Các đại biểu dự hội nghị sôi nổi thảo luận về các nội dung liên quan đến 2 văn bản luật nói trên và dã có nhiều ý kiến về vấn đề tổ chức thực hiện 2 văn bản này trên thực tế. Nhiều đại biểu quan tâm đến cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Mặc dù đã có chế tài nhưng trên thực tế việc giữ bí mật họ, tên địa chỉ người tổ cáo có lúc, có nơi chưa được thực hiện tốt vì vậy đã có những trường hợp người dũng cảm tố cáo bị đe doạ, trù dập nên tạo ra tâm lý hoang mang trong quần chúng.
Theo ý kiến của các đại biểu, Nhà nước cần có quy định cụ thể về việc xử lý các trường hợp chi vượt định mức, tiêu chuẩn: Khấu trừ lương, hình thức kỷ luật cụ thể đối với người quyết định chi sai chứ không chỉ là yêu cầu bồi thường chung chung và phần vượt định mức tiêu chuẩn lại lấy từ ngân sách của cơ quan chi trả.
Vấn đề nữa là việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở địa bàn khu dân cư như việc giám sát đối với mỗi cán bộ đảng viên qua việc chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Môt số đại biểu dự hội nghị là cán bộ lão thành cách mạng còn cho ý kiến thẳng thắn là: các “quan to” thường vắng bóng trong các buổi hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật …từ khi có cuộc vận động thực hành tiết kiệm và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội. Nhân dân đã rất đồng tình, hưởng ứng, một số tập tục lạc hậu đã được xóa bỏ bằng việc tổ chức thực hiện các Qui ước, Hương ước của thôn, tiểu khu nhưng đáng tiếc có một số cán bộ có vị trí cao trong xã hội lại chưa thật sự gương mẫu; tổ chức cưới, tang phô trương, lãng phí nên không tạo được tấm gương cho quần chúng noi theo vì : đảng viên đi trước, làng nước theo sau.
Vì vậy, họ mong muốn được Nhà nước ghi nhận những ý kiến đóng góp của dân để ban hành các văn bản dưới luật tạo điều kiện cho pháp luật đi vào cuộc sống./.
Hoàng Hồng - Phòng Tư pháp Thành phố Đồng Hới