Một số kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng thẩm phán và công tố viên tại Học viện Thẩm phán CHLB Đức

06/09/2010

1. Giới thiệu về Học viện thẩm phán Cộng hoà Liên bang Đức

Năm 1968, Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các Bang của CHLB Đức lần thứ 35 tổ chức tại Bad Driburg đã thông qua Nghị quyết về công tác bồi dưỡng thẩm phán, công tố viên. Tháng 3 năm 1968, khoá bồi dưỡng ngắn hạn đầu tiên cho các thẩm phán với tên gọi “Flying Academy of Judges” đã được tổ chức. Trên cơ sở Nghị quyết của Hội nghị này, 40 khoá bồi dưỡng đã được lần lượt tổ chức tại các Bang. Tuy nhiên, ngay từ khi ra đời, chương trình bồi dưỡng “Flying Academy of Judges” vẫn chỉ được coi là một “giải pháp tình thế, tạm thời”.

Nhận thức vấn đề này, năm 1969, Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các Bang lần thứ 38 đã khẳng định phải bố trí ngay một địa điểm cố định để thành lập Học viện Tư pháp. Năm 1970, Trier (Bang Rhineland - Palatinate) đã được lựa chọn làm trụ sở của Học viện, việc khởi công và hoàn thành trụ sở được hoàn tất trong năm 1971. Tính đến năm 1987, đã có 25.000 học viên tham gia các khoá bồi dưỡng tại Trier. Đến nay, Trung tâm bồi dưỡng tại Trier có 86 phòng học và đầy đủ các trang thiết bị học tập hiện đại nhất. Ngoài ra, Trung tâm có 01 thư viện, 01 phòng đọc sách, internet, phòng xem tivi, câu lạc bộ và các hoạt động thể thao như bể bơi, bóng bàn, xe đạp… Đến năm 1998, kỷ niệm 25 năm thành lập Trung tâm, theo thống kê, số lượt học viên tham dự các khoá bồi dưỡng là 50.000 người.

Sau khi thống nhất đất nước, tại Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp lần thứ 62 được tổ chức vào tháng 11/1991, Trung tâm bồi dưỡng tại Wustrau (Bang Brandenburg) đã được sáp nhập vào Học viện Tư pháp. Cơ sở vật chất và các trang thiết bị học tập của Wustrau đã được cải tạo và nâng cấp cho đến hết năm 1992. Hiện tại, Trung tâm có 86 phòng học, 03 phòng hội thảo và đầy đủ các trang thiết bị học tập và thể thao. Đến năm 1998, kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm, số lượt học viên tham dự các khoá bồi dưỡng là 10.000 người.   

Học viện thẩm phán CHLB Đức hiện tại hoạt động trên cơ sở Bản thoả thuận hành chính có hiệu lực từ ngày 01/01/1993. Theo Bản thoả thuận này, Học viện hoạt động dựa trên cơ sở hỗ trợ tài chính từ Bộ Tư pháp Liên bang và 16 Bộ Tư pháp Bang. Trung tâm bồi dưỡng tại Wustrau được hoạt động với tư cách độc lập và có đầy đủ thẩm quyền như Trung tâm bồi dưỡng tại Trier. Chức năng chính của Học viện là thực hiện công tác bồi dưỡng nâng cao đối với các thẩm phán và công tố viên với nội dung chính là truyền tải các kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý, chính trị, xã hội, kinh tế và các lĩnh vực khoa học khác.

2. Một số kinh nghiệm trong công tác tổ chức bồi dưỡng của Học viện

2.1. Mô hình tài chính của Học viện thể hiện sự khích lệ mạnh mẽ của Chính phủ Liên bang và sự liên kết chặt chẽ, sự cam kết, ủng hộ của các Bang đối với việc tập trung và thống nhất trong công tác bồi dưỡng thẩm phán và công tố viên

Hiện tại, Học viện thẩm phán hoạt động dựa trên sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Tư pháp Liên bang với tỷ lệ 50%. Tỷ lệ đóng góp ngân sách này thể hiện rõ trách nhiệm đặc biệt quan trọng và sự khích lệ mạnh mẽ của Chính phủ Liên bang đối với công tác bồi dưỡng thẩm phán và công tố viên từ cấp độ quốc gia.

Tỷ lệ đóng góp còn lại (50%) do các Bang chi trả theo thoả thuận giữa Bộ Tài chính các Bang với nhau. Tỷ lệ này được đánh giá trên cơ sở thu ngân sách của Bang từ thuế (tỷ lệ: 2/3) và số dân cư tại Bang đó (tỷ lệ: 1/3). Sự đóng góp của các Bang thể hiện sự liên kết chặt chẽ và sự cam kết, ủng hộ của các Bang đối với việc bồi dưỡng thẩm phán và công tố viên của Bang mình một cách tập trung tại một cơ sở bồi dưỡng vừa mang tính thống nhất của Liên bang vừa mang những đặc thù cụ thể của từng Bang.

Trong năm 2007, tổng số kinh phí Bộ Tư pháp Liên bang và các Bang hỗ trợ cho Học viện thẩm phán là 3.399.600euro, trong đó Trung tâm bồi dưỡng Trier là 1.933.500euro và Wustrau là 1.466.100euro. Kinh phí này được dùng để trang trải cho các hoạt động sau: trả lương cho nhân viên Học viện, chi phí ăn, ở, sinh hoạt cho học viên trong thời gian tham gia khoá học (chi phí đi lại của học viên do Bộ Tư pháp Bang chi trả), tiền giảng và chi phí đi lại cho các giảng viên.

2.2. Mô hình quản lý hành chính của Học viện mang tính tinh giản, gọn nhẹ, hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác bồi dưỡng thẩm phán, công tố viên

Đứng đầu Học viện thẩm phán là 01 Giám đốc với tiêu chuẩn là có đủ bằng cấp và đang đảm nhận một chức danh tư pháp (thông thường là thẩm phán), do Bộ Tư pháp các Bang luân phiên giới thiệu với nhiệm kỳ 03 năm. Giám đốc Học viện chịu trách nhiệm quản lý 02 cơ sở bồi dưỡng, xây dựng chương trình bồi dưỡng hàng năm, đảm bảo 02 cơ sở bồi dưỡng phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, xây dựng báo cáo và đề xuất kiến nghị hàng năm và phụ trách quan hệ công chúng. Giúp việc cho Giám đốc, tại mỗi cơ sở bồi dưỡng có 01 cán bộ quản lý hành chính và khoảng hơn 10 nhân viên phục vụ. Bộ máy của Học viện thẩm phán cũng hết sức gọn nhẹ, tinh giản do Học viện chủ trương không xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu. Hiện tại, Học viện đã phát triển được một đội ngũ với khoảng 950 giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia trong các lĩnh vực như thẩm phán, công tố viên tại các toà án, viện công tố, luật sư từ các công ty, giáo sư các trường đại học, những học giả từ các viện nghiên cứu với những bài báo, nghiên cứu đã được đăng tải và đánh giá cao. Với cách tiếp cận này, ngoài việc tiết kiệm được kinh phí hoạt động của bộ máy nhân sự, Học viện cũng có nhiều khả năng đa dạng hoá các khóa bồi dưỡng của mình mà không phụ thuộc vào trình độ và những kiến thức cố định của lực lượng giảng viên cơ hữu. Ngoài ra, với cách tiếp cận này, học viên còn có thể được truyền tải kiến thức, kinh nghiệm trong rất nhiều lĩnh vực khoa học một cách sống động, đầy mầu sắc và mang tính định hướng thực tiễn cao như nó đã tồn tại trong thực tế cuộc sống.    

2.3. Chương trình bồi dưỡng của Học viên có sức hút do ngày càng phong phú và đa dạng, được xây dựng trên nền tảng của nhu cầu thực tiễn tại các Bang và nhu cầu cụ thể của từng thẩm phán, công tố viên

Tính đến năm 2005, đã có 92.687 học viên tham gia 2.692 khoá học do Học viện thẩm phán, theo đánh giá, tỷ lệ đáp ứng là hết sức khích lệ: 91%. Để đạt được kết quả này, một trong những nguyên nhân quan trọng là chương trình bồi dưỡng của Học viện ngày càng phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tế nhu cầu của các Bang và nhu cầu cụ thể của các thẩm phán, công tố viên. Một số kinh nghiệm có thể rút ra từ quá trình xây dựng chương trình bao gồm: (1) Quy trình xây dựng chương trình bồi dưỡng, (2) Định hướng chương trình bồi dưỡng và (3) Sự đa dạng về hình thức và sự phong phú về nội dung của các khóa bồi dưỡng.

Hàng năm, Học viện thẩm phán không tự xây dựng chương trình bồi dưỡng của mình. Để phù hợp với thiết chế tài chính và nhu cầu bồi dưỡng của các Bang, Học viện tổ chức 01 hội nghị về xây dựng chương trình bồi dưỡng năm, thành phần bao gồm Bộ Tư pháp Liên bang và các Bang để tổng hợp và đánh giá nhu cầu bồi dưỡng một cách khách quan và toàn diện. Ngoài ra, đại diện các hiệp hội trong lĩnh vực pháp luật (ví dụ: hiệp hội thẩm phán…) cũng được mời tham dự với tư cách tham vấn. Hàng năm, Bang nào chủ toạ của Hội nghị Tư pháp các Bang đó sẽ chủ toạ hội thảo xây dựng chương trình bồi dưỡng.

Về định hướng xây dựng chương trình bồi dưỡng, để đảm bảo tính thiết thực, phù hợp và hiệu quả của chương trình đối với những người hiện đang là thẩm phán, công tố viên, việc xây dựng chương trình được định hướng như sau: 45% chương trình bồi dưỡng tập trung vào các lĩnh vực pháp luật cụ thể với tỷ lệ là: 4/10 dành cho Luật Dân sự, 4/10 dành cho Luật Hình sự và 2/10 dành cho các lĩnh vực khác, 30% chương trình bồi dưỡng tập trung vào các lĩnh vực liên ngành (ví dụ: luật Châu Âu…), 25% chương trình bồi dưỡng tập trung vào định hướng hành vi, kỹ năng tác nghiệp.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, để tạo sức hút của các khoá học, Học viện cũng không ngừng nâng cao sự đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung của các khóa bồi dưỡng. Có thể nói, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá loại hình các sản phẩm bồi dưỡng đã trở thành một trong những thế mạnh của Học viện. Ngoài các khoá bồi dưỡng, thuyết giảng của chuyên gia, nhà nghiên cứu, Học viên đang tập trung nhiều vào việc tổ chức các buổi hội thảo để thảo luận, tranh luận và trao đổi nhiều vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội như “Truyền thông và tội phạm”, “Người Do Thái và công lý”…. Kết quả cho thấy, mỗi năm Học viện tổ chức khoảng 150 hội thảo thu hút được hơn 5.000 thẩm phán và công tố viên tham gia.  

Nguyễn Xuân Tùng