Ninh Thuận: Kết quả 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tủ sách pháp luật

17/09/2008
Thực hiện Công văn số 924/BTP-PBGDPL ngày 02/4/2008 của Bộ Tư pháp về việc tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Quyết định số 1067/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tủ sách pháp luật; ngày 06/5/2008 Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2742/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết. Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành Kế hoạch số 403/KH-BCĐ ngày 12/5/2008 và Chương trình kiểm tra số 444/BCĐ ngày 23/5/2008 để triển khai kế hoạch và kiểm tra việc tổng kết. Với kết quả như sau:

Về tổ chức của Tổ hoà giải:

- Từ khi có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; việc củng cố tổ chức, kiện toàn hoạt động hoà giải ở cơ sở đã được triển khai thực hiện theo quy định. Đến năm 2004, toàn tỉnh có 320 tổ hoà giải với 1.783 hoà giải viên.

- Sở Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo cho Phòng Tư pháp và các cơ quan chức năng có kế hoạch xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới tổ hoà giải và đội ngũ những người làm công tác hoà giải; đến nay toàn tỉnh có 375 tổ hoà giải với 2.524 hoà giải viên. Về cơ bản, mỗi thôn, tổ dân phố đều có 01 tổ hoà giải, đa số tổ viên tổ hoà giải là những người không chỉ có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín và nhiệt tình đối với công tác hoà giải mà còn có kiến thức pháp luật và được bầu chọn công khai, dân chủ trong các cụm dân cư. Mỗi tổ hoà giải có số lượng tổ viên ít nhất là 4 người, nhiều tổ trên 10 người.

Về hoạt động của tổ hoà giải:

Qua 10 năm toàn tỉnh có trên 49.330 vụ việc được hoà giải; trong đó hoà giải thành 40.581 vụ; hoà giải không thành 5.628 vụ; hướng dẫn chuyển cơ quan chức năng giải quyết 2.976 vụ; các vụ việc hoà giải xảy ra chủ yếu ở lĩnh vực tranh chấp đất đai và dân sự (trong đó 24.564 vụ đất đai; 7.254 vụ dân sự, 6.828 vụ hôn nhân và gia đình và 1.935 vụ thuộc lĩnh vực khác). Nhiều địa phương cơ sở đã quan tâm chỉ đạo công tác hoà giải đạt kết quả khá tốt, điển hình huyện Ninh Sơn đã hoà giải thành 8.875/ 10.177 vụ, kết quả đạt được phần lớn là nhờ đội ngũ hoà giải viên có tinh thần trách nhiệm, tận tâm với công việc, biết vận dụng văn bản pháp luật và phong tục tập quán để giải quyết vụ việc.

Quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở:

Từ sau khi có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; Sở Tư pháp cùng các đơn vị liên quan đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quan trọng như:

- Chỉ thị số 14/2005/CT-UB ngày 25/4/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở cơ sở; Quyết định số 318/2005/QĐ-UBND ngày 12/9/2005 về việc chi hỗ trợ công tác hoà giải ở cơ sở; Quyết định số 76/2006/QĐ-UBND ngày 10/4/2006 về việc chi thù lao hoà giải viên; Kế hoạch tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị 14/2005/CT-UB; Quyết định số 2742/QĐ-UBND ngày 06/5/2008 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tủ sách pháp luật.

Về tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ:

Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nghiệp vụ hoà giải cho thành viên các tổ hoà giải; đồng thời chỉ đạo chính quyền cơ sở, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hoà giải viên dưới nhiều hình thức: họp giao ban, tổ chức các lớp học tập cộng đồng tại trung tâm Bồi dưỡng chính trị, tổ chức Hội thi Hoà giải viên giỏi, hay lồng ghép vào các buổi sinh hoạt văn nghệ… Thông qua những hoạt động này, hoà giải viên cơ sở đã từng bước được nâng cao nhận thức về pháp luật. Qua 10 năm thực hiện, toàn tỉnh đã tổ chức trên 84 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải cho hơn 26.755 lượt người tham dự (các tổ viên tổ hoà giải đều được tập huấn; có người dự từ 2 – 3 lượt). Trên cơ sở đó, hoà giải viên đã vận dụng kiến thức pháp luật áp dụng vào thực tiễn giải quyết kịp thời những tranh chấp, mâu thuẫn vừa mới phát sinh đã được giải quyết dứt điểm và có hiệu quả. Đã phát hành nhiều loại tài liệu, đề cương hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải: tài liệu tập huấn thi hành án dân sự, pháp luật dân sự, hình sự; tài liệu nghiệp vụ về hoà giải ở cơ sở; tài liệu tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý cho hoà giải viên; đề cương các luật mới ban hành…

Sự phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hoà giải ở cơ sở.

