1. Tham khảo một số Ngày truyền thống của một số Ngành
1.1. Ngày Truyền thống của một số Ngành liên quan đến công tác tư pháp - thi hành án dân sự:
- Ngày 13 tháng 9: Ngày truyền thống ngành Toà án.
Căn cứ: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33/SL ngày 13 tháng 9 năm 1945 thành lập các Toà án quân sự, thiết lập hệ thống cơ quan xét xử của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
- Ngày 26 tháng 7: Ngày truyền thống ngành Kiểm sát.
Căn cứ: Ngày 26 tháng 7 năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20-L/CTN công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát đã được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá 2 kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 15 tháng 7 năm 1960.
- Ngày 07 tháng 11: Ngày truyền thống lực lượng cảnh sát trại giam.
Căn cứ: Ngày 07 tháng 11 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 150-SL về tổ chức các trại giam (nay là lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) .
- Ngày 23 tháng 11: Ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam.
Căn cứ: Ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập “Ban Thanh tra đặc biệt”.
1.2. Ngày truyền thống một số ngành có mô hình Tổng cục:
- Ngày 10 tháng 9: Ngày truyền thống ngành thuế Việt Nam (và ngành Hải quan Việt Nam).
Căn cứ: Ngày 10 tháng 9 năm 1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyễn Giáp thừa uỷ quyền của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành Sắc lệnh số 27 lập Sở thuế quan và thuế gián thu.
- Ngày 29 tháng 5: Ngày truyền thống ngành Kho bạc Nhà nước.
Căn cứ: Ngày 29 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 75 thành lập Nha ngân khố trực thuộc Bộ Tài Chính.
- Ngày 15 tháng 8: Ngày truyền thống ngành Bưu điện.
Căn cứ: Nghị quyết hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra trong hai ngày 14 và 15-8-1945 tại Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) đã quyết định “lập ban giao thông chuyên môn” nhằm thống nhất tổ chức và tập hợp lực lượng làm công tác thông tin liên lạc, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc.
- Ngày 13 tháng 3: Ngày truyền thống ngành Xăng dầu.
Căn cứ: Ngày 13 tháng 3 năm 1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch Công hội đỏ, Bí thư đảng bộ Hải Phòng đầu tiên, đồng chí Lương Khánh Thiện Bí thư liên khu B… đã lãnh đạo cuộc bãi công của 422 trong số 500 công nhân Sở dầu Thượng Lý chống lại chủ sở, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Cuộc bãi công thắng lợi đã mở đầu truyền thống bất khuất của công nhân xăng dầu và đưa Hải Phòng thành một trung tâm của phong trào công nhân khi đó.
1.3. Một số nhận xét:
- Việc xác định Ngày Truyền thống của mỗi ngành là hết sức cần thiết để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức chính trị, nêu cao tinh thần đoàn kết, yêu ngành, yêu nghề, ý thức tự trọng nghề nghiệp, khích lệ cán bộ toàn ngành tích cực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
- Ngày Truyền thống của của ngành đều gắn liền với quá trình hình thành, xây dựng và phát triển Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, thể hiện ý nghĩa, vai trò quan trọng của ngành trong công cuộc xây dựng và giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ, tham gia tích cực vào công cuộc kháng chiến kiến quốc, thống nhất đất nước và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong đó, ngày truyền thống của các ngành chủ yếu được xác định trong giai đoạn đầu của thành lập chính quyền.
- Ngày Truyền thống của các ngành được xác định trên cơ sở văn bản thành lập tổ chức của ngành đó (ngành Toà án, kiểm sát, tổ chức trại giam, thanh tra, hải quan, thuế, kho bạc, bưu điện). Các văn bản này chủ yếu do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Đối với một số ngành, Ngày truyền thống được xác định theo sự kiện có ý nghĩa mở đầu phong trào cách mạng của ngành như ngành Xăng dầu.
2. Bàn về Ngày Truyền thống Ngành Thi hành án dân sự
1.1. Phương án 1: Ngày 01 tháng 7
Đây là phương án căn cứ vào Pháp lệnh Thi hành án dân sự ban hành ngày 21 tháng 4 năm 1993, có hiệu hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 6 năm 1993. Theo quy định này, từ ngày 01 tháng 7 năm 1993, toàn bộ tổ chức và hoạt động của thi hành án dân sự chính thức được tiến hành theo cơ chế độc lập. Các cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án dân sự được hình thành từ Trung ương đến các địa phương trên cả nước. Đây chính là dấu ấn quan trọng đánh dấu sự đổi mới quan trọng, căn bản về tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của ngành thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, hạn chế chính của phương án này là chưa thể hiện được bề dày lịch sử và những đóng góp tích cực của công tác thi hành án dân sự trong việc góp phần giữ vững ổn định xã hội, trật tự, trị an, góp phần đắc lực vào quá trình xây dựng chính quyền cách mạng nhân dân non trẻ, cũng như trong suốt công cuộc kháng chiến kiến quốc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, ngày 01 tháng 7 năm 1993 chỉ là một dấu ấn quan trọng, đánh dấu sự đổi mới quan trọng, căn bản về tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của ngành thi hành án dân sự, đánh dấu sự hoàn bị về tổ chức, bộ máy và đội ngũ công chức thi hành án dân sự. Tuy nhiên, Ngày Truyền thống của Ngành nên là ngày gắn với sự kiện cách mạng, nhiệm vụ cách mạng được giao theo yêu cầu của chính quyền cách mạng, không nên chỉ căn cứ vào ngày có đầy đủ tổ chức bộ máy hoạt động. Vì vậy, phương án 1 chưa thể hiện được một cách sâu sắc, đầy đủ, toàn diện bề dày truyền thống của ngành thi hành án dân sự.
1.2. Phương án 2: Ngày 01 tháng 12
Ngày 01 tháng 12 năm 1945 là ngày ban hành Nghị định số 37 về tổ chức Bộ Tư pháp. Cần khẳng định đây không phải là Nghị định của Chính phủ mà là Nghị định do ông Vũ Trọng Khánh ký ngày 30 tháng 11 năm 1945 với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đây là văn bản đặt cơ sở đầu tiên cho việc tổ chức Bộ Tư pháp. Theo Nghị định này, tổ chức Bộ Tư pháp có 01 văn phòng và 05 phòng sự vụ, bao gồm: Phòng sự vụ nội bộ, Phòng viên chức và kế toán, Phòng giám đốc hộ vụ, Phòng giám đốc hình vụ và Phòng giám đốc quản trị các trại giam và giáo dục tù nhân. Văn bản này được đánh giá là một một dấu mốc quan trọng của ngành Thi hành án dân sự bởi:
- Theo Đề tài cấp Bộ: 50 năm ngành tư pháp Việt Nam (năm 2002) (trang 7), Đề tài kết luận một trong những nhiệm vụ của Phòng giám đốc hộ vụ là “tổ chức thi hành án dân sự”.
- Theo Chuyên đề: Tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự - Thực trạng và phương hướng đổi mới (tháng 8 năm 1999) (trang 33) (Viện Khoa học pháp lý) thì Ban Công lại của Phòng giám đốc hộ vụ thực hiện nhiệm vụ quản lý tổ chức Thừa phát lại.
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng:
Thứ nhất, công tác thi hành án dân sự tại Nghị định 37 có nội dung không rõ ràng.
Các nhiệm vụ như:
- ‘Thi hành các đạo luật về dân sự, thương mại’ không có nghĩa thi hành án dân sự, đặc biệt là khi cụm từ này đứng giữa các quá trình “Dự án… và “Dự thảo”:
“Dự án luật và Sắc lệnh về dân sự, thương sự và tố tụng thủ tục - Thi hành các đạo luật về dân sự, thương mại- Dự thảo Nghị định và huấn thị”
- Thi hành những việc điều tra về dân sự và thương sự mang tính chất tương trợ tư pháp:
- “Thi hành những việc điều tra về dân sự và thương sự do ngoại quốc uỷ cho làm, hoặc uỷ quyền cho ngoại quốc điều tra về những việc dân sự và thương sự…”
- hoặc “Thi hành những đạo luật làm trong thời kỳ chiến tranh..” chỉ là quy định mang tính chất thực thi pháp luật nói chung.
