Nam Định sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở

17/09/2008
Thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, công tác hoà giải trên địa bàn tỉnh Nam Định đã được củng cố, kiện toàn về mọi mặt.

Về công tác tổ chức, đến tháng 6 năm 2008, tỉnh Nam Định có 3.573 tổ hoà giải với 20.676 hoà giải viên ở tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Sau khi được kiện toàn, căn cứ chức năng nhiệm vụ, hầu hết các tổ hoà giải đều xây dựng được Quy chế tổ chức hoạt động của mình, từ đó duy trì nghiêm túc chế độ hội họp, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Các tổ hoà giải đã kịp thời giải hoà tại chỗ các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, từng bước xây dựng ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tại Nam Định, các tổ hoà giải được thành lập theo mô hình thôn, xóm, tổ dân phố. Tổ trưởng tổ hoà giải là bí thư chi bộ; tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, (xóm) hoặc trưởng ban công tác mặt trận. Tổ trường tổ hoà giải là người phụ trách tổ hoà giải đồng thời trực tiếp tham gia hoạt động hoà giải với tư cách là một hoà giải viên, bên cạnh đó còn đại diện cho tổ hoà giải trong quan hệ với thôn, (xóm, tổ dân phố, cụm dân cư)  và với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở . Tổ viên tổ hoà giải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có uy tín trong nhân dân; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện đúng chính sách, pháp luật; đồng thời tự nguyện tham gia tổ chức hoà giải, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác hoà giải. Do đó, các tổ viên thường là thành viên (hội viên) của các tổ chức: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân Việt Nam…Tổ viên tổ hoà giải được phân công theo dõi, phụ trách theo khu vực, cụm dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kịp thời phát hiện và hoà giải các mâu thuẫn phát sinh. Thành viên của Tổ hoà giải thường xuyên được củng cố, kiện toàn, tuỳ theo quy mô dân số mỗi tổ hoà giải có từ 5-7 người. Trong đó, 16,96 % thành viên Tổ hoà giải là Bí thư chi bộ; 18,59 % thành viên tổ hoà giải là Tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, xóm; 12,94% thành viên tổ hoà giải là thành viên Ban công tác mặt trận. Từ khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải có hiệu lực đến nay, đội ngũ hoà giải viên cơ sở không ngừng lớn mạnh, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Từ con số chỉ có từ 3-5 người cho 1 tổ hoà giải trước khi có Pháp lệnh,  đến nay đã là 5-7 người, đều là những người có tâm huyết với công tác hoà giải, có hiểu biết pháp luật nhất định, có uy tín trong nhân dân…

 Nhìn chung công tác hoà giải trên địa bàn tỉnh Nam Định đã thực sự phát huy tác dụng thiết thực trong đời sống cộng đồng dân cư, 100% các tổ hoà giải được thành lập đều đã đi vào ổn định, nền nếp, với cơ cấu tổ chức chặt chẽ, phù hợp với đặc điểm của địa phương; thành viên Tổ hoà giải được lựa chọn có phẩm chất đạo đức, có uy tín trong nhân dân, có năng lực, trình độ pháp luật và khả năng thuyết phục và thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hoà giải… Tổ hoà giải đã trở thành chỗ dựa tin cậy để người dân giải toả những vướng mắc pháp luật, mâu thuẫn, xích mích nhỏ, bên cạnh đó đã hướng dẫn, thuyết phục, giúp đỡ các bên tranh chấp tự hoà giải, góp phần tích cực vào việc ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư.

* Hoạt động hoà giải tại Nam Định hiện nay được tiến hành tại các thôn xóm dưới các hình thức sau: Tổ viên Tổ hoà giải chủ động tiến hành hoà giải hoặc mời người ngoài Tổ hoà giải thực hiện việc hoà giải theo sáng kiến của mình trong trường hợp trực tiếp chứng kiến hoặc biết về việc tranh chấp. Khi tổ viên tổ hòa giải chứng kiến hoặc biết các tranh chấp trong cộng đồng dân cư thì có thể tự mình  chủ động gặp gỡ các bên tranh chấp để thực hiện việc hoà giải. Việc chủ động có mặt của tổ viên tổ hoà giải trong nhiều trường hợp là rất cần thiết, có thể giải quyết các việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ một cách kịp thời, tránh để chuyện bé xé ra to, việc đơn giản thành việc phức tạp; Thực hiện việc hoà giải theo sự phân công của Tổ trưởng tổ hoà giải theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; Thực hiện việc hoà giải theo yêu cầu của 01 bên hoặc các bên có tranh chấp.

 Từ năm 1999 đến tháng 6 năm 2008, tỉnh Nam Định có hơn 40 nghìn vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi lẽ ra phải chuyển cho chính quyền giải quyết nhưng tổ hoà giải đã tiến hành hoà giải ngay tại cơ sở mà không phải chuyển lên cơ quan cấp trên . Kết quả cụ thể như sau: 

Tổng số việc thụ lý: 41178 việc, các huyện có nhiều vụ việc được thụ lý là thành phố Nam Định, Ý Yên, Nghĩa Hưng. Kết quả hoà giải thành: 35.299 việc, tỷ lệ hoà giải thành đạt: 85,7%; trong đó các huyện có tỷ lệ hoà giải thành cao là huyện Vụ Bản (97%), Xuân Trường (93,4%), Nghĩa Hưng (92%); Trực Ninh là 86% huyện có tỷ lệ hoà giải thành thấp là huyện Giao Thuỷ (74%), Nam Trực (75%). Chuyển cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết: 2.833/41.178 việc, chiếm tỷ lệ: 6,87%. Đang giải quyết: 1.968/41.178 việc, chiếm tỷ lệ: 4,77%. Đối với những vụ việc phức tạp, không triệu tập hoà giải ở cơ sở được thì các tổ hoà giải báo cáo lên Ban Tư pháp xã để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn cách thức giải quyết bảo đảm đúng quy định pháp luật về hoà giải.

Về quản lý nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định thì Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh Nam Định quản lý nhà nước về công tác hoà giải cơ sở ở địa phương. Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật là đơn vị chuyên môn giúp Lãnh đạo Sở Tư pháp quản lý, hướng dẫn, kiểm tra công tác hoà giải trên địa bàn tỉnh Nam Định. Phòng Tư pháp các huyện và thành phố Nam Định thực hiện sự chỉ đạo của Sở Tư pháp và UBND cùng cấp hướng dẫn Ban Tư pháp cấp xã triển khai thực hiện các quy định về công tác hoà giải ở địa phương, đề xuất các biện pháp kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả  hoạt động hoà giải ở địa phương. Ban Tư pháp cấp xã được thành lập để giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện các công tác tư pháp ở cơ sở trong đó có công tác hoà giải. Trong công tác quản lý nhà nước về hoà giải ở cơ sở, các cơ quan tư pháp các cấp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cơ quan, tổ chức hữu quan… để thực hiện hoà giải. Chính vì vậy,  đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng và phát triển hoạt động hoà giải ở cơ sở.

* Công tác hoà giải tại Nam Định luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền. Ngay sau khi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở mới ban hành, ngày 15/11/1999, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Chỉ thị số 41/CT-UB về việc triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức hoạt động hoà giải ở cơ sở và phát động cuộc thi “Hoà giải viên giỏi” lần thứ nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Để tiếp tục phát huy, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động công tác hoà giải ở cơ sở, ngày 06/8/2004, UBND tỉnh Nam Định ban hành Chỉ thị số 24/CT-UB về việc tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, triển khai hội thi “Hoà giải viên giỏi” các cấp lần thứ II. Trong nội dung của Chương trình hoạt động hằng năm của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh đều nhấn mạnh, nhiệm vụ phải củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động hoà giải ở cơ sở, đảm bảo 100% thôn xóm, tổ dân phố, cụm dân cư có tổ hoà giải và duy trì hoạt động tốt.

