Phần thứ hai: Vai trò của công tác pháp chế trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Giai đoạn năm 1960 đến năm 1981)

30/03/2016
1. Vài nét về hoàn cảnh lịch sử
Ngày 14/7/1960, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ. Tuy nhiên, theo Luật này, trong cơ cấu của Hội đồng Chính phủ không có Bộ Tư pháp. Các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp về quản lý tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra (Tư pháp công an), truy tố (Viện Công tố) và xét xử (Tòa án), thi hành án được chuyển giao cho Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và một phần cho chính quyền địa phương.
Trong suốt thời gian hơn 10 năm sau đó, không còn cơ quan nào giúp Chính phủ quản lý thống nhất và toàn diện các công việc về tư pháp trên phạm vi cả nước. Trên thực tế, chỉ có Vụ Pháp chế được thành lập năm 1957 khi Bộ Tư pháp còn chưa giải thể - với tư cách là một đơn vị trực thuộc Thủ tướng Chính phủ nhưng chức năng hết sức hạn chế [1].
Năm 1972, trong Tờ trình số 911-TC ngày 12/9/1972 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận định: “Chúng ta chưa phát huy được đầy đủ tác dụng tích cực của pháp chế xã hội chủ nghĩa trong mọi mặt hoạt động của Nhà nước. Công tác pháp chế chưa được gắn chặt với toàn bộ việc quản lý nhà nước. Đặc biệt là trong quản lý kinh tế, pháp chế chưa được sử dụng rộng rãi, mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc dân… Hệ thống tổ chức pháp chế chưa hình thành... Ý thức pháp chế xã hội chủ nghĩa chưa được thấm nhuần trong cán bộ và nhân dân”. Để khắc phục tình hình đó, Hội đồng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Ủy ban Pháp chế của Hội đồng Chính phủ.
Ủy ban Pháp chế là cơ quan chủ quản về mặt pháp chế của Hội đồng Chính phủ, được phân công phụ trách công tác pháp chế do Hội đồng Chính phủ đảm nhiệm trong việc quản lý nhà nước, đặc biệt trong việc quản lý kinh tế… Ủy ban Pháp chế phụ trách công tác hành chính tư pháp và các trường đào tạo cán bộ pháp lý, đặt kế hoạch tổ chức nghiên cứu khoa học pháp lý, kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nắm tình hình xây dựng, chấp hành pháp luật trong các cơ quan nhà nước và nhân dân…
2. Ủy ban pháp chế được thành lập góp phần quan trọng trong quản lý thống nhất công tác pháp chế của Hội đồng Chính phủ
Tháng 10/1972, xuất phát từ yêu cầu của việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế, xã hội của Nhà nước, hình thành một hệ thống pháp luật đầy đủ, là công cụ của Nhà nước để quản lý nền kinh tế quốc dân cũng như mọi hoạt động của Nhà nước, Ủy ban Pháp chế trực thuộc Hội đồng Chính phủ được thành lập theo Nghị quyết số 133-NQ/QH/K4 ngày 14/02/1972 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là cơ quan chủ quản về mặt pháp chế của Hội đồng Chính phủ, quản lý thống nhất công tác pháp chế, đặc biệt là trong việc quản lý nhà nước về kinh tế.
Ngày 09/10/1972, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 190-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Pháp chế thuộc Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý thống nhất công tác pháp chế của Hội đồng Chính phủ theo đường lối, chính sách của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước, làm cho pháp chế trở thành sức mạnh, uy quyền của Nhà nước dân chủ nhân dân trong việc quản lý kinh tế, trong các lĩnh vực công tác khác của Nhà nước và trong mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và kỷ luật trong lao động, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản riêng của công dân, bảo vệ trật tự trị an; đề cao vai trò làm chủ tập thể của quần chúng, tăng cường chuyên chính với bọn phản cách mạng và không ngừng mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đối với nhân dân. Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Pháp chế trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, xây dựng ngành pháp chế, công tác hành chính tư pháp, đào tạo cán bộ pháp lý, nghiên cứu khoa học pháp lý và tổng kết công tác pháp chế.
Tổ chức bộ máy của Ủy ban Pháp chế gồm có: Văn phòng, Vụ Dự thảo pháp luật chung và Hệ thống hoá pháp luật, Vụ Pháp luật kinh tế, Vụ Hướng dẫn thi hành pháp luật, Vụ Hành chính tư pháp, Vụ Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Vụ Tổ chức và Cán bộ, Trường Pháp lý và Viện Nghiên cứu pháp lý.
