Phần thứ ba: Bộ Tư pháp được thành lập lại, mở ra giai đoạn pháp triển mới của Ngành Tư pháp (Giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1992)

30/03/2016
1. Bộ Tư pháp được thành lập lại, khẳng định vai trò của Ngành Tư pháp trong việc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật
Ngày 17/3/1981, trong phiên họp về công tác nội chính, Bộ Chính trị đã có quyết định về việc thành lập lại Bộ Tư pháp làm nhiệm vụ của Ủy ban Pháp chế của Chính phủ và một phần nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao - quản lý Tòa án địa phương về tổ chức để Tòa án nhân dân tối cao tập trung vào công tác xét xử, giám đốc việc xét xử và tổng kết, hướng dẫn thực tiễn xét xử. Về tổ chức Đảng, Đảng Bộ Tư pháp thuộc Khối cơ quan Nội chính Trung ương [1]. Ban Nội chính Trung ương được giao cùng Thường vụ Hội đồng Chính phủ và những cơ quan liên quan chuẩn bị Đề án về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tư pháp trình Bộ Chính trị vào tháng 5 năm 1981 cùng với Luật Tổ chức một số cơ quan nhà nước theo Hiến pháp mới - Hiến pháp năm 1980. Ngày 07/5/1981, thi hành quyết định của Bộ Chính trị, theo đề nghị của Ủy ban Pháp chế, Ban Nội chính Trung ương đã họp bàn về Đề án tổ chức Bộ Tư pháp.
Ngày 18/5/1981, Ủy ban Pháp chế đã có Công văn số 163-VP trình Bộ Chính trị và Thường vụ Hội đồng Chính phủ bản Đề án tổ chức tư pháp.
Tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khoá VII, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập Bộ Tư pháp: “Thực tiễn trong hai mươi năm qua đã chứng minh rõ việc Hội đồng Bộ trưởng - cơ quan quản lý toàn diện công việc của Nhà nước mà không có Bộ Tư pháp là điều rất không hợp lý”. Hội đồng Bộ trưởng (và các Ủy ban nhân dân địa phương) không nắm được tình hình thi hành pháp luật, không nắm được tình hình xét xử của các Tòa án, không gắn được việc xây dựng pháp luật với việc kiểm tra thi hành pháp luật và điều hành công việc chung... Bộ Tư pháp là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng thực hiện quản lý công tác tư pháp trong cả nước. Và trong phiên họp toàn thể ngày 04/7/1981, sau khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng giới thiệu danh sách các Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng Bộ trưởng, toàn thể các đại biểu đã biểu quyết tán thành danh sách các thành viên Hội đồng Bộ trưởng, trong đó, có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phan Hiền.
Cùng với việc quyết định thành lập lại Bộ Tư pháp, Quốc hội Khóa VII, kỳ họp thứ nhất cũng đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, trong đó quy định Bộ Tư pháp có nhiệm vụ quản lý các Tòa án địa phương về mặt tổ chức. Để thi hành Nghị quyết của Quốc hội và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, ngày 16/9/1981, Dự thảo Nghị định tổ chức Bộ Tư pháp kèm theo Tờ trình số 51-TCCB đã được Ủy ban Pháp chế trình Hội đồng Bộ trưởng.
Ngày 22/11/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 143-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp. Nghị định quy định Bộ Tư pháp là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng, có chức năng giúp Hội đồng Bộ trưởng thực hiện quản lý thống nhất các công việc về tư pháp trong cả nước, bao gồm công tác dự thảo pháp luật, quản lý về mặt tổ chức các Tòa án địa phương và các công tác tư pháp khác; công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa trong cán bộ và nhân dân; góp phần bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; tăng cường chuyên chính vô sản, thực hiện quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân.
Bộ Tư pháp có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Tổng hợp và trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định kế hoạch xây dựng các dự án pháp luật và hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch đó; xây dựng hoặc tham gia với các ngành xây dựng các dự án pháp luật trình Hội đồng Bộ trưởng; hướng dẫn công tác hệ thống hóa pháp luật và từng bước tiến hành pháp điển hóa; thẩm tra và đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ các văn bản không phù hợp với pháp luật do các Bộ, các Ủy ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và các Ủy ban nhân dân địa phương ban hành.
- Quản lý về mặt tổ chức (cơ cấu, biên chế, nhân sự) và ngân sách các tòa án địa phương. Cùng với Tòa án nhân dân tối cao tổng kết công tác xét xử; hướng dẫn việc bầu cử thẩm phán và hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân địa phương; tổ chức việc bồi dưỡng về chính trị và pháp lý cho thẩm phán và hội thẩm nhân dân.
- Trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền của mình các quy chế về giám định tư pháp, chấp hành án, công chứng, lý lịch tư pháp và quy chế luật sư; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chế đó.
- Hướng dẫn về nghiệp vụ các tổ chức pháp chế của các Bộ, các Ủy ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng.
- Hướng dẫn hoặc tổ chức việc phối hợp các ngành về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cán bộ, nhân viên nhà nước và nhân dân.
- Trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định biên chế, tiêu chuẩn cán bộ, nhân viên của Ngành Tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng và quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý.
- Nghiên cứu khoa học pháp lý phục vụ công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và các công tác khác của Ngành Tư pháp.
- Cùng với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ tổ chức công tác thống kê tư pháp, tổng kết tình hình phạm tội, kiến nghị Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt và ban hành các chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm ngăn ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
- Thực hiện việc hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp lý theo đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
- Quản lý cán bộ, tổ chức, biên chế, ngân sách, tài sản của Bộ.
Trụ sở của Bộ Tư pháp đặt tại số 5 phố Ông Ích Khiêm, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội (từ năm 1981 đến năm 1987), sau đó chuyển về số 25A phố Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (từ 1988 đến năm 2002).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp là ông Phan Hiền (từ năm 1981 đến năm 1992).
Hệ thống tổ chức của Ngành Tư pháp từ trung ương đến địa phương trong cả nước gồm có:
- Ở trung ương có Bộ Tư pháp, tổ chức bộ máy của cơ quan Bộ Tư pháp bao gồm: Các vụ Xây dựng pháp luật (tổ chức theo lĩnh vực cần thiết), Vụ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật (có Tạp chí Pháp chế xã hội chủ nghĩa và Nhà xuất bản Pháp lý), Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Vụ Quản lý Tòa án, Vụ Quản lý các tổ chức tư pháp khác, Vụ Tổ chức và Cán bộ, Vụ Đào tạo, Văn phòng, Trường Đại học Pháp lý và các đơn vị trực thuộc khác của Bộ.
- Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương có Sở Tư pháp.
- Ở cấp quận, huyện, thị xã và các đơn vị hành chính tương đương có Phòng Tư pháp.
- Ở cấp xã, phường và các đơn vị hành chính tương đương có Ban Tư pháp.
- Ở các bộ, các Ủy ban Nhà nước và một số cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có Vụ Pháp chế, ở các sở chuyên môn, liên hiệp các xí nghiệp, tổng công ty, xí nghiệp có cố vấn pháp luật [2].
Nhằm kiện toàn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp trong cả nước, ngày 06/01/1982, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 08/TT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 143/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Theo đó, Thông tư hướng dẫn cụ thể về thực hiện những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Sở Tư pháp; Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn; các Vụ Pháp chế ở các Bộ, Ủy ban Nhà nước và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng.
Để việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, Thông tư cũng lưu ý một số vấn đề như:
- Về xây dựng Ngành Tư pháp, đây là một vấn đề mới, một công việc lớn, cần có thời gian để hoàn thành. Trong tình hình hiện tại đòi hỏi toàn Ngành phải hết sức khẩn trương, tích cực thì mới đáp ứng được chủ trương tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước. Việc xây dựng tổ chức phải từng bước vững chắc, tránh ào ạt, đồng thời cần tránh khuynh hướng rụt rè, quá chậm, phải chủ động, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
- Về tổ chức, cần xây dựng bộ máy gọn nhẹ, có hiệu lực, không tuyển những người chưa có đào tạo nghiệp vụ, phải giữ vững tiêu chuẩn cán bộ để từng bước đầu tư có một đội ngũ trong sạch và có trình độ nhất định.
- Về chế độ làm việc, các Sở, Phòng, Ban Tư pháp phải hoạt động phối hợp rất chặt chẽ với Tòa án nhân dân và các cơ quan khác trong Khối Nội chính cũng như các cơ quan liên quan, tranh thủ sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Ủy ban nhân dân.
- Về công tác, trước hết các cơ quan tư pháp cần nắm chắc những nhiệm vụ chủ yếu đã quy định, tránh đi vào chi tiết vụn vặt. Bộ sẽ nghiên cứu và hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ từng mặt công tác như công tác quản lý tòa án, công tác nghiên cứu pháp luật, công tác luật sư, công tác chấp hành án...
Trong quá trình thực hiện xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp theo Nghị định số 143-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, nhiều Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp huyện, quận đã triển khai xây dựng và củng cố tổ chức tư pháp ở xã thành Ban Tư pháp xã, nhưng trên thực tế, chức năng, nhiệm vụ chưa được xác định rõ ràng, vì vậy, trong công tác còn nhiều lúng túng. Để khắc phục tình trạng trên, ngày 22/02/1989, Bộ Tư pháp trình Hội đồng Bộ trưởng Tờ trình số 249/PL và Dự thảo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn. Theo đó, Dự thảo xác định Ban Tư pháp xã có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Tổ chức việc tuyên truyền và giáo dục pháp luật cho nhân dân và cán bộ. Đồng thời theo dõi việc thi hành pháp luật ở xã, phường.
- Giúp Ủy ban nhân dân soạn thảo và hướng dẫn các tổ chức thuộc xã, phường soạn thảo nội quy, quy chế và theo dõi việc chấp hành các nội quy, quy chế đó.
- Xây dựng và chỉ đạo hoạt động của các tổ hòa giải nhân dân.
- Quản lý công tác hộ tịch.
Tổ chức Ban Tư pháp xã gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch (không kiêm trưởng công an xã) kiêm nhiệm Trưởng Ban Tư pháp xã, 01 Phó ban chuyên trách, những nơi nhiều việc có thể có một thư ký chuyên trách giúp việc Ban Tư pháp.
Có thể nói, sau một thời gian không dài kể từ ngày thành lập lại, nhưng với nỗ lực vượt bậc của Bộ Tư pháp và toàn ngành, hệ thống cơ quan tư pháp đã được xây dựng và củng cố từ trung ương xuống tận cơ sở, mở ra một thời kỳ mới với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng nước nhà.
Cùng với việc kiện toàn hệ thống cơ quan tư pháp địa phương, ngày 29/5/1982, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 340/TT về việc xây dựng và kiện toàn Vụ Pháp chế ở các Bộ, Ủy ban Nhà nước và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, nhằm củng cố về mặt tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế theo tinh thần và nội dung của Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp.
Trong tổng số 56 Bộ, Ủy ban Nhà nước và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, mới có 37 Bộ có tổ chức pháp chế hoặc cán bộ pháp chế, và chỉ có 11 nơi trực thuộc lãnh đạo Bộ, ở những nơi còn lại, phần lớn bộ phận pháp chế được đặt trong Văn phòng. Hơn thế nữa, việc một số cán bộ pháp chế đã tích lũy được kinh nghiệm công tác hoặc đã qua các lớp bồi dưỡng pháp lý ngắn hạn của Ủy ban Pháp chế trước đây và Bộ Tư pháp hiện tại, lần lượt bị điều chuyển sang công tác khác đã dẫn đến thực trạng các bộ phận pháp chế của các Bộ càng trở nên mỏng và yếu. Vì vậy, các Vụ Pháp chế ở các Bộ, Ủy ban Nhà nước và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng cần được khẩn trương kiện toàn.
Khẳng định vai trò của tổ chức pháp chế ở các Bộ, ngành, Thông tư số 340/TT đã có đoạn nhấn mạnh: “Công tác pháp chế có tầm quan trọng trong quản lý kinh tế và xã hội. Vụ Pháp chế của các Bộ là một bộ phận giúp Bộ trưởng trong việc thực hiện chức năng quản lý theo pháp luật, từ việc dự thảo pháp luật đến việc theo dõi, hướng dẫn và bảo đảm thi hành pháp luật…”. Bởi vậy, Bộ Tư pháp đề nghị:
- Đối với những Bộ đã có Vụ Pháp chế thì tiếp tục duy trì hình thức tổ chức đó, tăng cường lãnh đạo, kiện toàn tổ chức và hoạt động bảo đảm phát huy tốt hơn vai trò của công tác pháp chế trong hoạt động quản lý của Bộ.
- Đối với những Bộ có bộ phận pháp chế ở cấp dưới Vụ hoặc chưa có bộ phận pháp chế thì có kế hoạch thành lập Vụ Pháp chế.
- Về nguồn cán bộ cho các Vụ Pháp chế, ngoài việc sắp xếp, điều chỉnh những người hiện có, các Bộ có thể đặt kế hoạch yêu cầu bổ sung cán bộ tốt nghiệp đại học và trung học pháp lý.
Nhằm đánh giá sát thực hơn về tình hình hoạt động nghiệp vụ của pháp chế Bộ, ngành, ngày 08/6/1982, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác pháp chế Bộ tại thủ đô Hà Nội và đây là hội nghị chuyên đề đầu tiên kể từ khi có các bộ phận pháp chế Bộ. Báo cáo tại Hội nghị đã nhận định, hầu hết các bộ phận pháp chế đã tập trung thực hiện tương đối có kết quả những việc có liên quan đến công tác dự thảo và tập hợp các văn bản quy phạm như lập chương trình và theo dõi thực hiện chương trình xây dựng văn bản pháp luật, pháp quy; giúp Bộ xem xét về mặt pháp lý các dự thảo văn bản do Bộ ban hành; chuẩn bị cho lãnh đạo Bộ góp ý kiến trả lời về các dự thảo văn bản các nơi gửi đến; tập hợp các văn bản quy phạm có liên quan đến phạm vi quản lý của Bộ mình để in thành hệ thống luật lệ hiện hành. Tuy nhiên, trong những điều kiện công tác còn rất hạn chế, bộ phận pháp chế Bộ chưa phát huy được đầy đủ tiềm năng và tác dụng của mình theo chức năng, nhiệm vụ đã quy định để thiết thực giúp Bộ trưởng trong việc quản lý toàn ngành theo pháp luật.
Hội nghị cũng tập trung làm rõ một số vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, vị trí của pháp chế Bộ, phương thức hoạt động và quan hệ công tác nghiệp vụ của Vụ Pháp chế Bộ. Đồng thời Hội nghị cũng đưa ra một số công tác cần thực hiện trước mắt của pháp chế Bộ, ngành nhằm kiện toàn tổ chức cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của pháp chế Bộ.
Với ý nghĩa đó, trong những năm tiếp sau, Bộ Tư pháp đã nỗ lực phối hợp cùng các cơ quan có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng về hệ thống tổ chức pháp lý ở các ngành và ngày 26/10/1984, Bộ Tư pháp đã trình Hội đồng Bộ trưởng về Dự thảo này bằng Tờ trình số 670/PLKT. Ngày 17/6/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 178-HĐBT quy định cụ thể về tổ chức pháp chế ở các ngành, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực Nhà nước.
Kể từ sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12 năm 1986) Đảng và Nhà nước ta chủ trương tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chuyển nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Thực hiện đường lối đổi mới, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, vị trí, vai trò của Ngành Tư pháp ngày một tăng cường trong đời sống xã hội.
Sau khi Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp được ban hành, Ngành Tư pháp đã được Đảng và Nhà nước giao thêm nhiều nhiệm vụ mới như:
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý về mặt tổ chức các Tòa án quân sự quân khu và tương đương, các Tòa án quân sự khu vực (theo Điều 14 Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự ngày 03/01/1986);
- Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện công tác đăng ký hộ tịch (Điều 2 Nghị định số 219-HĐBT ngày 20/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc chuyển giao công tác đăng ký hộ tịch từ Bộ Nội vụ sang Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân các cấp).
Có những công tác được Nhà nước giao cụ thể và nâng cao như:
- Bộ Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của các Đoàn luật sư (Điều 5 Pháp lệnh Tổ chức Luật sư ngày 18/12/1987, Quy chế Đoàn luật sư);
- Thống nhất quản lý công tác giám định tư pháp; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra hoạt động giám định tư pháp; bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho giám định viên (Điều 12 Nghị định số 117-HĐBT ngày 21/7/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp);
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong nhân dân; phối hợp với các Bộ, các ngành liên quan đưa môn học về pháp luật vào chương trình giảng dạy tại các trường phổ thông, đại học, trung học chuyên nghiệp và các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, nhân viên các cơ quan nhà nước, nhất là cán bộ quản lý (Chỉ thị số 315/CT ngày 07/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; Mục 2 Chỉ thị số 300/CT ngày 22/10/1987 của Hội đồng Bộ trưởng về một số công tác trước mắt nhằm tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật);
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm trao đổi, xem xét, thẩm tra các dự thảo văn bản pháp luật của các Bộ trước khi trình Hội đồng Bộ trưởng (Công văn số 348-VB ngày 18/3/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng);
- Thực hiện quyền thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, của Sở (Điều 13 Pháp lệnh Thanh tra ngày 01/4/1990);
- Quản lý thống nhất về tổ chức và hoạt động công chứng trong phạm vi cả nước (Điều 9 Nghị định số 45-HĐBT ngày 27/02/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước);
- Tham gia ý kiến về pháp lý đối với các hiệp định của Chính phủ vay vốn của nước ngoài; tham gia ý kiến đối với các dự thảo Điều ước quốc tế có quy định trái với pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh Ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 25/10/1989).
Từ năm 1982, khi Tòa án nhân dân tối cao chuyển cho Bộ Tư pháp nhiệm vụ quản lý các Tòa án nhân dân địa phương thì đồng thời cũng chuyển giao việc hướng dẫn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải.
2. Những thành tựu của Ngành Tư pháp trong giai đoạn này
2.1. Về công tác xây dựng pháp luật
Đây là thời kỳ mà Bộ Tư pháp tập trung năng lực của mình vào việc xây dựng các đạo luật cơ bản của Nhà nước. Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Ruộng đất (sau này gọi là Luật Đất đai), Luật Hôn nhân và gia đình, các đạo luật khác phục vụ công cuộc đổi mới, đặc biệt là đổi mới kinh tế (từ năm 1986) lần lượt được nghiên cứu, soạn thảo và ra đời vào thời kỳ này.
Thực ra, công việc nghiên cứu các bộ luật lớn đã được xúc tiến từ những năm trước nhưng chưa có điều kiện, đất nước còn chiến tranh, mới thống nhất, đang xây dựng lại Hiến pháp năm 1980, nên phải tới khi Hiến pháp được ban hành thì công việc nghiên cứu mới được xúc tiến khẩn trương.
Đây là thời kỳ khởi sắc nhất về công tác làm luật, vì gần 30 năm xây dựng nền kinh tế bao cấp ở miền Bắc, phần lớn chúng ta dùng văn bản dưới luật để quản lý kinh tế và xã hội (như Nghị định, Thông tư, Chỉ thị).
Ngoài việc tham gia với hầu hết các Bộ trong việc soạn thảo các đạo luật lớn của thời kỳ này, với tư cách là một cơ quan của Chính phủ chịu trách nhiệm về mặt pháp lý trong các dự thảo Luật, Pháp lệnh, Bộ Tư pháp đã trực tiếp nghiên cứu, soạn thảo các Bộ luật lớn như:
- Bộ luật Hình sự năm 1985;
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988;
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986;
- Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1988;
- Pháp lệnh Trừng trị tội hối lộ năm 1981;
- Pháp lệnh Trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép năm 1982;
- Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh năm 1984;
- Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987;
- Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính năm 1989;
- Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989;
- Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991.
Phần tham gia vào các đạo luật do các Bộ khác chủ trì soạn thảo trong thời kỳ bắt đầu công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta (từ năm 1986), Bộ Tư pháp cũng góp phần đáng kể vào hoạt động xây dựng pháp luật của Nhà nước như:
- Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987;
- Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990;
- Luật Công ty năm 1990;
- Bộ luật Lao động năm 1994;
- Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995.
 Bộ Tư pháp cũng đã nghiên cứu để trực tiếp soạn thảo các văn bản lớn như Bộ luật Dân sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tham gia góp ý kiến về các điều ước quốc tế, cùng các ngành trình Chính phủ và Hội đồng Nhà nước (trước đây) ký kết hoặc gia nhập trên 50 điều ước quốc tế; chỉ đạo việc rà soát văn bản của 7 ngành ở trung ương và 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2.2. Công tác quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức
Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhanh chóng việc bàn giao nhiệm vụ quản lý Tòa án nhân dân địa phương, chuyển Trường Cán bộ Tòa án tại Hà Nội (Láng), Trường Cán bộ Tòa án thành phố Hồ Chí Minh (Bình Triệu) và đưa một số cán bộ của Vụ Tổ chức sang Bộ Tư pháp. Sự hợp tác giữa Tòa án nhân dân tối cao với Bộ Tư pháp, giữa cán bộ cấp vụ, giữa lãnh đạo hai cơ quan rất chặt chẽ nên việc tiếp thu, nắm tình hình cán bộ tòa án có nhiều thuận lợi.
Công việc quản lý Tòa án địa phương có rất nhiều việc phải làm, do có thuận lợi nên những năm đầu việc quản lý đạt một số kết quả nhất định. Việc quan trọng là nắm tình hình nhân sự thẩm phán, biết rõ điểm yếu, điểm mạnh của từng người để mỗi nhiệm kỳ bầu lại thẩm phán có được ý kiến chính xác trong việc lựa chọn thẩm phán. Do chế độ thẩm phán bầu, nên Bộ Tư pháp phải quan hệ rất chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, với cấp ủy địa phương và các Ban Tổ chức chính quyền các cấp. Bộ đã chỉ đạo các Tòa án nhân dân địa phương xây dựng kế hoạch từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc bổ nhiệm thẩm phán, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thực hiện quản lý ngân sách thống nhất đối với các Tòa án nhân dân địa phương.
Bên cạnh công việc về nhân sự, công việc nghiên cứu, chỉ đạo về tổ chức, thống nhất cách tổ chức Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo các nguyên tắc tố tụng, quy định biên chế cho mỗi cấp Tòa án đều là những vấn đề khá phức tạp. Về đào tạo, số đông thẩm phán chưa qua đại học, nên nhiệm vụ của Vụ Quản lý Tòa án, Vụ Tổ chức, Trường Đại học Pháp lý rất nặng nề. Con số sau đây chứng minh tình hình đó. Nhiệm kỳ 1981 - 1985, số lượng thẩm phán tỉnh là 445 người, có 106 người đã qua đại học, 169 người đã học trung cấp, 150 người đã qua bồi dưỡng ngắn ngày, 20 người chưa qua lớp đào tạo nào. Số lượng thẩm phán cấp huyện là 1.547 người, đã qua đại học 202 người, đã qua trung cấp 644 người, được bồi dưỡng ngắn ngày là 598 người, chưa học qua lớp đào tạo nào là 103 người [3].
Cơ sở vật chất và các phương tiện làm việc của Tòa án cấp tỉnh, huyện hết sức nghèo nàn, hầu như không có gì trừ hai thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội. Ở một số tỉnh phía Nam, có nơi trụ sở Tòa án của Ngụy quyền khá đàng hoàng nhưng cơ quan khác đã tiếp quản. Kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất và trang bị phương tiện cho Tòa án nhân dân địa phương là một nhiệm vụ lớn, đặc biệt trong thời kỳ này còn chế độ bao cấp, nên nhiều lần ở Ủy ban Kế hoạch gợi ý Bộ Tư pháp nên có một Vụ Kế hoạch để tính toán kỹ vì số lượng ngân sách rất lớn. Song do nhiều lý do khách quan, Vụ Kế hoạch chưa thành lập được, vì vậy, công việc xây dựng cơ sở cho Tòa án nhân dân địa phương tiến triển không nhiều.
2.3. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật luôn được coi là công tác quan trọng của Ngành Tư pháp, bởi vậy, chỉ sau gần một năm tái lập, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về tuyên truyền, giáo dục pháp luật vào ngày 16 và 17/7/1982. Hội nghị này đã thống nhất về nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bao gồm:
- Tuyên truyền quan điểm của Đảng về tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, về nội dung Hiến pháp mới, về các văn bản pháp luật;
- Tuyên truyền sâu rộng gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành pháp luật, bảo vệ pháp luật;
- Xây dựng chương trình mở rộng việc giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông, dạy nghề, đại học và trung học chuyên nghiệp.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phải do các cấp, các ngành cùng phối hợp thực hiện, cần phải có kế hoạch kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục pháp luật với xây dựng và kiện toàn các cơ quan tư pháp địa phương, các tổ chức pháp chế ở các bộ ngành.
Để tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ngày 28/7/1982, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Chỉ thị số 487-TTr đề cập đến những nội dung chính cần làm ngay trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, bao gồm:
- Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Hiến pháp kết hợp với việc tuyên truyền các văn bản pháp luật hiện hành: Pháp lệnh Trừng trị tội hối lộ, Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại và tố cáo của công dân, Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh Trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép.
- Đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật trên đài, báo địa phương, coi trọng việc tuyên truyền miệng bằng các hình thức thích hợp.
- Trong khi chưa có văn bản chính thức về việc thành lập Hội đồng phối hợp tuyên truyền pháp luật ở các cấp, cần xin ý kiến lãnh đạo, kết hợp chặt chẽ với Ban Tuyên huấn, Ban Nội chính tổ chức hội nghị phối hợp tuyên truyền pháp luật ở địa phương; trước mắt phối hợp với các ngành trong khối nội chính, các đoàn thể, các cơ quan thông tin báo chí xây dựng chương trình, xác định sự phân công, thực hiện ngay một số việc để rút kinh nghiệm.
- Kết hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tỉnh hướng dẫn các Tòa án, Ban Tư pháp huyện, quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, bồi dưỡng hội thẩm nhân dân, các Ban Tư pháp xã, các tổ hòa giải.
Ngay từ thời kỳ này, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở cơ sở xã đã được coi là công tác mũi nhọn của toàn ngành, cả ở Bộ và các Sở Tư pháp địa phương. Bộ đã chọn xã Long Biên thuộc huyện Gia Lâm - Hà Nội, bàn với Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã triển khai một số công việc như: Đưa một nhóm cán bộ của Bộ xuống làm việc thường xuyên tại xã trong một thời gian, hàng ngày tiếp xúc với các đối tượng theo lứa tuổi, theo giới, theo đội hợp tác xã phổ biến các luật lệ về ruộng đất, hôn nhân gia đình, trật tự trị an… Phân công một số cán bộ làm việc với Ủy ban nhân dân về việc xây dựng nội quy, quy định của xã, giúp cho Ủy ban nhân dân biên soạn những nội quy, quy định phù hợp với pháp luật.
Ở xã Long Biên, trước khi nhóm cán bộ tư pháp về làm việc đã có một bản quy ước của xã được thông qua Hội đồng nhân dân, gồm 75 điều quy định tất cả các mặt sinh hoạt của nhân dân trong xã như quy định về cưới xin, ma chay, chống mê tín dị đoan, trật tự nông thôn, xây dựng nhà cửa, cấm thả rông trâu bò, các vấn đề về hôn nhân và hòa giải xích mích trong gia đình… Bản quy ước như là một “Bộ luật” nhỏ của xã, có nhiều điểm tốt về hướng dẫn hành vi cho người dân, nhưng cũng cấm đoán và phạt quá nhiều. Việc giúp Ủy ban nhân dân xã Long Biên biên soạn nội quy, quy định, được coi là một bước phổ biến pháp luật cụ thể cho cán bộ xã.
Thời kỳ này, ở nhiều địa phương đã có Sở Tư pháp như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Hải Phòng, Phú Khánh, Hải Hưng, Cao Bằng... cũng thực hiện kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật của Bộ. Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường được tiếp tục mở rộng và bước đầu đã có những kinh nghiệm tốt cần phổ biến.
2.4. Công tác hợp tác quốc tế về tư pháp
Quan hệ quốc tế về tư pháp đã bắt đầu thực hiện với Cộng hòa Dân chủ Đức từ năm 1980 bằng một Hiệp định được ký kết giữa Bộ Tư pháp Cộng hòa Dân chủ Đức với Ủy ban Pháp chế Việt Nam dưới sự ủy quyền của Nguyên thủ hai quốc gia và sự phê chuẩn của Quốc hội (Hiệp định này hiện nay vẫn có giá trị giữa nước ta với Cộng hòa Liên bang Đức) [4]. Khi Bộ Tư pháp thành lập lại, việc quan hệ quốc tế được xúc tiến nhiều hơn và mạnh hơn.
Trong các năm từ 1981 đến 1983, Bộ Tư pháp Việt Nam đã tiến hành soạn thảo và ký kết xong 4 bản Hiệp định tương trợ tư pháp với Bộ Tư pháp các nước Liên Xô, Hung-ga-ri, Tiệp Khắc, Cu Ba, đồng thời, cũng xúc tiến khẩn trương việc nghiên cứu và soạn thảo các Hiệp định với Bun-ga-ri, Ba Lan và Mông Cổ.
Các Hiệp định đã tạo nên được mối quan hệ hợp tác tốt đẹp về các vấn đề dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, thương mại, hình sự giữa nước ta với các nước đã ký kết, đặc biệt là giữa hệ thống Tòa án hai nước.
2.5. Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý
Trường Đại học Pháp lý được kiện toàn bộ máy lãnh đạo, tổ chức việc duyệt các giáo trình chính thức, tổ chức thêm hệ mở rộng, hệ tại chức, chuyên tu trong điều kiện phần lớn cán bộ Tòa án đều chưa có bằng cử nhân luật.
