Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình: Qua 5 năm thực hiện các Chương trình phối hợp tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nông dân

10/06/2008
Trong những năm qua thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có bước chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tỉnh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn được giữ vững. Công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

Tuy nhiên trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn đã làm nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Tại Ninh Bình đã có 2 khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 642,2ha. Việc thành lập và đi vào hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Song đi đôi với điều này là vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất đặc biệt là đất nông nghiệp, đã  ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người nông dân. Một thực tế đã xảy ra là tình hình khiếu nại, tố cáo kéo dài vượt cấp mà số đông là nông dân do nhận thức pháp luật còn hạn chế đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội ở một số cơ sở.

Trước tình hình đó, thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/10/2001 về việc tạo điều kiện để Hội nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, đồng thời Hội đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Sở Tư pháp, Sở tài nguyên và môi trường, Thanh tra tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 26. Qua 5 năm (2003-2007) việc thực hiện Chỉ thị 26 tại Ninh Bình đã tạo được chuyển biến cơ bản cho đại đa số hội viên, nông dân trong tỉnh đối với chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Công tác phổ biến giáo dục, tư vấn pháp luật cho nông dân 

Do nhận thức về chính sách pháp luật của hội viên nông dân còn hạn chế, nắm bắt thông tin không đầy đủ, chưa hiểu rõ chính sách pháp luật, nên một số nơi nông dân khiếu nại, tố cáo sai vượt cấp. Hội Nông dân tỉnh đã xác định lấy tuyên truyền giáo dục pháp luật nâng cao hiểu biết pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân làm khâu quan trọng. Hàng năm, hội chủ động phối hợp với ngành Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên và môi trường mở lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, đặc biệt là bồi dưỡng về kỹ năng hoà giải cho cán bộ Hội Nông dân và các tuyên truyền viên, hoà giải viên. Trong 5 năm qua, hội Nông dân tỉnh đã mở được 10 lớp và Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã mở được 65 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm tra cho 10.840 cán bộ, hội viên hội nông dân trong toàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên nông dân được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú như thông qua sinh hoạt chi tổ, hội, thi tìm hiểu pháp luật, tập san pháp luật, thành lập các Câu lạc bộ pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến các luật và những quy định của nhà nước có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân như Luật khiếu nại tố cáo, Luật bảo vệ tài nguyên và môi trường, Luật đất đai… 5 năm qua Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện tuyên truyền trực tiếp 2185 buổi cho 347.898 hội viên nông dân. Hội nông dân tỉnh còn phát hành đến tận các chi hội 2000 tập san pháp luật cùng với cuốn Sổ tay phổ biến giáo dục pháp luật của Trung ương hội Nông dân Việt nam và Bộ tư pháp, cấp phát hơn 10.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật. Hội Nông dân phối hợp với Sở Tư pháp phát hành 20 số Tập san Tư pháp, trong đó có một số chuyên đề về Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg.

Để công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả, giúp cho nông dân dễ tiếp thu, Hội nông dân tỉnh đã chỉ đạo điểm Huyện Hoa Lư và xã Khánh phú, huyện Yên Khánh tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu với các nội dung phong phú đa dạng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nội dung các cuộc thi vừa phổ biến pháp luật vừa thể hiện vai trò, trách nhiệm của hội nông dân trong việc tham gia hoà giải, giải quyết khiếu nại tố cáo tại cơ sở. Thông qua hội thi giúp cho hội viên nông dân hiểu và tự giác tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó các cấp hội cũng đã tích cực phát động hội viên tham gia các cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật như cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về Phòng chống mại dâm, Tìm hiểu Luật cư trú.

Công tác tư vấn pháp luật cũng được chú trọng. Hội Nông dân đã phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức trợ giúp pháp lý cho 10.172 lượt người và thành lập các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”. Đến nay toàn tỉnh đã xây dưụng được 142 Câu lạc bộ, các câu lạc bộ pháp luật thường xuyên tổ chức sinh hoạt với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, nội dung tập trung phổ biến các đạo luật mới ban hành, trao đổi kinh nghiệm hoà giải các vụ việc tranh chấp tại cơ sở. Các câu lạc bộ đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên pháp luật, đây được xem lực lượng nòng cốt nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên và nông dân khi có vướng mắc pháp luật. Điển hình như Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật xã Khánh Phú, xã Yên nhân, xã Yên Lộc.

 Cùng với việc thành lập câu lạc bộ pháp luật Hội đã chủ động và phối hợp với ngành Tư pháp xây dựng tủ sách pháp luật ở các xã, phường. Đến nay hội Nông dân các cấp đã xây dựng được 16 tủ sách pháp luật. Một số cơ sở Hội đã chủ động xây dựng tủ sách pháp luật của nông dân đặt tại các thôn, xóm, đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng kiến thức từ sách, báo pháp luật, sách khoa học kỹ thuật. Hiện nay hội Nông dân xã Khánh Phú đã xây dựng được 3 tủ sách pháp luật tại thôn xóm, Hội Nông dân xã Phú Long huyện Nho Quan đã xây dựng được 3 tủ sách đặt tại thôn, bản. Qua việc khai thác tủ sách pháp luật đã góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên nông dân đối với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết trong nông dân, giảm dần khiếu kiện đông người, vượt cấp, từ đó đã góp phần làm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác hoà giải và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo: 

Công tác hoà giải có vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội đặc biệt trong việc giải quyết mâu thuẫn vướng mắc trong nội bộ nông dân. Hoà giải còn là biện pháp có hiệu quả nhất để giải quyết khiếu nại tố cáo, giải  quyết tận gốc các mâu thuẫn phát sinh, giữ trọn vẹn tình làng nghĩa xóm, giữ vững khối đoàn kết, nhất trí trong cộng đồng dân cư, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền. Vì vậy các cấp hội đã đặc biệt coi trọng công tác hoà giải.

5 năm qua các cấp hội đã tham gia giải quyết được 872 vụ việc mâu thuẫn, hoà giải thành công 751 vụ, nhận 579 đơn thư khiếu nại tố cáo của hội viên nông dân, đã tham gia giải quyết 359 đơn, chuyển đến cơ quan chức năng 210 đơn, điển hình như huyện Yên Khánh các đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân đa phần được giải quyết từ cơ sở. Hoạt động hoàn giải ở cơ sở đạt hiệu quả cao, 100% sự việc phát sinh đã được hoà giải  như xã Khánh Cường, Thị trấn Yên Ninh. Năm 2007 các tổ hoà giải đã hào giải thành 143/172 vụ việc, nhiều vụ việc phức tạp tại thôn, xóm đã được giải quyết bằng biện pháp hoà giải góp phần làm cho thôn xóm yên vui, đoàn kết. Bên cạnh đó các cấp hội còn chú trọng công tác kiểm tra thực hiện các chủ trương của Nhà nước. Đã tổ chức được 2138 đợt kiểm tra tập trung vào các nội dung thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết, Điều lệ Hội. Thông qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện và uốn nắn những dấu hiệu vi phạm.

Trong công tác hoà giải các cấp hội đã phát huy thế mạnh của tổ chức hội đó là vừa rộng khắp, vừa gần gũi sâu sát, vừa có uy tín với nông dân bằng phương pháp vận động quần chúng, nắm bắt kịp thời đầy đủ, chính xác, chi tiết của vụ việc khiếu kiện và tâm lý của đối tượng để kiên trì vận dộng, thuyết phục, vận dụng nhiều hình thức hoà giải linh hoạt do đó đạt hiệu quả cao. Điển hình như các vụ giải phóng mặt bằng ở khu công nghiệp xã Gia Tân, Gia Xuân huyện Gia Viễn, xã Mai Sơn huyện Yên Mô, dự án kè bờ Tây sông Vân Thành phố Ninh Bình, dự án khu công nghiệp ở xã Khánh Phú huyện Yên Khánh.

Có thể nói 5 năm qua dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, sự phối hợp của các ngành, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động tích tổ chức thực hiện các nội dung của Chỉ thị 26 và đã đạt được một số kết quả nhất định, nổi bật là công tác giáo dục phổ biến pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nông dân, hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp. Tuyên truyền vận động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện hoà giải trước, trong và sau khiếu kiện, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh ngay tại cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Thiều Thị Tú