Tọa đàm về lấy ý kiến nhân dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo VBQPPL ở địa phương

27/06/2008
Tọa đàm về lấy ý kiến nhân dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo VBQPPL ở địa phương
Ngày 20 tháng 6 năm 2008, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng tổ chức Toạ đàm về Hoạt động tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tham dự Toạ đàm có đại diện các Sở, ngành liên quan, UBMTTQVN thành phố, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng, Phòng Tư pháp các quận, huyện của thành phố Đà Nẵng.

Hoạt động lấy ý kiến nhân dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định tại Điều 4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và được quy định cụ thể, chi tiết tại Nghị định số 91/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động lấy ý kiến nhân dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định pháp luật và chưa huy động và phát huy được sự tham gia đông đảo, có chất lượng của các tầng lớp nhân dân, chưa thật sự phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo văn bản. Điều này do nhiều nguyên nhân khác nhau, như: cơ chế triển khai hoạt động lấy ý kiến còn chưa hợp lý, chưa có sự đầu tư thích đáng về thời gian, công sức cũng như kinh phí cho hoạt động này; đặc biệt là chưa có cơ chế hữu hiệu thu hút sự tham gia có chất lượng của các tầng lớp nhân dân, nhất là những đối tượng như các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng như hoạt động thực tiễn ở các lĩnh vực chuyên môn có liên quan …

          Trên cơ sở đó, các bài tham luận và ý kiến phát biểu của đại biểu tham dự Toạ đàm đã tập trung thảo luận các giải pháp, biện pháp để kiến nghị khắc phục những hạn chế, khó khăn trong hoạt động này để ngày càng nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Một số giải pháp được nêu ra phân tích tại buổi Toạ đàm như:

- Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND, trong đó cần đảm bảo các tiêu chí như: + Khẳng định quyền và nghĩa vụ của nhân dân trong việc tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời khẳng định nguyên tắc công khai chính sách, văn bản là một yêu cầu bắt buộc và thường xuyên của các cơ quan Nhà nước. Thủ tục, hình thức, kỹ thuật thu hút sự tham gia đối với các văn bản ở địa phương. Nghĩa vụ phản hồi ý kiến và điều kiện đảm bảo về tài chính và thông tin. + Đổi mới kỹ thuật tổ chức việc lấy ý kiến để một mặt làm tăng chất lượng ý kiến tham gia của nhân dân, mặt khác làm tăng cơ hội tham gia thực sự của người dân. + Công khai dự thảo và thông tin về văn bản càng sớm càng tốt. Nếu người dân có điều kiện tiếp cận sớm với chính sách ở giai đoạn soạn thảo hoặc sớm hơn, thì Nhà nước sẽ có cơ hội nhận được nhiều ý kiến hơn và dân cũng có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn và chuẩn bị thi hành tốt hơn. Nên lựa chọn đối tượng để tập trung thu hút sự tham gia: mỗi loại văn bản đều có nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp hoặc cần tham khảo ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, do sự hạn chế về nguồn lực và thời gian nên việc cơ quan soạn thảo xác định nhóm đối tượng ưu tiên thu hút là nhằm đảm bảo tính hiệu quả.

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến để khuyến khích nhân dân tích cực tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật và để cơ quan Nhà nước hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tạo điều kiện, cơ chế thu hút sự tham gia của các nhóm đối tượng.

- Có cơ chế hỗ trợ kinh phí phù hợp cho việc lấy ý kiến của nhân dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp và cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan. Tạo điều kiện để các cơ quan có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến chủ động về mặt kinh phí, thực hiện tốt cả nhiệm vụ soạn thảo cũng như tổ chức lấy ý kiến nhân dân, góp phần xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đạt chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, thực tiễn ở địa phương, cơ sở./.

Tạ Tự Bình