Ngày 10/5/1974, Ủy ban Pháp chế thuộc Hội đồng Chính phủ ban hành Thông tư số 100-VP hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của cơ quan pháp chế ở các Bộ và Tổng cục, ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, các cơ quan pháp chế của địa phương có hai chức năng chủ yếu là:
- Quản lý thống nhất công tác xây dựng và ban hành pháp luật, hướng dẫn và theo dõi thi hành pháp luật, xây dựng cơ quan pháp chế cấp dưới, bồi dưỡng cán bộ pháp chế, quản lý hành chính tư pháp;
- Làm tư vấn pháp luật cho Ủy ban hành chính về các vấn đề liên quan đến pháp chế.
Hệ thống tổ chức pháp chế ở các ngành, các cấp gồm có: Vụ Pháp chế, Phòng Pháp chế hoặc Tổ chức Pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ; Sở Pháp chế, Ty Pháp chế, Phòng Pháp chế ở khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Phòng hoặc Tổ Pháp chế ở huyện và các đơn vị tương đương; Tổ Pháp chế hoặc cán bộ pháp chế ở cơ sở (xã, xí nghiệp và các đơn vị tương đương). Việc thực hiện tổ chức pháp chế sẽ tiến hành từng bước, tuỳ theo tình hình cụ thể của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi cơ sở theo phương châm gọn nhẹ và có hiệu lực thực sự. Ngay trong những năm đầu xây dựng Ngành (từ năm 1973 đến năm 1975), một số Bộ, Tổng cục đã thành lập Vụ Pháp chế, Ban Pháp chế hoạt động hiệu quả như Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Bưu điện, Bộ Thủy lợi, Bộ Nội vụ (Công an), Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Ngoại thương, Nội thương...
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trong các năm 1975 - 1976, Ủy ban Pháp chế cùng với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất việc tiếp quản trụ sở làm việc của các cơ quan tư pháp thuộc chế độ nguỵ quyền và tiếp nhận bàn giao công việc của Bộ Tư pháp thuộc Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thống nhất về mặt tổ chức, hoạt động của các cơ quan pháp chế, Tòa án, Viện kiểm sát trên toàn quốc.
Trong giai đoạn từ năm 1972 đến đầu năm 1981, tổ chức và hoạt động của Ủy ban Pháp chế và các cơ quan trực thuộc tiếp tục được kiện toàn. Ngày 13/9/1974, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế ra Quyết định số 282/QĐ về việc chuyển giao tổ chức luật sư sang Ủy ban Pháp chế. Bên cạnh đó, nhằm phúc đáp yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ phục vụ cho công tác pháp chế trong cả nước, ngày 17/7/1976, Ủy ban Pháp chế đã ban hành Quyết định số 236-TCCB thành lập Trường Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ pháp chế đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Pháp chế. Trường có chức năng chủ yếu là bồi dưỡng nghiệp vụ.
Ngày 11/01/1977, trên cơ sở Trường Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ pháp chế, Ủy ban Pháp chế đã có Quyết định số 003-TCCB thành lập Trường Pháp lý Việt Nam có chức năng đào tạo cán bộ có trình độ trung học pháp lý theo hệ tập trung dài hạn và tại chức. Cũng trong tháng 01/1977, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế phía Nam được thành lập theo Quyết định số 006-TCCB ngày 18/01/1977 với mục đích đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế ở các tỉnh phía Nam[2].
Để đáp ứng yêu cầu có nhanh đội ngũ cán bộ pháp lý có trình độ cao đẳng và đại học, Hội đồng Chính phủ đã có Quyết định số 299-CP ngày 22/8/1979 thành lập Trường Cao đẳng Pháp lý thuộc Ủy ban Pháp chế. Trường có nhiệm vụ đào tạo tập trung dài hạn cán bộ pháp lý có trình độ cao đẳng, đáp ứng nhu cầu cán bộ pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội và các cơ quan chuyên trách công tác pháp lý như Tòa án, Kiểm sát, Nội vụ, Pháp chế…; thực hiện bồi dưỡng ngắn hạn và tại chức cho cán bộ của các cơ quan này.
Xuất phát từ thực trạng còn thiếu nhiều cán bộ pháp lý, đặc biệt thiếu cán bộ pháp lý trẻ và cán bộ pháp lý chuyên ngành kinh tế, hơn thế nữa, tuy thành lập đã gần 30 năm, nhưng Nhà nước ta vẫn chưa xây dựng được hệ thống trường pháp lý, chưa mở Trường Đại học pháp lý, do vậy sau hơn một năm nghiên cứu, chuẩn bị lực lượng, trao đổi với Bộ Đại học, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các cơ quan liên quan, ngày 15/4/1974, Ủy ban Pháp chế đã có Tờ trình gửi Thường vụ Hội đồng Chính phủ về việc mở Trường Đại học Pháp lý ở bậc đại học.
Ngày 10/11/1979, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 405-CP về việc thành lập Trường Đại học Pháp lý Hà Nội. Trường Đại học Pháp lý Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ pháp lý có trình độ đại học và trên đại học, theo các hình thức dài hạn, ngắn hạn và tại chức, nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành, các cấp về cán bộ pháp lý. Thời gian đào tạo của mỗi khóa học tập trung dài hạn là bốn năm rưỡi. Cơ cấu đào tạo của Trường do Ủy ban Pháp chế của Chính phủ và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp quyết định, sau khi đã bàn bạc nhất trí với các ngành có liên quan.
Tháng 3 năm 1980, Trường Đại học Pháp lý Hà Nội đã khai giảng khóa học đầu tiên và vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến dự. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng đã nhấn mạnh đến ý nghĩa to lớn của công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý: “Trường Đại học Pháp lý có một vị trí quan trọng. Chúng ta phải cùng nhau xây dựng Trường Đại học Pháp lý Hà Nội thành một trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý, trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý và trung tâm truyền bá pháp lý...”.
Sau khi thành lập Trường Đại học Pháp lý, do yêu cầu thực tiễn của cán bộ pháp lý trong giai đoạn hiện tại vẫn cần phải tiếp tục đào tạo hệ trung cấp pháp lý, Trường Trung học pháp lý vẫn tiếp tục tồn tại và được đổi tên thành Trường Trung học pháp lý I theo Quyết định số 013-QĐ của Ủy ban Pháp chế. Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ pháp lý cho các tỉnh phía Bắc.
Cùng với việc phát triển công tác đào tạo nguồn cán bộ pháp chế, công tác báo chí, xuất bản cũng được chú trọng. Ngày 08/4/1975, nhằm mục đích phổ biến tinh thần cơ bản của luật pháp hiện hành, trao đổi về khoa học pháp lý và kinh nghiệm công tác pháp chế, Ủy ban Pháp chế đã có công văn gửi Ban Tuyên huấn Trung ương đề nghị được phép xuất bản Tạp chí Pháp chế xã hội chủ nghĩa. Theo đó, nội dung của Tạp chí sẽ bao gồm những bài viết liên quan đến toàn bộ công tác quản lý bằng pháp luật của Nhà nước ta phù hợp quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về pháp luật. Ngày 12/12/1977, Phủ Thủ tướng đã có Giấy phép số 4761-VP9 cho phép Ủy ban Pháp chế xuất bản Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa (tiền thân của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật ngày nay). Ngày 20/12/1977, Tòa soạn Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa được thành lập theo quyết định của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế của Chính phủ.
Nội dung của Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa bao gồm:
- Phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách, quan điểm pháp chế xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước; lý luận khoa học pháp lý nhằm nâng cao nhận thức về pháp chế xã hội chủ nghĩa trong cán bộ, công nhân viên và nhân dân.
- Phổ biến phương hướng, chủ trương công tác pháp chế của Hội đồng Chính phủ, của Ủy ban Pháp chế, văn bản luật lệ của cơ quan và Nhà nước.
- Trao đổi và phổ biến kinh nghiệm về nghiệp vụ công tác pháp chế xã hội chủ nghĩa phục vụ cho việc quản lý nhà nước.
Tháng 5/1978, Nhà xuất bản Pháp lý trực thuộc Ủy ban Pháp chế cũng được thành lập theo Quyết định số 56/VH-QĐ ngày 27/5/1978 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Thông tin. Nhiệm vụ của Nhà xuất bản Pháp lý là xuất bản các văn kiện luật lệ của Nhà nước; sách tuyên truyền, phổ biến pháp luật; sách hướng dẫn thi hành pháp luật; sách nghiên cứu lý luận về pháp lý; sách và các giáo trình giảng dạy về pháp lý…
3. Những thành tựu của công tác pháp chế trong giai đoạn này
3.1. Về tổ chức và hoạt động
Được thành lập từ tháng 10 năm 1972 cho tới ngày Bộ Tư pháp được thành lập lại (tháng 11 năm 1981), Ủy ban Pháp chế của Chính phủ đã phát huy mạnh mẽ vai trò và sứ mạng của mình trong việc giúp Chính phủ quản lý thống nhất công tác pháp chế, đẩy mạnh các công tác mà việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa đã đề ra, phát huy chức năng và tác dụng của pháp chế xã hội chủ nghĩa để tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Việc tuân thủ pháp luật, ủng hộ thi hành pháp luật là nghĩa vụ của mọi công dân, đồng thời là một nội dung đạo đức mới của con người mới xã hội chủ nghĩa.
