Công tác hoà giải tại Nam Định lòng dân tin yêu.

09/06/2008
Hoà giải cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của tổ hoà giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố. Hoà giải có ý nghĩa to lớn trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Đối với tỉnh Nam Định, tính đến nay đã tổ chức được 3.511 tổ hoà giải với gần 19.000 hoà giải viên ở khắp tất cả các thôn xóm, tổ dân phố, cụm dân cư thuộc các phường, xã, thị trấn. Từ năm 1999 đến hết năm 2007, tỉnh Nam Định có gần hàng vạn vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi lẽ ra phải chuyển đến chính quyền, cơ quan pháp luật xử lý nhưng đã được hoà giải ngay tại cơ sở đạt tỷ lệ trên 80% số vụ việc, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai

Sau đây là một vài trường hợp tranh chấp trên địa bàn Nam Định mà nhờ có sự can thiệp của công tác hoà giải cơ sở, hạnh phúc gia đình, tình làng xóm, trật tự xã hội được giữ vững.

Trường hợp thứ nhất là vụ tranh chấp tiêu thoát nước sinh hoạt giữa hộ gia đình ông N và ông H tại tổ 19, phường V, thành phố Nam Định. Ông H có một cái ao nhỏ liền kề nhà ông N, vì thế gia đình ông N thường thải nước sinh hoạt sang ao nhà ông H. Sau khi ông H lấp ao, gia đình ông N vẫn đục tường cho nước thải sang khu vực nhà ông H, dẫn đến xích mích, va chạm giữa hai gia đình. Tổ hoà giải bằng tình cảm xóm giềng, dùng lý lẽ pháp luật giải thích mà cụ thể là vận dụng quy định tại điều 270 Bộ luật Dân sự về “nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải” nhưng ông N vẫn chưa hiểu ra. Tổ hoà giải đã mời chính quyền xuống kết hợp giải thích, vận động các hộ dân cùng gia đình ông N đóng tiền và công sức đã cải tạo ngõ, xây dựng đường cống thoát nước chung. Sáng kiến của tổ hoà giải đã nhận được sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần từ phía chính quyền. Tình làng nghĩa xóm sau đợt ấy ngày càng keo sơn hơn.

Vụ việc thứ hai liên quan đến đời sống của một đôi vợ chồng mới cưới. Tại xóm 9, tổ 21, phường T, thành phố Nam Định, có gia đình anh K và chị S. Hai vợ chồng sống chung với mẹ anh K. Với trách nhiệm của người con dâu, người vợ, chị S hết lòng chăm sóc gia đình. Những tưởng như thế, gia đình sẽ hạnh phúc. Nhưng chị S kiên quyết đòi ly hôn anh K tuy mới cưới được 6 tháng. Được tin, tổ hoà giải cơ sở chủ động xuống tìm gặp và đã biết được nguyên do. Chuyện là, chỉ vì anh K thương mẹ quá, sợ mẹ thiếu thốn, giấu vợ đưa tiền cho mẹ; chỉ S biết chuyện, góp ý cho chồng; không hiểu vợ, anh K đã tát chị S và xúc phạm bố mẹ chị S. Mâu thuẫn kéo dài, không chịu nổi, chị S đòi ly hôn. Tổ hoà giải đã gặp riêng từng người, phân tích lý lẽ thiệt hơn cho cả hai vợ chồng. Tổ hoà giải bằng sự nhiệt tình đã khuyên nhủ chị S, vợ chồng phải có nghĩa vụ yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, đó cũng là quy định của Luật Hôn nhân gia đình 2000; về phía anh K, các hoà giải viên giúp anh K thấy được hành động của mình là không nên, anh có thể đưa tiền cho chị S biếu mẹ, như thế vừa thương mẹ lại thể hiện thuận vợ thuận chồng. Hiểu ra, cả hai vợ chồng cảm ơn tổ hoà giải. Giờ thì cậu con trai của họ vừa mới chào đời đã là bằng chứng cho hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Đấy cũng chính là món quà họ tặng cho những người làm công tác hoà giải tại xóm 9.

Có thể thấy chỉ thông qua hai vụ việc trên nhưng đã thấy được tầm quan trọng của công tác hoà giải cơ sở. Không chỉ giúp người dân hàn gắn hạnh phúc gia đình, gắn kết tình làng nghĩa xóm, mà thông qua đó, các hoà giải viên đã góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, giúp người dân hiểu pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, củng cố niềm tin vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước./.

Trần Hồng Nhung