Tiền Giang: Ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp

27/06/2008
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/6/2006 (sau đây viết tắt TGPL); Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL; Quyết định số 02/2008/QĐ-BTP ngày 28/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước; Quyết định số 2552/QĐ-UBND ngày 04/7/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh thuộc Sở Tư pháp. Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 1529/QĐ-UBND ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước thuộc Sở Tư pháp.

Theo đó, Quy chế có 5 chương, 27 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (ngày 22/5/2008) và thay thế Quyết định số 385/1998/QĐ.UB ngày 19/02/1998 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách thuộc Sở Tư pháp. Cụ thể như sau:

Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Tiền Giang là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước của Sở Tư pháp, UBND tỉnh và sự quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục TGPL, Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật. Trung tâm có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

Trung tâm thực hiện 11 nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động nghiệp vụ TGPL bao gồm:  Thực hiện tư vấn pháp luật, cử người tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các hình thức TGPL khác cho người được TGPL theo các lĩnh vực TGPL quy định tại Điều 34 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL (sau đây gọi tắt là Nghị định số 07/2007/NĐ-CP của Chính phủ); Thực hiện TGPL lưu động và các hoạt động TGPL khác quy định tại các Điều 35, 36, 37, 40 và Điều 41 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP của Chính phủ; chịu trách nhiệm và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác truyền thông về TGPL cho nhân dân; Quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng TGPL cho Chi nhánh; hướng dẫn hoạt động đối với Câu lạc bộ TGPL và các hoạt động nghiệp vụ TGPL khác; Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và quy tắc nghề nghiệp TGPL cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên TGPL (sau đây gọi tắt là cộng tác viên) của Trung tâm và Chi nhánh; hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ cho tổ chức tham gia TGPL; Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội thảo, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến hoạt động TGPL cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh;  Quản lý, theo dõi, kiểm tra hoạt động TGPL của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên và các cán bộ khác của Trung tâm và Chi nhánh theo thẩm quyền; thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên tham gia TGPL.

Về tổ chức, bộ máy, Trung tâm có Giám đốc, Phó Giám đốc, các Trợ giúp viên pháp lý và viên chức giúp việc. Trung tâm có các đơn vị trực thuộc gồm Chi nhánh số 1 và Chi nhánh số 2. Về  Biên chế của Trung tâm và Chi nhánh được phân bổ trong tổng định mức biên chế sự nghiệp của địa phương do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Về kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Trung tâm và các Chi nhánh từ nguồn ngân sách nhà nước cấp. Trung tâm được hỗ trợ từ Quỹ trợ giúp pháp lý Việt , nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc hoạt động, Trung tâm làm việc theo chế độ của đơn vị sự nghiệp, bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của viên chức trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Những công việc cụ thể cần được thảo luận trong tập thể lãnh đạo Trung tâm trước khi Giám đốc Trung tâm quyết định là: Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và dài hạn, các văn bản, đề án tham mưu cho Giám đốc Sở Tư pháp trình UBND tỉnh có liên quan đến công tác TGPL; Công tác tổ chức, cán bộ và mua sắm, sửa chữa các trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động có giá trị lớn; Các vấn đề khác mà Giám đốc thấy cần thiết phải đưa ra thảo luận. Người thực hiện TGPL chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và trước Giám đốc Trung tâm hoặc Trưởng Chi nhánh về toàn bộ nội dung vụ việc TGPL do mình thực hiện. Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh không được can thiệp hoặc gây áp lực vì mục đích cá nhân, tư lợi đến việc thực hiện TGPL của người thực hiện TGPL.

Quy chế còn quy định cụ thể mối quan hệ của Trung tâm với Cục TGPL; Quan hệ với Sở Tư pháp; Quan hệ với Phòng Tư pháp cấp huyện; mối quan hệ trong nội bộ Trung tâm; Quan hệ với Câu lạc bộ TGPL; Quan hệ với các tổ chức tham gia thực hiện TGPL; Quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương và khen thưởng, xử lý vi phạm

Quy chế được sửa đổi, bổ sung trong trường hợp có sự thay đổi của Quy chế mẫu hoặc theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm. Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, soạn thảo, báo cáo Giám đốc Sở Tư pháp trình UBND tỉnh quyết định./.

Thuỳ Trang