hành án dân sự, từ khi thực hiện đường lối đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác THADS nói chung và việc hoàn thiện hệ thống tổ chức cán bộ THADS nói riêng thông qua việc ban hành Pháp lệnh THADS năm 1989, năm 1993, năm 2004 và gần đây nhất là Luật THADS năm 2008 thay thế Pháp lệnh THADS năm 2004. Luật THADS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng làm cơ sở cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự, theo đó hệ thống tổ chức THADS từ Trung ương đến địa phương đã được nâng lên một vị thế mới.

Thực hiện Luật THADS năm 2008, ngày 09/9/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan THADS và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Công tác tổ chức, cán bộ THADS để chuyển đổi và kiện toàn hệ thống tổ chức, cán bộ THADS theo quy định mới được xác định là một bộ phận quan trọng trong công tác tổ chức, cán bộ của Bộ. Trong công tác này, sự phối hợp giữa Tổng cục THADS  với tư cách là cơ quan trực tiếp giúp Bộ trưởng quản lý thống nhất tổ chức và hoạt động của THADS với các đơn vị, đặc biệt là Vụ Tổ chức cán bộ với tư cách là đơn vị tham mưu, giúp Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng quản lý về tổ chức cán bộ của Bộ là một yêu cầu bảo đảm sự thống nhất về tổ chức cán bộ THADS với tổ chức cán bộ của Bộ.

Trước khi có Luật THADS và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP của Chính phủ, theo Pháp lệnh THADS năm 2004 và Nghị định số 50/2005/NĐ-CP của Chính phủ, sự phối hợp giữa Vụ Tổ chức cán bộ và Cục THADS của Bộ Tư pháp (nay là Tổng cục Thi hành án dân sự) chưa được quy định cụ thể và trên thực tế sự phối hợp chỉ được thực hiện đối với những nội dung công tác tổ chức, cán bộ THADS có liên quan đến chế độ, chính sách chung của Bộ hoặc tham gia ý kiến theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ. Đối với việc quản lý đội ngũ cán bộ THADS địa phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp giúp Bộ trưởng quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của các cơ quan THADS địa phương theo Quyết định số 1148/2005/QĐ-BTP ngày 18/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Vụ Tổ chức cán bộ không phối hợp trực tiếp mà chỉ gián tiếp phối hợp với Cục THADS (nay là Tổng cục Thi hành án dân sự) trong một số nội dung quản lý cán bộ như biên chế, tiêu chuẩn chức danh và chế độ, chính sách chung đối với cán bộ thi hành án dân sự.

Kể từ khi có Luật THADS năm 2008 và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP của Chính phủ, sự phối hợp giữa Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục THADS được tăng cường và nâng cao hơn trước để đáp ứng yêu cầu kiện toàn tổ chức, cán bộ THADS theo quy định mới. Với vai trò là đơn vị giúp việc Ban cán sự Đảng Bộ trong công tác tổ chức, cán bộ, Vụ Tổ chức cán bộ được giao trách nhiệm phối hợp với Tổng cục THADS tham mưu, giúp Ban cán sự Đảng Bộ xem xét, quyết định các nội dung công tác cán bộ đối với các đối tượng cán bộ lãnh đạo THADS thuộc thẩm quyền quản lý của Ban cán sự Đảng quy định tại Quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng (ban hành kèm theo Quyết định số 32-QĐ/BCS ngày 211/4/2010 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp). Theo quy định này, Vụ Tổ chức cán bộ có nhiệm vụ giúp Ban cán sự Đảng thực hiện quản lý đối với các chức danh cụ thể như sau:

- Tổng cục trưởng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự;

- Vụ trưởng và tương đương của Tổng cục Thi hành án dân sự;

- Cục Trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tiếp theo, ngày 11/10/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 17/2010/TT-BTP quy định phân cấp quản lý công chức, công chức lãnh đạo cơ quan quản lý THADS và cơ quan thi hành án dân sự, trong đó đã dành riêng 01 điều (Điều 7) để quy định rõ trách nhiệm của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp trong công tác tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự. Theo quy định này, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

1. Giúp Bộ trưởng kiểm tra việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ Tư pháp về công tác tổ chức, cán bộ; báo cáo, kiến nghị Bộ trưởng quyết định xử lý sai phạm về quản lý công chức, công chức lãnh đạo đã phân cấp cho Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.

2. Chủ trì phối hợp với Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS đề xuất ý kiến trình Bộ trưởng xem xét quyết định về cán bộ lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự.

3. Phối hợp với Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự:

- Xây dựng kế hoạch biên chế của Tổng cục THADS và các cơ quan THADS địa phương để trình Bộ trưởng xem xét, báo cáo Bộ Nội vụ theo quy định của pháp luật;

- Chuẩn bị hồ sơ, hoàn tất thủ tục và đề xuất ý kiến trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét quyết định quản lý công chức, công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Tổng Cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương, Phó Vụ trưởng và tương đương, ngạch Thẩm tra viên chính, Chuyên viên chính và ngạch công chức tương đương khác thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự);

- Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức, công chức lãnh đạo dài hạn và hàng năm của ngành Thi hành án dân sự.

4. Trình Bộ trưởng quyết định việc chọn, cử cán bộ ngành THADS đi học tập, công tác ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

5. Quản lý hồ sơ công chức, công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

6. Kiểm tra công vụ hoặc phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra theo quy định của pháp luật đối với các nội dung đã phân cấp.

Đây chính là cơ sở pháp lý xác định phạm vi, nội dung phối hợp giữa Vụ Tổ chức cán của Bộ và Tổng cục THADS trong quá trình thực hiện các nội dung công tác tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự.

Thực hiện các nhiệm vụ được Ban cán sự Đảng và Bộ trưởng giao, trong thời gian qua Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục THADS đã có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện công tác tổ chức, cán bộ THADS và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nhanh chóng kiện toàn tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ THADS theo quy định mới của Luật THADS và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP của Chính phủ:

- Trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về tổ chức, cán bộ, Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục THADS đã phối hợp xây dựng, trình Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng xem xét, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản về tổ chức, cán bộ THADS  như: Các quyết định về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu chức danh lãnh đạo của các cơ quan thi hành án dân sự; Thông tư số 17/2010/TT-BTP ngày 11/10/2010 của Bộ Tư pháp quy định phân cấp quản lý công chức, công chức lãnh đạo cơ quan quản lý THADS và cơ quan thi hành án dân sự; Thông tư số 09/2012/TT-BTP ngày 01/9/2012 của Bộ Tư pháp quy định trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức công chức lãnh đạo cấp Vụ thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự; lãnh đạo Cục, lãnh đạo các phòng chuyên môn và tương đương thuộc Cục Thi hành án dân sự; lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự;  Thông tư số 10/2012/TT-BTP ngày 15/10/2012 của Bộ Tư pháp về tổ chức thi tuyển vào ngạch chấp hành viên sơ cấp; phần phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ lãnh đạo THADS trong Nghị định số 14/2012/NĐ-CP ngày 07/3/2012 của Chính phủ về sửa đổi Điều 7 Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/02/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Mục I Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

- Trong công tác tổ chức, Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục THADS đã phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức của Tổng cục và các Cục THADS theo yêu cầu công tác; hoàn thiện các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; xây dựng Quy chế phối hợp giữa cơ quan tư pháp và cơ quan THADS trong việc giúp Ủy ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ quản lý THADS tại địa phương; đề xuất với Lãnh đạo Bộ triển khai các nhiệm vụ thi hành án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính nhằm bảo đảm kịp thời triển khai nhiệm vụ khi Luật có hiệu lực...

- Trong công tác cán bộ, sự phối hợp giữa Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục THADS được thực hiện trong các khâu của công tác cán bộ từ tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cho đến thực hiện chế độ, chính sách cán bộ THADS theo phạm vi, thẩm quyền được giao:

+ Trong tuyển dụng công chức thi hành án dân sự, Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục THADS đã phối hợp chặt chẽ để tổ chức chức thành công kỳ thi tuyển chấp hành viên sơ cấp đầu tiên trong toàn quốc, tạo tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự. Ngoài ra, Vụ Tổ chức cán bộ còn phối hợp với Tổng cục THADS trong việc tham mưu, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tuyển dụng cán bộ THADS địa phương.

+ Trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo thi hành án dân sự, Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục THADS đã phối hợp tham mưu, giúp Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ ban hành các kế hoạch, văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan THADS địa phương tổ chức thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo THADS giai đoạn 2012 - 2015 và xây dựng quy hoạch giai đoạn 2016 - 2021, bảo đảm thực hiện đồng bộ với quy hoạch chung của Bộ và theo đúng quy định của Hướng dẫn mới - số 15-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương.

