Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

21/03/2023
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Sáng 21/3, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì phiên họp.
Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân
Báo cáo tại cuộc họp, Đại tá Vũ Văn Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, ngày 15/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030. Để triển khai thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính tại Nghị quyết này, ngày 25/12/2021, Bộ Công an đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an năm 2022. Theo đó, Bộ Công an sẽ triển khai thực hiện các thủ tục hành chính ở dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần. Qua nghiên cứu, rà soát Bộ Công an thấy để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam ở mức độ 4 cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
 

Đại tá Vũ Văn Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an báo cáo tại phiên họp.
 
Việc sửa đổi nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cấp, trình báo mất và khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông qua Cổng dịch vụ công; góp phần đơn giản hóa thủ tục, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và tạo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật nêu lên 2 chính sách gồm: Chính sách cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, bao gồm thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính và chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc xin thị thực của nước ngoài và trong quá trình xuất cảnh, nhập cảnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật trình Chính phủ
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết theo quy định của Luật Quốc phòng, Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan, Bộ Quốc phòng có thẩm quyền ký kết thảo luận quốc tế; chủ trì, phối hợp tham mưu cho Chính phủ ký kết điều ước quốc tế về quốc phòng, biên phòng, trong đó có nội dung liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Do đó, đồng chí đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý các nội dung của Luật đảm bảo phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an; thống nhất, đồng bộ với quy định trong các văn bản luật khác, nhất là Luật Điều ước quốc tế, Luật Quốc phòng và Luật Biên phòng Việt Nam.
 

Đại diện Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên họp.
 
Đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo nêu cụ thể các mức kinh phí để xây dựng, nâng cấp hệ thống phần mềm tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng điện tử; trang bị máy tính, bảo mật, chữ ký số cho các đơn vị, cá nhân có chức năng giải quyết thủ tục hành chính; mức kinh phí tuyên truyền, phổ biến Luật sau khi được Quốc hội thông qua để Bộ Tài chính có cơ sở đánh giá về nguồn lực tài chính của dự án Luật theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại diện Bộ Ngoại giao đánh giá việc cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn theo Điều 18 Luật Xuất nhập cảnh hiện nay có một số vướng mắc như đối tượng được cấp hộ chiếu rút gọn rất hẹp - chỉ gồm những người bị mất hộ chiếu, không bao hàm nhiều diện đối tượng không mang hộ chiếu mà cần về nước ngay như người không được phía nước ngoài cho cư trú, nạn nhân mua bán người; ngư dân, người có nhu cầu khẩn cấp cần được về Việt Nam gấp hay một số đối tượng khác; thủ tục rút gọn theo Luật Xuất nhập cảnh hiện hành thực chất chỉ là rút ngắn thời gian xác minh nhân thân, chưa rút gọn về mặt quy trình, thủ tục, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong tình huống gấp, cấp thiết.
 

Đại diện Bộ Ngoại giao phát biểu tại phiên họp.
 
Để đáp ứng nhu cầu bảo hộ công dân, nhất là đối với những công dân thuộc nhóm đối tượng yếu thế hoặc trong tình huống khẩn cấp, đại diện Bộ Ngoại giao đề nghị sửa đổi Điều 17 và 18 Luật Xuất nhập cảnh theo hướng: mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu rút gọn, không chỉ gồm những người bị mất hộ chiếu nữa mà phải bao gồm cả các đối tượng đặc biệt khác như người không được phía nước ngoài cho cư trú, nạn nhân mua bán người; ngư dân, người có nhu cầu khẩn cấp cần được về Việt Nam gấp hay một số đối tượng khác; trường hợp cơ quan đại diện có đủ căn cứ cấp hộ chiếu thì chủ động quyết định cấp ngay (trường hợp đương sự có giấy tờ tùy thân chứng minh quốc tịch còn giá trị và/hoặc trường hợp cơ quan đại diện khai thác, đối chiếu được thông tin nhân thân trong cơ sở dữ liệu quốc gia), trường hợp cơ quan đại diện chưa đủ căn cứ cấp hộ chiếu thì cho phép xác minh nhân thân trực tiếp với địa phương nơi đương sự cư trú để làm căn cứ cấp hộ chiếu.
Đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) bày tỏ đồng tình với việc bãi bỏ quy định nộp Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi và bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh. Về vấn đề này, đại diện Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật và đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) đề nghị Bộ Công an cần thống nhất sử dụng cụm từ “nơi sinh” hay “nơi đăng ký khai sinh” để đảm bảo đồng bộ với Luật Căn cước công dân.
 

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc kết luận phiên họp.
 
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhất trí cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; tuy nhiên đề nghị ban soạn thảo đánh giá tồn tại, khó khăn, vướng mắc của một số quy định tại Luật hiện hành để có cơ sở kiến nghị sửa đổi. Đối với chính sách 2, ban soạn thảo cần đánh giá thêm tác động của các thủ tục hành chính và sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ theo tiến độ đề ra.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin