UBND tỉnh Bắc Giang: Tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh hoà giải ở cơ sở và tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn

17/09/2008
Ngày 10.9, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; Quyết định số 1067/QĐ- TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bùi Văn Hải chủ trì hội nghị.

Ngay sau khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở ra đời, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác hoà giải, tổ chức quán triệt Pháp lệnh sâu rộng đến các cấp, ngành, địa phương và nhân dân; chỉ đạo ngành Tư pháp phối hợp với các đoàn thể, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kinh nghiệm, kiến thức pháp luật về hoà giải cho đội ngũ cán bộ Tư pháp và hoà giải viên cơ sở... Nhờ đó số lượng, chất lượng hoạt động của các tổ hoà giải từng bước được nâng lên. Từ 1.135 tổ hoà giải năm 1997, đến nay toàn tỉnh có 2.563 tổ với 16.472 hoà giải viên ở 2.534 thôn, bản, tổ dân phố. 10 năm qua, các tổ hoà giải đã tham gia hoà giải thành trên 35 nghìn vụ việc, đạt trên 85% tổng số vụ mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh tại cơ sở (tăng khoảng 35% so với năm 1997). Về công tác xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật, hiện toàn tỉnh đã có 229/229 xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật có tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở UBND cấp xã. Các tủ sách bước đầu đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, tham khảo của cán bộ và nhân dân địa phương, hàng năm thu hút khoảng 4.000 lượt người đến mượn và đọc sách. Tuy nhiên, do công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ hoà giải và cán bộ Tư pháp cơ sở chưa được tổ chức thường xuyên, sự quan tâm của một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở đối với công tác này còn hạn chế nên chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số tổ hoà giải cũng như hiệu quả của một số tủ sách pháp luật ở cơ sở không cao.

Tại hội nghị, các ý kiến tham luận đã làm rõ hơn kết quả, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Pháp lệnh hoà giải cũng như việc xây dựng, tổ chức quản lý và sử dụng tủ sách pháp luật tại địa phương. Đồng thời đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành quan tâm giải quyết, nhất là việc đầu tư kinh phí hỗ trợ công tác hoà giải, trang bị tủ sách pháp luật; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên và cán bộ Tư pháp cơ sở...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bùi Văn Hải nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác hoà giải, xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật trong quá trình phát triển KT- XH tại cơ sở. Trong thời gian tới các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác TTPBGDPL gắn mở các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác cho các thành viên tổ hoà giải; sớm triển khai hỗ trợ kinh phí cho các vụ hoà giải thành theo quy định của UBND tỉnh; quan tâm vận động, lựa chọn những người có uy tín, kiến thức pháp luật tham gia công tác hoà giải tại cơ sở, bảo đảm hoá giải kịp thời mọi mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế thấp nhất những vụ việc khiếu kiện không đáng có, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương. Các địa phương cần tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật; chủ động dành kinh phí trang bị thêm nhiều đầu sách kết hợp với thường xuyên luân chuyển từ tủ sách pháp luật về Điểm bưu điện văn hoá xã phục vụ nhân dân. Qua đó từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

Nhân dịp này, 34 tập thể, 26 cá nhân có thành tích xuất sắc được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen./.

Hoàng Giang