+ Trong công tác bổ nhiệm, luân chuyển, bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo thi hành án dân sự, đây là nội dung phối hợp chủ yếu và thường xuyên giữa Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục Thi hành án dân sự. Với vai trò là đơn vị tham mưu, giúp việc Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng trong công tác cán bộ và trên cơ sở quy định của Thông tư số 17/2010/TT-BTP, Vụ Tổ chức cán bộ đã chủ trì phối hợp với Tổng cục THADS tham mưu, đề xuất bổ nhiệm, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp Tổng cục và cấp Vụ của Tổng cục Thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm năng lực chỉ đạo, điều hành hoạt động THADS của Tổng cục THADS trong vai trò, vị thế mới. Đặc biệt, Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục THADS đã thường xuyên phối hợp để tham mưu, giúp Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ khẩn trương hoàn thành việc chuyển đổi, kiện toàn tổ chức, cán bộ lãnh đạo các cơ quan THADS địa phương sang hệ thống tổ chức và chức danh lãnh đạo mới theo quy định của Luật THADS và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm kịp thời ổn định tổ chức, cán bộ THADS và triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định mới. Đồng thời, đã phối hợp chặt chẽ trong công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các Cục THADS cấp tỉnh, quan tâm tới việc rà soát, phát hiện những địa phương có khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ để tham mưu, đề xuất giúp Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ có phương án bổ sung, bố trí, sắp xếp lại cán bộ lãnh đạo Cục THADS cho phù hợp.

+ Trong công tác biên chế, Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp với Tổng cục THADS tham mưu, đề xuất việc bổ sung, tăng cường biên chế cho các cơ quan THADS địa phương để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ được giao. Năm 2012, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ đã phân bổ bổ sung 763 chỉ tiêu biên chế cho Ngành THADS để triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành án hành chính.

+ Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục THADS đã phối hợp tham mưu, đề xuất đổi mới, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thi hành án dân sự: nâng cao trách nhiệm của Tổng cục THADS trong quản lý kinh phí, xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; ưu tiên kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho khối THADS (năm 2012 là 50% tổng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của Bộ); tập trung đầu mối đào tạo, bồi dưỡng cán bộ THADS về Học viện Tư pháp để bảo đảm tính thống nhất, bài bản và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường mở các lớp bồi dưỡng cả về kiến thức quản lý, chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ; đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng hoàn thiện tiêu chuẩn về tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ chấp hành viên mới được chuyển ngạch, bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, đào tạo sau đại học và các chuyên môn, nghiệp vụ khác cho các công chức thi hành án dân sự.

+ Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, công chức lãnh đạo THADS thuộc diện Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng quản lý được Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục THADS phối hợp chặt chẽ để tham mưu thực hiện, bảo đảm công bằng, khách quan, có lý, có tình.

+ Trong công tác thanh tra, Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp với Tổng cục THADS và Thanh tra Bộ tham gia vào việc xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến các các chức danh lãnh đạo THADS thuộc diện quản lý của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng.

Có thể nói, trong thời gian qua, kể từ khi Luật THADS và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, mối quan hệ phối hợp trong công tác tổ chức, cán bộ THADS giữa Tổng cục THADS và Vụ Tổ chức cán bộ được xác định rõ ràng về nội dung, trách nhiệm và đạt nhiều kết quả tích cực trong quá trình thực hiện, góp phần hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, công chức lãnh đạo của hệ thống thi hành án dân sự. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, mối quan hệ phối hợp giữa Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục THADS trong công tác tổ chức, cán bộ THADS thời gian qua cũng bộc lộ một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như sau:

- Sự phối hợp trong xây dựng, ban hành một số văn bản về tổ chức cán bộ THADS vẫn còn chậm, như: quy định về vị trí việc làm, cơ cấu công chức thi hành án dân sự; tuyển dụng thư ký thi hành án; tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo thi hành án dân sự; nghị quyết của Ban cán sự Đảng về công tác tổ chức cán bộ thi hành dân sự…;

 - Mối quan hệ phối hợp trong công tác kiện toàn tổ chức bộ máy chưa được thể hiện rõ nét trong việc nghiên cứu, đề xuất kiện toàn tổ chức THADS theo yêu cầu cải cách tư pháp đặt ra trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;