Hàng năm, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp Nam Định xây dựng kế hoạch, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật  về tổ chức và hoạt động hoà giải trong toàn tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 41/CT-UB của UBND tỉnh ngày 15/11/1999, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-TP ngày 17/12/1999 hướng dẫn và chỉ đạo các Phòng Tư pháp tham mưu UBND cùng cấp triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Pháp lệnh. Thực  hiện Chỉ thị số 24/CT-UB ngày 06/8/2004 của UBND tỉnh Nam Định về việc tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã chỉ đạo, hướng dẫn Phòng tư pháp các huyện tiến hành tổ chức 5 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. …Sở Tư pháp thường xuyên có văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải cho cấp huyện để huyện hướng dẫn đối với cấp xã. Ở cấp huyện, theo sự chỉ đạo của Sở Tư pháp và của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, Phòng Tư pháp các huyện và thành phố Nam Định thường xuyên hướng dẫn Ban Tư pháp cấp xã triển khai thực hiện các quy định về công tác hoà giải ở địa phương; đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp mình biện pháp kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở địa phương. Điển hình cho công tác này như: Phòng Tư pháp các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Trực Ninh, Vụ Bản, Nam Trực và thành phố Nam Định.

* Xác định củng cố và kiện toàn tổ hoà giải ở cơ sở là công tác quan trọng có ý nghĩa quyết định cho hoạt động hoà giải, hàng năm, Sở Tư pháp chỉ đạo các Phòng Tư pháp thực hiện rà soát, thống kê số liệu về công tác tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở trên phạm vi địa bàn huyện, kịp thời hướng dẫn, có biện pháp củng cố, kiện toàn, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ hoà giải và hoà giải viên ở địa phương.  UBND các huyện và thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn triển khai việc thành lập các tổ hoà giải ở tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố, chú trọng đến chất lượng, số lượng của hoà giải viên luôn đảm bảo sự ổn định về mặt tổ chức của tổ hoà giải ở cơ sở. Tại cấp xã, nhiều đơn vị cấp xã đã xây dựng được Đề án và kế hoạch củng cố, kiện toàn các Tổ hoà giải. Căn cứ vào Đề án của UBND xã, Ban Tư pháp cấp xã đã phối hợp Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên lựa chọn, giới thiệu và tổ chức hội nghị nhân dân để bầu tổ viên tổ hoà giải. Số hoà giải viên này đều được UBND cấp xã ra quyết định công nhận tổ viên tổ hoà giải. Từ đó tiến hành rà soát số lượng hoà giải viên hiện có trong phạm vi đơn vị mình, rà soát về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của đội ngũ hoà giải viên cơ sở. Trên cơ sở đó, các Tổ hoà giải sẽ tiến hành việc bầu bổ sung hoà giải viên hoặc miễn nhiệm đối với tổ viên tổ hoà giải. Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm của đơn vị mình, Ban Tư pháp cấp xã thường xuyên tham mưu, giúp Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định số lượng Tổ hoà giải ở đơn vị mình. Ban Tư pháp phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Tổ trưởng Tổ dân phố, trưởng thôn, xóm…rà soát, đánh giá nhu cầu về việc thành lập thêm, thành lập mới Tổ hoà giải ở cơ sở. Từ đó đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã quyết định số lượng Tổ hoà giải mới thành lập. Ban Tư pháp cấp xã thường xuyên theo dõi quá trình hoạt động của các Tổ hoà giải, nắm rõ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của các Tổ hoà giải và hoà giải viên, từ đó đề xuất UBND cùng cấp, cơ quan tư pháp cấp trên có giải quyết kịp thời.

Chính vì vậy, trước khi có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở thì hoạt động hoà giải mới chỉ mang tính chất đơn lẻ ở một vài thôn, xóm, tổ dân phố, do một số người có uy tín trong cộng đồng dân cư tự tiến hành hoà giải những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh mà chưa có tổ chức, chưa có trình tự, thủ tục hoà giải cụ thể. Đến nay, số Tổ hoà giải tính đến hết tháng 6/2008 là 3.573 tổ với 20.676 hoà giải viên ở khắp tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, thành phần Tổ hoà giải cũng được mở rộng, ngoài Trưởng thôn, xóm, Tổ trưởng tổ dân phố, Bí thư chi bộ, thành viên Ban công tác Mặt trận thì còn có đại diện của các tổ chức: Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên,… Có thể nói, việc củng cố, kiện toàn tổ chức Tổ hoà giải tại Nam Định được tiến hành nghiêm túc đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giải hoà trong từng vụ việc hoà giải. Với số lượng hoà giải viên trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay, đội ngũ này đã thực sự là những hạt nhân nòng cốt trong công tác hoà giải ở cơ sở góp phần giữ vững bình yên trong nội bộ nhân dân. Các địa phương làm tốt công tác này là Giao Thuỷ, Xuân Trường, Hải Hậu; ở cơ sở là xã Trung Thành huyện Vụ Bản, xã Trực Nội - huyện Trực Ninh, xã Nghĩa Thái huyện Nghĩa Hưng, Phường Trần Hưng Đạo – thành phố Nam Định…

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tổ chức bồi dưỡng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hoà giải cho người làm công tác hoà giải; tổ chức các Hội thi, Nam Định đã chú trọng công tác này.

Sở Tư pháp đã thường xuyên, chỉ đạo, theo dõi, đồng thời yêu cầu các địa phương (trong đó Phòng tư pháp, Ban tư pháp giữ vai trò chủ trì, đầu mối phối hợp) định kỳ hàng năm tổ chức các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị kiến thức pháp luật giúp hoà giải viên hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ việc phát sinh ở cơ sở. Hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho Trưởng ban Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã của 229 xã, phường, thị trấn, cung cấp, bồi dưỡng cho họ nghiệp vụ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, nghiệp vụ về hoà giải nói riêng, kiến thức pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân ở cơ sở như pháp luật về đất đai, dân sự, hôn nhân – gia đình, hành chính….Thực hiện chương trình phòng chống tội phạm, thường niên, Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật trên các lĩnh vực hành chính, dân sự, đất đai, hôn nhân – gia đình…cho hàng trăm tuyên truyền viên, hoà giải viên đang trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền pháp luật, hoà giải ở cơ sở. Năm 2006, đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoà giải, cung cấp kiến thức pháp luật cho gần 200 tổ trưởng tổ hoà giải viên tiêu biểu trong toàn tỉnh, trên cơ sở đó, đội ngũ này sẽ là những đầu mối tiếp tục hướng dẫn, đào tạo kỹ năng cho các hoà giải viên ở đơn vị mình, phục vụ hiệu quả cho công tác hoà giải ở cơ sở. Năm 2007, chỉ đạo và giúp đỡ các huyện, thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoà giải cơ sở cho đội ngũ hoà giải viên cơ sở nhằm từng bước kiện toàn, nâng cao năng lực trình độ cho đội ngũ hoà giải ở cơ sở. Năm 2008 đã tổ chức 03 hội nghị tập huấn  kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải cơ sở cho gần 500 hoà giải viên của 03 xã Xuân Ninh, Xuân Vinh, Xuân Tân (đây là các xã thuộc huyện chỉ đạo điểm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2008). Thực hiện Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến 2010, Sở Tư pháp là đơn vị chủ trì thực hiện Đề án thứ IV đã chỉ đạo các huyện, thành phố trong tỉnh đã đề nghị Phòng Tư pháp các huyện và thành phố Nam Định tham mưu cho UBND cùng cấp tổ chức tập huấn cho đội ngũ hoà giải viên cơ sở. Trong năm 2007, 10 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành việc tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ hoà giải viên về những kiến thức pháp luật trên các lĩnh vực dân sự, hành chính, hình sự, khiếu nại tố cáo, hôn nhân gia đình.

Thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức các cuộc thi “Hoà giải viên giỏi” lần thứ nhất (năm 2000), hội thi “Hoà giải viên giỏi” lần thứ hai (năm 2005). Hội thi các cấp đã thu hút trên 5.000 hội viên hoà giải ở cơ sở tham gia, 10 huyện, thành phố và hàng trăm đơn vị cấp xã đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để cuộc thi thành công. Chỉ đạo hội thi gồm đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Văn hoá – Thông tin, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định, Báo Nam Định, Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh, Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh. Có thể nói Hội thi hoà giải viên giỏi thực sự trở thành dịp biểu dương lực lượng của những người làm công tác hoà giải ở cơ sở. Những người làm công tác hoà giải còn nâng cao trình độ chuyên môn, tích luỹ kinh nghiệm, trao đổi về nghiệp vụ, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật. Thông qua Hội thi, các cấp đã có thêm kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở.

