Cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Công chứng

14/09/2010
Luật công chứng đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Sau ba năm thực hiện các quy định của Luật Công chứng cho thấy: Một số quy định của Luật như quy định về những người được miễn đào tạo nghề công chứng, quy định về thế chấp tài sản hay quy định về chế độ lưu trữ hồ sơ công chứng... cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Trong bài viết này, tôi xin được đề cập đến ba vấn đề cụ thể sau:

1. Quy định về người được miễn đào tạo nghề công chứng

 Tại Điều 15 của Luật Công chứng quy định:

"1. Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; luật sư đã hành nghề từ ba năm trở lên.

2. Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật.

3. Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật".

Với những người được miễn đào tạo nghề công chứng theo khoản 1 Điều 15 của Luật Công chứng nêu trên, thì cần bổ sung đối tượng: Những người đã là Công chứng viên (được bổ nhiệm theo quy định của Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực hay được bổ nhiệm theo quy định của luật Công chứng) do điều kiện công tác, công chứng viên đó được tổ chức điều động chuyển làm công việc khác, nay có nhu cầu hành nghề công chứng, thì đề nghị cho miễn đào tạo nghề công chứng.

2. Quy định về công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản

Tại khoản 2, Điều 47 của Luật Công chứng quy định: "Nhiều bất động sản thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau cùng được thế chấp để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ thì việc công chứng hợp đồng thế chấp đó do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có một trong số bất động sản thực hiện".

Thực tiễn, quy định trên còn chung chung, chưa thống nhất, chưa phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Cư trú. Cụ thể: Sau khi hợp đồng thế chấp bất động sản được giao kết giữa tổ chức tín dụng và cá nhân đã được thực hiện, khi xảy ra các sự kiện như: tranh chấp hợp đồng giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp (việc xử lý tài sản thế chấp); chia di sản thừa kế; tìm kiến người vắng mặt tại nơi cư trú; quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cứ trú, việc tuyên bố người mất tích, tuyên bố người chết; việc giải quyết tài sản chung là bất động sản của vợ chồng khi ly hôn... Những sự kiện này đều liên quan đến vấn đề về tài sản và nơi cư trú của cá nhân công dân và nơi tổ chức có trụ sở đăng ký hoạt động; việc giải quyết tranh chấp hợp đồng và các vấn đề nêu trên do Tòa án của địa phương nơi công dân cư trú và nơi tổ chức có trụ sở đăng ký hoạt động giải quyết.

Điều 2 của Luật cư trú quy định: "...Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú".

 Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 47 của Luật công chứng cụ thể quy định như sau: Nhiều bất động sản thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau cùng được thế chấp để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ, thì việc công chứng hợp đồng thế chấp đó do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người yêu cầu công chứng thường trú hoặc tạm trú thực hiện; Trường hợp đối với tổ chức có yêu cầu công chứng thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi tổ chức đăng ký hoạt động thực hiện việc công chứng. Quy định như vậy đảm bảo cho các quy định của pháp luật về công chứng được thống nhất, phù hợp và không trái với các quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật cư trú.

3. Quy định về hồ sơ công chứng và chế độ lưu trữ hồ sơ công chứng

Tại khoản 1, Điều 53 của Luật Công chứng quy định: "Hồ sơ công chứng bao gồm phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản chính văn bản công chứng, bản sao các giấy tờ mà người yêu cầu công chứng đã nộp, các giấy tờ xác minh, giám định và giấy tờ liên quan khác".

Tại khoản 2, Điều 54 của Luật Công chứng quy định: "Bản chính văn bản công chứng phải được lưu trữ trong thời hạn ít nhất là hai mươi năm; các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu trữ trong thời hạn ít nhất là năm năm".

Hồ sơ công chứng gồm phiếu yêu cầu công chứng, bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ kèm theo để Công chứng viên sau khi xem xét hợp đồng và các giấy tờ kèm theo hồ sơ đảm bảo các quy định của pháp luật, thì Công chứng viên mới chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Thực tiễn có những hợp đồng, giao dịch 10 năm hoặc 15 năm hay 20 năm sau mới xảy ra tranh chấp như: Hợp đồng cho thuê đất, thuê nhà; chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật...thì hồ sơ công chứng là những chứng cứ vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp đó, nhưng hiện tại việc quy định về hồ sơ và chế độ lưu trữ hồ sơ công chứng chưa  được quy định thông nhất tại khoản 2  Điều 54 của Luật Công chứng nêu trên.

Vì vậy, để bảo đảm các quy định về hồ sơ công chứng và chế độ lưu trữ hồ sơ công chứng được thống nhất, thì việc quy định Bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được quy định thống nhất về thời hạn lưu trữ.

Trên đây là một số quy định của Luật Công chứng còn chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiến, cần được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn thực hiện, để đảm bảo cho các quy định của pháp luật về công chứng hoàn thiện hơn./.

Nguyễn Phương