Chiều 20/3, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phiên họp do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì với sự tham gia của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh.
Đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, qua hơn 12 năm thực hiện, Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 và Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010 (sau đây gọi chung là Luật các TCTD) đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Luật các TCTD và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết đã góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát hệ thống các TCTD.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại phiên họp
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thẳng thắn nhận định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật các TCTD cũng bộc lộ một số hạn chế như các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động của TCTD chưa thống nhất với các Luật khác; một số nghiệp vụ của TCTD chưa được quy định tại Luật các TCTD gây khó khăn trong việc thực hiện; ... Vì vậy, việc nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa Luật các TCTD cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước là cần thiết.
Cân nhắc phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật
Phát biểu tại phiên họp, Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh ngân hàng chính sách có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội, vì vậy cần quy định việc thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản, xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách tại Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, để bao hàm hết các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại, đồng chí đề xuất bổ sung hoạt động mua, bán, giao dịch công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn; đồng thời đề nghị Ngân hàng nhà nước là cơ quan chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan quy định việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động.
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu ý kiến tại phiên họp
Đối với quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí với phương án 2 của Ngân hàng Nhà nước: “Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ án phí, thuế (trừ các khoản án phí trực tiếp liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm đó, thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ), nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm”, tuy nhiên cần quy định cụ thể về trách nhiệm thực hiện thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với nhà nước.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại phiên họp
Đại diện Bộ Nội vụ đề xuất sửa cụm từ “Người có liên quan là tổ chức” tại khoản 28 Điều 1 dự thảo Luật để phù hợp với khoản 1 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Bên cạnh đó, đối với quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán, đồng chí đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát những nội dung quy định tại 2 phương án đưa ra, bảo đảm phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với Luật các tổ chức tín dụng và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thời gian qua, từ đó làm cơ sở sửa đổi cho phù hợp, tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hànhvề tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Cảm ơn ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định, đại diện Ban soạn thảo hứa sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện Hồ sơ thẩm định Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong thời gian tới.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận phiên họp
Tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhất trí cần thiết phải sửa đổi Luật các TCTD, tuy nhiên đề nghị ban soạn thảo cân nhắc phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật và quy định thẩm quyền trong việc cho vay đặc biệt. Bên cạnh đó, ban soạn thảo cần đánh giá kỹ thực trạng hoạt động của các TCTD, công tác phòng ngừa rủi ro; hoàn thiện Báo cáo đánh giá thủ tục hành chính trong dự thảo Luật các TCTD; rà soát tính tương thích các quy định tại Dự án Luật với các Điều ước quốc tế.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin