Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trần Thất: “Một năm nữa, sẽ giải quyết cơ bản tình trạng không quốc tịch”

10/08/2010
Để độc giả nắm rõ hơn quá trình hơn 01 năm triển khai thi hành Luật Quốc tịch, nhất là trong việc thực hiện chủ trương hạn chế tình trạng không quốc tịch cho người cư trú lâu dài tại Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp). Ông Thất cho biết:

Mặc dù từng nhận định kết quả thi hành Luật Quốc tịch thời gian gần đây là khả quan song vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, một mảng việc quan trọng là giải quyết nhập quốc tịch cho những người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật này có hiệu lực theo Điều 22 và Chỉ thị 31/2008/CT-TTg ngày 20/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết tình trạng di cư tự do, vượt biên trái phép và kết hôn không giá thú ở khu vực biên giới với Lào. Đó là cơ sở pháp lý để giải quyết nhanh chóng vấn đề nhập quốc tịch Việt Nam cho số dân di cư từ Lào sang Việt Nam. Tiếp đến là đẩy mạnh việc đăng ký giữ quốc tịch cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam.

Một năm sẽ xong!

* Được biết, số người di cư tự do, không quốc tịch tại 10 tỉnh biên giới Việt - Lào lên tới vài nghìn người nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam. Đúng không, thưa ông?

- Qua rà soát, thống kê sơ bộ là 4870 người, trong đó đông nhất là Quảng Trị với 2012 người, rồi đến Kon Tum là 1153. Chính xác thì hiện nay, các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê bổ sung và phân thành 2 loại: những người được phép cư trú và những người không được phép cư trú, phải trao trả cho phía Lào. Trong số những người được phép cư trú sẽ được phân loại thành: những người đã cư trú ổn định từ 20 năm trở lên (để được hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký hộ tịch, xin nhập quốc tịch Việt Nam, phù hợp với quy định tại Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam) cùng con cháu của họ và những người cư trú ổn định dưới 20 năm (để báo cáo xin chủ trương giải quyết).

* Một số địa phương khác lại phản ánh rằng đang gặp khó khăn trong việc lên danh sách thuộc diện quy định tại Điều 22 của Luật. Theo ông, khó khăn đó là gì?

- Các tỉnh trên làm sớm là do trước đấy Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các tỉnh dọc biên giới Việt – Lào thực hiện Chỉ thị 31, chứ không phải chờ khi Luật có hiệu lực mới bắt tay vào làm. Khi có danh sách, Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch Nước và đã giải quyết được hàng trăm trường hợp. Còn các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia, miền Tây Nam Bộ mới đang trong giai đoạn rà soát, lập danh sách.

Quy trình đơn giản nhưng không phải quá dễ dàng: các địa phương phải ban hành kế hoạch, giao tư pháp chủ trì, có sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan như công an, biên phòng, ngoại vụ rồi rà soát từng xã, từng huyện đưa danh sách lên tỉnh, tỉnh mới tiến hành xác minh và ký danh sách gửi về Bộ.

* Liệu có ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện Luật hay không, thưa ông?

- Kế hoạch thực hiện Luật Quốc tịch cho phép 2 năm. Bộ cũng phấn đấu theo chỉ tiêu đó. Hy vọng, 1 năm nữa sẽ giải quyết cơ bản số người không quốc tịch mà cư trú ổn định 20 năm trên lãnh thổ Việt Nam.

Chỉ cần đăng ký, chưa phải chứng minh

* Một điểm nhấn của Luật là khuyến khích công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch. Thưa ông, đến nay, đã có bao nhiêu người tiến hành đăng ký rồi?

- Phải nói thật là việc đăng ký giữ quốc tịch cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài tiến triển chậm. Đến nay, Bộ Tư pháp chưa có được con số cụ thể do chưa có báo cáo chính thức từ phía Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Có nhiều lý do như các văn bản hướng dẫn gồm Nghị định, Thông tư - đặc biệt là Thông tư - chậm ban hành (tháng 3/2010 mới có), thành ra việc phổ biến đến công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài chưa được nhanh chóng. Kiều bào ta ở một số nước có gọi điện hỏi về việc đăng ký nhưng nói chung là chậm. Hy vọng từ nay với các văn bản hướng dẫn đã được ban hành, công bố công khai trên các Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước sẽ nhận thức được quyền lợi của mình và sẽ tiến hành việc đăng ký.

* Thế có phải do người ta ngại đăng ký vì thủ tục rối rắm không?

- Kiều bào chỉ cần đến đăng ký chứ các cơ quan chưa yêu cầu phải xuất trình bất kỳ giấy tờ chứng minh gì cả. Thủ tục đăng ký đơn giản thôi, chỉ kê khai theo mẫu đơn có sẵn. Nếu ai có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thì kèm theo, còn không để sau xác minh.

* Đã phát sinh khó khăn nào chưa, thưa ông?

- Đăng ký giữ quốc tịch chưa nhiều nên chúng tôi chưa nhận được nhiều phản ánh là khó ở điểm nào. Vấn đề là làm sao để người dân Việt Nam định cư ở nước ngoài biết được và liên hệ mà đăng ký. Họ phải đọc Luật, Nghị định, Thông tư để biết rõ đăng ký ở đâu, thủ tục như thế nào. Đây là những công việc mà Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ trì. Bộ Tư pháp chỉ có nhiệm vụ phối hợp thôi. Từ khi ban hành Kế hoạch triển khai Luật Quốc tịch, Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức họp bộ ngành để kiểm điểm đánh giá về tiến độ thực hiện Kế hoạch.

* Xin cảm ơn ông!

Cẩm Vân