Chức năng và nhiệm vụ của Ủy ban Pháp chế trong giai đoạn này về cơ bản cũng giống như chức năng của Bộ Tư pháp thời kỳ trước đây, trừ việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương là thuộc phạm vi quản lý của Tòa án nhân dân tối cao.
Hệ thống tổ chức pháp chế ở các ngành, các cấp gồm có: Vụ Pháp chế, Phòng Pháp chế hoặc Tổ chức Pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ; Ban Pháp chế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Phòng hoặc Tổ Pháp chế ở huyện và các đơn vị tương đương; Tổ Pháp chế hoặc cán bộ pháp chế ở cơ sở (xã, xí nghiệp và các đơn vị tương đương).
Tính đến tháng 4/1975, ở trung ương đã có 35/42 cơ quan có tổ chức pháp chế, ở địa phương có 16/25 tỉnh có tổ chức pháp chế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc thành lập Ban Pháp chế tỉnh được hưởng ứng ở hầu hết các tỉnh phía Nam mà các địa phương mở đầu thành lập vào cuối năm 1975 là thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Hậu Giang…
Sau năm 1976, hệ thống pháp chế địa phương đã lần lượt thành lập ở hầu hết các tỉnh trong cả nước, hoạt động cho tới năm 1981 thì chuyển sang thành lập các Sở Tư pháp [3].
Các lãnh đạo của Ủy ban Pháp chế qua các thời kỳ là:
- Ông Trần Công Tường - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế giai đoạn từ năm 1972 đến năm 1978;
- Ông Nguyễn Ngọc Minh – Quyền Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế giai đoạn từ năm 1978 đến năm 1979;
- Ông Trần Quang Huy - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1981.
Trụ sở của Ủy ban Pháp chế đặt tại số 5 phố Ông Ích Khiêm, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
3.2. Về công tác xây dựng pháp luật
Nhằm mục tiêu thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, phúc đáp yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa đảm bảo tính thống nhất theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và kế hoạch của Nhà nước, trong thời kỳ này, các dự án luật, pháp lệnh như Pháp lệnh Xét khiếu tố, Luật Ruộng đất, Điều lệ Hợp đồng kinh tế đã được Ủy ban Pháp chế nghiên cứu, xây dựng và trình các cơ quan có thẩm quyền.
Năm 1974, Ủy ban Pháp chế đã xây dựng chương trình làm luật trong hai năm 1974 và 1975 với 22 dự án luật, pháp lệnh, pháp điển hóa trên 90 văn bản pháp quy, phối hợp với Bộ Lao động và Tổng Công đoàn nghiên cứu, lên kế hoạch xây dựng Bộ luật Lao động…
Ngày 05/9/1975, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 172-CP thành lập Ban dự thảo Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự do Ông Trần Công Tường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế là Trưởng ban.
Trên cơ sở dự kiến chương trình làm luật, Ủy ban Pháp chế cũng đã nghiên cứu xây dựng chương trình đề tài nghiên cứu khoa học pháp lý liên quan đến các ngành luật như: Luật Nhà nước, Luật Hành chính, Luật Kinh tế, Luật Hình sự và Tố tụng hình sự, Luật Dân sự và Tố tụng dân sự, Luật Ruộng đất, Luật Tài chính, Luật Lao động, Luật Quốc tế nhằm phục vụ thiết thực cho công tác xây dựng pháp luật và công tác giảng dạy ở Trường Đại học Pháp lý.
Sau ngày thống nhất đất nước, ngày 25/3/1977, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết số 76-CP về vấn đề hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước, đồng thời, thông qua một danh mục gồm trên 400 văn bản để phổ biến thi hành trong cả nước và chỉ ra những phương hướng về xây dựng pháp luật. Ủy ban Pháp chế của Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành Thông tư số 244/VP-PC hướng dẫn những công việc cần thực hiện như: Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các văn bản pháp luật trong cán bộ và quần chúng nhân dân, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế các ngành, các cấp để bảo đảm  thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 76-CP.
Thực hiện rà soát, hệ thống pháp luật của cả hai miền, tổng hợp thành một hệ thống thống nhất dùng chung cho cả nước, hơn 10.000 văn bản pháp luật đã được rà soát, hệ thống hóa và đã lựa chọn được 664 văn bản, bao gồm phần lớn là Luật, Pháp lệnh, Nghị định, đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua năm 1976 để trở thành hệ thống pháp luật của nước Việt Nam thống nhất, được đem áp dụng thi hành trên cả nước.
