Gia Lai: Chỉ đạo tăng cường thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp trong thời gian tới

28/07/2008
Vừa qua, Sở Tư pháp Gia lai đã tổ chức Hội nghị sơ kết 03 thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2008. Dự Hội nghị có Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban pháp chế HĐND tỉnh; Lãnh đạo các cơ quan ban ngành của tỉnh; Trưởng Thi hành án tỉnh, Trưởng phòng, Giám đốc các Trung tâm trực thuộc Sở; Trưởng Thi hành án huyện, thị xã, thành phố; Trưởng Phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố.

Qua 03 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2008, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định cần khắc phục, để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác trong thời gian tới, Sở Tư pháp đã chỉ đạo các đơn vị cần tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

 1. Tiếp tục củng cố và nâng cao công tác tổ chức bộ máy nhằm xây dựng đội ngũ công chức ở cấp tỉnh về cả số lượng và chất lượng để thực hiện tốt vai trò tham mưu cho chính quyền các cấp trong việc quản lý nhiệm vụ của Ngành, xây dựng thể chế, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Tư pháp ở cơ sở, đảm bảo giải quyết kịp thời, chính xác các yêu cầu công việc của người dân và chính quyền cơ sở.

2. Nâng cao trình độ, năng lực soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh bảo đảm chất lượng, chính xác, đồng bộ với hệ thống pháp luật của quốc gia và phù hợp với các nguyên tắc, quy định của WTO. Tham mưu UBND tỉnh, xây dựng, kiện toàn đội cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ngành; tổ chức, xây dựng các hoạt động dịch vụ pháp lý để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp của tỉnh.

3. Quán triệt tinh thần Chỉ thị 32 của Ban Bí thư tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ pháp luật cho nhân dân; tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, chống lại âm mưu diễn biến hoà bình, vạch trần những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, dưới góc độ pháp luật.

4. Đẩy mạnh giải quyết căn bản, giảm đến mức thấp nhất số lượng án tồn đọng. Đối với những vụ việc có điều kiện thi hành thì phải kiên quyết tổ chức thi hành dứt điểm; những trường hợp có vướng mắc, khó khăn phức tạp, liên quan nhiều ngành thì báo cáo Ban Chỉ đạo thi hành án hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện để chỉ đạo phối hợp giải quyết. Quán triệt và tổ chức thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01/7/2008.

5. Mở rộng, tăng cường công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Đảm bảo cho các đối tượng chính sách, tất cả người nghèo đều được hưởng các dịch vụ pháp lý; thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, công bằng của pháp chế xã hội chủ nghĩa.

6. Tăng cường và củng cố đội ngũ hoà giải viên nhằm thực hiện tốt công tác hoà giải ở cơ sở.

7. Triển khai các mảng công tác bổ trợ tư pháp có hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW: Kiện toàn, nâng cao chất lượng phục vụ, xã hội hoá hoạt động các Phòng Công chứng theo quy định của Luật Công chứng; Tổ chức nghiêm túc Đại hội, hoàn thiện về tổ chức Đoàn Luật sư, tăng cường đào tạo, củng cố đội ngũ Luật sư của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

8. Phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan triển khai thực hiện đúng nội dung Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW.

        Ngoài ra các đơn vị phải rà soát lại nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt trong thời gian tới, đảm bảo theo Chương trình công tác trọng tâm của Ngành.

Nguyễn Quang Quý