Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật: Tích cực, chủ động hoàn thành các nhiệm vụ được giao

26/03/2024
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật: Tích cực, chủ động hoàn thành các nhiệm vụ được giao
Chiều ngày 25/3/2024, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã làm việc với tập thể Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật về tình hình thực hiện nhiệm vụ Quý I/2024 và nhiệm vụ trọng tâm Quý II/2024.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách đã trình bày Báo cáo kết quả công tác Quý I và nhiệm vụ trọng tâm công tác Quý II năm 2024 của Vụ. Trên cơ sở báo cáo và các ý kiến phát biểu, Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao trong 03 tháng đầu năm 2024. Mặc dù có nhiều biến động về tổ chức cán bộ nhưng Vụ đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả nội bật trong công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế như tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô bảo đảm chất lượng, tiến độ để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV; xây dựng trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định 154/2020/NĐ-CP trong bối cảnh Luật Ban hành VBQPPL chưa sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu về rút ngắn thời gian ban hành văn bản QPPL, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đặt ra; hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trên cơ sở ý kiến thành viên Chính phủ; xây dựng Báo cáo đánh giá thực trạng và kiến nghị đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật của Chính phủ. Chuẩn bị đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 23/01/2024 phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án Luật được điều chỉnh trong Chương trình năm 2024; thực hiện các nhiệm vụ về theo dõi, đôn đốc tình hình  ban hành văn bản quy định chi tiết. Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ xây dựng Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành; nghiên cứu xây dựng Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, nâng ngạch, chuyển ngạch và xếp lương đối với các ngạch pháp chế...
 

Tại Báo cáo, Vụ cũng xác định thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ trong Quý II/2024, đồng thời triển khai đầy đủ các nhiệm vụ thường xuyên, bám sát các nhiệm vụ tại Kế hoạch công tác của Vụ đã được phê duyệt đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ, chất lượng, tiết kiệm và khả thi.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã cơ bản nhất trí với các nội dung, đề xuất của Vụ đã báo cáo, thảo luận tại cuộc họp; đồng thời ghi nhận, biểu dương những nỗ lực cố gắng của tập thể lãnh đạo công chức của Vụ VĐCXDPL trong thời gian qua. Đồng thời, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng chỉ đạo Vụ VĐCXDPL cần tập trung triển khai các nhiệm vụ công tác sau:
- Thứ nhất, cần đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới đúng tiến độ, hiệu quả và chất lượng; tích cực phát huy cơ chế làm việc của cá nhân, tập thể trên cơ sở Quy chế làm việc của Vụ, trong đó phát huy vị trí, vai trò của cấp ủy trong việc cho ý kiến đối với các nội dung chuyên môn sâu liên quan đến chủ trương của Đảng;
- Thứ hai, Lãnh đạo Vụ cần có sự điều hành, phân công công việc linh hoạt giữa các phòng thuộc Vụ và giữa các công chức trong phòng; rà soát lại nhiệm vụ, chức năng các phòng phù hợp, cân đối để thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, khắc phục các khó khăn trong bối cảnh có nhiều biến động về nhân sự. Đồng thời, Vụ cần chủ động tìm nguồn nhân sự để kiện toàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
- Thứ ba, trong công tác chuyên môn, đối với ý kiến thẩm định văn bản QPPL, Vụ cần mạnh dạn đề xuất việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; nội dung thẩm định cần tập trung vào chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền; ý kiến của các bộ, ngành để đảm bảo về chuyên môn và chất lượng nội dung văn bản. Về áp dụng thủ tục rút gọn, đề nghị Vụ cho ý kiến đối với những văn bản thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL; khi áp dụng trình tự thủ tục rút gọn cần chú trọng tính khả thi, minh bạch vì vậy đề nghị cần lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.  
- Thứ tư, cần tập trung đẩy sớm tổ chức Hội nghị tổng kết Luật Ban hành văn bản QPPL và đề xuất khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có liên quan.