Lỗi là một dấu hiệu quan trọng thuộc mặt khách quan của tội phạm. Theo quan điểm được thừa nhận chung trong khoa học pháp lý thì lỗi trong luật hình sự là lỗi của một chủ thể khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, trước hết được hiểu là quan hệ giữa chủ thể phạm tội với xã hội được thể hiện qua các đòi hỏi cụ thể của pháp luật hình sự. Điều đó có nghĩa là lỗi bao giờ cũng đi liền với hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chủ thể thực hiện tội phạm muốn đạt được mục đích thì phải thực hiện hành vi, khi thực hiện hành vi, chủ thể thực hiện có sự lựa chọn và quyết định. Lựa chọn của họ là lựa chọn có ý thức. Khi đó họ có quyền lựa chọn tuân thủ pháp luật hay chống đối lại pháp luật. Do vậy, không thể nói đến lỗi khi không có một hành vi xẩy ra.
Từ đó có thể khái quát về lỗi trong luật hình sự như sau: Lỗi chính là thái độ tâm lý (nhận thức và ý chí) của chủ thể đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
Trên cơ sở cách nhận thức về lỗi như trên, chúng tôi sẽ đi vào phân tích quan điểm của những người ủng hộ và phản đối thiết lập trách nhiệm hình sự của pháp nhân như sau:
1- Quan điểm phản đối thiết lập trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Từ nhận thức, lỗi là thái độ tâm lý (nhận thức và ý chí) của chủ thể phạm tội đối với hành vi mà chủ thể đó thực hiện và đối với hậu quả do hành vi đó gây nên, những người theo quan điểm này cho rằng pháp nhân không có thể xác và cũng không có linh hồn, nó chỉ là những cấu trúc pháp lý được thiết lập nhằm phục vụ các lợi ích cá nhân của những thành viên của pháp nhân. Các nghị quyết, các quyết định của pháp nhân chỉ là kết quả của con số cộng các ý chí cá nhân của các thành viên chứ không phải từ sự mong muốn của chính bản thân pháp nhân. Do vậy, không thể quy kết "hành vi" của pháp nhân nếu có, xuất phát từ "ý chí và nhận thức" của chính pháp nhân. Đó chỉ là ý chí của những con người cụ thể mà thôi. Những con người cụ thể ở đây chính là những cá nhân cấu thành một pháp nhân nào đó, họ có thể là những nhân viên thừa hành, những người lãnh đạo, quản lý đại diện cho pháp nhân hay nhân danh pháp nhân thực hiện một công việc cụ thể. Quá trình thực hiện các công việc nhân danh pháp nhân, họ được lựa chọn giữa việc tuân thủ hay chống đối pháp luật. Nếu họ lựa chọn chống đối pháp luật là hoàn toàn do ý thức của họ/là lỗi của cá nhân.
Cũng từ nhận thức cho rằng pháp nhân là một thực thể trừu tượng, là tập hợp của những cá nhân cụ thể, do đó pháp nhân không thể tự mình thực hiện hành vi của mình. Các hoạt động của pháp nhân chính là hành vi của những cá nhân cụ thể, ở đây là các nhân viên, đại diện của pháp nhân. Khi pháp nhân không thể tự mình thực hiện hành vi thì không thể nói là pháp nhân có lỗi, vì lỗi luôn luôn đi liền với hành vi cụ thể.
Friedrich Carl von Savigny (1779 - 1861) một học giả người Đức, trong một số nghiên cứu của mình ông đã nhấn mạnh: Pháp nhân chỉ là một thực thể trừu tượng sự tồn tại thực tế của nó dựa trên các quyết định của một hoặc một số những người đại diện mà chiểu theo sự trừu tượng được xem như là các quyết định của chính bản thân pháp nhân, một sự đại diện như thế, loại trừ ý chí theo đúng nghĩa. Như vậy, có thể nói là không có lỗi nào có thể được quy kết cho pháp nhân - một thực thể trừu tượng không có nhận thức và cũng không thể có ý chí.
