Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho học sinh trong nhà trường

13/12/2012
Hiện nay trong xã hội của chúng ta đã và đang xuất hiện một bộ phận học sinh không xác định được cho mình mục đích sống đúng đắn, thiếu hiểu biết pháp luật như tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vi phạm pháp luật về hình sự, mà đặc biệt là phạm tội về trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, giao cấu với trẻ em, hiếp dâm… ngày càng gia tăng, điều đó đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải có sự quan tâm thực sự của toàn xã hội và cần phải tăng cường trợ giúp pháp lý kịp thời cho nhóm đối tượng này.

Đặc điểm chung của lứa tuổi học sinh là lứa tuổi chưa có sự phát triển hoàn thiện về cả sinh lý, tâm lý và nhận thức, đây là lứa tuổi đang trong quá trình phát triển để hoàn thiện. Các em thích thể hiện cái tôi, thích làm những việc khác người hoặc quá mức bình thường như là một cách để tự khẳng định mình đã là người lớn. Các em cũng rất dễ bị kẻ xấu kích động, lôi kéo, xúi giục hoặc a dua làm những việc trái pháp luật, các em vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của các hành vi vi phạm pháp luật.

Trợ giúp pháp lý cho học sinh trong nhà trường nhằm định hướng cho các em rèn luyện, nâng cao nhận thức pháp luật, hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật và các quy tắc, chuẩn mực ứng xử trong đời sống xã hội, sống có trách nhiệm với bản thân. Đồng thời, khi các em đã mắc phải sai lầm, vi phạm pháp luật thì cần phải kịp thời giúp đỡ, giáo dục để các em nhận ra được hành vi sai trái của mình, ăn năn, hối cải, tích cực học tập, lao động, cải tạo trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Vì vậy trong thời gian qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Trà Vinh đã chủ động phối hợp với Phòng Tư pháp và Phòng Giáo dục – Đào tạo các huyện, thành phố tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật cho học sinh tại các trường Trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiệu quả của các hoạt động nêu trên cho đến nay vẫn còn rất khiêm tốn. Để công tác trợ giúp pháp lý cho học sinh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, thiết nghĩ chúng ta cần phải xác định rõ trách nhiệm cụ thể và thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sau đây:

- Cần phải xác định nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho học sinh là nhiệm vụ chung của mọi gia đình, nhà trường, Đoàn thanh niên và của toàn xã hội. Mỗi cơ quan ban ngành cần đẩy mạnh công tác phối hợp để cùng nhau giúp đỡ các em có điều kiện tiếp cận pháp luật tốt nhất.

- Trung tâm trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh trực thuộc Trung tâm cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể xã hội để thực hiện trợ giúp pháp lý cho học sinh cụ thể:

+ Phối hợp với các Phòng Tư pháp, Phòng Giáo dục - Đào tạo, Đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật, các buổi nói chuyện pháp luật. Tại các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật, các buổi nói chuyện pháp luật người thực hiện trợ giúp pháp lý cần nêu ra các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, các vụ án cụ thể liên quan đến độ tuổi của các em. Đồng thời cần làm rõ cho các em thấy được nguyên nhân dẫn đến những hành vi phạm tội ở lứa tuổi của các em nhằm mục đích thu hút các em lắng nghe và giải thích cho các em biết mình cần phải đến nơi nào khi mình gặp vướng mắc về pháp luật. Đặc biệt là cử người bào chữa, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các em thuộc diện người được trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn.

+ Phía nhà trường, Đoàn thanh niên cần tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa pháp luật cho học sinh của trường

- Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần phải thực hiện tối đa vai trò của mình, thực sự là “tế bào của xã hội”, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với nhà trường, các tổ chức đoàn thể trong việc định hướng, giáo dục pháp luật cho con em mình. Khi có con em vi phạm pháp luật thì gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, chính quyền, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các tổ chức trợ giúp pháp lý để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ thích hợp.

Giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các em học sinh hiện nay là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết. Công việc này khó khăn và đòi hỏi sự tham gia tích cực của gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội, trong đó có vai trò của các cấp chính quyền, các tổ chức trợ giúp pháp lý.

Cũng có thể nói, trợ giúp pháp lý cho các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thực hiện tốt hoạt động này sẽ giúp xây dựng một môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, giúp các em rèn luyện bản thân, tự bảo vệ quyền lợi của chính mình đồng thời rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và ứng xử tốt để có nền tảng vững chắc tiến bước vào đời./.