Hoạt động biên soạn, in ấn, phát hành, cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở được Nam Định quan tâm đầu tư.  Nhằm đáp ứng nhu cầu về tài liệu phục vụ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, hoạt động hoà giải nói riêng, trong những năm qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tập trung vào việc biên soạn phát hành các loại tài liệu pháp luật như pháp luật bỏ túi, Bản tin Tư pháp, cẩm nang pháp luật, tờ gấp pháp luật, băng catsett và tổ chức phát hành các loại sách pháp luật phục vụ cán bộ, nhân dân trong tỉnh.  Sở Tư pháp phát hành Bản tin Tư pháp ra hàng quý (4.000 bản/số), biên soạn và phát hành hàng trăm bộ đề cương tuyên truyền các văn bản pháp luật phát hành đến cơ sở, cấp 2.796 cuốn sách pháp luật tới 466 thôn, xóm, tổ dân phố thuộc 30 xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm trong Chương trình 212. Đồng thời Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành 1.000 quyển sách “Nghiệp vụ về hoà giải ở cơ sở”, 1.000 quyển sách “Chuyên đề về xử lý vi phạm hành chính”, xây dựng và phát hành hàng vạn tờ rơi pháp luật trên các lĩnh vực đất đai, giao thông đường bộ. Ngoài ra phát hành các tài liệu, sách pháp luật khác do Bộ Tư pháp biên soạn đến cơ sở…

            Ở cấp huyện, các loại tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở và các loại tài liệu pháp luật khác do tỉnh cung cấp đều được tiếp nhận và chuyển giao đẩy đủ, kịp thời đến các xã, phường, thị trấn, các cơ quan chức năng của các huyện, thành phố để nhân bản cấp cho các tổ hoà giải quản lý sử dụng. Thông qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cùng các tổ hoà giải cơ sở tiến hành cấp phát hàng vạn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật đến nhân dân và các đối tượng chính sách.

* Xác định công tác hoà giải là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành  và cả hệ thống chính trị một hoạt động mang tính xã hội cao, góp phần giải quyết kịp thời các tranh chấp nhỏ phát sinh trong đời sống nhân dân. Do đó, trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, UBND các cấp đã chỉ đạo cơ quan Tư pháp chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn công tác hoạt động ở địa phương. Thực hiện Chương trình phối hợp số 14/2002/CTPH-TP-PN giữa Bộ Tư pháp và TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, Chương trình phối hợp số 02/2002/CTPH-HND-TP ngày  01/2/2002 về phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đối tượng nông dân, Sở tư pháp và Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện phổ biến , giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đối tượng là nông dân và phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Trong nội dung các kế hoạch trên cũng có chỉ đạo việc phối hợp trong công tác hoà giải ở cơ sở. Ở cấp huyện, Phòng tư pháp các huyện và thành phố đã chủ động phối hợp với UBMTTQVN huyện cùng cấp xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện trong công tác tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, trong đó có phân công cho từng bộ phận làm đầu mối phối hợp thực hiện theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, quản lý các hoạt động hoà giải ở địa phương, thường xuyên giữ mối quan hệ trao đổi thông tin để nâng cao chất lượng công tác hoà giải ở cơ sở. Tiến hành tổ chức giới thiệu Pháp luật về hoạt động hoà giải và các văn bản pháp luật khác tới các đồng chí chủ tịch mặt trận tổ quốc cấp xã. Phối hợp với Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh… ban hành chương trình phối hợp hoạt động trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hoà giải. Ở cấp xã, dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, UBND cấp xã, Ban Tư pháp cấp xã đã thường xuyên phối hợp với Ban công tác Mặt trận triển khai công tác hoà giải ở cơ sở. Uỷ ban Mặt trận các cấp đã chủ động, tham gia tích cực trong việc kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động hoà giải ở cơ sở như giới thiệu những người có thành tích trong công tác hoà giải cơ sở để đề nghị UBND cùng cấp khen thưởng, phối hợp tổ chức các hội nghị sơ kết ở cơ sở, tạo điều kiện cho các thành viên của mình tham gia tích cực vào công tác hoà giải, gắn hoạt động hoà giải với việc xây dựng và thực hiện các phong trào quần chúng ở địa phương…

Qua 10 năm triển khai Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, công tác hoà giải trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần giải quyết được mâu thuẫn xích mích, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự xóm, làng, bình yên xóm ngõ ở khu dân cư, góp phần vào việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân./.

Trần Hồng Nhung