Một số dự án pháp luật được hoàn thành trong thời gian này như: Điều lệ Quản lý lao động xã hội; Dự luật về Sở hữu ruộng đất; Pháp lệnh về Quản lý ruộng đất; Pháp lệnh Xét khiếu tố; trình Hội đồng Chính phủ dự thảo Chương trình các vấn đề pháp chế trong nông nghiệp…
Trong khi chờ Nhà nước ban hành chính thức đạo luật về thẩm quyền và thủ tục xây dựng, ban hành pháp luật nhằm đưa công tác xây dựng, ban hành pháp luật đi vào nền nếp, ngày 23/3/1981, Ủy ban Pháp chế đã ban hành Thông tư số 104-VP hướng dẫn cách lập và thực hiện kế hoạch xây dựng pháp luật ở cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương. Kế hoạch hóa công tác xây dựng pháp luật là nhằm tạo thế chủ động trong việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng là một biện pháp cải tiến cách làm việc, thực hiện hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong công tác thể chế hóa chủ trương và chính sách của Đảng.
Sau khi có Nghị định số 35-CP ngày 09/02/1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, ngày 31/3/1981, Ủy ban Pháp chế ban hành Thông tư số 117-TT/PC hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương hàng năm vào tháng 10, căn cứ vào yêu cầu thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng thuộc lĩnh vực mình quản lý, phải tiến hành lập kế hoạch xây dựng pháp luật (bao gồm các dự án luật, pháp lệnh và cả các văn bản pháp quy được ban hành theo chức năng quản lý…), Ủy ban Pháp chế có nhiệm vụ thẩm tra tính hợp pháp của các kế hoạch này.
Ở cấp tỉnh, Ban Pháp chế cũng có chức năng giúp Ủy ban nhân dân thẩm tra tính hợp pháp của các văn bản do các cấp, các ngành trong tỉnh ban hành.
3.3. Về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật
Ủy ban Pháp chế đã phối hợp với các cơ quan chủ động tổ chức đợt tuyên truyền về Hiến pháp năm 1959 nhằm nâng cao ý thức pháp chế xã hội chủ nghĩa trong cán bộ và nhân dân.
Nhân Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên, Ủy ban Pháp chế ban hành Thông tư số 205-TT gửi cơ quan pháp chế các Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn tuyên truyền pháp luật nhân dịp Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên và coi đây là công tác trọng tâm. Xuất bản nhiều tập luật lệ có kèm theo văn bản hướng dẫn thi hành làm cơ sở cho công tác hướng dẫn, tuyên truyền và thi hành pháp luật.
Ngày 09/3/1978, Ủy ban Pháp chế ban hành Thông tư số 77/PC-TT hướng dẫn tổ chức pháp chế các ngành và địa phương tham gia vào cuộc vận động thảo luận Dự thảo Hiến pháp mới (Hiến pháp năm 1980).
Cùng với công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Ủy ban Pháp chế đã củng cố và xây dựng hệ thống tổ chức pháp chế ở các Bộ, Tổng cục, ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, quản lý một số tổ chức bổ trợ tư pháp và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp luật.
Có thể nói, từ khi được thành lập cho tới đầu năm 1981, công tác pháp chế đã được triển khai một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, ý thức hoạt động của toàn ngành được nâng cao; công tác xây dựng pháp luật được kế hoạch hóa đã đặt cơ sở để đưa việc xây dựng và thi hành pháp luật đi vào nền nếp; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ngày càng được mở rộng và nâng cao chất lượng; công tác luật sư được chấn chỉnh và tăng cường; bước đầu xây dựng công tác công chứng và công tác giám định tư pháp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và quản lý xã hội bằng pháp luật.
Chú thích:
[1]. Vụ Pháp chế trực thuộc Thủ tướng Phủ (Văn phòng Chính phủ sau này) được thành lập theo Nghị định số 504-TTg ngày 26/10/1957 đảm nhận công tác giúp Chính phủ trong việc nghiên cứu các dự án luật lệ và các vấn đề pháp lý; soát lại các văn bản có tính chất pháp quy của các Bộ và Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố ban hành để bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc pháp trị dân chủ…
[2]. Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam, tập 1, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2010, tr. 174, tr. 177.
[3]. Đề tài cấp Bộ “50 năm Ngành Tư pháp Việt Nam”, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Hà Nội, năm 2002.
 

​​​​​