Ở các tỉnh phía Nam (đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh), do vẫn có nhu cầu của các sinh viên luật đang học dở dang thời Mỹ - Ngụy, Trường đã tổ chức các lớp dài hạn, đào tạo về pháp luật xã hội chủ nghĩa để cấp bằng tương đương đại học cho họ.
Công việc triển khai các hình thức đào tạo bậc đại học thuộc nhiều hệ, đến nay nhìn lại đã nhanh chóng tạo được một đội ngũ trưởng thành trong thực tiễn, có kiến thức pháp lý. Năm 1992, Trường Đại học Pháp lý Hà Nội đã lập Khoa Đào tạo thẩm phán và Sau đại học để đào tạo về lâu dài cán bộ, phục vụ cho việc bổ nhiệm thẩm phán.
Công việc nghiên cứu khoa học pháp lý đã được tiến hành trong thời kỳ Ủy ban Pháp chế nhưng chưa được nhiều, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý khi đó mới chỉ có 3 cán bộ. Những năm đầu thành lập lại Bộ Tư pháp, việc nghiên cứu được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, đã ra được một tờ Thông tin khoa học pháp lý. Từ năm 1985 trở đi, hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý của Bộ đã được đăng ký trước Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) thành các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ đã góp phần đáng kể vào công tác xây dựng pháp luật, xây dựng Ngành Tư pháp, quản lý Tòa án, triển khai các công tác công chứng, giám định, luật sư, thi hành án, hòa giải ở cơ sở.
Hội đồng khoa học Bộ được thành lập do Bộ trưởng làm Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn về việc duyệt các giáo trình đại học, tìm hiểu các Luận án Tiến sĩ luật học đã được bảo vệ thành công ở trong nước và nước ngoài. Qua thời gian, công tác nghiên cứu khoa học ngày càng được củng cố và đi vào nền nếp. Đến đầu những năm 90, Bộ Tư pháp đã tổ chức nghiệm thu hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ với kết quả đều là khá và xuất sắc, đăng ký thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước và đề tài khoa học cấp Bộ.
2.6. Về các công tác khác
Để thực hiện hiệu quả công tác theo dõi tình hình tôn trọng pháp luật và vi phạm pháp luật, rút ra những nhận xét và các nguyên nhân để kiến nghị với Hội đồng Bộ trưởng những biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa và chống vi phạm pháp luật, ngày 29/5/1984, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Chỉ thị số 280/TH tăng cường công tác theo dõi tình hình tôn trọng pháp luật và vi phạm pháp luật của Ngành Tư pháp. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan để quản lý tốt các Đoàn luật sư và các tổ chức giám định tư pháp. Tính đến cuối năm 1992, đã có 48/53 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Đoàn luật sư với 525 luật sư (trong đó có 156 luật sư tập sự). Công tác công chứng, tổ chức thống kê tư pháp cũng dần di vào nền nếp và hoạt động có hiệu quả. Công tác tổ chức xây dựng Ngành, Bộ Tư pháp đã cố gắng chỉ đạo xây dựng đề án sắp xếp tổ chức biên chế của cơ quan Bộ và toàn Ngành, tích cực chuẩn bị sửa đổi Nghị định số 143-HĐBT và Nghị định số 178-HĐBT nhằm xây dựng lại hệ thống các cơ quan tư pháp từ trung ương đến cơ sở cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới…
Có thể nói, thành tựu công tác tư pháp đạt được ở giai đoạn này là minh chứng cho chủ trương sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta khi quyết định tái lập Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, sau hơn 20 năm, Ngành Tư pháp được tổ chức lại và công tác tư pháp phát triển thống nhất trong cả nước, hình thành được hệ thống các cơ quan tư pháp từ trung ương xuống địa phương, khẳng định được vị trí, vai trò của mình đối với đời sống xã hội.
Chú thích:
[1]. Hồ sơ số 16.722 Phông PTT, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III.
[2]. Hồ sơ số 140 - Lưu trữ Bộ Tư pháp; Phụ lục Công báo số 5 năm 1981, tr. 99 - tr. 101.
[3]. Theo Đề tài cấp Bộ “50 năm Ngành Tư pháp Việt Nam”, Viện Khoa học pháp lý, Hà Nội, 2002.
[4]. Theo Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam, tập 1, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2010. tr. 197.
 

​​​​​