Đồng Tháp: Chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở

17/03/2023
Đồng Tháp: Chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở, Đồng Tháp đã tích cực đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, hòa giải.
Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động phối hợp với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư, các tổ chức thành viên của MTTQ tỉnh và các sở, ngành có liên quan tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh hướng về cơ sở. Từ đó, đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Kết luận số 25-KL/TU ngày 27/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và các tổ chức trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1245-CV/TU ngày 19/8/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Với chức năng, nhiệm vụ được quy định, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành các kế hoạch, hướng dẫn về công tác PBGDPL, các đề án PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn và tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương; nội dung pháp luật trọng tâm phổ biến, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương, Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 21/01/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật và xây dựng quản lý khai thác tủ sách pháp luật năm 2022. Đồng thời, các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch phối hợp thực hiện công tác PBGDPL, điển hình như: Hội Cựu chiến binh tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2022 – 2024; Hội Luật gia và Đoàn Luật sư tỉnh đã ký với Sở Tư pháp Kế hoạch phối hợp thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh năm 2021- 2022”.
 

 
MTTQ các cấp tích cực tham gia công tác xây dựng pháp luật cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Tháp, Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện các Nghị quyết, chương trình, dự án, đề án… phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương được 168 cuộc; phối hợp tổ chức việc góp ý các dự án luật, pháp lệnh của Trung ương, một số chương trình, đề án và các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương theo quy định. Đồng thời hướng dẫn MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền và các ngành liên quan tổ chức lấy ý kiến cán bộ và nhân dân tham gia góp ý, bàn bạc và quyết định đối với các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh (được 204 cuộc, với trên 5.170 lượt người tham gia).
Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch hướng dẫn MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh thực hiện công tác phối hợp với Hội đồng PBGDPL, ngành Tư pháp, Hội Luật gia và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp để tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên và Nhân dân nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành của Trung ương và địa phương (thực hiện được 812 cuộc, với 31.631 lượt người dự); ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (nhóm Zalo, trang thông tin điện tử) trong công tác tuyên truyền, kết hợp phát huy hiệu quả sinh hoạt các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư.
Năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan khảo sát tình hình tổ chức, hoạt động của các Tổ hòa giải trên địa bàn toàn tỉnh. Đã kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động Tổ hòa giải, nhất là tình hình kinh phí, công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ. Các Tổ hòa giải không ngừng được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, tính đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 721 Tổ Hòa giải, với 4.240 hòa giải viên; đã tiếp nhận 1.719 vụ, đưa ra hòa giải 1.680 vụ, hòa giải thành 1.426 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,88 % (tăng 0,38 % so với cùng kỳ); phối hợp ngành Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở năm 2022 cho hơn 730 hòa giải viên của 12/12 huyện, thành phố; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở và nhân rộng mô hình hiệu quả. Đến nay, các huyện, thành phố đã thành lập 80 Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở.
Nhìn chung, MTTQ, các tổ chức thành viên Mặt trận các cấp trong tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng phối hợp PBGDPL cùng cấp vận dụng linh hoạt nhiều hình thức PBGDPL thiết thực, hiệu quả phù hợp với từng đối tượng, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân; phong trào tìm hiểu pháp luật, thực hiện đúng pháp luật được lan tỏa trong nhà trường, cơ quan, các tổ chức hội, đoàn thể, doanh nghiệp và Nhân dân, hạn chế đơn thư khiếu nại và giảm tình hình vi phạm pháp luật tại địa phương; ý thức pháp luật của cán bộ, Nhân dân được nâng lên, đóng góp thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác tham mưu ban hành văn bản về cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL được thực hiện kịp thời, thường xuyên, bảo đảm bám sát hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các ngành chức năng; hình thức PBGDPL được thực hiện đa dạng, phong phú, hướng về cơ sở và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, phát huy hiệu quả PBGDPL thông qua các Trang thông tin điện tử của các sở ngành, địa phương và phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến qua các nhóm Zalo PBGDPL.. . đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cập nhật, tra cứu thông tin kiến thức pháp luật mọi lúc, mọi nơi, góp phần đưa pháp luật đi vào đời sống.
Công tác hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn kịp thời về tiêu chuẩn, số lượng hòa giải viên và thành phần của tổ hòa giải bảo đảm đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, quy tụ được lực lượng nòng cốt, người có uy tín, tâm huyết, kinh nghiệm bảo đảm hoạt động hòa giải đạt hiệu quả cao; đồng thời, bảo đảm được sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, đoàn thể của nhân dân trong công tác hòa giải ở cơ sở. Các hòa giải viên sau khi được bầu, công nhận đã có ý thức tích cực nghiên cứu, tìm hiểu quy định pháp luật, kỹ năng hòa giải để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở ngày một tốt hơn, tỷ lệ hòa giải thành cao hơn. 
Những kết quả đạt được qua thực tiễn từ ý thức và sự việc đã thể hiện nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Tư pháp, đã chủ động, tập trung trong triển khai, đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, PBGDPL chú trọng chất lượng, hiệu quả; vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên; cùng sự nhiệt tình, sáng tạo của các hòa giải viên nên phần lớn các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đều hoạt động có hiệu quả. Từ đó, giúp cho người dân nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật tại cộng đồng, tạo hiệu ứng tích cực công tác giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở. 
Trần Thắng