Khi thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở, giữa cơ quan Tư pháp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận có mối quan hệ chặt chẽ. Cụ thể, đối với việc kiện toàn tổ hoà giải, cơ quan Tư pháp luôn phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Hội Nông dân… lựa chọn giới thiệu thành viên tổ hoà giải; tiến hành đúng quy trình luật định trong việc bầu, miễn nhiệm… tổ viên, tổ trưởng; sau đó trình UBND cấp xã ra quyết định công nhận. Vì thế, tổ hoà giải ở cơ sở đảm bảo đúng cơ cấu và thành phần theo luật định; trong hoạt động hoà giải, giữa Mặt trận, các đoàn thể, cơ quan Tư pháp cùng thảo luận, phân tích sự việc để đưa ra giải pháp hoà giải vừa đúng chủ trương của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và vừa phù hợp với phong tục tập quán địa phương nên các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ đã được hoà giải thành khá cao.

Hoạt động hoà giải ở cơ sở được nâng cao chất lượng, đạt hiệu quả thiết thực; góp phần tích cực vào việc hạn chế và ngăn chặn các hành vi có biểu hiện vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến phong tục tập quán ở địa phương. Nhiều tổ hoà giải đã có kế hoạch và biện pháp theo dõi nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ lúc đầu mới phát sinh ở địa bàn dân cư nên đã góp phần bảo đảm an ninh nông thôn, giữ vững trật tự an toàn xã hội tại địa phương, cơ sở. Mặt khác, những vụ việc hoà giải thành đã góp phần động viên khích lệ tổ viên tổ hoà giải làm tốt vai trò trong việc “tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân”.  

Về xây dựng tủ sách pháp luật:

Thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Chỉ thị số 17/1999/CT ngày 19/4/1999 về xây dựng, quản lý và sử dụng tủ sách pháp luật ở các cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân các cấp.         

Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp đã hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ban, ngành, UBND các cấp triển khai việc xây dựng tủ sách pháp luật tại cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có 750 tủ sách pháp luật (100% xã, phường, thị trấn đều có tủ sách pháp luật). Mỗi tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn trung bình có từ 50 đến 75 đầu sách pháp luật các loại.

Thông qua hoạt động kiểm tra nghiệp vụ PBGDPL, kiểm tra công tác văn bản tại địa phương, Sở Tư pháp hướng dẫn các đơn vị loại bỏ các sách, văn bản pháp luật hết hiệu lực; góp phần nâng cao tác dụng của tủ sách đối với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.  

Về quản lý và khai thác tủ sách pháp luật:

- Tủ sách pháp luật được quản lý, khai thác theo quy chế (căn cứ vào Quyết định số 355/1999/QĐ-BTP ngày 22/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về xây dựng quy chế quản lý, khai thác tủ sách pháp luật); tại các Sở, ban, ngành, tủ sách được để nơi thuận tiện cho cán bộ, công chức có thể đọc tại chỗ và mượn nghiên cứu tham khảo. Đối với Uỷ ban nhân dân cấp  huyện, tủ sách được đặt và giao cho Phòng Tư pháp quản lý, khai thác, hướng dẫn nhằm thực hiện nhiệm vụ phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức, nhân dân. Tủ sách pháp luật của UBND cấp xã được đặt tại trụ sở và giao cho cán bộ Tư pháp chuyên trách trực tiếp quản lý, phục vụ cán bộ, nhân dân địa phương, đa số các đơn vị đều niêm yết danh mục sách pháp luật; mở sổ theo dõi việc mượn và trả sách theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Đầu tư kinh phí hàng năm cho tủ sách pháp luật cấp xã

Kinh phí xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 05/1999/TTLT-TC-TP ngày 28/01/1999 hướng dẫn thực hiện Dự án xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn và các văn bản pháp luật về quản lý ngân sách Nhà nước hiện hành. Ngoài nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách, các đơn vị có thể huy động kinh phí từ các nguồn kinh phí khác và sự tự nguyện đống góp của các tổ chức, cá nhân trong việc bổ sung và phát triển tủ sách pháp luật.

Hàng năm, kinh phí dành cho tủ sách pháp luật các cấp do ngân sách nhà nước cấp, nhưng vẫn còn rất hạn chế; mặt khác trong tình hình khó khăn chung của tỉnh, việc vận động sự đóng góp từ các nguồn khác là vấn đề khó thực hiện. Đa số các đầu sách có tại các xã đều do Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cung cấp hoặc gửi tặng.

Nhìn chung, công tác triển khai xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh đến nay 100% xã, phường, thị trấn đều đã hoàn thành việc xây dựng tủ sách pháp luật. Việc xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn thể, trường học đã thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật cho cán bộ công chức, viên chức, hội viên, học sinh.   

Ngọc Hùng