Chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên của Đoàn luật sư Liên bang Đức - Kinh nghiệm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng luật sư tại Việt Nam

13/08/2010

Đoàn luật sư Liên bang Đức:

Đoàn luật sư Liên bang Đức (BRAK) là một tổ chức tự quản được thành lập năm 1959, đại diện cho các lợi ích chính trị và nghề nghiệp của các luật sư ở cấp liên bang trước Quốc hội, Chính phủ, các Toà án và trước công chúng. Đoàn luật sư liên bang là một tổ chức bao trùm của 28 đoàn luật sư vùng. Năm 1999, Đoàn luật sư liên bang có 10000 luật sư; đến năm 2009, Đoàn luật sư đã có 150337 luật sư. Một trong những chức năng cơ bản của Đoàn luật sư liên bang là khuyến khích các luật sư thường xuyên học tập, nghiên cứu và cập nhật các kiến thức để theo kịp sự phát triển của hệ thống pháp luật.

Chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên của Đoàn luật sư Liên bang Đức:

Theo quy định của pháp luật Đức, các luật sư có nghĩa vụ thường xuyên tự đào tạo, bồi dưỡng, trau dồi các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Thường xuyên tự học tập, bồi dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với chất lượng hành nghề của mỗi luật sư. Hàng năm, có hàng ngàn bản án và quyết định quan trọng do toà án phán quyết, một số lượng lớn các đạo luật mới được ban hành và nhiều bài nghiên cứu luật pháp mới được xuất bản. Để giúp luật sư thường xuyên cập nhật, theo kịp với sự phát triển của luật pháp, cùng với các công việc hàng ngày, luật sư phải dành một khoảng thời gian nhất định cho việc học tập, nghiên cứu. Như vậy, tự học tập, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức là một trong những nghĩa vụ cơ bản của luật sư.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Đức, việc học tập, nghiên cứu là nghĩa vụ mà mỗi luật sư phải tự thực hiện. Để khuyến khích việc thực hiện nghĩa vụ học tập, nghiên cứu của luật sư, Đoàn luật sư liên bang đã đề xướng việc cấp Chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên (Continuing Training Certificate) cho các luật sư. Cơ chế cấp và sử dụng chứng chỉ được tiếp cận từ quan điểm coi chứng chỉ như một công cụ tiếp thị các lợi thế của luật sư với các khách hàng hiện tại và trong tương lai.

Trong thực tế, việc khách hàng có thể tự đánh giá năng lực hành nghề luật sư của mình là rất khó khăn. Vì vậy, để góp phần cụ thể hoá, lượng hoá, chất lượng hành nghề của một luật sư, Đoàn luật sư liên bang đã cấp Chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên -“chứng chỉ Q” để góp phần khẳng định chất lượng hành nghề của một luật sư thông qua quá trình học tập thường xuyên (Quality through continuing education) đối với những luật sư đặc biệt quan tâm đến việc cập nhật, học tập để theo kịp sự phát triển của pháp luật. Chứng chỉ này được công nhận trên toàn liên bang giúp luật sư quảng bá trình độ chuyên môn của mình. Luật sư có thể quảng bá chứng chỉ với chữ Q như sự chứng nhận chất lượng hành nghề của mình tại văn phòng, logo trên thư từ, giấy tờ giao dịch và danh thiếp. Như vậy, chứng chỉ Q sẽ giúp tạo dựng, củng cố niềm tin của khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng bởi nó giúp các khách hàng này hiểu rằng luật sư của mình luôn cố gắng nâng cao chất lượng hành nghề thông qua ý thức thường xuyên học tập, nghiên cứu.

Để có thể được cấp chứng chỉ Q, luật sư cần phải chứng minh mình đã thực hiện một khối lượng nhất định các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên trong 03 năm gần nhất. Việc học tập có thể thông qua việc tham gia các buổi hội thảo, các bài nghiên cứu được xuất bản, các hoạt động tham gia làm giám khảo các kỳ thi luật hoặc các chương trình học tập khác. Đến nay, Đoàn luật sư liên bang đã xây dựng một hệ thống điểm quy đổi để công nhận và cấp chứng chỉ Q đối với các luật sư đạt đủ điểm yêu cầu. Luật sư sẽ được nhận chứng chỉ và logo chữ Q để sử dụng trong 03 năm tiếp theo. Vì chứng chỉ Q chỉ được cấp cho luật sư cùng với quyền sử dụng logo hình chữ Q nên chứng chỉ không chỉ có ý nghĩa quảng cáo đối với cá nhân luật sư mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong việc nâng cao chất lượng hành nghề của luật sư. Có thể nói, chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên của Đoàn luật sư liên bang là một cơ chế quan trong cho sự cạnh tranh trong giới luật sư và đặc biệt là sự cạnh tranh trên toàn bộ thị trường dịch vụ pháp lý.   

Nguyễn Xuân Tùng