Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân - nhìn từ dấu hiệu "hình phạt"

11/12/2012
Tiếp theo các bài viết: "Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân - nhìn từ dấu hiệu hành vi" và "Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân - nhìn từ dấu hiệu lỗi" đăng ngày trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp ngày 22/11/2012 và ngày 30/11/2012, trong bài viết này chúng tôi tiếp tục tổng hợp và phân tích một số luận điểm liên quan đến vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhìn từ dấu hiệu hình phạt trong luật hình sự để cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn nữa về vấn đề này.

Trước khi đi vào tìm hiểu quan điểm của các bên liên quan đến việc có thể áp dụng hay không hình phạt theo quy định của pháp luật hình sự đối với pháp nhân, chúng tôi xin phân tích hết sức sơ lược một số vấn đề liên quan đến hình phạt và áp dụng hình phạt.

Theo quan điểm được thừa nhận chung trong khoa học pháp lý thì "Hình phạt chính là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự và do Tòa án quyết định". Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ở đây, cần lưu ý là khi căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, Tòa án phải đặc biệt chú ý đến các nguyên tắc áp dụng hình phạt, mục đích của hình phạt và quy định về các loại hình phạt cụ thể.

Trên cơ sở cách nhận thức về hình phạt như trên, chúng tôi sẽ đi vào phân tích quan điểm của những người ủng hộ và phản đối thiết lập trách nhiệm hình sự của pháp nhân như sau:

1- Quan điểm phản đối thiết lập trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Ở đây, chúng ta không bàn thêm về vấn đề pháp nhân có thể thực hiện tội phạm và có phải là chủ thể của tội phạm hay không, bởi vì như những phân tích trước đây thì những người ủng hộ quan điểm phản đối trách nhiệm hình sự của pháp nhân đã khẳng định rằng pháp nhân không thể thực hiện tội phạm. Như vậy, nếu theo quan điểm này thì pháp nhân không thể thực hiện hành vi phạm tội, đương nhiên pháp nhân không có lỗi và không thể áp dụng hình phạt với pháp nhân được. Ngoài ra, những người theo quan điểm phản đối trách nhiệm hình sự của pháp nhân cho rằng: nếu pháp nhân có là chủ thể của tội phạm thì cũng không thể áp dụng hình phạt đối với pháp nhân bởi vì họ cho rằng, không có hình phạt giành cho pháp nhân hoặc là nếu có thì việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân không chỉ không công bằng mà còn tỏ ra khó tương hợp với nguyên tắc cá thể hoá hình phạt; và không đạt được mục đích của hình phạt.

Nguyên tắc cá thể hoá hình phạt đòi hỏi tòa án khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội trong từng trường hợp phải căn cứ vào hành vi và sự tham gia cụ thể của họ vào tội phạm bị truy cứu, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và đặc biệt là các yếu tố nhân thân người phạm tội. Trong khi đó một tội phạm được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động của pháp nhân thì hoặc là toàn bộ các thành viên của pháp nhân đã phạm tội cần phải bị trừng trị có sự phân biệt và tương xứng với lỗi của từng ngư­ời, hoặc là chỉ trừng trị một hoặc một số người trong pháp nhân đã cùng (đồng phạm) thực hiện hành vi phạm tội. Sẽ là chính xác và công bằng nếu chỉ trừng trị những người đó; sẽ là không công bằng nếu lại trừng trị cả những thành viên khác trong pháp nhân chỉ vì lý do họ thuộc về một tập thể hoặc là họ phụ thuộc vào nó. Nếu trừng trị một thực thể như­ vậy cuối cùng sẽ không công bằng, không có lợi và trái với những nguyên tắc cơ bản khi áp dụng hình phạt. Theo đó thì trừng phạt một tập thể như vậy sẽ gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân khác thuộc pháp nhân vốn là những người hoàn toàn không biết đến, không có lỗi gì liên quan đến hành vi phạm tội của những người khác. Donnedieu De Vabres viết: “Nằm trong sự tất yếu của sự việc là bắt một pháp nhân phải chịu một hình phạt có những hậu quả bất lợi đối với những ngư­ời thứ ba vô tội”.

 Một số học giả theo quan điểm này còn cho rằng không thể trừng trị pháp nhân hoặc chí ít cũng là khó khăn về mặt thực tế khi áp dụng chế tài hình sự cho pháp nhân. Các hình phạt được coi là đặc trưng trong luật hình sự như tử hình, phạt tù… không thể áp dụng được đối với pháp nhân. Chúng ta không thể tử hình, phạt tù, bắt giam đối với một thực thể mà bản chất của nó là vô hình. Làm thế nào có thể tư­ớc mạng sống của một chủ thể giả tưởng mà bản chất của nó là thiếu sự tồn tại của thực thể hữu hình. Vì vậy, việc quy định trách nhiệm hình sự nhưng không thể áp dụng các hình phạt đặc trưng trên đối với pháp nhân làm cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự  đối với pháp nhân không còn có nhiều ý nghĩa, không đạt được mục đích giáo dục, phòng ngừa.

Một số học giả khác mặc dù không chối bỏ khả năng áp dụng các loại hình phạt khác như­ phạt tiền, tịch thu tài sản, tước một số quyền, giải thể… pháp nhân như­ng họ lại đư­a ra lập luận là việc trừng trị một pháp nhân sẽ dẫn đến việc xử lý không có sự phân biệt các thành viên của pháp nhân, sẽ dẫn đến trừng trị cả với những ngư­ời không tham gia phạm tội, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của những người thậm trí không biết cả việc phạm tội đã xảy ra (như những người mua cổ phần, cổ phiếu mà không phải là cổ đông sáng lập). Theo Thomas Hobbes (1558 - 1679) một nhà triết học người Anh thì: "Cái giá thực sự khi áp dụng trách nhiệm hình sự, xét đến cùng, chính các pháp nhân không phải chịu mà là những cá nhân cụ thể trong pháp nhân như­: ngư­ời góp cổ phần, cổ đông, ng­ười lao động… phải chịu. Như­ vậy, chế định trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với pháp nhân không thể chấp nhận đư­ợc về ph­ương diện pháp lý cũng như­ về đạo lý".

Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, trong trường hợp người đại diện, một số người thuộc pháp nhân, thậm chí toàn bộ pháp nhân thực hiện một hành vi phạm tội nào đó vì mục đích của pháp nhân thì khi quyết định hình phạt, Tòa án cũng không thể buộc pháp nhân chịu một hình phạt như tử hình hay bắt giam. Khi đó, theo nguyên tắc cá thể hóa hình phạt, Tòa án phải buộc các cá nhân những người đã thực hiện hành vi phải chịu một hình phạt cụ thể. Khi đó, yếu tố đồng phạm hay phạm tội có tổ chức cần được cân nhắc như một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt đối với từng cá nhân thực hiện hành vi phạm tội.

Ngoài ra, một số người theo quan điểm này cho rằng, ngoài yếu tố mang tính cưỡng chế, trừng trị, thì một trong những mục đích của hình phạt là giáo dục, cải tạo và hình phạt sẽ không có tác dụng nếu nó được áp dụng với pháp nhân mà không được áp dụng với con người cụ thể.

Như vậy, dù dưới góc độ lý luận hay thực tiễn, những người theo quan điểm này cho rằng không thể hoặc ít nhất là không hợp lý nếu buộc pháp nhân phải chịu một hình phạt nào đó. Trong trường hợp này, nguyên tắc cá thể hóa hình phạt sẽ giúp Tòa án buộc ai đó (một người phạm tội cụ thể) phải chịu một hình phạt thích ứng khi có hành vi phạm tội xảy ra.

2- Quan điểm đồng ý thiết lập trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Các nhà hình sự học ủng hộ trách nhiệm hình sự của pháp nhân cho rằng pháp nhân là một thực thể có thực "giống như một con người", có ý thức, có thể tự mình thực hiện hành vi một cách độc lập, do đó có khả năng "gánh chịu" mọi trách nhiệm về hành vi của mình, trong đó có trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, không có gì là không hợp lý khi áp dụng hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội của pháp nhân. Đồng thời cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học về hình phạt, quan điểm không thể áp dụng hình phạt với pháp nhân đã không còn có sức thuyết phục. Mặc dù tử hình, giam giữ hoặc các hình phạt tước hoặc hạn chế quyền tự do thân thể không thể áp dụng với pháp nhân phạm tội nh­ưng những loại hình phạt khác dần dần đư­ợc phát triển tương hợp hoàn toàn với bản chất các pháp nhân phạm tội với mục đích làm cho nó phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi của hành vi phạm tội mà nó đã gây ra cho xã hội.

Năm 1880, trong một quyết định xử phạt một pháp nhân về tội phỉ báng và bôi nhọ (defamatory libel), Lord Blacburn, thẩm phán viện nguyên lão (house of lord) đã nhận định: “Trong một mức độ nhất định, tôi đồng ý là pháp nhân không thể bị phạt tù, một pháp nhân không thể bị treo cổ hoặc bị phạt tử hình nếu hình phạt như vậy là hình phạt cho trọng tội liên quan. Nhưng, phạt tiền thì có thể buộc một pháp nhân phải chịu và pháp nhân này có thể trả tiền bồi thường thiệt hại vật chất. Vì vậy, tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm cho rằng một thực thể pháp lý được thành lập với mục đích phát hành báo chí, không thể bị xét xử và tuyên phạt một hình phạt tiền... hoặc với quan điểm là một pháp nhân gây hại cho cộng đồng nhưng lại không thừa nhận pháp nhân này phạm tội gây thiệt hại đó hoặc một tội tương tự”.

Trong bài "Pháp nhân có thể là chủ thể của tội phạm hay không" đăng trên Tạp chí Luật học số 6/1999, PGS-TS Phạm Hồng Hải đã viết: Cũng như đối với thể nhân, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và áp dụng hình phạt tương xứng đối với hành vi phạm tội của pháp nhân vừa có ý nghĩa chống và vừa có ý nghĩa phòng ngừa tội phạm. Trong trường hợp người đại diện cho pháp nhân thực hiện hành vi được coi là tội phạm, nếu pháp luật chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với người đó mà không truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân trong khi chính pháp nhân lại được hưởng nhiều lợi ích mang lại từ hành vi phạm tội thì có nghĩa pháp luật đã bỏ lọt tội phạm và đây rõ ràng như kích thích tố khuyến khích những hành vi sai trái của pháp nhân. Ở tất cả quốc gia mà pháp luật hình sự coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm thì đồng thời pháp luật hình sự cũng có hệ thống hình phạt riêng áp dụng cho pháp nhân phạm tội. Thực tiễn cũng đã chứng minh rằng, những hành vi phạm tội của pháp nhân thường xảy ra trong các hoạt động kinh tế với mục đích kiếm được lợi nhuận nhiều hơn và vì vậy, hình phạt tiền với số lượng lớn hoặc những hình phạt hạn chế quyền tự do kinh doanh của pháp nhân được coi là những hình phạt có tác dụng giáo dục và phòng ngừa hơn cả. Và mặc dù không phải là con người cụ thể (thể nhân) nhưng có thể coi pháp nhân như một “con người pháp lý” cũng có năng lực tương tự như những thể nhân; bản thân pháp nhân cũng có khả năng chịu một số hình phạt nhất định của Nhà nước như phạt tiền, giải thể, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ lĩnh vực hoạt động nào đó.

Những người ủng hộ việc thiết lập trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng cho rằng quan điểm cho rằng việc quy kết trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt với pháp nhân sẽ không công bằng và không phù hợp với nguyên tắc cá thể hoá hình phạt là không phù hợp với quan điểm hình sự học hiện đại. Ngược lại, có thể nói việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân phạm tội còn thể hiện nguyên tắc công bằng và bình đẳng, nguyên tắc mọi hành vi phạm tội không thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật hình sự đư­ợc củng cố. Theo khoa học hình sự hiện đại thì nguyên tắc cá thể hoá hình phạt không thể tách rời khỏi nhận thức về chế tài áp dụng đối với pháp nhân. Nếu pháp nhân là những thực thể có khả năng phạm tội thì có lý nào các pháp nhân lại không phải chịu sự trách cứ về hình sự của nhà n­ước khi nó phạm tội. Chế tài hình sự buộc phải áp dụng trực tiếp và chỉ đối với chính bản thân chủ thể phạm tội, tức là đòi hỏi việc trừng trị nhằm trực tiếp vào những pháp nhân, khi các thực thể này phạm tội. Công bằng không có nghĩa là phải trừng trị cá nhân này hoặc cá nhân khác, thành viên của pháp nhân có liên quan nhiều hơn mà công bằng chính là buộc pháp nhân cụ thể phạm tội phải chịu hình phạt. Không có lý lẽ công bằng nào mà lại buộc cá nhân những ngư­ời cấp d­ưới vốn chẳng có quyền hành gì và các nhà quản lý có trách nhiệm thành những ngư­ời phải hứng chịu hậu quả thay cho pháp nhân phạm tội. Cũng không có sự công bằng nào mà về cùng một hành vi phạm tội lại có những cách đối xử khác nhau, đối với pháp nhân phạm tội cùng loại thì xử lý bằng các biện pháp trách nhiệm dân sự hoặc trách nhiệm hành chính, còn đối với cá nhân những người lãnh đạo, người đại diện của pháp nhân phạm tội vì lợi ích hoặc trong khuôn khổ hoạt động của pháp nhân lại bị trừng trị bằng biện pháp trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn nhiều.

Nguyên tắc cá thể hoá hình phạt không thể tách rời mối liên hệ giữa tội phạm và hình phạt. Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt đòi hỏi hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tương xứng với các đặc điểm của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Có như vậy, hình phạt được áp dụng mới đạt được tính hiệu quả trong trừng trị cũng như phòng ngừa.

