Ngành tư pháp Thanh Hóa nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

18/05/2022
Ngành tư pháp Thanh Hóa nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Sở Tư pháp (17-5-1983 – 17-5-2022). Với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực của công tác tư pháp, những năm qua, Sở Tư pháp đã tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ được giao; công tác tư pháp được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội chung trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, do tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc của các ngành, lĩnh vực, hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Đối với hoạt động tư pháp cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của đại dịch. Song, Sở Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác để phù hợp trong tình hình mới; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong chỉ đạo, điều hành; chuyển từ tổ chức các hội nghị, tập huấn trực tiếp sang trực tuyến, góp phần cùng các ngành thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép” – vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà sở chú trọng thực hiện hiệu quả đó là công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Sở đã tích cực, chủ động theo dõi, đôn đốc tình hình xây dựng văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành luật có hiệu lực trong năm; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị xây dựng dự thảo văn bản theo đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tích cực tham gia cùng đơn vị chủ trì xây dựng văn bản từ giai đoạn dự thảo; nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo 100% văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND các cấp đều được các cơ quan tư pháp thẩm định trước khi ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi của văn bản. Năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến 37 dự thảo văn bản của Trung ương; thẩm định 499 dự thảo văn bản của HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành; tham gia ý kiến 582 dự thảo văn bản của các sở, ban, ngành trước khi trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành. Sở cũng đã tham mưu giải quyết, xử lý 333 vụ việc pháp luật cụ thể, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đầu tư, đất đai… Tham gia ý kiến về trình tự, thủ tục và tính hợp pháp đối với 105 hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất, hồ sơ cưỡng chế quyết định kiểm đếm bắt buộc của các hộ dân để thực hiện dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án của tỉnh.
Đi đôi với công tác xây dựng pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng, tình hình, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải nhiều thông tin pháp luật đến với đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, trang thông tin PBGDPL tỉnh (địa chỉ: http://pbgdpl.thanhhoa.gov.vn) đã cập nhật, đăng tải kịp thời các tài liệu PBGDPL, giúp người dân tiếp cận pháp luật dễ dàng, ngoài ra có thể đề đạt các ý kiến, kiến nghị, hỏi đáp pháp luật… và có phản hồi kịp thời từ cơ quan Nhà nước, góp phần định hướng dư luận xã hội đối với các thông tin pháp luật không chính xác, không chính thống, xuyên tạc quy định pháp luật Việt Nam và các chủ trương, chính sách, pháp luật. Đến nay, trang thông tin PBGDPL tỉnh đã có hàng trăm nghìn lượt truy cập. Năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 17 kế hoạch, quyết định về công tác PBGDPL; tổ chức các hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai các văn bản luật mới ban hành cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện. Tổ chức thành công các cuộc thi: “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND”, thu hút 11.000 lượt người tham gia, với hơn 13.000 bài dự thi (xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố); cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng” đã nhận được 89 video gửi dự thi…, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội, các mâu thuẫn tranh chấp trong Nhân dân được giải quyết kịp thời, tăng cường, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân.
Công tác hòa giải cũng được chú trọng, đến nay toàn tỉnh có 4.151 tổ hòa giải với 26.909 hòa giải viên ở cơ sở. Hàng năm, các tổ hòa giải đã hòa giải thành công hàng nghìn vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong Nhân dân, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ngay từ cơ sở.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND và ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI trao biểu trưng cho các đơn vị top đầu khối các đơn vị cấp sở, ngành
Công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch, chứng thực, quốc tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi tiếp tục được tăng cường. Sở đã tích cực, chủ động hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã về công tác đăng ký hộ tịch cho người dân (năm 2021 đã hướng dẫn 28 trường hợp); xác minh việc đăng ký hộ tịch 12 trường hợp. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến đã được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện theo quy định của Nghị định số 87/2020/NĐ-CP. Công tác chứng thực đã kịp thời đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Hiện đã có 10 huyện, thị xã, thành phố thực hiện chứng thực bản sao điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 của Chính phủ.
Các hoạt động bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, giám định tư pháp được tăng cường quản lý, trong đó tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt, năm 2021 sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh (thay thế Quyết định 07/2018/QĐ-UBND ngày 9-3-2018) với nhiều thay đổi so với quy định cũ. Đây là quyết định có những điểm mới, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, đảm bảo cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, năm 2021 các tổ chức đấu giá đã bán trên 800 mặt bằng, số tiền tăng so với giá khởi điểm trên 4.000 tỷ đồng, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Đồng thời, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh có các văn bản chỉ đạo hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động này.
Công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, chú trọng vào các vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật; đã mang lại hiệu quả tích cực. Đảm bảo việc giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng đúng quy định của pháp luật và thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng chính sách. Năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, trung tâm trợ giúp pháp lý thực hiện 1.259 vụ việc. Hầu hết các vụ việc được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên; số vụ việc đạt chất lượng khá và tốt chiếm 97%.
Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được coi trọng. Hàng năm, sở đều ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra và thực hiện nghiêm theo kế hoạch. Các đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp đã giảm nhiều qua các năm. Các vụ việc vi phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp đã được xác minh, xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định, góp phần mang lại niềm tin đối với người dân, được Nhân dân tín nhiệm.
Chính từ kết quả trên, năm 2021 Sở Tư pháp được UBND tỉnh xếp loại là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày 11-5-2022, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) năm 2021, Sở Tư pháp xếp thứ 3/5 sở, ban, ngành được đánh giá tốt về DDCI trong khối sở, ban, ngành cấp tỉnh năm 2021.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2022 và những năm tiếp theo, Sở Tư pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác trong đó tập trung vào công tác xây dựng văn bản, theo dõi, thi hành pháp luật, công tác tuyên truyền về quản lý Nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản, công chứng. Thực hiện tốt công tác xây dựng ngành; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong ngành. Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác của sở, ngành tư pháp, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; công tác PBGDPL; số hóa dữ liệu hộ tịch, dữ liệu chứng thực. Chú trọng công tác phối hợp với các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ tỉnh đến địa phương; chủ động, kịp thời báo cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của sở, ngành. Phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khi có sai phạm; đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực đạt kết quả cao, sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bùi Đình Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp