Quảng Bình: Chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả giám định tư pháp và đăng ký, thống kê hộ tịch

31/03/2023
Quảng Bình: Chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả giám định tư pháp và đăng ký, thống kê hộ tịch
Ngày 28/3/2023, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” và “Chương trình hành động Quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024” tỉnh (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì tại hội nghị.
Thời gian qua, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh, Sở Tư pháp đã tích cực rà soát các nhiệm vụ về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 để chủ động tham mưu và phối hợp có hiệu quả với các sở, ban, ngành, địa phương nhằm bảo đảm các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên địa bàn tỉnh, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định.
 


Các đại biểu tham dự tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội nghị.
 
Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành việc số hóa dữ liệu hộ tịch tại Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thành phố Đồng Hới, các xã, phường trên địa bàn thành phố Đồng Hới và 09 xã, thị trấn của huyện Lệ Thủy với gần 205.000 dữ liệu, chiếm 17,77% tổng dữ liệu cần số hóa trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ tháng 9/2022, các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc cung cấp 03 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu của Đề án 06 là Đăng ký khai sinh, Đăng ký kết hôn, Đăng ký khai tử, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với chính quyền điện tử, từng bước nâng cao tỷ lệ công dân nộp hồ sơ trực tuyến, đơn giản hóa các bước trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính.
Toàn tỉnh hiện có 02 tổ chức giám định tư pháp công lập, 04 tổ chức giám định theo vụ việc, 37 giám định viên tư pháp, 72 người giám định tư pháp theo vụ việc. Trong năm, các tổ chức giám định tư pháp công lập đã tiến hành giám định 1.805 vụ việc. Theo báo cáo, công tác giám định trên địa bàn đều tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo giải quyết kịp thời, nhanh chóng, chính xác yêu cầu giám định, không để oan sai, đồng thời đảm bảo tính pháp lý của kết luận giám định, phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự...
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận về công tác số hóa dữ liệu; kinh phí thực hiện; nguồn nhân lực, trang thiết bị; việc thực hiện các chỉ tiêu về đăng ký hộ tịch, đăng ký nuôi con nuôi; công tác phối hợp trong triển khai; việc đăng ký hộ tịch trực tuyến còn nhiều khó khăn…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Hồ An Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị, thời gian tới, toàn tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch để người dân tiếp cận sâu hơn về quyền, trách nhiệm đăng ký hộ tịch, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác đăng ký, thống kê hộ tịch của các cơ quan, tổ chức, hạn chế tình trạng đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn, tăng tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến.
Tiếp tục khảo sát, đánh giá, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về hộ tịch, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về hộ tịch. 
Đối với việc thực hiện Đề án "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, thời gian tới, toàn tỉnh cần tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp; huy động các nguồn lực để từng bước hiện đại hóa công tác giám định tư pháp; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định tại địa phương...
 
ĐH