Công tác hoà giải ở Ninh Bình: Hàn gắn những vết rạn

27/08/2008
Cư dân sống ở Nình Bình hiện nay có nguồn gốc từ nhiều tỉnh, TP với những phong tục tập quán khác nhau tạo nên sự đa dạng trong đời sống văn hoá tinh thần. Điều đó có ý nghĩa tích cực nhưng bên cạnh đó nếu không làm tốt công tác hoà giải, dân vận thì sẽ phát sinh nhiều mâu thuẫn ngay tại cơ sở.

Suýt tan vỡ… vì không ăn được cay

Từ nhỏ, chị H ở phường Phúc Thành vốn đã không ăn được cay. Lớn lên thế nào chị lại làm dâu trong một gia đình quê gốc miền Trung ăn cay xé ruột. Không thể “một mình một niêu” nên cứ đến bữa ăn chị H.lại lấy một tô nước lọc để nhúng thức ăn vào cho đỡ cay. Việc làm này của chị H. khiến gia đình nhà chồng chị khó chịu vì cho rằng chị H. xúc phạm đến nề nếp gia phong. Thay vì bữa cơm là cơ hội cả nhà sum họp thì nhà chị H lại tiếng bấc tiếng chì khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt. Biết được câu chuyện này, các hoà giải viên của phường đã gặp gỡ cả đôi bên để chuyện trò, phân tích. Ban đầu gia đình chồng chị H. vẫn cho rằng con dâu như thế là thiếu tôn trọng mình. Tuy nhiên, nhờ kiên trì vận động, thuyết phục, các hoà giải viên đã làm cho gia đình chồng chị H. hiểu ra và thực tế quan hệ của chị với gia đình chồng đã thay đổi hẳn.

Đã ra toà, vẫn hoà giải.

Chị M. và anh T. lấy nhau đã có một con trai học lớp hai, nhưng thời gian gần đây chị M. cứ khăng khăng đòi bỏ chồng để chạy theo người tình cũ. Lý do chị M. muốn bỏ anh T vì cho rằng chị lấy chồng theo sự sắp đặt của gia đình. Hoà giải viên tên Xuân- cán bộ chi hội phụ nữ được phân công hoà giải vụ việc này đã dồn tâm sức tìm hiểu hoàn cảnh gia đình chị M. thì được biết, người tình của chị thực ra chính là Thủ trưởng cơ quan nơi chị M. đang công tác. Bằng những lời đường mật, người này đã dụ dỗ chị M. bỏ chồng để chạy theo anh ta. Những thông tin này đã được chị Xuân cung cấp cho thẩm phán thụ lý khi vụ việc được chuyển lên TAND Thị xã. Qua xác minh, Toà án cũng đã khẳng định chuyện này và đã bác đơn ly hôn của chị M.

Quyết tâm ly hôn tới cùng, chị M kháng cáo lên TAND tỉnh. Chị Xuân lại tiếp tục một mặt lên tỉnh để gặp gỡ Chánh án, mặt khác chị đến cơ quan cấp trên của chị M. đề nghị can thiệp vào “chuyện tình” trái khoáy của ông Thủ trưởng biến chất kia. Kết quả chị M đã được điều chuyển về một cơ quan mới, cách ly người tình cũ với một môi trường trong sạch, một người thủ trưởng nữ biết cảm thông, chia sẻ. Cùng lúc này, TAND tỉnh tuyên bác đơn kháng cáo của chị M, anh T chồng chị cũng tỏ thái độ sẽ bỏ qua cho vợ những chuyện trước kia để hàn gắn hạnh phúc gia đình. Chị Xuân lại đến gặp chị M. để làm công tác tư tưởng. Cuối cùng thì chị M. cũng hiểu ra và quay về. Đến nay, gia đình chị M, anh T đã có thêm một bé gái, bé trai vào lớp 5 và liên tục là học sinh giỏi. Gia đình họ đã trải qua một cơn sóng gió và họ thực sự biết ơn người hoà giải viên tên Xuân.

Những người vì sự bình yên thôn, xóm.

Theo ông Tạ Quý Dương – Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Ninh Bình thì đến nay các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã được kiện toàn., củng cố. Mỗi tổ hoà giải có từ 5- 9 thành viên, đủ mọi thành phần, lứa tuổi, đưa số hoà giải viên trong tỉnh lên tới hàng ngàn người. Để nâng cao chất lượng công tác hoà giải, thời gian qua, ngành tư pháp đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng tập huấn, kỹ năng hoà giải cho các hoà giải viên. Thực hiện Dự án thí điểm cải cách hành chính tại Ninh Bình (giai đoạn 2) do Vương quốc Na Uy tài trợ, ngành tư pháp đã khảo sát công tác PBPL nói chung và hoà giải nói riêng tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy trên 60% ý kiến được hỏi cho rằng khi có những vấn đề về pháp luật, họ thường tìm đến những người mà họ cho là có hiểu biết, trong đó đặc biệt là các hoà giải viên cơ sở. Và thực tế, ông Dương đánh giá: các hoà giải viên đã góp phần không nhỏ vào việc hoà giải các mâu thuẫn ngay tại cơ sở, góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay cũng theo ông Dương là nguồn kinh phí cho công tác hoà giải hiện nay hầu như không có do cấp xã không thể bố trí trong nguồn kinh phí quá eo hẹp. Biết vậy nên rất nhiều hoà giải viên không đặt vấn đề về thù lao nhưng họ mong muốn có cơ chế bảo vệ, được tôn vinh và tập huấn nghiệp vụ thường xuyên. Đây cũng là nhu cầu tất yếu và ông Dương cho rằng tới đây khi xây dựng Luật hoà giải cần nêu bật vai trò của hoà giải viên để họ thấy rằng họ được tôn trọng. Thực tế hiện nay nhiều nơi, không ít cán bộ cơ sở và cả người dân đang thờ ơ với công tác hoà giải, với những người làm hoà giải khiến họ nản lòng.

Thu Hằng