Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục luật bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La trong giai đoạn hiện nay

09/06/2008
Trong 20 năm qua, nhờ đường lối đổi mới của Đảng và sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đời sống kinh tế và văn hoá có nhiều thay đổi tích cực, Sơn La là tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, (gần 300USD/năm). Trình độ dân trí nói chung, trình độ pháp lý nói riêng thấp. Đó là những khó khăn, thách thức rất lớn trong công tác phổ biến, giáo dục phổ biến pháp luật, càng khó khăn hơn trong công tác phổ biến, giáo dục phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số về các lĩnh vực bảo vệ phát triển rừng, an ninh quốc phòng...

Là một tỉnh có địa hình rất phức tạp, bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn. Diện tích rừng của Sơn La theo số liệu kiểm kê đất đai của Sở Tài nguyên môi trường năm 2005, diện rừng hiện có 577.638,09 ha. Trong đó rừng sản xuất là 47.856,69 ha, đất rừng phòng hộ 482.980,42 ha, đất rừng đặc dụng là 46.800,98 ha. độ che phủ của rừng đạt 40,9%. Như vậy, độ che phủ của rừng Sơn La thấp so với yêu cầu và đặc điểm của vùng đất đồi núi. Mưa lớn theo mùa, lại có vị thế là "mái nhà" phòng hộ cho vùng đồng bằng Bắc Bộ, không những thế còn điều tiết nguồn nước thuỷ điện Hoà Bình và thuỷ điện Sơn La trong tương lai...Ngoài ra tình trạng khai thác trái phép, phát nương làm rẫy vẫn xảy ra như: năm 2007 tổng số vụ phá rừng làm nương là 34 vụ làm thiệt hại 13,82 ha chủ yếu ở Thuận Châu 0,22 ha, Mường La 0,24 ha, Mai Sơn 0,83 ha, thị xã 8,29 ha..Tổng số vụ cháy rừng là 8 vụ gây thiệt hại 39,26 ha trong đó Quỳnh Nhai cháy 27,88 ha...

          Công tác phổ biến, giáo dục luật bảo vệ và phát triển rừng; các quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng gắn với việc củng cố, thực hiện tốt quy ước, hương ước về bảo vệ và phát triển rừng ở  Sơn La những năm qua đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Pháp luật từng bước đến với người dân, tạo cho người dân ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật. Hình thức, biện pháp đưa pháp luật về  bảo vệ và phát triển rừng vào cuộc sống khá đa dạng như: thông qua trợ giúp pháp lý; thông qua phương tiện thông tin đại chúng; sinh hoạt các câu lạc bộ; tủ sách pháp luật; giảng dạy pháp luật trong nhà trường; thông qua các hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật; thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở; tuyên truyền miệng; tờ gấp pháp luật; thông qua việc ấn hành các sách tuyên truyền pháp luật; thông qua thu băng cát sét bằng tiếng HMông, Thái các tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật được dàn dựng cho phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào thiểu số...được đội ngũ báo báo viên, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện khá tốt.

          Hiện nay, cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong cả nước thì những vấn đề môi trường bức xúc cần giải quyết cũng nảy sinh ngày càng nhiều. Đối với Sơn La nói riêng cả nước nói chung đây là nhiệm vụ mang tính xã hội sâu sắc, gắn liền với công cuộc đấu tranh xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, tiến tới một xã hội giàu mạnh hạnh phúc và văn minh. Việc bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay là một vấn đề cấp bách của các cấp, các ngành nhằm đảm bảo tính bền vững của môi trường và sự phát triển kinh tế trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà. Để làm tốt công tác này trong thời gian tới, một trong những công việc cần quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp, các ngành là tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; các quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng gắn với việc củng cố, thực hiện tốt quy ước, hương ước về bảo vệ và phát triển rừng cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu nơi còn nhiều diện tích rừng cần bảo vệ và phát triển. Như các khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp, Tà Sùa, Xuân Nha, Côpia và một số vùng đệm tại huyện Mộc Châu, Thuận Châu...Chế độ bảo vệ và phát triển vùng tái sinh và trồng mới. Vùng rừng đầu nguồn của của của các con suối, con sông lớn của tỉnh. Quy hoạch cụ thể vùng rừng kinh tế như: vùng rừng nguyên liệu giấy, rừng cao su, cây ăn quả một cách hợp lý, phù hợp với với thổ nhưỡng khí hậu để nâng cao hiệu quả kinh tế. Điều quan trọng việc bảo vệ rừng phải thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, đảm bảo đời sống hàng ngày và làm giầu trên chính cánh rừng mà họ được giao đất quản lý. Muốn vậy cần thực hiện tốt định hướng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương cần tập trung vào những vấn đề sau:

          - Quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của chính quyền các cấp trong chỉ đạo điều hành, tạo mọi điều kiện bằng nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực đảm bảo cho công tác phổ biến giáo dục luật bảo vệ và phát triển rừng; các quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng;

          - Phổ biến giáo dục luật bảo vệ và phát triển rừng phải được thực hiện theo kế hoạch, chương trình cụ thể, trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương trong từng giai đoạn, từng thời điểm và trình độ dân trí từng vùng, miền, địa phương, từng đối tượng; không áp dụng máy móc, khuôn mẫu, mà phải thường xuyên sáng tạo, thường xuyên bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở;

          - Kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến giáo dục luật bảo vệ và phát triển rừng; các quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng với công tác tổ chức thực hiện pháp luật, các hoạt động tuyên truyền khác, các phong trào vận động quần chúng, với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải đáp các vướng mắc về pháp luật và với công tác hoà giải ở cơ sở;

          - Tiếp tục sửa đổi bổ sung nội dung quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn, bản. Tuân thủ chặt chẽ những quy định của pháp luật, kế thừa, phát huy thuần phong mỹ tục, những tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương địa phương.

          - Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, động viên khen thưởng kịp thời các cá nhân, đơn vị có thành tích trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục luật bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là những cá nhân trực tiếp thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục luật bảo vệ và phát triển rừng; các quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng cho các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

          - Củng cố, kiện toàn, tập huấn định kỳ kiến thức pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; các quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng cho đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật đặc biệt là đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật là các già làng, trưởng bản.

          - Tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục luật bảo vệ và phát triển rừng.

          Hình thức tuyên truyền, phổ biến cần tập trung với các kỹ năng sau:

            + Tuyên truyền miệng về pháp luật;

          + Phổ biến giáo dục luật về bảo vệ và phát triển rừng; các quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng qua báo chí và mạng lưới truyền thanh cơ sở;

          + Biên soạn đề cương, tờ rơi, tờ gấp pháp luật bằng cả hai thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) tập trung vào các nội dung các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng;

          + Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hình thức thi tìm hiểu pháp luật và sinh hoạt các câu lạc bộ lồng ghép nội dung về bảo vệ và phát triển rừng.

          Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề sau:

          - Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

          - Quy định của Trung ương, địa phương về thẩm quyền giao đất, giao rừng; thực trạng giao đất, giao rừng của các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh;

          - Các quy định của pháp luật về quyền lợi và nghĩa vụ của mọi thành viên cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sống; quy định về bảo vệ rừng và huy động nguồn nội lực để chăm sóc, nuôi dưỡng...phát triển những khu rừng do cộng đồng tổ, bản làm chủ rừng; khai thác, mua bán vận chuyển gỗ và lâm sản; bảo vệ, săn bắn, bẫy bắt và sử dụng động vật rừng; chăn thả gia súc trong rừng; về phòng cháy, chữa cháy rừng, sử dụng lửa trong rừng và các vấn đề về phòng trừ sâu bệnh hại rừng; về việc phối hợp tổ chức nhận khoán bảo vệ rừng; nhận rừng, đất lâm nghiệp của từng thành viên trong cộng đồng để bảo vệ, kinh doanh, trồng mới và sản xuất nông-lâm kết hợp;

          - Quyền được hưởng lợi và nghĩa vụ của cộng đồng được nhà nước giao rừng:

          + Được hưởng toàn bộ số gỗ và lâm sản ngoài gỗ khai thác trên diện tích rừng Nhà nước giao cho cộng động

          + Được thực hiện các hoạt động sản xuất khác trên diện tích rừng Nhà nước giao cho cộng đồng như: Được sử dụng một phần diện tích đất chưa có quy hoạch cho lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp; được tổ chức và hoạt động dịch vụ - du lịch trên diện tích rừng nhà nước giao; Được nhận tiền, vật tư theo quy định của các chương trình, dự án trong trường hợp khu rừng của cộng đồng tham gia vào các chương trình, dự án đó; được bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư để bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các quy định pháp luật khác có liên quan khi Nhà nước thu hồi rừng.

          + Thành viên cộng đồng có nghĩa vụ lập kế hoạch quản lý rừng, xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng và tổ chức thực hiện các quy ước đó; sử dụng rừng đúng mục đích; xây dựng phương án quản lý, sử dụng, phân phối lâm sản trong nội bộ cộng đồng; Thực hiện các nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật; giao lại rừng khi Nhà nước có quyết định thu hồi rừng; Không được phân chia rừng cho các thành viên trong cộng đồng; không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê...bằng giá trị quyền sử dụng rừng được giao.

          Những nội dung tuyên truyền trên, nhằm giúp cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh hiểu hết ý nghĩa và lợi ích trong việc bảo vệ và phát triển rừng; các quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng gắn với việc củng cố, thực hiện tốt quy ước, hương ước về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La nhằm bảo vệ và "trả lại màu xanh" cho núi rừng Tây Bắc ở hiện tại và trong tương lai./.

Huy Toàn