Phần thứ tư: Ngành Tư pháp với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế (Giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2007)

30/03/2016
1. Khái quát về vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Ngành Tư pháp trong sự nghiệp đổi mới
1.1. Giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2002
Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới được ban hành, mở ra một giai đoạn cách mạng mới, thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh. Trong bối cảnh đó, Ngành Tư pháp được Đảng và Nhà nước giao thêm nhiều nhiệm vụ mới nhằm phục vụ hiệu quả chủ trương đổi mới cơ chế kinh tế, thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền… Tháng 10 năm 1992, ông Nguyễn Đình Lộc được Nhà nước quyết định về giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay cho ông Phan Hiền được nghỉ hưu theo chế độ.
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp được quy định trong Nghị định số 143-HĐBT không còn phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của Bộ Tư pháp trong tình hình mới. Vị trí và vai trò của Bộ Tư pháp nói riêng và của Ngành Tư pháp nói chung từng bước đã được tăng cường, vì vậy, việc thay thế Nghị định số 143-HĐBT về chức năng quyền hạn, nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tư pháp là hết sức cần thiết.
Ngày 04/6/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp thay thế Nghị định số 143-HĐBT, đặt cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đổi mới, kiện toàn hệ thống các cơ quan tư pháp, đánh dấu một bước phát triển mới của tổ chức bộ máy cơ quan Bộ Tư pháp nói riêng và tổ chức hệ thống Ngành Tư pháp nói chung, vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đất nước.
Theo Nghị định số 38-CP ngày 04/6/1993, Chính phủ quy định Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước thống nhất về công tác tư pháp; xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật; quản lý về mặt tổ chức Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực (gọi chung là Tòa án địa phương); đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý và quản lý các công tác tư pháp được Chính phủ giao.
a. Về cơ cấu tổ chức
Bộ Tư pháp gồm có:
(i) Các cơ quan giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước: Văn phòng Bộ; Vụ Kế hoạch - tài chính; Vụ Quản lý Tòa án địa phương; Cục Thi hành án dân sự; Vụ Quản lý luật sư, tư vấn pháp luật; Vụ Quản lý công chứng, giám định tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp; Vụ Pháp luật hình sự, hành chính; Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo; Thanh tra Bộ.
(ii) Các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ: Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý; Trường Đại học Luật Hà Nội, phân hiệu Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; Báo Pháp luật; Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
b. Về nhiệm vụ và quyền hạn
Bộ Tư pháp được giao các nhiệm vụ cụ thể như sau: Xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật; quản lý Tòa án nhân dân địa phương; quản lý và tổ chức thi hành án dân sự; thực hiện việc quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động luật sư, công chứng, giám định tư pháp, hộ tịch, thống kê tư pháp, lý lịch tư pháp; quản lý các công việc về quốc tịch theo quy định của pháp luật; trình Chính phủ quyết định (hoặc quyết định theo sự ủy quyền của Chính phủ) quy chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức luật sư, công chứng và giám định; thống nhất quản lý các biểu mẫu, sổ sách về công chứng, hộ tịch, thống kê tư pháp, lý lịch tư pháp; trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn công tác hòa giải các tranh chấp trong nhân dân; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết hoạt động của các tổ hòa giải; trình Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn và hàng năm; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình giảng dạy pháp luật trong các trường học; xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo viên chức tư pháp của cả nước; tổ chức đào tạo cán bộ pháp lý bậc đại học, cao học và sau đại học theo sự phân công của Chính phủ; thống nhất quản lý việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ Tòa án, tư pháp, pháp chế, luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch, chấp hành viên; tổ chức việc nghiên cứu khoa học pháp lý, phát triển công tác thông tin pháp lý; thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp như trình Chính phủ quyết định chương trình, kế hoạch và dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp; quản lý và tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện chương trình, kế hoạch và dự án đó; trình Chính phủ quyết định việc ký kết, phê duyệt việc tham gia các điều ước quốc tế, tham gia các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tư pháp theo quy định của Chính phủ; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong phạm vi chức năng của Bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo thẩm quyền.
Có thể nói, với Nghị định số 38-CP, từ năm 1993, công tác tư pháp được mở rộng và Bộ Tư pháp được Chính phủ giao thêm 20 nhiệm vụ mới, cụ thể là:
(i) Về xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật (01 nhiệm vụ mới):
Thẩm định các Dự án Luật, Dự án Pháp lệnh để Chính phủ có thể xem xét trước khi quyết định trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoặc để Chính phủ tham gia ý kiến đối với những Dự án do các cơ quan khác, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thẩm định Dự thảo Nghị quyết, Nghị định trước khi trình Chính phủ; tham gia ý kiến bằng văn bản về Dự thảo Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
(ii) Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (02 nhiệm vụ):
- Làm đầu mối phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chỉ đạo hướng dẫn việc phát hành Bản tin Tư pháp ở các địa phương (Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật);
- Chủ trì công tác xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn (Quyết định số 69/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ).
(iii) Về công tác đào tạo, bồi dưỡng (01 nhiệm vụ):
Đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác (Quyết định số 34/1998/QĐ-TTg ngày 11/02/1998 của Thủ tướng Chính phủ).
(iv) Về công tác thi hành án (06 nhiệm vụ):
- Quản lý nhà nước đối với việc công nhận và thi hành án tại Việt Nam các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (Pháp lệnh Công nhận và Thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài ngày 17/4/1993);
- Thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp (Luật Phá sản doanh nghiệp ngày 30/12/1993);
- Quản lý và tổ chức thi hành các bản án kinh tế (Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế ngày 16/3/1994);
- Quản lý nhà nước đối với việc công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài (Pháp lệnh về công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài ngày 14/9/1995);
- Thi hành các quyết định về phần tài sản, quyền tài sản trong các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 21/5/1996);
- Quản lý và tổ chức thi hành các vụ án lao động (Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động ngày 11/4/1996).
(v) Về công tác tư pháp khác (05 nhiệm vụ):
- Quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách (Quyết định số 734-TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ);
- Quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định số 92/1998/NĐ-CP ngày 10/11/1998 của Chính phủ);
- Quản lý nhà nước đối với Trung tâm Trọng tài kinh tế (Nghị định số 116-CP ngày 05/9/1994 của Chính phủ);
- Quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản (Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ);
- Quản lý và thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm (Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm);
- Quản lý và hướng dẫn hoạt động của Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp (Công văn số 324/CV-VPCP ngày 25/01/1999 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng về việc thành lập Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp).
(vi) Về công tác hòa giải (01 nhiệm vụ):
Giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác hòa giải (Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày 25/12/1998, Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ).
(vii) Về pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế (03 nhiệm vụ):
- Thẩm định các Dự thảo Điều ước quốc tế (Pháp lệnh Ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế ngày 20/8/1998);
- Quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật (Nghị định số 103/1998/NĐ-CP ngày 26/12/1998 của Chính phủ);
- Cấp ý kiến pháp lý cho các Dự án vay vốn nước ngoài (Nghị định số 87-CP ngày 05/8/1997 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức).
Ở địa phương, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của hệ thống các cơ quan tư pháp địa phương được quy định tại Thông tư số 12/TTLB ngày 26/7/1993, bao gồm: Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cùng cấp, có chức năng giúp Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác tư pháp tại địa phương và chịu sự chỉ đạo, quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan tư pháp cấp trên. Như vậy, trong giai đoạn này, hệ thống cơ quan tư pháp địa phương được củng cố ở cả 3 cấp: Sở Tư pháp ở cấp tỉnh, Phòng Tư pháp ở cấp huyện, Ban Tư pháp ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Tại các Sở Tư pháp, đã hình thành các đơn vị trực thuộc như: Văn phòng, các phòng chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác tư pháp, tổ chức cán bộ…
Điểm mới cơ bản về nhiệm vụ của Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương theo Nghị định số 38-CP, Thông tư liên bộ số 12/TTLB cùng với các văn bản có liên quan là việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý và tổ chức thi hành án từ Tòa án nhân dân sang cơ quan thuộc Chính phủ (mà cụ thể là Bộ Tư pháp). Hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự đã được thành lập từ Trung ương xuống đến địa phương (cấp huyện). Cụ thể, theo Nghị định số 30-CP ngày 02/6/1993, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự bao gồm: Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp cấp tỉnh; Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện.
Sau 10 năm, Báo cáo tổng kết công tác thi hành án dân sự (1993 - 2003) đã cho thấy, việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân sang các cơ quan của Chính phủ (mà cụ thể là cho Bộ Tư pháp quản lý) là phù hợp, kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền ngày càng được nâng cao, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
1.2. Giai đoạn từ năm 2002 đến tháng 8/2007
Tháng 8 năm 2002, ông Uông Chu Lưu (Thứ trưởng Bộ Tư pháp) được Nhà nước quyết định giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay cho ông Nguyễn Đình Lộc được nghỉ hưu theo chế độ.
Nhằm thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001; Nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 05/8/2002 của Quốc hội, Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính và cải cách tư pháp, ghi nhận những nhiệm vụ và quyền hạn về công tác tư pháp mà Chính phủ giao thêm cho Bộ Tư pháp trong thời gian qua, cũng như điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn trong quá trình sắp xếp lại tổ chức, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
Theo Nghị định này, Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tư pháp bao gồm: Công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật.
a. Về cơ cấu tổ chức
Bộ Tư pháp gồm có:
(i) Các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước: Vụ Pháp luật hình sự, hành chính; Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế; Vụ Pháp luật quốc tế; Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; Vụ Quản lý công chứng, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp (gọi chung là Vụ Hành chính tư pháp); Vụ Quản lý luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại (gọi chung là Vụ Bổ trợ tư pháp); Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Cục Thi hành án dân sự; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; Cục Trợ giúp pháp lý; Cục Con nuôi quốc tế; Thanh tra; Văn phòng.
(ii) Các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp: Viện Khoa học pháp lý; Trường Đại học Luật Hà Nội; Trường Đào tạo các chức danh tư pháp; Báo Pháp luật; Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; Trung tâm Tin học.
b. Về nhiệm vụ và quyền hạn
Bộ Tư pháp có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
- Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch sau khi được phê duyệt và các văn bản pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
- Về công tác xây dựng pháp luật: Lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ và theo dõi việc thực hiện chương trình đó sau khi được quyết định; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; trực tiếp tham gia xây dựng các dự án luật, pháp lệnh do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì soạn thảo; thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ.
- Về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: Thống nhất quản lý công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành về những nội dung liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước do Bộ phụ trách; giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật; kiến nghị xử lý, xử lý theo thẩm quyền hoặc xử lý theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ các văn bản trái pháp luật.
- Về phổ biến, giáo dục pháp luật: Thống nhất quản lý công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thông tin pháp luật, biên soạn, xuất bản, phát hành các tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp và trường học.
- Về thi hành án dân sự: Thống nhất quản lý công tác thi hành án dân sự; quản lý thống nhất hệ thống tổ chức và hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự từ Trung ương đến địa phương theo quy định của pháp luật; chỉ đạo việc thi hành và trực tiếp thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật.
- Về công tác hành chính tư pháp: Thống nhất quản lý về công chứng, chứng thực, hộ tịch, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, quốc tịch, lý lịch tư pháp và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể trong các lĩnh vực này theo quy định của pháp luật.
- Về công tác bổ trợ tư pháp: Thống nhất quản lý về tổ chức và hoạt động của luật sư trong nước, luật sư nước ngoài tại Việt Nam; về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật, hoạt động giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại theo quy định của pháp luật.
- Về công tác trợ giúp pháp lý: Thống nhất quản lý và thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng Quỹ trợ giúp pháp lý ở Trung ương và hướng dẫn việc sử dụng các nguồn tài trợ trợ giúp pháp lý ở địa phương.
- Về công tác đăng ký giao dịch bảo đảm: Thống nhất quản lý về đăng ký giao dịch bảo đảm; thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, tài sản cho thuê tài chính và các giao dịch, tài sản khác theo quy định của pháp luật.
- Về công tác hòa giải: Hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Về công tác hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật: Thống nhất quản lý các hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật; thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật; thực hiện việc cấp ý kiến pháp lý cho các dự án theo quy định của pháp luật; tham gia giải quyết về mặt pháp lý các tranh chấp quốc tế có liên quan tới Việt Nam theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Về công tác nghiên cứu khoa học và xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử: Nghiên cứu khoa học pháp lý; phát triển và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật, giao dịch bảo đảm, công chứng, hộ tịch, lý lịch tư pháp và các cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.
- Về quản lý các dịch vụ công, các tổ chức xã hội: Quyết định các chủ trương, biện pháp cụ thể và chỉ đạo việc thực hiện cơ chế hoạt động của các tổ chức dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật; quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ; quản lý nhà nước đối với hoạt động của hội, tổ chức phi Chính phủ thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.
- Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại: Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.
- Về cải cách hành chính: Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả cải cách thể chế hành chính nhà nước; quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Bộ theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Về công tác tổ chức, cán bộ và đào tạo: Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý của Bộ; xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên môn Ngành Tư pháp và bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ; đào tạo cán bộ pháp lý, đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp theo quy định của pháp luật.
- Về kế hoạch, tài chính: Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.
Do được Chính phủ giao thêm một số nhiệm vụ mới, vì vậy, Bộ Tư pháp đã thành lập các đơn vị để đảm nhận việc thực hiện các nhiệm vụ mới này, bao gồm:
(1) Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
Theo quy định tại khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội khoá XI, tại kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 16/12/2002, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước thống nhất về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đây là nhiệm vụ có khối lượng công việc lớn, đối tượng, phạm vi rộng, có tính nghiệp vụ chuyên sâu nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương kiện toàn về tổ chức, thiết lập cơ chế thực hiện triển khai có hiệu quả nhiệm vụ này.
Để thực hiện yêu cầu trên, Bộ Tư pháp đã thành lập Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhằm giúp Bộ trưởng quản lý thống nhất công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời trực tiếp thực hiện kiểm tra và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(2) Vụ Pháp luật quốc tế
Trước xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế, Bộ Tư pháp ngày càng được giao thêm nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực pháp luật quốc tế như xây dựng, thẩm định các dự thảo Điều ước quốc tế, xây dựng các Hiệp định tương trợ tư pháp, xây dựng, thẩm định, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại quốc tế, nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan đến các tổ chức quốc tế và khu vực như ASEAN, AFTA, APEC, WTO... và pháp luật của một số nước để từ đó kiến nghị các giải pháp nhằm từng bước hài hòa hoá giữa pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế, tạo cơ sở pháp lý để chủ động hội nhập quốc tế có liên quan đến Việt Nam, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân Việt Nam.
Đây chính là những nhiệm vụ được bổ sung sau Nghị định số 38-CP, chưa có đơn vị chuyên trách đảm nhận. Do vậy Bộ Tư pháp đã thành lập Vụ Pháp luật quốc tế.
(3) Cục Con nuôi quốc tế
Vấn đề con nuôi quốc tế là vấn đề nhân đạo, thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của trẻ em, đồng thời là vấn đề phức tạp, hết sức nhạy cảm về chính trị, ngoại giao. Nhiều nước trên thế giới đã thành lập cơ quan con nuôi quốc tế và giải quyết các thủ tục trong lĩnh vực con nuôi. Trong thời gian vừa qua, việc quản lý, giải quyết các thủ tục cũng như việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam sau khi được người nước ngoài nhận làm con nuôi chưa thường xuyên, đầy đủ và chặt chẽ.
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém trên, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em Việt Nam làm con nuôi, Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có hiệu lực từ ngày 02/01/2003 đã quy định thành lập cơ quan con nuôi quốc tế của Việt Nam thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực con nuôi có yếu tố nước ngoài và trực tiếp thực hiện một số thủ tục giải quyết cho người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi theo quy định của pháp luật. Vì vậy, Bộ Tư pháp thành lập Cục Con nuôi quốc tế thuộc Bộ Tư pháp.
(4) Trung tâm Thông tin
Việc thành lập trung tâm thông tin thuộc Bộ Tư pháp là thống nhất với mô hình tổ chức, bộ máy mới của các Bộ, ngành hiện nay và phù hợp với Quyết định số 112/2001/QĐ-TTg ngày 25/7/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2005.
(5) Nhà xuất bản Tư pháp
Nhằm đảm bảo việc cung cấp các tài liệu nghiệp vụ cho các cơ quan tư pháp địa phương, đồng thời góp phần vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân, Bộ Tư pháp đã thành lập Nhà xuất bản Tư pháp trực thuộc Bộ Tư pháp.
Một số đơn vị được điều chuyển chức năng, thay đổi tên gọi, bao gồm:
- Vụ Quản lý luật sư, tư vấn pháp luật đổi tên thành Vụ Quản lý luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại (gọi chung là Vụ Bổ trợ tư pháp).
- Vụ Quản lý công chứng, giám định tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp đổi tên thành Vụ Quản lý công chứng, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp (gọi chung là Vụ Hành chính tư pháp).
- Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý đổi tên thành Viện Khoa học pháp lý.
Có thể nói, những quy định của Nghị định số 62/2003/NĐ-CP đã đáp ứng một số vấn đề thay đổi sau đây:
- Bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ giao thêm sau khi Nghị định số 38-CP được ban hành như: Thẩm định các Dự án Luật, Pháp lệnh, Dự thảo Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Dự thảo Điều ước quốc tế; hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thi hành án kinh tế, lao động, quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, tổ chức trọng tài nước ngoài, trực tiếp thi hành án phá sản doanh nghiệp; trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách; đăng ký giao dịch bảo đảm, tài sản cho thuê tài chính; quản lý hoạt động hành nghề tư vấn pháp luật của các tổ chức luật sư nước ngoài; hợp tác với nước ngoài về pháp luật; cấp ý kiến pháp lý cho các hiệp định, thoả thuận vay vốn nước ngoài của Nhà nước, Chính phủ và của các doanh nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức pháp chế Bộ, ngành; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn...
- Bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn mới như: Thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương ban hành; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; thực hiện nhiệm vụ tin học hoá của Bộ Tư pháp.
Một số nhiệm vụ thuộc chức năng, quyền hạn của Bộ Tư pháp nay điều chuyển sang cơ quan khác như: Nhiệm vụ quản lý Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án quân sự quân khu, khu vực về mặt tổ chức đã chuyển giao sang Tòa án nhân dân tối cao đảm nhận theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2001; nhiệm vụ thống kê tư pháp chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân tối cao đảm nhận.
Có thể nói, việc mở rộng phạm vi hoạt động của công tác tư pháp qua những nhiệm vụ mới mà Chính phủ giao thêm cho Bộ Tư pháp từ năm 1993 đến năm 2003 đã phản ánh rõ nét quan điểm phát triển công tác tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phù hợp chiến lược về cải cách hành chính và cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.
Cùng với việc mở rộng phạm vi hoạt động của Bộ Tư pháp, hệ thống các cơ quan tư pháp ở địa phương cũng được củng cố, kiện toàn và trở thành cơ quan chuyên môn tham mưu đắc lực cho Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương. Với Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BTP-BNV ngày 05/5/2005, các cơ quan tư pháp địa phương đã có sự đổi mới cơ bản cả về tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Ở cấp tỉnh, Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BTP-BNV quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức gồm có các phòng chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở. Nếu như Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1993 hướng dẫn Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ cấu bộ máy và biên chế của Sở Tư pháp theo nguyên tắc tổ chức gọn nhẹ, thì Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BTP-BNV đã quy định về các đơn vị được tổ chức thống nhất trong Sở Tư pháp, bao gồm Văn phòng, Thanh tra, Phòng Công chứng. Các phòng chuyên môn được tổ chức để bao quát các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở nhưng không quá 04 phòng chuyên môn nghiệp vụ (riêng đối với Sở Tư pháp thuộc TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thì không quá 05 phòng chuyên môn, nghiệp vụ).
Ở cấp huyện, Phòng Tư pháp được hình thành theo Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1993. Trên thực tế, từ năm 1989, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và giảm đầu mối tổ chức, một số tỉnh đã sáp nhập Phòng Tư pháp cấp huyện vào cơ quan chuyên môn khác của Ủy ban nhân dân hoặc chỉ để 1 - 2 cán bộ tư pháp làm việc trực tiếp với Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 172/2004/NĐ-CP ngày 29/4/2004 quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BTP-BNV ngày 05/5/2005, trong đó khẳng định, Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện được tổ chức thống nhất trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở các văn bản này, Phòng Tư pháp đã được kiện toàn và thành lập lại ở tất cả các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Đối với cấp xã, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, trong giai đoạn này, tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương đã có những cải cách cơ bản, trong đó đáng chú ý nhất là hình thành các chức danh công chức chuyên môn cấp xã. Ngày 10/10/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2003/NĐ-CP về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, trong đó xác định “Tư pháp - Hộ tịch” là một trong những chức danh công chức của xã, phường, thị trấn. So với Thông tư liên bộ số 12/TTLB, Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BTP-BNV đã quy định công chức tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nhà nước về công tác tư pháp. Ban Tư pháp được xác định là tổ chức phối hợp thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp cấp xã, trong đó công chức tư pháp - hộ tịch là một thành viên.
2. Những thành tựu của Ngành Tư pháp trong giai đoạn này
2.1. Công tác nghiên cứu, xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật
Nhằm tiếp tục xây dựng cơ sở pháp lý cho thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không ngừng phát triển, thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, công tác nghiên cứu, xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật, công tác nghiên cứu, xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật luôn được coi là một trong những công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp. Từ năm 1993 đến năm 2006, Bộ Tư pháp đã trực tiếp chủ trì soạn thảo và tham gia cùng các Bộ, ngành soạn thảo nhiều văn bản pháp luật quan trọng, góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đất nước như:
- Bộ luật Dân sự năm 1995 (sửa đổi, bổ sung năm 2005);
- Bộ luật Hình sự năm 1999;
- Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 1993, 2003);
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004;
- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2002);
- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004;
- Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 1998);
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;
- Pháp lệnh Công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài năm 1993;
- Pháp lệnh Luật sư năm 2001, Luật Luật sư năm 2006;
- Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 1995 (sửa đổi, bổ sung năm 2002 và năm 2007);
- Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2004);
- Pháp lệnh Giám định tư pháp năm 2004;
- Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006;
- Luật Công chứng năm 2006;
- Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 cùng nhiều luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội…
Quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật không những tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà còn được đổi mới theo hướng tăng cường tính dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tất cả các khâu từ lập dự kiến chương trình đến soạn thảo, thẩm định và ban hành. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, sự phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương trong việc xây dựng văn bản, đề án được chú trọng thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực.
Nội dung các văn bản, đề án đã thể chế hóa kịp thời đường lối, chính sách, định hướng quan trọng thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chứa đựng nhiều vấn đề mới, tiến bộ, đặc biệt là tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn 2006 - 2020. Cũng trong thời gian này, Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp được triển khai trên diện rộng và có chiều sâu bằng việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt và ban hành Chương trình hành động giai đoạn 2006 - 2010 của Ngành Tư pháp triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2007 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Các cơ quan tư pháp địa phương đã hoàn thành việc xây dựng một số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật (tính đến hết tháng 10 năm 2006, khoảng 27.800 văn bản) trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành theo thẩm quyền.
Trong công tác thẩm định, kiểm tra và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, tiến độ thẩm định được bảo đảm, chất lượng thẩm định từng bước được nâng cao. Nội dung thẩm định đã chú trọng đánh giá tác động xã hội, sự phù hợp với các cam kết quốc tế, bảo đảm tính khả thi, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo văn bản.
Bộ Tư pháp đã thẩm định 344 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan tư pháp địa phương thẩm định, góp ý kiến cho hơn 22 nghìn văn bản, tăng 25% so với năm trước [1].
Tại nhiều địa phương, Lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đánh giá cao công tác thẩm định văn bản, đề án, thể hiện sự tin tưởng qua việc chỉ ký ban hành khi đã có ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp. Điều đó phản ánh sự nỗ lực của toàn ngành trong việc phấn đấu trở thành “người gác cổng” tin cậy của chính quyền các cấp trong việc ban hành chính sách, pháp luật.
Về pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã tham gia hiệu quả vào công tác xây dựng các văn bản pháp luật thực thi các cam kết quốc tế (các điều ước quốc tế đa phương, song phương trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội; các hiệp định thương mại song phương, mà điển hình là Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ); xây dựng cơ sở pháp lý, hoàn thiện pháp luật phục vụ việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bộ Tư pháp cũng đã đề ra 13 giải pháp để hoàn thành số lượng lớn công việc, đặc biệt việc thực hiện đúng các cam kết thành viên WTO theo lộ trình đòi hỏi đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong quá trình thẩm định các điều ước quốc tế đã kịp thời phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới những quy định còn chưa tương thích với các cam kết quốc tế.
2.2. Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật
Đây là nhiệm vụ mới mà Bộ Tư pháp được giao từ giữa năm 2003. Tuy nhiên, đầu năm 2004, toàn Ngành Tư pháp đã tập trung triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo quy định của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Chỉ sau gần một năm, toàn Ngành Tư pháp đã tiếp nhận 21.017 văn bản để kiểm tra và đã phát hiện được 3.260 văn bản trái pháp luật, có thông báo và kiến nghị xử lý 844 văn bản sai trái (Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp đã kiểm tra 2.972 văn bản, bước đầu phát hiện được 915 văn bản có dấu hiệu sai trái). Số văn bản có dấu hiệu sai trái còn lại được nghiên cứu, xử lý theo quy định. Các tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã tổ chức rà soát, hệ thống hoá được 67.817 văn bản làm cơ sở phục vụ công tác kiểm tra [2].
Hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản theo chuyên đề, địa bàn, lĩnh vực và các nguồn thông tin được chú trọng và tích cực triển khai thực hiện. Việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật gây bức xúc trong dư luận xã hội đã được kịp thời kiến nghị xử lý. Công tác đôn đốc thực hiện, kiểm tra, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong năm qua cũng được quan tâm hơn.
Bộ Tư pháp đã chủ trì các đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác này ở một số địa phương; tổ chức một số lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản ở các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Tư pháp cũng đã hoàn thành và trình phê duyệt Đề án tăng cường năng lực trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Ngành Tư pháp trong những năm tiếp theo.
Như vậy, có thể thấy, hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản đã có tác động tích cực, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp các cấp trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2.3. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Trong giai đoạn này, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp cùng các ngành thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương và hướng dẫn các Sở Tư pháp tham mưu giúp Ủy ban nhân dân các cấp thành lập Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương, xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, biên soạn tài liệu và hướng dẫn kịp thời văn bản pháp luật mới ban hành đến nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp chỉ đạo toàn ngành tập trung thực hiện hiệu quả Chỉ thị 32-CT/TW  ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân…
Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì cùng với các cơ quan hữu quan đã soạn thảo Chương trình hành động quốc gia về phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 với 4 Đề án lớn nhằm: Đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế văn hoá thông tin ở xã, phường, thị trấn; xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn; phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Chương trình này, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/02/2004.
Cùng với việc phát triển mạnh mẽ tủ sách pháp luật (được trang bị theo Quyết định số 1067/1998/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ) ở các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn, các phòng đọc sách ở các nhà văn hóa thôn, ấp, khu phố văn hóa, ngày 07/6/2006, Bộ Tư pháp đã phối hợp cùng các ngành như: Công an, Quốc phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Thông tư liên tịch số 02/2006/TTLT-BTP-BCA-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH-TLĐLĐVN về việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trường học, nhằm không ngừng nâng cao ý thức pháp luật cho mọi đối tượng quần chúng nhân dân.
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai đồng bộ, gắn việc tổ chức thực hiện pháp luật với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu về nội dung, đa dạng về hình thức. Xuất hiện nhiều cách làm hay được tổng kết để nhân rộng như: việc tổ chức “Phiên chợ pháp luật” ở Hà Giang, Lào Cai; “Ngăn sách pháp luật” ở Bắc Kạn; “Giỏ sách pháp luật” ở Bình Dương; “Tổ hòa giải 5 tốt” ở Hà Nội; Đề án “Đem luật về làng” ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng; “Ngày pháp luật” ở Hà Tây; Chương trình “Tòa tuyên án” phát trên các kênh VTV6 và VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam do VTV6 phối hợp với Học viện Tư pháp thực hiện...
Công tác hòa giải ở cơ sở được các Sở Tư pháp và chính quyền cơ sở quan tâm tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, tạo điều kiện cho hòa giải viên tại cơ sở hòa giải đúng pháp luật, giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Kết quả hòa giải thành ở các địa phương đạt tỷ lệ khá (50 địa phương đạt tỷ lệ từ 70 đến trên 80%; đặc biệt đã có một số địa phương đạt xấp xỉ và trên 90% như Bình Dương, Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế) [3].
Hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản của Ngành Tư pháp cũng có những đóng góp tích cực vào công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho quần chúng nhân dân như: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, Tạp chí Luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội, Đặc san Nghề luật của Học viện Tư pháp, các Báo và Bản tin Tư pháp của các Sở Tư pháp địa phương như Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Bản tin Tư pháp Thủ đô, Bản tin của các Sở Tư pháp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đã hợp thành hệ thống báo chí, xuất bản của Ngành Tư pháp và không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Ngành Tư pháp.
2.4. Công tác thi hành án dân sự
Theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 (được sửa đổi, bổ sung năm 2004) và các Nghị định hướng dẫn thi hành, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thi hành án dân sự. Đến năm 2007, đã có 64 cơ quan thi hành án cấp tỉnh ở 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hơn 600 cơ quan thi hành án cấp huyện trong cả nước. Đội ngũ cán bộ, chấp hành viên từng bước được kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần giữ nguyên kỷ cương phép nước, tăng cường pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.
Sau 2 năm sơ kết thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, toàn Ngành Tư pháp và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã thể hiện rõ sự nỗ lực trong việc nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, số lượng án dân sự tồn đọng ngày một giảm, những việc tồn đọng, nổi cộm đã được giải quyết dứt điểm.
Công tác về xây dựng thể chế, hướng dẫn nghiệp vụ, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự cũng được Bộ Tư pháp quan tâm, tạo cơ sở pháp lý, tháo gỡ nhiều vướng mắc lâu nay cho công tác thi hành án được tăng cường và hiệu quả hơn.
Công tác tổ chức thi hành án dân sự cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ đã thi hành xong hàng năm đạt 71,15% tổng số việc có điều kiện thi hành, số tiền đã thu cũng tăng so với năm trước. Nhiều vụ, việc phức tạp, kéo dài lâu năm được giải quyết dứt điểm [4]...
2.5. Công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp
Trong giai đoạn này, Bộ Tư pháp đã kịp thời xây dựng cơ sở pháp lý mới về tổ chức và hoạt động cho các tổ chức, cơ quan hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp như: công chứng, hộ tịch, lý lịch tư pháp, quốc tịch, luật sư và tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giám định tư pháp, trọng tài thương mại, bán đấu giá tài sản… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đời sống kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, chú trọng nghiên cứu để cải cách hành chính, xây dựng thể chế, tháo gỡ khó khăn ách tắc trong các hoạt động này, nhất là những việc liên quan đến công dân, tổ chức và các doanh nghiệp.
Ở lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, công chứng, chứng thực đã được giải quyết cơ bản các vướng mắc về thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế cải cách “một cửa”, cải tiến mẫu biểu, thiết lập các đường dây nóng, ứng dụng tin học hoá trong công tác hộ tịch và công chứng. Việc cải cách mạnh mẽ thủ tục giải quyết công việc để công tác hành chính tư pháp thật sự thân thiện với người dân, trong đó chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện thể chế của công tác hành chính tư pháp, tập trung vào việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về chứng thực, Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Công chứng; Thông tư liên tịch về chuyển đổi Phòng Công chứng; Quy chế tập sự hành nghề công chứng; Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng... Trên cơ sở tổng kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp theo hướng “giao quyền chủ động hơn cho chính quyền địa phương” theo Đề án phân cấp quản lý hành chính trong Ngành Tư pháp đã được phê duyệt.
Công tác bổ trợ tư pháp cũng có những chuyển biến tích cực theo tinh thần cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đội ngũ luật sư được phát triển với chất lượng hành nghề cao. Sau khi Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để từng bước củng cố và hoàn thiện các tổ chức giám định tư pháp. Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút các chuyên gia giỏi tham gia hoạt động giám định tư pháp; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và đề nghị Bộ Tài chính ban hành quy định về phí giám định trong lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự, pháp y tâm thần. Đội ngũ giám định viên tư pháp từng bước được bổ sung, nâng cao kiến thức pháp luật và chuyên môn, nghiệp vụ. Bộ Tư pháp cũng đã xúc tiến xây dựng Đề án thành lập Viện Pháp y quốc gia. Công tác quản lý nhà nước về Trọng tài thương mại, hành nghề của các tổ chức luật sư nước ngoài, hoạt động tư vấn pháp luật của các tổ chức cũng được tăng cường theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nghiệp nhưng hoạt động đúng pháp luật.
2.6. Công tác trợ giúp pháp lý
Sau 7 năm thực hiện Quyết định số 734-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/9/1997, đến năm 2004, Ngành Tư pháp đã xây dựng được hệ thống trợ giúp pháp lý miễn phí ổn định, thống nhất trong cả nước và hoạt động có hiệu quả. Các Trung tâm trợ giúp pháp lý ở 64 tỉnh, thành phố đã xây dựng được mạng lưới 700 chi nhánh, tổ, điểm trợ giúp pháp lý ở cấp huyện. Đội ngũ cán bộ và cộng tác viên trợ giúp pháp lý gồm 325 chuyên viên trợ giúp pháp lý và 6.351 cộng tác viên [5].
Đến cuối năm 2007, cùng với việc triển khai Luật Trợ giúp pháp lý, hệ thống pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý tiếp tục được hoàn thiện. Bộ Tư pháp đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thành lập Quỹ Trợ giúp pháp lý; Quyết định phê duyệt Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Chi nhánh của Trung tâm; phối hợp các Bộ liên quan ban hành 03 Thông tư liên tịch, ban hành theo thẩm quyền 02 Thông tư và 7 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về công tác trợ giúp pháp lý.
Bộ Tư pháp cũng thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ và chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Đã có 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế của Trung tâm. Các mô hình trợ giúp pháp lý tại cơ sở được mở rộng, ở thời điểm này, đã có 108 Chi nhánh, 151 Tổ cộng tác viên ở cấp huyện và 2.213 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cấp xã. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên trợ giúp pháp lý được tăng cường, trong toàn quốc hiện có 515 cán bộ trợ giúp pháp lý, trong đó có 162 Trợ giúp viên pháp lý, 8.489 cộng tác viên; tổ chức thành công hội nghị tập huấn toàn quốc về trợ giúp pháp lý; 28 hội thảo, toạ đàm về các vấn đề chuyên sâu; bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cấp chứng chỉ khoá III cho 78 người là nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý [6].
Bộ Tư pháp cũng đã thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương; 58/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương. Công tác trợ giúp pháp lý ở nhiều địa phương đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm và chỉ đạo kịp thời hơn. Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan có liên quan trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý được tăng cường và đạt kết quả cao.
Phạm vi hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng mở rộng, hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa tiếp tục được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực, đi vào chiều sâu hơn, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý đa dạng của các đối tượng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân. Đến cuối năm 2007, các Trung tâm Trợ giúp pháp lý trong cả nước đã thực hiện trợ giúp được 82.998 vụ việc, trong đó có 76.950 vụ tư vấn, 517 vụ đại diện, 4.997 vụ bào chữa, 334 vụ kiến nghị, 230 vụ hòa giải. Qua đó đã trợ giúp pháp lý cho 86.289 đối tượng (22.896 người nghèo, 11.958 người có công với cách mạng, 18.629 người dân tộc, 4.077 trẻ em, 28.729 đối tượng khác). Nét mới trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý là chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu trợ giúp pháp lý của các đối tượng thụ hưởng [7].
2.7. Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm
Hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm là một hoạt động mới, sau khi Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp được thành lập và các chi nhánh tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng đi vào hoạt động, thì công tác này đã có bước phát triển đáng kể, tăng cả về số giao dịch được đăng ký và số lượng khách hàng. Điều này phản ánh việc các ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã thấy rõ sự cần thiết, quan trọng của việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền lợi của mình và với thị trường tài chính tín dụng nói chung trong điều kiện kinh tế thị trường. Tính đến tháng 10/2007, số lượng vụ việc đã giải quyết trong toàn hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm luôn giữ mức năm sau cao hơn nhiều so với năm trước. Theo số liệu thống kê, các Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm trong cả nước đã giải quyết được 122.453 đơn yêu cầu (tăng 137% so với năm 2006), 3.657 văn bản cung cấp thông tin (tăng 181% so với năm 2006) [8].
Thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm có sự cải tiến, tạo điều kiện cho khách hàng tiết kiệm thời gian, bảo đảm được tính kịp thời của việc công khai hóa giao dịch và tra cứu thông tin. Việc triển khai ứng dụng tin học vào hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin tại các Trung tâm đăng ký tiếp tục được chú trọng thực hiện, đảm bảo đồng bộ dữ liệu giữa các Trung tâm.
Hoạt động kiểm tra, hướng dẫn, giải đáp về chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện thường xuyên (tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Cần Thơ; phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên tổ chức lớp bồi dưỡng pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm cho cán bộ tư pháp của tỉnh; tiến hành kiểm tra tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước về tổ chức quản lý, thực hiện công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất).
Bộ Tư pháp cũng đã tập trung cao cho việc xây dựng Dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, Dự án Luật Đăng ký bất động sản và đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm và Dự án Luật Đăng ký bất động sản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hai lần cho ý kiến sơ bộ 02 dự án luật này. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi quy định hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.
2.8. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp và pháp luật
Công tác đào tạo nguồn cán bộ pháp lý và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp luôn được Bộ Tư pháp quan tâm, đầu tư và phát triển, tập trung mạnh mẽ vào việc tăng cường năng lực đào tạo cho các cơ sở đào tạo thuộc Bộ, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo luật, đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trường Đại học Luật Hà Nội thành lập từ năm 1979, ngoài việc đào tạo bậc đại học, từ năm 1993, đã bắt đầu đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ luật. Đến năm 2007, Trường đã được mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp tục thực hiện 5 Chương trình hành động về nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức thực hiện tốt các hoạt động đào tạo các trình độ trung cấp, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ luật theo chỉ tiêu, chương trình và kế hoạch đã được duyệt. Ở thời điểm năm 2007, Trường có gần 18.000 học viên, trong đó có 6.000 sinh viên đại học hệ chính quy; gần 8.000 sinh viên đại học hệ vừa học vừa làm, 2.000 sinh viên hệ đại học văn bằng hai; 320 học viên cao học; 42 nghiên cứu sinh tiến sĩ luật học và gần 2.000 học sinh trung cấp luật [9]. Sau 25 năm thành lập và phát triển, Trường Đại học Luật Hà Nội đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Ba về thành tích đào tạo đội ngũ cán bộ pháp lý đầu đàn cho đất nước. Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành Trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật cơ bản đã được hoàn thành để trình Chính phủ phê duyệt.
Từ năm 1997, Trường Đào tạo các chức danh tư pháp thuộc Bộ Tư pháp được thành lập để đào tạo đội ngũ thẩm phán, luật sư, công chứng viên và các chức danh tư pháp khác. Đầu năm 2004, Trường đã được chuyển thành Học viện Tư pháp (theo Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg ngày 25/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ). Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển của công tác đào tạo các chức danh tư pháp ở nước ta, đồng thời khẳng định vai trò và trách nhiệm nặng nề của Ngành Tư pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp theo yêu cầu của cải cách tư pháp và phúc đáp nhu cầu của xã hội. Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp. Đến năm 2007, Học viện Tư pháp đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy, đưa công nghệ thông tin vào việc giảng dạy và quản lý học viên. Học viện đã tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử (454 học viên), nghiệp vụ luật sư (1.412 học viên), nghiệp vụ thi hành án dân sự (410 học viên); nghiệp vụ công chứng (246 học viên); tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp như: hội nghị giảng viên nhằm thống nhất chương trình đào tạo và ứng dụng phương pháp giảng dạy mới (phương pháp tương tác, lấy người học làm trung tâm, diễn án, làm việc nhóm...); tiếp tục biên soạn, đổi mới chương trình, giáo trình, tài liệu phục vụ nghiên cứu, giảng dạy; chương trình “Tòa tuyên án” đã tạo được sự quan tâm trong dư luận xã hội [10].
2.9. Công tác hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật
Thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hoá quan hệ với các đối tác nước ngoài, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành khác duy trì và mở rộng hợp tác với nhiều nước và tổ chức quốc tế, giúp Chính phủ ký 13 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, hôn nhân và gia đình và hình sự với các nước nhằm bảo đảm sự bảo hộ pháp lý cho công dân Việt Nam ở các nước đó và tương trợ tư pháp lẫn nhau giữa các nước. Ở thời điểm hiện tại, toàn ngành đã chủ động đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật, triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp, vì vậy, hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật đã có những bước phát triển mới, có trên 30 nước và tổ chức quốc tế hỗ trợ cho các cơ quan của Việt Nam trong lĩnh vực này. Sự hỗ trợ tập trung chủ yếu vào việc xây dựng thể chế; kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ pháp luật và tư pháp; xây dựng hệ thống thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhiều cơ quan nhà nước ở trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội và xã hội - nghề nghiệp và một số địa phương đã và đang được thụ hưởng từ những hoạt động hỗ trợ này.
Bộ Tư pháp cũng đã tập trung làm tốt công tác điều phối, kiểm tra các chương trình, dự án hợp tác pháp luật với việc đề cao nhiệm vụ điều phối hoạt động hợp tác ở cấp vĩ mô nhằm tận dụng triệt để và hợp lý sự hỗ trợ của nước ngoài đối với hoạt động xây dựng pháp luật, tăng cường thực thi pháp luật, đào tạo cán bộ pháp luật; nhờ đó công tác hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật đã đạt được những kết quả tích cực.
Công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp được triển khai với ý thức chính trị cao về việc giữ vững các nguyên tắc hợp tác, đặc biệt là đảm bảo an ninh chính trị; đồng thời linh hoạt trong tác nghiệp nhằm khai thác tốt nhất sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế phục vụ các mục tiêu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp.
Bộ cũng đã triển khai có hiệu quả công tác tổng kết, sơ kết việc thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Đảng về hợp tác với nước ngoài về tư pháp và pháp luật: Chỉ thị số 57/CT-TW ngày 08/8/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về hợp tác với nước ngoài về pháp luật và cải cách hành chính, Quy chế quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại của Bộ Chính trị; tổng kết tình hình tiếp nhận và kết quả sử dụng tài trợ nước ngoài từ khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW.
2.10. Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đòi hỏi phải nghiên cứu một cách có hệ thống các cơ sở lý luận và thực tiễn về pháp luật và tư pháp. Bộ Tư pháp đã triển khai nghiên cứu nhiều đề tài cấp Nhà nước và đề tài cấp Bộ. Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã và đang đóng góp đáng kể, tích cực vào kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ngành Tư pháp, xây dựng, phổ biến và áp dụng pháp luật, được sự đánh giá cao của Bộ Khoa học và công nghệ.
Công tác nghiên cứu khoa học luôn được triển khai sát với yêu cầu, mục đích, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, nổi bật là kết quả góp ý kiến của Hội đồng khoa học Bộ vào các Dự thảo luật mà Bộ đã và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới; triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu chiến lược xây dựng và phát triển Ngành Tư pháp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm đã được tổ chức ở Bộ và một số Sở Tư pháp, góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định chính sách phát triển Ngành và nâng cao chất lượng các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
2.11. Các công tác khác
Bên cạnh thành tựu của các mặt công tác trên đây, công tác kế hoạch - tài chính, công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Bộ Tư pháp đã triển khai một số biện pháp chỉ đạo về tăng cường quản lý ngân sách và tài sản công trong Ngành Tư pháp, thực hiện nghiêm minh, bảo đảm minh bạch, công khai và dân chủ trong công tác tài chính; phân cấp mạnh việc quản lý tài chính cho các cơ quan, đơn vị; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Thủ trưởng đơn vị trong quản lý chi tiêu ngân sách qua đó nâng cao hiệu quả chi tiêu; biên tập tài liệu và tổ chức nghiệp vụ kế toán cho các đơn vị dự toán; ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện hiệu quả việc quản lý ngân sách nhà nước. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt và thực hiện nghiêm túc trong toàn Ngành. Công tác kiểm tra nghiệp vụ cũng như bồi dưỡng nghiệp vụ tài chính - kế toán cho cán bộ làm công tác ở địa phương được chú trọng hơn.
Thanh tra Bộ Tư pháp và Thanh tra các Sở Tư pháp ngoài việc hoàn thành kế hoạch hoạt động thanh tra trong năm, còn chủ động phát huy vai trò của lực lượng thanh tra chuyên ngành. Công tác thanh tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trên một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Ngành. Qua thanh tra đã đưa ra được những kiến nghị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập của hệ thống pháp luật, tăng cường quản lý thuộc phạm vi quản lý của Ngành. Các Sở Tư pháp chú trọng kiểm tra các quận, huyện, phường, xã về việc triển khai và thực hiện Chương trình công tác trọng tâm của Ngành và Kế hoạch công tác tư pháp ở địa phương.
Ngành Tư pháp cũng đã tổ chức tiếp dân đúng với các quy định của pháp luật. Công tác tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; một số vụ việc khiếu nại kéo dài từ nhiều năm đã được tập trung giải quyết dứt điểm; lịch tiếp công dân của Lãnh đạo Bộ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự và Chánh Thanh tra Bộ được duy trì cơ bản theo đúng Quy chế tiếp công dân của Bộ; công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện đúng quy định trong Chương trình phòng, chống tham nhũng của Ngành Tư Pháp.
 
Chú thích:
[1]. Báo cáo công tác tư pháp các năm 2006, 2007, 2008, tài liệu lưu trữ của Văn phòng Bộ Tư pháp.
[2]. Báo cáo công tác tư pháp năm 2005, tài liệu lưu trữ của Văn phòng Bộ Tư pháp.
[3]. Báo cáo công tác tư pháp  năm 2007, tài liệu lưu trữ của Văn phòng Bộ Tư pháp.
[4]. Báo cáo công tác tư pháp các năm 2006, 2007, 2008, tài liệu lưu trữ của Văn phòng Bộ Tư pháp.
[5]. Báo cáo công tác tư pháp năm 2005, tài liệu lưu trữ của Văn phòng Bộ Tư pháp.
[6]. Báo cáo công tác tư pháp năm 2007, tài liệu lưu trữ của Văn phòng Bộ Tư pháp.
[7]. Báo cáo công tác tư pháp năm 2007, tài liệu lưu trữ của Văn phòng Bộ Tư pháp.
[8]. Báo cáo công tác tư pháp năm 2007, tài liệu lưu trữ của Văn phòng Bộ Tư pháp.
[9]. Báo cáo công tác tư pháp năm 2007, tài liệu lưu trữ của Văn phòng Bộ Tư pháp.
[10]. Báo cáo công tác tư pháp năm 2007, tài liệu lưu trữ của Văn phòng Bộ Tư pháp.
 

​​​​​