Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về ứng dụng Trợ lý ảo trong thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật

02/04/2024
Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về ứng dụng Trợ lý ảo trong thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật
Để tiến hành việc này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị đã thực hiện để xây dựng khung Đề án về ứng dụng trợ lý ảo trong thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Chiều ngày 02/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về ứng dụng trợ lý ảo trong thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật và Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024.

Xác định dữ liệu nguồn trong ứng dụng trợ lý ảo 
Tại cuộc họp, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) phối hợp cùng các chuyên gia đã giới thiệu, trình bày Giải pháp huấn luyện AI với dữ liệu riêng và ứng dụng trong thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, đặt câu hỏi để được các chuyên gia giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực này nhằm áp dụng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
 

Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên phát biểu tại cuộc họp.


Đại diện các chuyên gia giới thiệu, trình bày Giải pháp huấn luyện AI với dữ liệu riêng và ứng dụng trong thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật​.
 
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, với mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bước đầu cần xác định dữ liệu, nghiên cứu, khai thác trên cơ sở nguồn dữ liệu sẵn có của Bộ Tư pháp như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; dữ liệu trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp; Trang thông tin Hỏi đáp pháp luật; Bộ pháp điển,... từ đó thực hiện đồng bộ, số hóa, mở rộng dữ liệu.
Để triển khai việc này, Thứ trưởng đề nghị Cục PBGDPL chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị liên quan tiến hành đánh giá nguồn dữ liệu của Bộ; chủ động thực hiện việc khảo sát, học hỏi kinh nghiệm từ các cơ quan, đơn vị đã và đang thực hiện ứng dụng trợ lý ảo,... từ đó phác thảo Khung Đề án và có đề xuất, kiến nghị cụ thể tham mưu cho Lãnh đạo Bộ để tiến hành triển khai, xây dựng trợ lý ảo trong trong thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật.
 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại cuộc họp.
  
Đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Cũng tại cuộc họp, Cục PBGDPL đã báo cáo về công tác triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Theo đó, nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế bàn giao cho Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật. Để kịp thời triển khai các nhiệm vụ của Chương trình, Cục PBGDPL hiện nay đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai Chương trình và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình pháp lý cho doanh nghiệp và Diễn đàn về những tác động của Luật Đất đai năm 2023 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.
 

Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa báo cáo tại cuộc họp.
 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Cục PBGDPL cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế nghiên cứu, rà soát các nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng kế hoạch thay thế trong việc triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024. Trong đó cần kế thừa, chắt lọc các nội dung mà Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 đã triển khai có hiệu quả trong thời gian vừa qua; chú trọng phát huy vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội; tập trung tổ chức thường niên, định kỳ hàng năm các Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, qua đó phát huy vai trò quản lý nhà nước của đơn vị nói riêng và của Bộ, ngành Tư pháp nói chung.
 
Thu Nga – Trung tâm Thông tin