Nói tóm lại, theo quan điểm này thì nếu đối với các thể nhân, có thể quy kết hành vi vật chất khách quan của vụ việc phạm tội và thái độ chủ quan tội lỗi của chính họ cho mỗi tội phạm thì đối với pháp nhân là không phù hợp, vì không có thể hành động trực tiếp, không có sự bấu víu trực tiếp nào vào thực tế khách quan và thiếu tự do ý chí, khả năng nhận thức nên nó (pháp nhân) về bản chất là những thực thể không tương thích cho việc thực hiện hành vi phạm tội và vì vậy nó (pháp nhân) không thể có lỗi trong hành vi của mình.
2- Quan điểm đồng ý thiết lập trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Những người theo quan điểm đồng ý thiết lập trách nhiệm hình sự của pháp nhân cho rằng pháp nhân là một thực thể có thực (giống như thể nhân), có ý thức và có thể thực hiện hành vi của mình; và khi thực hiện hành vi thì nó cũng sẽ có thể có lỗi.
Tại sao nói pháp nhân là một thực thể có thật, chúng tôi xin tóm tắt lại những phân tích của những người ủng hộ quan điểm này, đó là bởi vì: pháp nhân có những đặc tính không đổi được thừa nhận chung, có sự tồn tại thực tế của nó trong mối quan hệ với các thành viên của pháp nhân. Về thực tế, pháp luật đã ghi nhận nó trên phương diện pháp lý; pháp nhân có thể tự quyết định một cách tự do và theo đuổi những mục tiêu cụ thể của mình và độc lập với những lợi ích của các cá nhân tạo nên pháp nhân đó. Nói cách khác, các pháp nhân mặc dù bao gồm các cá nhân nhưng được hình thành bởi những lợi ích tập trung và được pháp nhân thông qua các cấu trúc pháp lý xác định. Trong các pháp nhân, những định hướng chủ đạo thể hiện những mục tiêu của chính mỗi tập thể được đưa ra không chỉ hoàn toàn giới hạn bởi tổng số các ý chí riêng của các thành viên tập đoàn. Pháp nhân hoàn toàn có ý chí của riêng mình bởi vì nó sinh ra, tồn tại và phát triển bằng sự gặp gỡ giữa các ý chí cá nhân của các thành viên của mình.
Trong cuốn "The civil law system - an introduction to the comparative study of law", các tác giả Arthur Taylor Von Mehren & James Russell Gordley cho rằng “Pháp nhân không phải là một thể nhân, mà là một pháp nhân - tập hợp của nhiều người - được pháp luật trao cho tư cách của một người trong các quan hệ pháp luật”.
Denning LJ, một thẩm phán nổi tiếng người anh trong một phiên tòa xét xử tranh chấp giữa hai công ty tại Anh vào năm 1957 đã có một nhận định mà sau này thường được dẫn chứng để nói về tư cách của pháp nhân, đó là: "Một công ty dưới góc độ nào đó nó giống như cơ thể con người. Nó có bộ não, có hệ thần kinh trung ương kiểm tra những gì nó làm. Nó cũng có tay để cầm công cụ và hành động theo các mệnh lệnh của hệ thần kinh trung ương”.
Chúng tôi cũng xin nhắc lại quan điểm của GS-TSKH Đào Trí Úc khi bàn về vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân ông cũng cho rằng: "Hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể do một tập thể gây ra do kết quả của việc đưa ra những quyết định sai trái. Một số tội phạm, trên thực tế, cũng có thể do cá nhân hoặc pháp nhân gây ra". Theo ông, pháp nhân có thể là chủ thể của một số loại tội phạm cụ thể như tội phạm về môi trường, tội phạm về kinh tế, bởi những tội này hoàn toàn có thể là kết quả của hành vi tập thể của xí nghiệp công nghiệp, đơn vị kinh doanh nào đó.Theo PGS-TS Phạm Hồng Hải thì: "Trong quan hệ pháp luật hình sự, người đứng đầu hoặc người đại diện của pháp nhân và pháp nhân không thể chịu trách nhiệm hình sự thay nhau. Người đứng đầu hoặc người đại diện đồng thời phải chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi của họ được thực hiện trong phạm vi được ủy quyền. Pháp nhân không chịu trách nhiệm hình sự cùng người đứng đầu hoặc người đại diện nếu hành vi phạm tội của người này nằm ngoài sự ủy quyền của pháp nhân. Ngược lại, người đứng đầu hoặc đại diện của pháp nhân chỉ có thể phải chịu trách nhiệm hành chính hay kỉ luật về hành vi phạm tội của pháp nhân nếu họ không có lỗi hình sự đối với hành vi đó".
