Bình Định: Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07 /12/2007 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh

27/06/2008
Ngày 24/6/2008, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1362/QĐ-CTUBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Mục đích của kế hoạch nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và toàn thể nhân dân trong tỉnh; hình thành ở họ lòng tin vào pháp luật và tạo lập thói quen sống và làm theo pháp luật; đồng thời góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.Đề cao vai trò của cấp uỷ Đảng và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp. Các chủ trương, giải pháp và các nội dung khác có liên quan được quy định tại Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ phải được quán triệt, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và  toàn thể nhân dân. Xây dựng và tổ chức Chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật phải phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý nhà nước của địa phương.

Nội dung kế hoạch thực hiện 15 nhiệm vụ chính, đó là: Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tiến hành thường xuyên, liên tục theo đúng chương trình, kế hoạch của Chính phủ, của Uỷ ban nhân dân các cấp; công tác này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với chất lượng và hiệu quả cao nhằm làm cho cán bộ, nhân dân hiểu biết và thực hiện pháp luật, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đề cao vai trò của cấp Uỷ đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và thực hiện pháp luật của cán bộ và nhân dân. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp để phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, nhất là Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở xã, phường, thị trấn; phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng với tư cách là một tổ chức phối hợp chỉ đạo giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường trách nhiệm của các thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các văn bản pháp luật mới được ban hành, đồng thời tuyên truyền phổ biến những văn bản pháp luật có nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tiếp tục thực hiện chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức hành động pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2005-2010 (Chương trình 212); triển khai thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12.3.2008 của Thủ tướng Chính phủ. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của tỉnh, huyện, thành phố, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, hoà giải viên cơ sở. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao chất lượng nguồn lực cán bộ, công chức làm nhiệm vụ này. Tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở các doanh nghiệp, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, hoà giải viên cơ sở, phóng viên, biên tập viên phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…bảo đảm từng bước ổn định về số lượng và ngày càng tăng cường về chất lượng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Huy động sự tham gia tích cực và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thường xuyên phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác để vận động, giáo dục các đoàn viên, hội viên tự giác tìm hiểu pháp luật, nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật và tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Củng cố, khai thác tốt các tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn. tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Nâng cao chất lượng nội dung báo, tạp chí, đặc san, bản tin tư pháp chú trọng hơn nữa đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí đặc biệt trong việc tuyên truyền những chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật của UBND và HĐND đã ban hành có tác dụng thiết thực đối với công dân.Tổ chức việc giảng dạy kiến thức pháp luật phù hợp với các cấp học. Đổi mới, nâng cao chất lượng, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong các giờ ngoại khoá. Có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên dạy môn pháp luật và môn giáo dục công dân.Duy trì, củng cố các thiết chế văn hoá thông tin cơ sở, củng cố Đài truyền thanh cơ sở các xã, phường, thị trấn nhằm tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn phải chủ động phối hợp với cơ quan tư pháp và cơ quan có liên quan cùng cấp để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác do UBND và HĐND các cấp ban hành có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần được rà soát lại, nếu thấy cần thiết thì đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ, nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh .Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, chủ trương đưa công tác trợ giúp pháp lý lưu động đến các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch giao Sở Tư pháp (cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh) có trách nhiệm tham mưu, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi, đôn đốc công tác này của các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật phải phù hợp với tình hình thực tế của ngành, địa phương mình. Đài phát thanh-truyền hình tỉnh, Báo Bình Định có kế hoạch cụ thể để tăng cường chất lượng và số lượng các chuyên mục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp và các thành viên của Mặt trận phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan đưa nội dung giáo dục pháp luật vào các buổi sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức mình với những hình thức sinh động, hấp dẫn để chuyển tải những nội dung pháp luật cần tuyên truyền, phổ biến đạt hiệu quả cao. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu để đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 14/2006/QĐ-UBND ngày 08/02/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định về việc ban hành mức chi thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, theo hướng đảm bảo tối đa về kinh phí cho hoạt động này, đồng thời phải phù hợp với Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nguyễn Huỳnh Huyện