Những dấu ấn lịch sử

01/09/2010
Giữa tiết trời thu tháng Tám, hòa niềm vui chung mừng ngày Tết độc lập của dân tộc, năm nay, ngành Tư pháp cũng ghi dấu lịch sử bằng những sự kiện “để đời”: khánh thành Khu di tích lịch sử tại Tuyên Quang, Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ III, kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Sao Vàng. Vinh dự nhưng cũng đặt trên vai mỗi cán bộ Tư pháp những trọng trách mới.

Tìm về nguồn cội

Cách đây 65 năm, ngay sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, vào ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra tuyên cáo thành lập nội các thống nhất quốc gia gồm 12 Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp.

Từ những ngày đầu hết sức khó khăn và gian khổ, khi cán bộ và cơ sở vật chất của ngành Tư pháp cũng như nhiều Bộ ngành lúc bấy giờ hầu như là con số không, cán bộ ngành Tư pháp đã được sự đùm bọc, che chở của đồng bào nơi “thủ đô kháng chiến”. Thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang chính là nơi chứng kiến những ngày tháng cam go nhưng cũng đầy ắp nghĩa tình của người dân Tuyên Quang với cán bộ ngành Tư pháp. Mặc dù “đóng đô” ở đây trong thời gian không lâu, nhưng nơi này đã khắc ghi nhiều sự kiện pháp lý - chính trị vô cùng quan trọng đối với ngành Tư pháp cũng như lịch sử đất nước thời kỳ đầu lập quốc.

Và, đúng vào ngày ngành Tư pháp kỷ niệm 65 năm thành lập, Khu di tích cơ quan Bộ Tư pháp trong kháng chiến chống Pháp đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cắt băng khánh thành. Chứng kiến buổi lễ đặc biệt quan trọng này, ngoài lãnh đạo ngành Tư pháp, cấp ủy, chính quyền Tỉnh Tuyên Quang còn có bạn bè quốc tế và lớp lớp cán bộ ngành Tư pháp các thời kỳ. Đặc biệt có những cán bộ Tư pháp đến từ những nơi địa đầu tổ quốc cũng đã vượt chặng đường hàng ngàn km để có mặt ở thôn Mới trước giờ buổi lễ bắt đầu. Có lẽ, đối với bất kỳ một cán bộ tư pháp nào, đây cũng là một sự kiện thiêng liêng và họ tìm về nơi này như tìm về nguồn cội.

“Đây sẽ mãi mãi là nơi hướng về của các thế hệ cán bộ tư pháp hôm nay và mai sau”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói trong niềm xúc động. Khu di tích này sẽ không chỉ nhắc nhở lớp cán bộ Tư pháp hôm nay về một thời gian khó, để càng thấy rõ hơn những giá trị của thành quả đã đạt được trong hiện tại và tương lai để “nguyện kế tục xứng đáng sự nghiệp của các cán bộ Tư pháp đi trước, hoàn thành xuất sắc công tác Tư pháp, xứng đáng với niềm tin của Đảng, nhà nước và nhân dân”, Bộ trưởng nhắc nhở.

Giờ khắc cắt băng khánh thành đáng nhớ đó, trong khi các ngả đường về với “thủ đô gió ngàn” mưa trắng trời thì thôn Mới vẫn có những ánh nắng vàng như rót mật của mùa thu. Bầu trời như cao và trong hơn trong cái thiêng liêng, thanh thản của lòng người. Niềm mong mỏi của biết bao thế hệ cán bộ ngành Tư pháp hôm nay đã thành hiện thực.

…Để vượt khó và ghi những “dấu son”

65 năm qua đã chứng kiến biết bao biến cố, thăng trầm của ngành Tư pháp. Với ba lần được mở rộng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy, có thể nói chưa bao giờ ngành Tư pháp phát triển vững vàng như hôm nay trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như: xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý; đăng ký giao dịch bảo đảm; bồi thường nhà nước; hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong phạm vi của Bộ.

Để đảm đương được nhiệm vụ nặng nề trong thời kỳ mới, tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp không ngừng được kiện toàn, củng cố qua thời gian. Ngoài các tổ chức trực thuộc Bộ, ở địa phương, mạng lưới cán bộ Tư pháp từ tỉnh đến xã cũng có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng chuyên môn. Một mặt tham mưu, giúp địa phương trong các lĩnh vực quản lý, mặt khác đổi mới phong cách làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có việc đến các cơ quan Tư pháp.

Mặc dù vậy, ngành Tư pháp hôm nay vẫn còn bộn bề khó khăn, nhất là ở cấp cơ sở. Cục trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre Phạm Hoài Thuận đã trăn trở “án năm sau tồn đọng nhiều hơn năm trước, gây bức xúc trong nhân dân” hay tâm sự của Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Thanh Hóa Trần Văn Viên “xã hội mình nhiều người còn yếu thế quá, nhận thức pháp luật thì hạn chế nên càng không thể tự bảo vệ mình”…Trăn trở với những khó khăn của ngành, họ đã mạnh dạn tìm tòi, áp dụng những biện pháp mới, chủ động phối hợp với các ngành để gỡ những “điểm nghẽn”.

 Và rồi sự nỗ lực không mệt mỏi đã được đền đáp. Những sáng kiến như mô hình thi hành án cuốn chiếu ở Bến Tre, bán đấu giá quyền sử dụng đất ở Hải Dương, hay áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 vào công tác hành chính Tư pháp ở Cà Mau… đã đem lại sự “bứt phá” cho hoạt động của ngành Tư pháp. 63 tập thể và 70 cá nhân là đại biểu điển hình tiên tiến, đại diện cho phong trào thi đua yêu nước của ngành Tư pháp trong suốt 5 năm qua (2005 - 2010) đã được tôn vinh tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ III. Nhưng, nói như Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên Nguyễn Hùng Tráng: ngành Tư pháp vẫn còn rất nhiều cán bộ cần được tôn vinh, dù họ chưa được tăng thưởng danh hiệu thì sự cống hiến của họ đã được xã hội ghi nhận.

Điểm lại những thành tựu nổi bật của ngành Tư pháp trong 65 năm qua, hoàn toàn có lý khi đánh giá ngành Tư pháp đã ghi những dấu ấn đậm nét trong sự phát triển chung của đất nước. Tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, ngành Tư pháp đã vinh dự đón nhận Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, nhà nước trao tặng, ghi nhận những đóng góp đặc biệt xuất sắc của các thế hệ cán bộ ngành Tư pháp.

Trao Huân chương Sao Vàng cho ngành Tư pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những kết quả mà ngành Tư pháp đạt được đã góp phần quan trọng trong việc hình thành, củng cố, hoàn thiện nền tảng chính trị -pháp lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu ngành Tư pháp tập trung nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Trước hết là đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Bộ Tư pháp cần hết sức nỗ lực cùng các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện các đạo luật và các văn bản dưới luật đúng tiến độ, có chất lượng cao nhằm giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực dân sự, thương mại, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của công dân và hội nhập quốc tế”, Thủ tướng nói.

Những vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cũng là mục tiêu mà ngành Tư pháp đã và đang phấn đấu. Phấn khởi, tự hào về quá trình xây dựng, trưởng thành của ngành Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường tin tưởng “chúng ta nhất định vượt qua khó khăn, phát huy những thành tựu và truyền thống vẻ vang của ngành để hoàn thành xuất sắc công việc”.

An Bình