Vài nét về công tác hòa giải ở Huyện Văn Bàn

17/09/2008
Văn Bàn là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Lào Cai có diện tích tự nhiên là 143.927 ha; cách trung tâm tỉnh Lào Cai 80 km về phía Đông Nam. Huyện có 22 xã và 1 thị trấn, 261 thôn, bản, tổ dân phố, toàn huyện có 11 dân tộc cùng sinh sống, dân số là 76.978 nhân khẩu, số hộ 14.326 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30,34%, nông thôn chiếm 92,89%, thành thị chiếm 7,11%. Được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, cùng với sự nỗ lực của toàn thể nhân dân các dân tộc trong huyện. Do đó trong những năm gần đây cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh tế - xã hội, văn hoá tinh thần của nhân dân đã được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

 Trong những năm qua công tác củng cố xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh và chỉ đạo hướng dẫn hoạt động hoà giải ở cơ sở của huyện Văn Bàn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh quốc phòng của địa phương, thực sự là cầu nối tình đoàn kết của thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố. Kết quả trong 10 năm các tổ hoà giải của huyện Văn Bàn đã tiếp nhận 2.094 vụ việc, nội dung các vụ việc tranh chấp chủ yếu là về đất đai, hôn nhân và gia đình, dân sự, sinh hoạt cộng đồng.  Tổ chức thành công 2 cuộc thi “Hoà giải viên giỏi” từ cấp cơ sở đến cấp huyện vào năm 2000 và năm 2005 (đạt giải 3 hội thi hoà giải viên giỏi cấp tỉnh lần 2). Tinh thần tham gia tự nguyện của các hoà giải viên thể hiện ý thức xây dựng cộng đồng rất cao, công tác hoà giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp ổn định và trở thành một nếp sinh hoạt quen thuộc đối với người dân mỗi khi có những mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư sẩy ra; thông qua công tác hoà giải ở cơ sở nhiều chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đã được truyền tải trực tiếp đến với nhân dân, đem lại sự hiểu biết về pháp luật cho cán bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện được tiếp cận với chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nướcdễ hiểu và gần gũi; mang lại cuộc sống bình yên cho mỗi thôn, xóm, duy trì việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội cũng như phát triển kinh tế, kinh doanh có hiệu quả góp phần xoá đói, giảm nghèo.

Huyện Văn Bàn đã không ngừng củng cố, xây dựng đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở bằng nhiều giải pháp cụ thể như tăng cường xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp từ cấp huyện đến các xã, thị trấn; chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền pháp luật lồng ghép với đợt tuyên truyền pháp luật hàng năm của huyện, phối kết hợp cùng các ban, ngành đoàn thể của Mặt trận tổ quốc huyện xây dựng các kế hoạch liên ngành phối hợp thực hiện tuyên truyền pháp luật cho các thành viên tổ chức hội ở cơ sở; Ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo hướng dẫn hoạt động của công tác hoà giải ở cơ sở, xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên cơ sở, thường xuyên hướng dẫn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kịp thời kiện toàn lại các tổ hoà giải ở cơ sở mỗi khi có sự thay đổi về tổ chức nhân sự ở các thôn, bản, tổ dân phố về cả số lượng và chất lượng; Xây dựng đội ngũ hoà giải viên từ năm 1999 tổng số tổ viên tổ hoà giải viên ở cơ sở trong toàn huyện có 844 người, đến năm 2008 tổng số hoà giải viên ở cơ sở toàn huyện là 1.357 người. Mỗi Tổ hoà giải duy trì từ 3 đến 7 thành viên trở lên, được thành lập rất đa dạng tuy thuộc vào tình hình đặc điểm của từng cụm dân cư thôn, bản, làng, xóm. Hầu hết tổ trưởng các tổ hoà giải ở cơ sở là trưởng thôn, bản, tổ dân phố, các tổ viên là bí thư chi bộ, mặt trận tổ quốc, chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, chi đoàn thanh niên hoặc là những người có uy tín trong làng, bản, tổ dân phố, người có kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết với công việc hoà giải có trình độ văn hoá và hiểu biết pháp luật, tham gia mọi vụ việc hoà giải cụ thể còn có các tổ chức hội ở cơ sở như hội cựu chiến binh, những gia đình văn hoá tiên tiến điển hình trong thực hiện nếp sống văn minh, gia đình làm kinh tế giỏi...

Để không ngừng tăng cường củng cố và xây dựng đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở ngày càng vững mạnh, phát huy được hiệu quả vai trò tự quản của nhân dân bằng hoạt động hoà giải, khẳng định được vị trí vai trò của các hoà giải viên trong đời sống xã hội, thực sự là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, duy trì phát huy dân chủ, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn trật tự cho thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố… trong thời gian tới để công tác hoà giải có hiệu quả đề nghị tiếp tục: Duy trì và tăng cường công tác phối kết hợp giữa cấp uỷ, chính quyền  với Uỷ ban mặt trận Tổ quốc các cấp là một việc làm hết sức quan trọng trong công tác chỉ đạo các thành viên của Mặt trận tổ quốc. Phối hợp đồng bộ và thường xuyên với các thành viên của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn; quan tâm dành nguồn ngân sách thường xuyên và ổn định được ghi trong hạn mức ngân sách hàng năm phục vụ cho công tác hoà giải ở cơ sở, nhằm động viên, khuyến khích  đội ngũ những người làm công tác hoà giải ở cơ sở, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc; Đơn giản hoá thủ tục chi trả thù lao cho hoà giải viên cơ sở khi giải quyết các vụ việc hoà giải theo hướng (hoà giải miệng) như hình thức trợ giúp pháp lý bằng miệng; Xây dựng, bổ sung vào quy ước, hương ước thôn, bản, tổ dân phố những  quy định về công tác hoà giải ở cơ sở; thực hiện chế độ thi đua khen thưởng đột xuất kịp thời cho những tập thể, cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải ở cơ sở.  

Nguyễn Lê Hằng – Sở Tư pháp Lào Cai