Thứ hai, hàm lượng, tính chất “truyền thống’ trong nội dung quản lý thừa phát lại tại Nghị định 37 không cao:
- Thừa phát lại là chế định được cho là xuất hiện ở Việt Nam song hành với việc Vua Tự Đức ký hiệp ước ngày 05 tháng 6 năm 1862, trong đó nhượng cho Pháp 6 tỉnh Nam Kỳ. Thuật ngữ thừa phát lại sau đó được ghi nhận tại một số tài liệu như Bộ Dân sự tố tụng Việt Nam tại Nam Kỳ (1910), Bộ dân luật Trung kỳ (1936-1939), Bộ dân luật Bắc kỳ (1931)… (Chuyên đề Thừa phát lại - Viện Khoa học pháp lý năm 1996). Ngày 10 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ chí Minh đã có Sắc lệnh tạm thời giữ các luật lệ hiện hành của chế độ cũ ở Bắc, Trung, Nam với điều kiện “không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể cộng hoà”. Có thể nói thừa phát lại là hình thức tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự đầu tiên của chế độ mới. Thừa phát lại không còn là công cụ của chính quyền thực dân như trước đây mà đã trở thành công cụ đắc lực của toà án nhân dân.
Hoạt động thừa phát lại đã tiếp tục tồn tại cho đến năm 1950 được giao cho thẩm phán cấp huyện thực hiện (Sắc lệnh số 85/SL ngày 22 tháng 5 năm 1950 về cải cách bộ máy tư pháp và tố tụng).
Qua tóm tắt nói trên, chúng tôi thấy rằng thuật ngữ ‘thừa phát lại” tại Nghị định số 37 (phân biệt với thuật ngữ thừa phát lại hiện nay) mang nội hàm được hình thành từ chế độ cũ, được duy trì mang tính chất ‘quá độ”, “thừa nhận’, “tiếp quản” khi phải giữ ổn định, trật tự chung cho nhà nước cách mạng còn non trẻ và đất nước nói chung, ngành tư pháp nói riêng phải tồn tại ‘trong tình thế đặc biệt” (Thông lệnh số 12 ngày 29 tháng 12 năm 1946 về tổ chức tư pháp trong tình thế đặc biệt). Chế định Thừa phát lại, do đó, chưa thực sự biểu cảm được vai trò và bản chất cách mạng tích cực của công tác thi hành án dân sự trong bộ máy chính quyền cách mạng lúc bấy giờ.
1.3. Phương án Ngày 19 tháng 7.
Ngày 19 tháng 7 năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng (trong Danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến (từ ngày 02/3/1946) giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quyền Chủ tịch nước từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 21 tháng 9 năm 1946 (trong thời gian này Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dự Hội nghị Fontainebleau), ký Sắc lệnh số 130 ấn định thể thức thi hành phải ghi trên bảng toàn sao hay trích sao hoặc mệnh lệnh, gồm 05, trong đó có 03 điều chính về nội dung về thể thức thi hành các án, mệnh lệnh Toà án Hộ như sau:
Điều thứ 1
Các bản toàn sao hoặc trích sao án, hoặc mệnh lệnh do các phòng Lục sư phát cho người đương sự để thi hành các án, hoặc mệnh lệnh của các Toà án Hộ, đều phải có thể thức thi hành, ấn định như sau:
"Vậy, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà truyền cho các thừa phát lại theo lời yêu cầu của người đương sự thi hành bản án này, các ông Chưởng lý và Biện lý kiểm soát việc thi hành, các vị chỉ huy Binh lực giúp đỡ mỗi khi đương sự chiểu luật yêu cầu".
Điều thứ 2
Các bản toàn sao hoặc trích sao án có thể thức thi hành chỉ có thể phát cho người đương sự một lần thôi, trừ những trường hợp đặc biệt do ông Chánh án cho phép.
Điều thứ 3
Trong các xã, thị xã hoặc khu phố, Chủ tịch, Phó chủ tịch và thư ký đều chịu trách nhiệm thi hành những lệnh, mệnh lệnh hoặc án của các Toà án. Ban ấy sẽ tuỳ từng việc, chỉ định một nhân viên để giao cho việc thi hành lệnh, mệnh lệnh hoặc án.
