Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn: Kết quả thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020

25/07/2008
Sau khi Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 được ban hành. Đảng uỷ, Lãnh đạo Sở Tư pháp đã chỉ đạo tổ chức phổ biến quán triệt nội dung Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, Đảng viên trong đơn vị, cập nhật nhiệm vụ theo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, chương trình công tác tư pháp hàng năm của Tỉnh uỷ, Bộ Tư pháp, các nhiệm vụ được ngành cụ thể hoá vào chương trình kế hoạch công tác hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

   Với việc triển khai và thực tiễn áp dụng pháp luật về cải cách tư pháp được thực hiện nghiêm túc, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, công tác tư pháp đã đạt được những kết quả thiết thực, đó là:

    Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh: Lãnh đạo Sở đã đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh cho cán bộ, công chức trong ngành thông qua các hình thức như: Tổ chức nghe thời sự, học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, nghe phổ biến các văn bản pháp luật mới, tổ chức họp toàn cơ quan để quán triệt, phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước…Xây dựng chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tăng cường kỷ luật lao động, kỷ luật nghiệp vụ.  

    Công tác rà soát cán bộ được quan tâm thực hiện thường xuyên, trên cơ sở rà soát đánh giá về năng lực, trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức để đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đề bạt cán bộ đúng với năng lực, trình độ góp phần quan trọng xây dựng bộ máy tổ chức cán bộ vững mạnh đáp ứng yêu cầu. Do làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao tính kỷ luật lao động, kỷ luật nghiệp vụ mà trong 4 năm qua ngành không có trường hợp cán bộ vi phạm pháp luật, chỉ có 01 trường hợp cán bộ vi phạm kỷ luật và đã bị xử lý hình thức cảnh cáo.  

    Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành. Trong 4 năm qua Sở đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, cử cán bộ tham gia tập huấn về công tác văn bản QPPL, công tác phổ biến giáo dục pháp luật công chứng, chứng thực, thi hành án dân sự …Đồng thời cử 15 người đi đào tạo chức danh chấp hành viên, 01 người đào tạo công chứng viên, phối hợp cử 02 người tham gia đào tạo luật sư tại Học viên Tư pháp; 08 người đào tạo lý luận chính trị, 9 người đại học tại chức  

    Công tác đầu tư cơ sở vật chất Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho các phòng chuyên môn; bố trí sắp xếp trật tự nội vụ cơ quan; khai thác, ứng dụng hiệu quả mạng tin học nội bộ.  

    Các cơ quan thi hành án dân sự, đặc biệt là cấp huyện trước năm 2005 hầu hết chưa có trụ sở làm việc riêng, cơ sở, trang thiết bị thiếu đồng bộ. Cho đến nay 7/8 đơn vị cấp huyện đã có trụ sở làm việc độc lập, khang trang; các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho yêu cầu công tác như máy vi tính, phương tiện xe máy công…được đảm bảo.  

    Công tác phổ biến giáo dục pháp luật: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao trình độ dân trí pháp lý, ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho mọi người dân theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW. Trong những năm qua ngành đã thực hiện nhiều giải pháp tham mưu, chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện các hình thức tuyên truyền đa dạng có hiệu quả, cụ thể:  

    Tham mưu cho UBND tỉnh, HĐPHCTPBGDPL triển khai công tác PBGDPL toàn diện, có chiều sâu, tham mưu tuyên truyền những văn bản pháp luật mới, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật như: Tìm hiểu Pháp luật về TTATGT, Luật dân sự, Luật công chứng...  

    Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, toàn tỉnh hiện có:124 báo cáo viên cấp tỉnh, 192 báo cáo viên cấp huyện, 1385 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; tham mưu tổ chức cuộc thi Báo cáo viên pháp luật giỏi lần 2, kiểm tra năng lực báo cáo viên pháp luật trong ngành, tổ chức tập huấn nghiệp vụ và phổ biến các văn bản pháp luật, cấp phát tài liệu tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên…những hoạt động này đã góp phần quan trọng thức đẩy hoạt động và từng bước phát huy hiệu quả của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh.  

    Tăng cường hiệu quả quản lý tủ sách pháp luật, xây dựng và hoàn thành 100% thôn, bản, tổ phố trên địa bàn tỉnh có ngăn sách pháp luật.  

    Tổ chức tuyên truyền được 7.878 buổi, với 268.635 lượt người tham dự, cấp phát 33.188tờ rơi, tờ gấp và tài liệu tuyên truyền pháp luật, 30.272 lượt người khai thác sách từ tủ sách và ngăn sách pháp luật, tỷ lệ hoà giải thành trung bình đạt 83,5%.  

    Công tác thi hành án dân sự: Ngành tư pháp đã tham mưu kiện toàn các Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự từ cấp tỉnh đến cấp huyện, duy trì hoạt động thường xuyên, phát huy hiệu quả của Ban chỉ đạo; xây dựng đơn vị thi hành án điểm; tham mưu UBND tỉnh phát động đợt cao điểm thi hành án dân sự, tăng cường công tác giải quyết án tồn đọng, thực hiện phân cấp mạnh về cơ sở, tỷ lệ giải quyết án có điều kiện thi hành hàng năm đạt cao.  

    Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngành Tư pháp Bắc Kạn đã đạt được một số kết quả quan trọng, cụ thể: Tổ chức triển khai thực hiện đúng tinh thần và các Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ và Bộ Tư pháp; công tác tổ chức cán bộ được kiện toàn tương đối đầy đủ, đặc biệt là việc chuẩn hoá trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ. Công tác Phổ biến giáo dục pháp luật thực sự có nhiều chuyển biến trong đó phải kể tới các hình thức tuyên truyền được sử dụng đa dạng, đều khắp, hệ thống ngăn sách pháp luật được xây dựng đến 100% thôn, bản, tổ phố. Công tác thi hành án dân sự được quan tâm và kiện toàn về tổ chức cán bộ, cơ sở vật chất …  

    Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020 trong giai đoạn tiếp theo. Ngành Tư pháp tỉnh Bắc Kạn xác định những nội dung cần tập trung thực hiện như:  

    1. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ; không ngừng nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp Bắc Kạn trong sạch, vững mạnh.  

    Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, không ngừng nâng cao về lý luận chính trị, trình độ chuyên môn cũng như rèn luyện cán bộ trong môi trường thực tiễn. Thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, đẩy mạnh đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng.  

    2. Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự.  

    3. Đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, làm tốt vai trò thường trực của HĐPHCTPBGDPL tỉnh. Tham mưu chỉ đạo nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Tìm ra các giải pháp tăng cường hơn nữa hiệu quả của các hình thức tuyên truyền như Loa truyền thanh cơ sở, đài phát thành- truyền hình, sách pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền pháp luật trong trường học, Câu lạc bộ tuổi trẻ phòng, chống tội phạm…  

    4. Thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tốt các văn bản pháp luật về lĩnh vực công chứng, chứng thực …tìm ra giải pháp khả thi cho việc củng cố xây dựng, phát triển và nâng cao trình độ đội ngũ luật sư của tỉnh.   

    Có thể nói với những nỗ lực trong thực hiện công tác cải cách tư pháp trong thời gian qua, công tác tư pháp tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.  

Hương Loan