Bộ Tài chính sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 135 về công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật

10/06/2008
Với vị trí, chức năng là cơ quan của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí, hải quan, tài chính doanh nghiệp, quản lý tài sản công, giá.v.v., Bộ Tài chính phải ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của mình

Trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến tháng 4 năm 2008, Bộ đã tự kiểm tra 1304 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các văn bản do Bộ ban hành đều bảo đảm các yêu cầu về căn cứ pháp lý, thẩm quyền, nội dung và hình thức văn bản. Không có văn bản nào phải áp dụng hình thức xử lý sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, huỷ bỏ hay đình chỉ thi hành.

          Công tác kiểm tra theo thẩm quyền cũng được Bộ chú trọng thực hiện. Trong gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 135 (NĐ 135), Bộ đã kiểm tra theo thẩm quyền 1528 văn bản do các Bộ, ngành, địa phương ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Đã phát hiện 284/1528 văn bản có dấu hiệu vi phạm Điều 3, NĐ 135, trong đó có 65 văn bản của bộ, ngành và 219 văn bản của địa phương. Trong số 284 văn bản này, có 9 văn bản sai về thẩm quyền ban hành, 80 văn bản sai về thể thức, kỹ thuật trình bày, số còn lại là các văn bản sai về nội dung. Việc xử lý đối với những văn bản sai trái này Bộ đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đối với những văn bản thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ, Bộ đã ban hành 7 thông báo gửi đến cơ quan, người có thẩm quyền tự kiểm tra, xử lý. Với những văn bản thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã có báo cáo để Thủ tướng xử lý theo thẩm quyền.

          So với các Bộ, ngành khác thì Bộ Tài chính là một trong những Bộ tiến hành tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền với số lượng lớn văn bản QPPL, số các văn bản được Bộ phát hiện sai trái qua công tác kiểm tra theo thẩm quyền cũng đạt tỷ lệ cao (cũng thời gian này, Bộ ngoại giao đã ban hành và tự kiểm tra 49 văn bản quy phạm pháp luật, Uỷ ban dân tộc là 44 văn bản, Bộ Công an là 273 văn bản; Bộ Giao thông vận tải kiểm tra theo thẩm quyền 57 văn bản, Bộ Công an là 514 văn bản, phát hiện 22 văn bản có dấu hiệu sai trái).

          Theo lãnh đạo Vụ pháp chế, có được những kết quả trên đây là do:

Thể chế về công tác kiểm tra, xử lý văn bản được lãnh đạo Bộ thường xuyên quan tâm xây dựng. Ngay sau khi Chính phủ ban hành NĐ 135, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1332/QĐ-BTC về việc ban hành quy chế soạn thảo, ban hành và kiểm tra văn bản QPPL. Mới đây, Bộ cũng đã ban hành Quyết định số 3982/QĐ-BTC để thay thế cho quyết định này.

Kinh phí hỗ trợ công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được bố trí đầy đủ theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 158/2007/TTLT-BTC-BTP. Việc bố trí kinh phí đã đáp ứng được yêu cầu của công tác này.

Tổ chức bộ máy, biên chế được Bộ quan tâm tăng cường về mọi mặt. Bộ đã hình thành một hệ thống các đơn vị có chức năng làm công tác pháp chế, bao gồm Vụ Pháp chế trực thuộc Bộ và một số tổ chức pháp chế thuộc các đơn vị của Bộ như Vụ Pháp chế - Tổng cục hải quan, Ban pháp chế - Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Ban pháp chế - Tổng cục thuế. Vụ Pháp chế đã hình thành Tổ kiểm tra văn bản QPPL với 3 biên chế, tại các tổ chức pháp chế thuộc các đơn vị khác của Bộ cũng đều bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.

          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, lãnh đạo Vụ Pháp chế cũng cho rằng, công tác kiểm tra văn bản trong thời gian qua chưa bảo đảm yêu cầu về tiến độ, sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ khi thực hiện công tác này còn hạn chế, đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản chưa được kiện toàn. Do đó, trong thời gian tới, cần phải xác định cho được công tác kiểm tra, xử lý văn bản là công việc chung của Bộ, theo đó phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Vụ Pháp chế và các đơn vị khác trong quá trình triển khai thực hiện. Song song với đó, cần xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các quy định về soạn thảo, ban hành, rà soát, hệ thống hoá văn bản và phổ biến giáo dục pháp luật vì nếu làm tốt công tác này sẽ hạn chế được những sai phạm không đáng có, giúp cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản được thuận lợi, dễ dàng hơn.

Nguyễn Đình Thơ