Cà Mau: Quý III/2008 thành lập xong Phòng Pháp chế hoặc Tổ chức pháp chế trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước.

10/06/2008
Thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mô hình tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp nhà nước và các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành, Trung uơng, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 07/3/2007 v/v kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ngày 09/6/2008 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2033/UBND-NC v/v kiện toàn tổ chức làm công tác pháp chế của tỉnh.

Theo đó, đánh giá bước đầu các đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện các văn bản nêu trên đã đạt được kết quả nhất định. Các cơ quan, đơn vị đã bố trí công chức, viên chức phụ trách công tác pháp chế tham mưu, giúp lãnh đạo đơn vị thực hiện công tác soạn thảo, góp ý các dự thảo văn bản, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật... Tuy nhiên, hầu hết cán bộ làm công tác pháp chế đều là kiêm nhiệm, trình độ năng lực còn hạn chế, chưa qua đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ công tác pháp chế. Kỹ năng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, kiểm tra, rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị chưa bố trí cán bộ hoặc bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn làm công tác pháp chế, từ đó hiệu quả và chất lượng công tác pháp chế đạt chưa cao. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:

Một là, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khối lượng công việc được giao và nhu cầu công tác pháp chế của đơn vị, thành lập Phòng Pháp chế hoặc phân công công chức pháp chế chuyên trách. Chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ của công chức pháp chế phải là công chức từ ngạch chuyên viên trở lên, có trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân, đại học chuyên ngành, có kiến thức pháp lý, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Hai là, đối với doanh nghiệp nhà nước, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ công tác pháp chế của doanh nghiệp, Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước thành lập tổ chức pháp chế phù hợp, bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách hoặc thuê cố vấn pháp lý để đảm nhận công tác này. Mỗi doanh nghiệp phải có ít nhất một cán bộ làm đầu mối thực hiện công tác pháp chế.

Ba là, việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc Tổ chức pháp chế trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các Doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện xong trong quý III/2008. Những đơn vị không thành lập Phòng Pháp chế hoặc Tổ chức pháp chế thì phải bố trí cán bộ chuyên trách đúng theo quy định.

Bốn là, giao Giám đốc Sở Tư pháp hướng dẫn, theo dõi kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, của UBND tỉnh và nội dung Công văn này, báo cáo kịp thời kết quả triển khai thực hiện đến Chủ tịch UBND tỉnh./

Thuỳ Trang