Cà Mau: Ban hành Kế hoạch chỉ đạo điểm Đề án IV thuộc Chương trình 212 của Thủ tuớng Chính phủ tại địa bàn xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) năm 2008

26/07/2008
Căn cứ Kế hoạch số 14/KH-BCĐ ngày 25/4/2008 của Ban Chỉ đạo Chương trình 212 của tỉnh Cà Mau về tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình 212 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ĐA IV ngày 15/2/2008 của Ban Chỉ đạo Đề án IV, vừa qua, ngày 23/7/2008 Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án IV đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo điểm Đề án IV tại địa bàn xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) như sau:

Với mục đích, yêu cầu là xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các Đề án thuộc Chương trình 212 tỉnh; Ban Chỉ đạo huyện ngọc Hiển, xã Đất Mũi và các ngành, đoàn thể có liên quan trong công tác PBGDPL tại địa bàn cơ sở, để từ đó rút kinh nghiệm chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn tỉnh; đồng thời giúp cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể cơ sở quán triệt chủ trương, giải pháp PBGDPL, khắc phục những khó khăn, phát huy tốt các lợi thể đặc thù trong công tác PBGDPL tại địa bàn cơ sở; từng bước tập hợp đông đảo các lực lượng tham gia PBGDPL; đa dạng hoá các hình thức, biện pháp PBGDPL; khai thác có hiệu quả các hoạt động PBGDPL lồng ghép và các thiết chế văn hoá cơ sở.

Kế hoạch đã đề ra 7 nhiệm vụ và 4 giải pháp thực hiện, cụ thể: Tổ chức phát 100 phiếu khảo sát về nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân để làm cơ sở xác định nội dung và biện pháp GDPL cho phù hợp; tổ chức 01 lớp tập huấn về thực hiện Đề án và kỹ năng PBGDPL cho đối tượng là cán bộ tư pháp, công an, các ngành, đoàn thể xã, chi bộ, trưởng ấp, các đoàn thể ấp của xã Đất Mũi… (với số lượng khoảng 120 đại biểu, thời gian 01 ngày); tổ chức 01 cuộc toạ đàm về thực trạng và giải pháp đẩy mạnh công tác PBGDPL tại địa bàn dân cư nông thôn, thành phần tham gia là cán bộ xã, ấp và đại diện nhân dân (thời gian làm việc 01 ngày); tổ chức 01 cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho đối tượng là đoàn viên thanh niên trong xã (thời gian 01 ngày); thí điểm xây dựng mô hình quần chúng nòng cốt tham gia công tác PBGDPL tại 01 điểm trong địa bàn xã; giúp UBND xã củng cố Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL xã và Ban Chỉ đạo Chương trình 212, xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp xã và phối hợp với Công an, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức từ 01 đến 02 phiên toà xét xử lưu động, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ chính trị ở địa phương và thông qua đó PBGDPL cho cán bộ và nhân dân. Về giải pháp: Phối hợp với Ban chỉ đạo Đề án I, II, III và Ban chỉ đạo Chương trình 212 cấp huyện, cấp xã tổ chức triển khai, quán triệt các nội dung, chương trình của từng đề án trên cùng địa bàn, chủ động biên soạn, phát hành các tài liệu PBGDPL cho từng đối tượng theo kế hoạch; tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ cấp xã về khả năng tổ chức các hoạt động PBGDPL, có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ và đề xuất các hoạt động PBGDPL cho phù hợp; trong mỗi hoạt động cụ thể phải được kiểm điểm, đánh giá rút kinh nghiệm để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sát với địa phương và báo cáo sơ, kết, chỉ đạo nhân rộng.

Để thực hiện kế hoạch nêu trên, Ban Chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và quy định thời gian tổ chức thực hiện từ tháng 8/2008 và sơ kết vào tháng 11/2008. Hy vọng rằng với quan điểm hướng về cơ sở của ngành Tư pháp đề ra, tăng cường chỉ đạo điểm, sẽ tạo sự đột phá trong công tác PBGDPL ở tỉnh nhà để nhân rộng trong địa bàn tỉnh./.

Thuỳ Trang