Nhu cầu và định hướng hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam

23/05/2023
Nhu cầu và định hướng hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam
Sáng 23/5, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo "Nhu cầu và định hướng hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam". Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Clauspeter Hill, Phó Trưởng ban Hợp tác quốc tế và châu Âu, Viện KAS tại CHLB Đức; ông Florian Feyerabend, Trưởng Đại diện Viện KAS tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, trong những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm tới công tác tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật đi vào cuộc sống, đạt được mục tiêu đặt ra khi xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa theo kịp với yêu cầu của sự phát triển, từ đó bộc lộ những tồn tại, hạn chế, trong đó có nguyên nhân từ thể chế pháp luật đối với công tác này.
 

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Trong bối cảnh thực tiễn đó, Việc tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nhu cầu và định hướng hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam” có ý nghĩa quan trọng trong việc nhằm đánh giá được thực trạng công tác tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam. 
Thay mặt Bộ Tư pháp Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc gửi lời cảm ơn tới Viện KAS đã đồng hành và hỗ trợ Bộ Tư pháp trong nhiều nỗ lực cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và trong tổ chức Hội thảo lần này.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trình bày, nêu ý kiến đóng góp, trao đổi về thực trạng tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước; quan niệm, nhu cầu và một số định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật; kinh nghiệm tổ chức thi hành pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức và những giá trị tham khảo cho Việt Nam; thực trạng tổ chức thi hành pháp luật và thể chế về tổ chức thi hành pháp luật trong nội bộ hệ thống các cơ quan đại biểu nhân dân; các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay,...
 

Toàn cảnh Hội thảo
  
Có thể nói, pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật chính là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo đảm đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.
Bám sát nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về "tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới", có thể xác định yêu cầu, định hướng hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn tới như sau: bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong tổ chức thi hành pháp luật; giữ vững bản chất của Nhân dân, do Nhân dân, và vì Nhân dân trong từng hành vi tổ chức thi hành pháp luật cụ thể; phải góp phần bảo đảm yêu cầu tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thực hiện tốt yêu cầu thượng tôn Hiến pháp và pháp luật ngay trong chính quá trình tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong tổ chức thi hành pháp luật; góp phần xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
 
 
Thu Nga