Một số kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết của ngành Tư pháp Hà Nam

27/08/2008
Triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách Tư pháp, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh Uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh, qua gần 03 năm triển khai thực hiện hoạt động của ngành Tư pháp tỉnh Hà Nam đã có sự chuyển biến mới, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới hội nhập kinh tế- quốc tế. Một số kết quả như sau:

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật: Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển nhiều mô hình, cơ chế phối hợp trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức bằng nhiều hình thức mới và sáng tạo như thi tìm hiểu pháp luật, hỏi đáp pháp luật qua cơ quan thông tin đại chúng, qua nội dung sinh hoạt hàng loạt các CLB như: Trợ giúp pháp lý, nông dân với pháp luật, Phụ nữ với pháp luật, tuổi trẻ với pháp luật…qua tờ gấp, tờ rơi. Đối tượng tuyên truyền thường xuyên được mở rộng với nhiều hình thức khác nhau. Nội dung phong phú, bám sát yêu cầu của nhân dân từng địa phương, phù hợp với từng đối tượng nhằm phục vụ tốt  hơn cho nhiệm vụ chính trị, nâng cao ý  kiến  thức  pháp  luật  cho người  dân, từ  đó  giảm  được  nhiều  các  vụ  kiện  kéo  dài,  vượt cấp, đông người…góp phần ổn định TTATXH ở địa phương.                                     

Công tác xây dựng và kiểm tra văn bản: Từ tháng 6 năm 2005 đến nay Sở Tư pháp đã tăng cường kiểm tra văn  bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND  cấp huyện ban hành (35.806 văn bản). Công tác thẩm định, đóng góp ý kiến văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh cũng được đẩy mạnh và ngày càng hiệu quả hơn, hạn chế sai sót về thẩm quyền, nội dung, thể thức khi được kiểm tra văn bản (thẩm định, đóng góp 221 văn bản). Song song với việc thẩm định Sở Tư pháp đã tăng cường  hơn nữa công tác tự kiểm tra văn bản do UBND tỉnh ban hành từ đó kịp thời phát hiện sai sót, hạn chế được hậu quả sẩy ra.

Công tác thi hành án dân sự: Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, 3 năm qua công tác THA đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ quan THA đặc biệt là cấp huyện được quan tâm đầu tư xây dựng trụ sở và cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chấp hành viên, đưa tin học hoá vào công tác quản lý theo dõi THA dân sự. Cơ quan thi hành án đã tập trung tổ chức thi hành dứt điểm những vụ việc khó khăn, phức tạp, vụ việc có điều kiện thi hành, từng bước đẩy lùi tỷ lệ án tồn đọng, vai trò của Ban chỉ đạo thi hành án các cấp tiếp tục được củng cố và kiện toàn, cơ chế phối hợp trong việc giải quyết án ngày càng chặt chẽ và đạt hiệu quả. Đối với các loại án không quá 500.000 đồng bên cạnh việc chuyển giao cho UBND cấp xã thi hành, các cơ quan thi hành án thường xuyên có sự chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thi hành. Công tác thi hành án dân sự từ tỉnh đến huyện đã có nhiều đổi mới, nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức THA được kịp thời tháo gỡ. Các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt thực hiện nhiều biện pháp đột phá giải quyết nhiều vụ án khó khăn, phức tạp, tồn đọng nhiều năm, đưa tỷ lệ về việc, về tiền năm sau luôn cao hơn so với năm trước tạo được niềm tin cho các tổ chức và công dân.

 Công tác cải cách hành chính: Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam; qua đó tiến hành rà soát và đề nghị bãi bỏ, huỷ bỏ những quy định không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; xây dựng dự thảo bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã để áp dụng thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó giảm bớt các thủ tục giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết công việc tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp. Triển khai nghiêm túc tại các phòng chuyên môn trong lĩnh vực công chứng, hộ tịch thực hiện chế độ làm việc ngày thứ 7 để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và cá nhân.

Các mặt công tác như Trợ giúp pháp lý, công tác hành chính bổ trợ tư pháp cũng được thực hiện một cách có hiệu quả. Sở Tư pháp thực hiện nghiêm túc, công khai minh bạch các khâu giải quyết công việc đồng thời thường xuyên rà soát, hệ thống hoá các quy định về thủ tục, giấy tờ cần thiết và thời hạn giải quyết đối với từng loại công việc để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức và công dân, các thủ tục liên quan đến các lĩnh vực như công chứng, đăng ký hộ tịch niêm yết công khai tại trụ sở và trên trang thông tin điện tử của tỉnh để cho nhân dân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp, luật sư trên địa bàn tỉnh được duy trì nề nếp có chất lượng, ngày càng hiệu quả hơn góp phần tích cực trong các hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp địa phương.

 Những vấn đề cần tập trung trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW của  Ngành Tư  pháp Hà Nam

Ngành Tư pháp Hà Nam cần chú trọng tham mưu cho tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của Ngành, trong những lĩnh vực được giao giúp UBND tỉnh quản lý về mặt nhà nước, với lộ trình và giải pháp thực hiện cụ thể; bám sát Nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ của địa phương cũng như chương trình, kế hoạch công tác của Ngành, để công tác tư pháp đáp ứng ngày càng tốt hơn, thiết thực hơn những yêu cầu bức xúc, cũng như lâu dài của thực tiễn địa phương. Thực hiện là triển khai đồng bộ các mặt công tác hết sức đa dạng, đa lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời trong từng giai đoạn, từng lĩnh vực hoạt động phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm.  Trước mắt, cần chú trọng thực hiện tốt hơn công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ  thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; thi hành án dân sự; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân, nhất là ở các xã xa trung tâm, xã khó khăn về kinh tế. Tiếp tục tập trung kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực và đổi mới cơ chế, phương thức quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Sở Tư pháp và các đơn vị, cơ quan thi hành án dân sự, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cho tư pháp cấp huyện và tư pháp cấp xã trong điều kiện phân cấp ngày càng mạnh mẽ hiện nay. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lề lối làm việc trong lĩnh vực tư pháp, xây dựng văn hoá công sở, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh chống tham nhũng, đảm bảo xây dựng ngành Tư pháp và đội ngũ cán bộ tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Đức Mạnh-P Xây dựng & KTVB Sở Tư pháp Hà Nam