Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ở Quảng Ngãi

03/05/2006
Ngày 27/4, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tới trên 200 cán bộ trong tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi có kế hoạch tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết đối với các cơ quan tư pháp trong tỉnh và các huyện uỷ, thành uỷ; xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện giai đoạn 2006- 2010 đối với Đảng Đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan tư pháp như: Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an và Sở Tư pháp. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành Toà án là tập trung nâng cao chất lượng xét xử; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án, không để tồn đọng hoặc quá hạn luật định, tăng cường công tác hoà giải, chú trọng công tác thi hành án hình sự, đảm bảo việc ra các quyết định về thi hành án đúng pháp luật; phấn đấu đến năm 2010 bảo đảm tuyển chọn đủ cán bộ, bổ nhiệm đủ thẩm phán cho Toà án nhân dân các huyện, thành phố. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, sắp xếp, bố trí hợp lý cán bộ, bảo đảm đến năm 2007 cơ bản hoàn thành việc tuyển chọn để đề nghị bổ nhiệm kiểm sát viên cấp tỉnh và huyện, thành phố theo đúng qui định.

Lực lượng công an tập trung thực hiện công tác điều tra, trong đó nâng cao chất lượng công tác đấu tranh, phát hiện, điều tra làm rõ và xử lý các loại tội phạm thuộc thẩm quyền. Trong công tác thi hành án phạt tù tiếp tục tổ chức tốt công tác thi hành án hình sự, tập trung giải quyết có hiệu quả những tồn đọng, tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án hình sự; chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ đảm bảo hoàn thành việc tăng thẩm quyền điều tra của công an cấp huyện cho phù hợp với lộ trình tăng thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện. Tỉnh phấn đấu đến năm 2010 lực lượng công an tỉnh và các huyện, thành phố có đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, có chất lượng chuyên môn đạt yêu cầu.

Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh quản lý chặt chẽ công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên toàn tỉnh; bảo đảm 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình UBND tỉnh ban hành đều phải được Sở Tư pháp thẩm định tính pháp lý. Tỉnh đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tiếp tục thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2003- 2007; triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm tăng tỷ lệ thi hành xong các bản án đã có hiệu lực pháp luật, giảm mạnh số án tồn đọng, đảm bảo thi hành đúng nội dung bản án, quyết định đã tuyên và đúng trình tự, thủ tục thi hành án dân sự; thực hiện tốt công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp; tiếp tục kiện toàn tổ chức cơ quan thi hành án, bổ sung biên chế cho các huyện, tuyển chọn cán bộ thi hành án giai đoạn 2006- 2010 theo định hướng cải cách tư pháp./.

(Theo website Chính phủ)