Thực tế cũng cho thấy tất cả các bản án đều có thể gây ra những hậu quả cho ngư­ời thứ ba vô can. Bắt giam một ngư­ời hoặc phạt họ với một hình phạt tiền nghiêm khắc có thể "cư­ớp đi" của gia đình họ một khoản thu nhập như­ng nó không trái với nguyên tắc cá thể hoá hình phạt, bởi vì bản án không trực tiếp nhằm chống lại các thành viên của gia đình ngư­ời bị kết án mà là đối với ng­ười phạm tội. Bản án kết tội đối với một pháp nhân khác với bản án có thể xảy ra của các thành viên pháp nhân, nó không nhằm vào cá nhân các thành viên của pháp nhân mà là chính pháp nhân - chủ thể chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, đối với nhiều học giả theo quan điểm này thì trong những tr­ường hợp pháp nhân phạm tội thì: Công lý đòi hỏi phải có hình phạt trực tiếp đối với bản thân pháp nhân đó. Và đến lư­ợt mình, bằng cách thúc đẩy và củng cố nhận thức chung của công dân và đòi hỏi các pháp nhân phải quản lý, kiểm soát những nguy cơ gây hại một cách tốt hơn, các hình phạt này buộc các pháp nhân nói trên phải thiết lập những hệ thống quản lý và kiểm soát nguy cơ một cách có hiệu quả, qua đó góp phần bảo vệ môi trường và sức khoẻ của công dân.

Lịch sử phát triển pháp luật hình sự trong thế giới hiện đại cho thấy rõ xu hướng giảm hoặc thay thế các hình phạt được cho là truyền thống quá nghiêm khắc như tử hình, tước tự do bằng các hình phạt nhân đạo hơn không tước tự do nhưng có giá trị phòng ngừa cao hơn, đặc biệt là các hình phạt liên quan đến tài sản hoặc hoạt động của pháp nhân. Hệ thống pháp luật ngày nay cũng đã chỉ ra rằng hệ thống hình phạt đủ mềm dẻo để cung cấp những hình phạt và những biện pháp cưỡng chế phù hợp cho việc xử phạt các pháp nhân liên quan đến sự tồn tại của nó như­ giải thể, đóng cửa; liên quan đến hoạt động của nó như­ cấm tiến hành những hoạt động nhất định; hoặc liên quan đến tài sản như­ phạt tiền, tịch thu tài sản… các hình phạt này không chỉ có tính cưỡng chế, mà còn có giá trị phòng ngừa cao.

Với những phân tích trên đây về vấn đề hình phạt và trách nhiệm hình sự của pháp nhân, một lần nữa chúng ta thấy tính chất phức tạp của vấn đề này không chỉ thể hiện ở các góc nhìn khác nhau mà ngay trong cùng một góc nhìn, một cách tiếp cận vấn đề. Chúng tôi hy vọng bài viết đã cung cấp thêm cho độc giả một vài thông tin hữu ích./.

Ths Vũ Hoài Nam - NXB TP - Bộ Tư pháp

Tài liệu tham khảo:

- R. Garraud, Traité de droit criminel, Paris, Sirey, 1926;

- Donnedieu De Vabres, Traite de droit criminel et de législation pénale comparée;

- S. Glaser, L’etat en personns morales et le probleme de leur reponsabilité pénale, r.d.p.c., 1948-1949;

- Donnedieu De Vabres, Traite de droit criminel et de législation pénale comparée, Paris, Sirey, 1947;

- A. Huss, Sanctions pénales et les personns morales, r.d.p.c., 1975-1976;

- The pharmaceutical society. v. The London and provincial supply association ltd (1880);

- V. Simonart, la personalité morale en droit comparé, Bruxelles, Bruylant, 1995;

- Kensuke Itoh, Những thành tựu và hạn chế về mặt lý luận trong việc pháp luật hoá TNHS của pháp nhân tại Nhật Bản; 

- A. Braas, Précis de droit criminel, Bruxlles- liège, Bruylant;

- Arthur Taylor Von Mehren & James Russell Gordley, The civil law system - an introduction to the comparative study of law, second edition, little, Brown & company. Boston & Toronto, 1977;

- H.L. Bolton (eningeering) Company ltd. v. T.J. Graham &Son ltd (1957);

- Từ điển Luật học, Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, NXBTP-NXBTĐBK năm 2006;

- Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999;

- Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, NXBTP, 2011;

- GS-TSKH. Đào Trí Úc, Nhận thức đúng đắn hơn nữa các nguyên tắc về trách nhiệm cá nhân và lỗi trong việc xử lý TNHS, Tạp chí Nhà nư­ớc và pháp luật, số 9/1999;

- PGS-TS. Phạm Hồng Hải, Pháp nhân có thể là chủ thể của tội phạm hay không - Tạp chí Luật học số 6/1999?;

- Hoàng Thị Tuệ Phương, Trách nhiệm hình sự pháp nhân, Luận văn Thạc sỹ luật học, Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh, 2006.