Từ Đại hội thi đua yêu nước lần thứ III ngành Tư pháp: Những trăn trở với ngành

31/08/2010
Mặc dù trời đổ mưa liên tục nhưng cũng không làm nản lòng hơn 400 đại biểu, trong đó có 63 tập thể và 70 cá nhân điển hình tiên tiến, nô nức về dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp Việt Nam lần thứ III. Với lòng nhiệt huyết với nghề, mỗi tập thể, mỗi cá nhân lại mang trong mình những trăn trở ưu tư với Ngành.

Một trong những nét đổi mới của Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp năm nay so với các Đại hội của nhiều ngành khác là tổ chức gặp gỡ, giao lưu với một số điển hình tiên tiến. Nói về những thành tích cá nhân, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Lệ Thủy khiêm tốn cho rằng đó cũng là sự ghi nhận những thành quả của cả tập thể. Điều mà bà Thủy trăn trở nhất hiện nay là “đầu vào” còn hạn chế khi nhận thức, hiểu biết về pháp luật của nhiều người dân chưa cao. Vì vậy, bà chỉ đạo cán bộ công chức của Sở phải luôn quan tâm đến hiệu quả của công tác tuyên truyền chứ không phải số lượng các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật. Qua các buổi tuyên truyền, người dân có hiểu pháp luật không và hiểu rồi thì có làm theo hay không.

Có lẽ ít người biết rằng một người phụ nữ ở cương vị lãnh đạo hết sức kiên quyết như bà Thủy, khi trở về mái ấm gia đình vẫn là người vợ đảm, mẹ hiền, dâu thảo. Ngược lại, một mình gánh vác công việc của gia đình 2 bên nội ngoại nhưng bà Thủy luôn hoàn thành tốt và xuất sắc công việc đầy bộn bề của mình. “Đi làm thấy nhiều người dân cần đến mình thì tràn đầy nhiệt huyết. Về đến nhà được mọi người trong gia đình từ bố mẹ đến chồng và con cái chào đón thì quên hết mệt mỏi để từ đó được tiếp sức nỗ lực, phấn đấu vươn lên” - bà Thủy tâm sự.

Cũng có nhiều ưu tư với ngành, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đăk Lăk Bùi Đăng Thủy nhận thấy, trong lĩnh vực thi hành án dân sự, số việc phải thi hành còn nhiều, án tồn đọng lên đến hàng nghìn vụ, hàng nghìn tỷ đồng chưa thi hành được và số lượng đơn thư khiếu nại tố cáo. Trong lúc công việc nhiều như vậy nhưng lực lượng cán bộ mỏng, tuyển dụng mới rất khó khăn, không ít cán bộ trong ngành một mực chuyển công tác. Nhưng ông Thủy rất tin tưởng là công tác Tư pháp sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. Riêng trong lĩnh vực thi hành án dân sự, ngay sau khi xây dựng và hoàn thiện thể chế về công tác này, năm 2009 - năm đầu tiên ngành đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao cả về việc lẫn về tiền. Và bí quyết đầu tiên của ông là phải làm sao để các bên hiểu và đồng thuận với công việc của mình thì việc thi hành án sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều.

Đóng góp vào thành công chung của công tác thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre Phạm Hoài Thuận đã “bật mí” một số cách làm của địa phương trong giải quyết án tồn. Xuất phát từ suy nghĩ “một người làm thì hiệu quả thấp, nhiều người làm thì hiệu quả cao hơn”, thi hành án dân sự Bến Tre đã tập trung cán bộ giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc. Bên cạnh đó, với tâm niệm “con người là nhân tố quan trọng nhất”, tỉnh đã chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, phân công công việc rõ ràng, tăng cường đôn đốc, kiểm tra; đồng thời thực hiện chính sách điều động, luân chuyển cán bộ, chấp hành từ địa bàn này sang địa bàn khác. Nhờ vậy, nếu từ năm 2005 về trước, tồn đọng mỗi năm khoảng 5 nghìn việc, thì từ năm 2005 đến nay, số vụ tồn đọng giảm xuống khoảng 3 nghìn việc.

Phương pháp thành công của Tư pháp tỉnh Cà Mau được Giám đốc Sở Nguyễn Thanh Reo tiết lộ đó chính là thường xuyên tìm hiểu, sâu sát việc triển khai Chương trình hoạt động của địa phương được cụ thể hóa từ Chương trình của Ngành nhằm kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để bàn cách tháo gỡ. Tư pháp Cà Mau cũng nêu cao khẩu hiệu “xác định nhiệm vụ xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh” và biết cách tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể. Và trong thời đại ngày nay, Cà Mau không quên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào hoạt động của mình.

Cẩm Vân