Ở những nơi nào đã có thừa phát lại riêng, thì người đương sự có quyền nhờ thừa phát lại riêng thi hành án hoặc mệnh lệnh.
Như vậy, đây là một văn bản quy định khá rõ nét thủ tục thi hành án trên cơ sở những quy định về duy trì chế độ Thừa phát lại (Sắc lệnh ngày 10 tháng 10 năm 1945 về việc giữ tạm luật lệ hiện hành) và nhiệm vụ của Ban Tư pháp xã trong thi hành mệnh lệnh của Toà án (Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 01 năm 1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
1.4. Phương án 4: Ngày 24 tháng 1
Đây là ngày Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 13. Tại Sắc lệnh này, Ban tư pháp xã có quyền “thi hành những mệnh lệnh của các thẩm phán cấp trên”.
Theo Chuyên đề: Tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự - Thực trạng và phương hướng đổi mới (tháng 8 năm 1999) (trang 33) đánh giá thì đây là cơ sở pháp lý đầu tiên cho tổ chức thi hành án dân sự Việt Nam.
Phương án này có một số ưu điểm chính sau:
Thứ nhất, Đặc trưng nhiệm vụ của công tác thi hành án dân sự được thể hiện một cách rõ ràng, tích cực, mang đầy đủ những đặc trưng cơ bản của công tác thi hành án dân sự, do cơ quan công quyền “Ban tư pháp xã” thực hiện, gắn liền với toà án và hoạt động xét xử: “Thi hành những mệnh lệnh của các thẩm phán cấp trên’.
Thứ hai, Cơ quan tổ chức thực hiện là một đơn vị, tổ chức hành chính của chính quyền cách mạng: Ban tư pháp xã. Thành phần bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã và 01 thư ký. Vai trò tích cực của Ban tư pháp xã trong việc bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng còn được khẳng định tại Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng, theo đó, thẩm quyền của Ban tư pháp xã tiếp tục được tăng cường và mở rộng.
Ngoài ra, chế định Ban tư pháp xã trong Sắc lệnh 13 được đặt tại Tiết thứ nhất trong Chương thứ nhất: “Tổ chức các toà án”. Toà án sơ cấp (cấp huyện) và toà án nhị cấp (cấp tỉnh) được đặt thứ tự ở tiết 2 và tiết 3 của Chương này. Điều này cho thấy, Ban tư pháp xã được quan niệm là bộ phận cơ sở cấu thành công tác tư pháp xét xử lúc bấy giờ.
Thứ ba, Tổ chức và nhiệm vụ của Ban tư pháp xã với công tác thi hành án dân sự lúc bấy giờ được hình thành trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, đảm bảo nhiệm vụ chuyên chính, giữ vững chính quyền non trẻ lúc bấy giờ. Mặc dù chế định Thừa phát lại vẫn song song tồn tại đến năm 1950, nhưng rõ ràng, công tác thi hành án dân sự không chỉ còn thuần tuý là duy trì ổn định, trật tự, trị an xã hội mà đã chính thức được giao nhiệm vụ và có một vai trò cách mạng trong chính quyền cách mạng nhân dân. Vì vậy, nó có ý nghĩa tôn vinh và có hàm lượng “truyền thống” cao hơn.
Thứ tư, Sắc lệnh 13 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, là văn bản có thẩm quyền pháp lý cao, đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng bộ máy chính quyền nhân dân từng bước tự chủ, độc lập, có năng lực, mang rõ dấu ấn và bản sắc của cách mạng Việt Nam, phục vụ đắc lực cho yêu cầu bảo vệ chính quyền nhân dân non trẻ. Lựa chọn Ngày Truyền thống theo ngày ban hành Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ công chức ngành thi hành án dân sự.
Thạc sỹ luật so sánh Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc: Nhà nước Cách mạng Việt Nam (1945-2010), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2010.
2. Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp: Đề tài cấp Bộ “50 năm Ngành Tư pháp Việt Nam”, năm 2002.
3. Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp: Chuyên đề Tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự - Thực trạng và phương hướng đổi mới (tháng 8 năm 1999), năm 2002.