Cũng trong bài viết này, mặc dù chúng tôi không có ý định bình luận về việc các nhà làm luật của Việt Nam ủng hộ quan điểm nào, tuy nhiên xin trích dẫn một số quy định hiện hành để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về vai trò, tư cách của pháp nhân theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam: Tại điều 84 Bộ Luật dân sự của Việt Nam quy định pháp nhân được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Tại điều 93 Bộ Luật dân sự của Việt Nam quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân; pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình, không chịu trách nhiệm thay cho thành viên của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân; thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện.
Như vậy, những người theo quan điểm ủng hộ việc thiết lập trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân cho rằng pháp nhân rõ ràng là một thực thể có ý chí, có mong muốn riêng của mình, được xử sự tự do và hưởng quyền tự chủ của chủ thể có thể so sánh với quyền tự chủ của cá nhân và vì vậy, có năng lực thực hiện tội phạm một cách có lỗi và đương nhiên có thể bị xử lý về hình sự. Như đã phân tích ở phần đầu, lỗi trong luật hình sự là thể hiện tự do ý chí của chủ thể (tự do lựa chọn hành vi trái pháp luật, gây hại cho quan hệ xã hội trong khi có tự do và có khả năng lựa chọn hành vi hợp pháp) thì pháp nhân cũng hoàn toàn tự do khi lựa chọn hành vi của mình. Vì vậy, trừ một số tội phạm được kết tội khách quan (strict liability) ở một số quốc gia theo hệ thống common law, việc quy kết trách nhiệm hình sự cho pháp nhân là hoàn toàn hợp lý trên cơ sở lỗi chứ không phải là quy tội khách quan.
Như vậy, một lần nữa từ cùng một dấu hiệu, những người theo quan điểm ủng hộ và phản đối có những lập luận hết sức khác nhau về vấn đề thiết lập hay không trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Điều này cho chúng ta thấy tính chất phức tạp của vấn đề trên. Với những tổng hợp hết sức sơ lược, chúng tôi hy vọng đã mang đến cho bạn đọc một góc nhìn nữa về chủ đề này.
Ths Vũ Hoài Nam - NXB TP - Bộ Tư pháp
Tài liệu tham khảo:
- M.F.C Von Savigny, Traité de droit romain, trad;
- A. Braas, Précis de droit criminel, Bruxlles- liège, Bruylant;
- Haus, Principes généraux de droit pénal belge, Gand, Librairie générale ad. hoste;
- Arthur Taylor Von Mehren & James Russell Gordley, The civil law system - an introduction to the comparative study of law, second edition, little, Brown & company. Boston & Toronto, 1977.
- H.L. Bolton (eningeering) Company ltd. v. T.J. Graham &Son ltd (1957)
- Từ điển Luật học, Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, NXBTP-NXBTĐBK năm 2006;
- Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999;
- Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, NXBTP, 2011;
- GS-TSKH. Đào Trí Úc, Nhận thức đúng đắn hơn nữa các nguyên tắc về trách nhiệm cá nhân và lỗi trong việc xử lý TNHS, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 9/1999;
- PGS-TS. Phạm Hồng Hải, Pháp nhân có thể là chủ thể của tội phạm hay không?;
- Hoàng Thị Tuệ Phương, Trách nhiệm hình sự pháp nhân, Luận văn Thạc sỹ luật học, Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh, 2006.