Kinh nghiệm PBGDPL về tôn giáo ở Gia Lai: Sử dụng đội ngũ chức sắc có uy tín, trình độ

10/06/2008
Với 5 tôn giáo đang hoạt động gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài và đạo Baha’i, tổng số tín đồ các tôn giáo chiếm khoảng 24% dân số, vài năm trước, Gia Lai là một địa bàn xảy ra khá nhiều điểm nóng về tôn giáo.

Nhưng từ khi triển khai Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) 2003 - 2007 và Chỉ thị 32-CT/TW thì các vụ việc vi phạm pháp luật về tôn giáo đã giảm đi, tình hình an ninh chính trị cũng dần đi vào ổn định. Một trong những sáng tạo của tỉnh là sử dụng chính đội ngũ chức sắc có uy tín, có trình độ, có ảnh hưởng đến tín đồ để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Thực hiện phương châm hướng về cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, tín đồ các tôn giáo, Gia Lai đã tập trung xây dựng và triển khai chương trình PBGDPL theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu và phù hợp với từng nhóm đối tượng như đội ngũ cán bộ công chức; chức sắc, chức việc các tôn giáo và các tín đồ tôn giáo. Sau sự kiện bạo loạn vào năm 2001 và năm 2004, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tăng cường công tác vận động quần chúng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị, vùng có đông đồng bào dân tộc theo các tôn giáo, với nhiều hình thức như tuyên truyền theo chuyên đề, có trọng điểm, nội dung ngắn gọn phù hợp với từng đối tượng, lồng ghép trong các sinh hoạt văn hoá, các buổi họp dân... Từ đó, nhiều nội dung pháp luật, trong đó có chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo được đi vào cuộc sống, tạo sự thay đổi trong nhận thức, nâng cao kỷ luật công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân theo đạo.

Riêng đối với chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, họ đã chấp hành tốt các quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; đưa sinh hoạt tôn giáo đi vào nền nếp, các vụ việc vi phạm pháp luật về tôn giáo giảm hơn so với trước; những vấn đề phức tạp về tôn giáo có sự trao đổi trực tiếp giữa cơ quan chuyên môn với các chức sắc tôn giáo trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, nên thời gian gần đây ít xảy ra những điểm nóng về tôn giáo. Thậm chí, khi xảy ra điểm nóng về tôn giáo, tỉnh đã linh hoạt sử dụng đội ngũ chức sắc có uy tín để tuyên truyền, giải thích cho tín đồ của mình hiểu và chấp hành pháp luật. Có thể nói, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, tuyên truyền pháp luật nên từ năm 2004 đến nay, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh đã dần ổn định, kinh tế phát triển khá (GDP tăng trên 13%/ năm).

Đại diện Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai cho biết, qua các lớp phổ biến, quán triệt chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cũng như các lớp chuyên đề về tôn giáo cho đội ngũ chức sắc các tôn giáo, đã phát hiện ra nhiều vị am hiểu pháp luật nói chung, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng và những người này sẵn sàng trao đổi với những người khác về vấn đề họ quan tâm. Nhờ thực hiện Đề án phổ biến pháp luật cho tín đồ các tôn giáo, đã có hàng nghìn lượt tín đồ được trực tiếp giải thích, giải đáp những vướng mắc có liên quan đến hoạt động tôn giáo một cách rõ ràng dễ hiểu. Đặc biệt, qua nhiều đợt họp dân tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về tôn giáo, đã có 4000/7000 đồng bào theo đạo nhẹ dạ cả tin trở về sinh hoạt đạo với chi hội Tin lành thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) hoặc hệ phái Tin lành khác.

Một điểm đáng chú ý, tại mỗi lớp phổ biến chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho chức sắc hay tín đồ các tôn giáo, Ban tổ chức đều dành thời gian nghe chức sắc và tín đồ các tôn giáo nêu những khó khăn, vướng mắc để có thể tham mưu cho Tỉnh uỷ và UBND tỉnh xem xét, giải quyết các nhu cầu chính đáng cho các tôn giáo. Vì vậy, chức sắc tín đồ các tôn giáo thường tham gia tích cực các lớp học và quan tâm tìm hiểu, nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các quy định của pháp luật về tôn giáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến tôn giáo. Trên cơ sở y, Ban Tôn giáo tỉnh khẳng định, việc xây dựng đội ngũ chức sắc có uy tín và tín đồ tiêu biểu tham gia công tác PBGDPL sẽ mang lại hiệu quả cao do đội ngũ này có ảnh hưởng rất lớn đến đông đảo tín đồ theo các tôn giáo. Từ kinh nghiệm thường xuyên chú trọng trang bị, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ chức sắc và tín đồ tiêu biểu của mình, Gia Lai đề xuất các cơ quan TƯ nghiên cứu cơ chế sử dụng đội ngũ chức sắc có uy tín, tín đồ có trình độ, có ảnh hưởng nhất định trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa tính hiệu quả và thiết thực của công tác này.

Hoàng Thư



Các tin khác