Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật: Đưa pháp luật về an toàn giao thông vào cuộc sống

14/09/2010
Triển khai, đưa pháp luật nói chung, văn bản pháp luật về an toàn giao thông nói riêng vào cuộc sống bao gồm nhiều nội dung như tổ chức triển khai, cơ chế chính sách, con người, kinh phí...Trong đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL có ý nghĩa rất quan trọng.

Để đưa pháp luật về an toàn giao thông vào cuộc sống, điều cần làm đầu tiên chính là công tác tuyên truyền, PBGDPL. Nhưng muốn phát huy hiệu quả cần chú ý các hình thức và nội dung cho phù hợp, phát huy vai trò, thế mạnh của từng loại hình công tác tuyên truyền, đồng thời phải có đội ngũ cán bộ đủ mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL, chế độ kinh phí...

Về nội dung tuyên truyền: Tuyên truyền, PBGDPL về an toàn giao thông hiện nay bao gồm: Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và văn bản hướng dẫn thi hành; Luật đường sắt, Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông... Tuyên truyền về tình hình, kết quả công tác bảo đảm an toàn giao thông, những tấm gương tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả, những khó khăn vướng mắc từ thực tế, biện pháp tháo gỡ...Tuyên truyền về hậu quả của tai nạn giao thông đối với xã hội, gia đình và mỗi cá nhân làm bài học cho mọi người...

Về hình thức tuyên truyền: Cần kết hợp các biện pháp, hình thức phù hợp đó là: Tuyên truyền qua việc nêu gương sáng trong chấp hành pháp luật giao thông, cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên. Đặc biệc các đồng chí lãnh đạo, các bậc ông, bà, cha mẹ, thầy, cô giáo... phải gương mẫu đi đầu và là tấm gương sáng trong chấp hành pháp luật về giao thông. Tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng: chú ý phát huy lợi thế của hệ thống phát thanh truyền hình đặc biệt hệ thống đài truyền thanh cơ sở, các ấn phẩm báo chí, bản tin...Tuyên truyền qua tổ chức hội nghị, hội thảo, toạ đàm, thông qua giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tuyên truyền qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, qua trợ giúp pháp lý lưu động, biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt đảng, đoàn thể...

Về đối tượng tuyên truyền: Tuỳ từng đối tượng cần có nội dung và biện pháp tuyên truyền phù hợp: Đối với cán bộ, công chức, viên chức tập trung phổ biến các quy định về quy tắc giao thông, điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông...; đưa nội dung chấp hành luật giao thông là một tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cả cơ quan, đơn vị và cá nhân. Với học sinh, sinh viên: Tăng cường chất lượng giờ học môn Giáo dục công dân, môn học pháp luật, các hoạt động ngoại khoá, tập trung phổ biến về quy tắc giao thông, điều kiện đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đặc biệt là về độ tuổi. Với thanh niên: Tập trung giới thiệu các quy định về quy tắc giao thông, các hành vi bị nghiêm cấm và hình thức xử phạt nếu vi phạm. Đối với nông dân: Quy tắc giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông, các quy định về kết cấu hạ tầng giao thông, hành vi vi phạm và mức xử phạt. Đối với những người tham gia đảm bảo an toàn giao thông như lực lượng công an, thanh tra giao thông: Phải nắm rõ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị và của các cá nhân có thẩm quyền.

Về đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL: Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL là điều kiện quan trọng để truyền tải những quy định của pháp luật đến các đối tượng do vậy cần có sự quan tam đầu tư một cách thoả đáng. Kiện toàn đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng đội ngũ báo cáo viên cấp uỷ, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật mới về an toàn giao thông, tình hình đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn... Tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng tuyên truyền và kiến thức pháp luật, có chế độ đãi ngộ phù hợp.

Về kinh phí và cơ sở vật chất: Để đảm bảo đáp ứng tốt cho công tác tuyên truyền PBGDPL về an toàn giao thông cần có nguồn kinh phí và cơ sở vật chất phù hợp trên cơ sở phát huy những cơ sở hiện có với trang bị mới. Ưu tiên tập trung đầu tư cho những cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL và cơ sở.

Với những biện pháp đồng bộ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của cộng đồng xã hội trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là vai trò của công tác tuyên truyền, PBGDPL, tin rằng pháp luật về an toàn giao thông sẽ đi vào cuộc sống đạt hiệu quả cao, góp phần hạn chế, giảm bớt  những hậu quả của tai nạn giao thông, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi gia đình, cá nhân khi tham gia giao thông./.

Phạm Thu Hằng