Xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Lào sống trên đất Việt: Chuyện… không tưởng?

12/08/2010
Qua rà soát, thống kê sơ bộ việc thực hiện Chỉ thị 31 ngày 20/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết tình trạng di cư tự do, vượt biên trái phép và nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn ở khu vực biên giới Việt Nam – Lào của các tỉnh có biên giới với Lào cho thấy, vẫn còn một bộ phận công dân Lào không thể làm thủ tục đăng ký kết hôn vì không thể có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Lấy giấy xác nhận: ngang “đánh đố”

Theo quy định tại Điều 69 Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thì “công dân của nước láng giềng phải nộp Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định, có xác nhận chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền của nước láng giềng đó về việc hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng”

 Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định nói trên là không khả thi đối với một bộ phận người có quốc tịch Lào sinh sống nhiều năm trên đất nước Việt Nam. Khi thực hiện việc rà soát theo Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính Phủ một số tỉnh có chung đường biên giới với Lào cho thấy, thực trạng này khá phổ biến, có nơi lên tới hàng ngàn trường hợp (Quảng Trị, Kon Tum…). Tuy nhiên, theo nhiều cơ quan tư pháp, các trường hợp này không đủ điều kiện để đăng ký kết hôn do họ không thể có được tờ khai đăng ký kết hôn (xác nhận tình trạng hôn nhân)

Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, do công dân Lào đã sinh sống ổn định tại khu vực biên giới Việt Nam nên không thể về bên kia (Lào) để xin xác nhận đã có vợ/chồng do điều kiện kinh tế khó khăn, việc xuất nhập cảnh phải qua nhiều thủ tục. Hơn nữa nhận thức pháp luật hạn chế, nhiều người có tâm lý ỷ nại việc đăng ký là của… nhà nước. Vấn đề thứ hai quan trọng hơn là dù họ có muốn lấy tờ khai cũng không thể do đã sinh sống ở Việt Nam nhiều năm (thậm chí có nhiều người đến đời thứ 3, thứ 4), cơ quan có thẩm quyền của Lào không quản lý, không biết tình trạng hôn nhân của họ (đương nhiên là như vậy) nên không thể cấp giấy.

Bên cạnh đó, cũng theo Nghị định 68/CP (điều khoản được giữ nguyên khi sửa đổi bằng Nghị định 69/CP) thì  khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn công dân của nước láng giềng phải xuất trình giấy tờ tùy thân do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước láng giềng cấp cho công dân nước đó thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam; Trong trường hợp không có giấy tờ tùy thân này thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh việc thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam kèm theo giấy tờ tùy thân khác của đương sự để kiểm tra…. Điều này cũng là không tưởng do nhiều người là dân di cư, nhập cư trái phép, hoặc là hệ quả của chính sách hoạch định biên giới…

Có thể cho cam đoan?

Sau gần 2 năm triển khai Chỉ thị 31, tiến độ chung ở các địa phương hiện tại vẫn đang rà soát để lập hồ sơ các trường hợp sống chung không đăng ký, không có quốc tịch…. Theo phản ánh của nhiều địa phương, sở dĩ tốc độ “rùa” như vậy là do hồ sơ phần lớn không đủ điều kiện theo yêu cầu do đó không thể hoàn thiện để tiến hành đăng ký kết hôn và xin nhập quốc tịch Việt Nam.

“Nếu theo đúng quy định của pháp luật thì có lẽ rất nhiều trường hợp sẽ không thể đăng ký kết hôn”, Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị Võ Công Hoan khẳng định. Tại Sơn La, tình hình cũng tương tự, Sở Tư pháp Sơn La đã phải xin ý kiến Bộ Tư pháp về vấn đề này.

Theo đó, Sở Tư pháp Sơn La mạnh dạn đề nghị: Trước mắt để hoàn thiện hồ sơ cho những đối tượng người có quốc tịch nước ngoài đã được thống kê, lập danh sách cần phải hợp lý hoá mối quan hệ hôn nhân gia đình giữa họ với công dáoan Việt Nam mà thực chất mối quan hệ này đang tồn tại trên thực tế. Vì thế cần phải ưu tiên giải quyết theo hướng đơn giản hoá tối đa về thủ tục (giấy tờ, thời gian giải quyết).  

Đối với những trường hợp không thể lấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì giải quyết theo hướng để họ tự cam đoan và chịu trách nhiệm cá nhân về tình trạng hôn nhân của mình.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, UBND cấp xã có thể đăng ký ngay mà không cần niêm yết thông báo và gửi hồ sơ về Sở Tư pháp thẩm định cho ý kiến nữa. Đồng thời giải quyết luôn việc đăng ký khai sinh cho trẻ em là con của những trường hợp này nếu chưa được đăng ký.

Giải pháp nói trên ở thời điểm hiện nay là tình thế xong cũng cần xem xét để giải quyết những vướng mắc đặt ra từ thực tiễn hiện nay.

Huy Hoàng

…Công dân của nước láng giềng phải nộp Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định, có xác nhận chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền của nước láng giềng đó về việc hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng.

…Đối với người trước đây đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc người chồng đó đã chết hoặc bị tuyên bố lỡ đã chết thì tuỳ trường hợp cụ thể, đương sự còn phải xuất trình bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về việc cho ly hôn hoặc giấy chứng tử của người vợ hoặc người chồng đó.

(Trích điều 69 Nghị định 68/CP)