Thực hiện Nghị định 79/CP trên địa bàn quận Hoàng Mai- Hà Nội: Còn nhiều cái khó

28/07/2008
Là quận mới, cơ sở vật chất còn tạm bợ song công tác tư pháp trên địa bàn quận Hoàng Mai lại được đánh giá là khá ổn định, đặc biệt là sau hơn 1 năm thực hiện các nhiệm vụ về chứng thực theo Nghị định 79/CP.

Mặc dù là ngày mưa nhưng bộ phận một cửa của UBND quận Hoàng Mai vẫn khá đông khách. Tại đây, quận bố trí 9 cửa tiếp nhận hồ sơ . Công dân có yêu cầu được các cán bộ phụ trách hướng dẫn bấm số tự động để lấy số chờ máy đọc đến lượt. Việc làm này tỏ ra thích hợp khi “một cửa” đông khách, người dân có thể thảnh thơi ngồi chờ thay vì phải xếp hàng chen lấn. Tại cửa tiếp nhận hồ sơ về hộ tịch, chứng thực, cán bộ tư pháp của Sở Tư pháp làm phép “thử” nhanh các quy trình tiếp nhận hồ sơ cũng như các tình huống có thể xảy ra mà Nghị định 79/CP chưa quy định rõ. Tất cả đều “OK”, việc này theo nhận xét của cán bộ Sở Tư pháp chứng tỏ cán bộ tiếp nhận hồ sơ nắm vững nghiệp vụ về chứng thực. Tại cấp phường, qua kiểm tra đột xuất của Sở Tư pháp cũng không có nhiều vướng mắc khi thực hiện Nghị định 79/CP, bởi những vấn đề phát sinh luôn được quận và TP chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Hơn 1 năm qua, quận Hoàng Mai không có đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực này.

Theo thống kê, từ 1/7/2007 đến 15/6/2008 (gần một năm thực hiện Nghị định 79/CP) quận Hoàng Mai đã giải quyết 2696 bản chứng thực các loại, cấp phường chứng thực trên 156 ngàn bản, tổng số tiền thu được cả hai cấp là gần 690 triệu đồng. 98% hồ sơ công dân được trả đúng hẹn.

 Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bình, trưởng phòng Tư pháp quận Hoàng Mai thì cái khó là do cách bố trí mô hình “một cửa” như hiện tại (cán bộ Văn phòng UB tiếp nhận hồ sơ rồi chuyển cho Phòng tư pháp hoặc khi cần thiết, lãnh đạo Phòng Tư pháp phải xuống tận nơi để giải quyết công việc) gây mất thời gian và ảnh hưởng đến việc trả hồ sơ cho công dân. “Nếu bố trí tư pháp nhận hồ sơ và trả kết quả luôn thì thuận lợi hơn”. Ông Bình kiến nghị.

Một khó khăn khác, theo các cán bộ Tư pháp quận Hoàng Mai là việc phân biệt các văn bản thật, giả và văn bản nào được chứng, văn bản nào không. Đặc biệt là việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ tài liệu bằng tiếng nước ngoài ở cấp quận. Nhiều văn bản chỉ có chữ ký mà không có con dấu vì quy định ở mỗi nước là khác nhau (có thể có chữ ký mà không cần con dấu).

Đội ngũ cán bộ tư pháp cấp phường cũng là điều đáng nói, mặc dù ở Hoàng Mai thuận lợi đáng kể là có đến 10/14 phường ở quận cán bộ tư pháp đã có trình độ ĐH Luật (còn lại là trung cấp pháp lý và tương đương), lại thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ tuy nhiên do phải đảm nhiệm quá nhiều việc nên chỉ 1 cán bộ/phường là quá ít. Trong khi đó, theo Nghị định 79/CP “ cơ quan có thẩm quyền chứng thực phải bố trí cán bộ tiếp nhận yêu cầu chứng thực hàng ngày…và phải thực hiện chứng thực ngay trong buổi làm việc đó”, với cơ chế này thì một cán bộ tư pháp là không thể đáp ứng nổi.

Bên cạnh đó, đối với cấp phường, cơ sở vật chất nhiều nơi còn tạm bợ, thiếu thốn. Người dân có việc đến phường phải chờ đợi trong cảnh chật chội, bí bách. Máy tính, máy phôtô còn thiếu, trong khi dịch vụ phôtô ở ngoài lại cách xa trụ sở UBND dẫn đến khó khăn cho cả cán bộ và nhân dân khi thực hiện việc chứng thực.

Về nghiệp vụ, ông Bình mong muốn Bộ Tư pháp sớm có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 79/CP. Còn về cán bộ và cơ sở vật chất ông Bình đề nghị TP quan tâm giải quyết sớm cho Hoàng Mai để cán bộ tư pháp có điều kiện phục vụ dân tốt hơn.

Thu Hằng