- Việc phối hợp trong công tác cán bộ có lúc, có việc còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, dẫn đến việc việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo Cục THADS ở một số địa phương còn chậm, chất lượng chưa đạt được như mong muốn; chưa có những giải pháp để phối hợp chặt chẽ khắc phục việc thiếu nguồn tuyển dụng ở các địa phương vùng sâu, vùng xa;

- Phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa mang tính chiến lược, trọng tâm trọng điểm, dẫn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng còn dàn trải, chưa bài bản, còn lúng túng, chưa gắn với quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ và chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu vị trí việc làm;

 - Việc phối hợp trong công tác kiểm tra tổ chức, cán bộ THADS còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân của những khó khăn, tồn tại, hạn chế nêu trên là do:

- Quá trình phối hợp còn có lúc có việc Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục THADS chưa thực sự chủ động phối hợp thực hiện theo thẩm quyền, trách nhiệm được giao, từ đó ảnh hưởng tới việc kiện toàn tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự;

- Chưa có cơ chế đầy đủ và hiệu quả để bảo đảm chất lượng tham gia phối hợp của Vụ Tổ chức cán bộ trong công tác tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự, đặc biệt là trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo các Cục Thi hành án dân sự. Hiện nay, Vụ Tổ chức cán bộ chủ yếu chỉ tham gia ý kiến trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ và các thông tin tự tìm hiểu;

- Trong một số nội dung công tác cán bộ thi hành án dân sự, như: bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo các Cục Thi hành án dân sự, sự tham gia phối hợp của Vụ Tổ chức cán bộ có lúc còn bị động hoặc chưa thực sự chủ động trong việc cập nhật thông tin, tình hình; ngoài ra, việc tham gia ý kiến của Vụ Tổ chức cán bộ trong một số trường hợp yêu cầu về thời gian là rất gấp, phần nào làm ảnh hưởng tới chất lượng của các ý kiến tham gia.

Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục THADS trong công tác tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự, góp phần kiên toàn hệ thống tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ THADS trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới Vụ Tổ chức cán bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục THADS để đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu trong công tác tổ chức, cán bộ THADS như sau:

- Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục THADS tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác tổ chức, cán bộ thi hành án nhằm thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tích cực tham gia cùng Tổng cục THADS xây dựng các quy định về vị trí việc làm, cơ cấu công chức thi hành án dân sự; hoàn thành việc xây dựng tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo thi hành án dân sự; quy định nội dung, cách thức tuyển dụng thư ký thi hành án dân sự;

- Phối hợp xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS sau khi Nghị định thay thế Nghị định số 93/2008/NĐ-CP được ban hành và tổ chức thực hiện Quyết định; kiện toàn tổ chức của Tổng cục THADS và các đơn vị thuộc Tổng cục bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị THADS từ trung ương tới địa phương theo hướng bảo đảm phân công rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, không trùng lặp, chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ;

- Khẩn trương phối hợp trình Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng xem xét, quyết định điều chỉnh, bố sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo giai đoạn 2012-2015 và quyết định quy hoạch giai đoạn 2016-2021; đẩy mạnh công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo thi hành án phù hợp với yêu cầu công tác; tiếp tục rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan THADS ở các địa phương hiện nay đang có khó khăn, vướng mắc về nhân sự; đẩy mạnh phối hợp trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự;

- Tăng cường công tác kiểm tra công tác tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự; đề xuất xử lý nghiêm các cán bộ trong Ngành THADS có vi phạm trong công tác cán bộ và thực thi công vụ theo thẩm quyền được giao;

- Nghiên cứu, có cơ chế để tạo điều kiện cho Vụ Tổ chức cán bộ tham gia hiệu quả hơn trong việc nắm bắt tình hình, cập nhật thông tin, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ THADS của các địa phương, từ đó nâng cao chất lượng tham gia ý kiến và phối hợp, đặc biệt là trong công tác bổ nhiệm, kiện toàn cán bộ lãnh đạo các Cục Thi hành án dân sự;

- Tăng cường tính chủ động phối hợp của Vụ Tổ chức cán bộ và Tổng cục THADS để kịp thời tham mưu, đề xuất với Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ trong việc kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ THADS và nâng cao vị thế của hệ thống thi hành án dân sự./.

Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp