Long An: Tập huấn Luật SĐBS một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, Luật SĐBS một số điều của Luật XLVPHC

22/10/2021
Long An: Tập huấn Luật SĐBS một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, Luật SĐBS một số điều của Luật XLVPHC
Ngày 19/10, Sở Tư pháp Long An tổ chức Hội nghị tập huấn, triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Ban hành văn bảnVBQPPL, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC và tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ về công tác văn bản QPPL và XLVPHC năm 2021 đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh theo hình thức truyền hình trực tuyến tại 15 điểm cầu cấp huyện và 188 điểm cầu cấp xã. Bà Phan Thị Mỹ Dung - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì Hội nghị.
Tham dự hội nghị có hơn 480 đại biểu, gồm 52 Đại biểu cấp tỉnh (đại diện Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; Lãnh đạo Sở, ngành tỉnh; Công chức pháp chế các cơ quan chuyên môn UBND tỉnh), 240 đại biểu cấp huyện (đại diện Lãnh đạo UBND cấp huyện và các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện) và 188 đại biểu cấp xã (đại diện Lãnh đạo UBND cấp xã và các công chức chuyên môn có liên quan đến công tác văn bản QPPL) và đại diện các cơ quan truyền thông.
Hội nghị đã được nghe bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Trưởng phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản QPPL, Sở Tư pháp triển khai, quán triệt những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2020. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2020 gồm 2 điều, điều 1 sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015; Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021, với những nội dung mới cơ bản sau đây:
Một là tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản QPPL; Hai là bổ sung và làm rõ quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL; Ba là bổ sung một số hình thức văn bản QPPL; Bốn là sửa đổi thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của cấp huyện, cấp xã; Năm là quy định hợp lý hơn các loại văn bản QPPL phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách và quy định cụ thể trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng, soạn thảo văn bản QPPL; Sáu là nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra dự thảo nghị quyết; Bảy là quy định về xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; Tám là quy định thủ tục hành chính trong văn bản QPPL; Chín là tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhằm bảo đảm tính thống nhất và nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản QPPL;  Mười là quy định hợp lý, cụ thể hơn về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL của địa phương; Mười hai là sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác.
Tiếp đó, bà Phan Thị Mỹ Dung - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Tư pháp đã triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC và tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ và XLVPHC cho các đại biểu. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), sữa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 04 điều và bãi bỏ 03 điều của Luật XLVPHC hiện hành; Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022, với những nội dung mới cơ bản sau đây:
Một là Sửa đổi, bổ sung một số quy định chung tại phần thứ nhất của Luật XLVPHC như quy định về khái niệm tái phạm, nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm hành chính nhiều lần, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, về thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, hành vi bị nghiêm cấp;  Hai là Sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính như quy định về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, về việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Ba là Sửa đổi, bổ sung một số quy định về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như về đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, về thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, về việc quản lý đối tượng trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Bốn là Về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; Năm là Về biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên; Sáu là Về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Kết thúc Hội nghị, bà Phan Thị Mỹ Dung đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Ban hành văn bản  QPPL và Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC bằng hình thức phù hợp để đạt chất lượng, hiệu quả./.
Kim Diệp