Sáng nay (14/01), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc Tổng kết thi hành Luật Công chứng năm 2014.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 64 điểm cầu (01 điểm cầu ở Trung ương và 63 điểm cầu địa phương).
Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo một số bộ, ngành ở Trung ương (Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp và các Sở, ngành có liên quan của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; đại diện một số tổ chức hành nghề công chứng...
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đặng Kim Hoa báo cáo tại Hội nghị
Tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo tại Hội nghị cho biết: Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả cụ thể, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được Luật Công chứng điều chỉnh; một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần được tổng kết, đánh giá toàn diện để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Theo đó, sau hơn 5 năm thi hành Luật, hoạt động công chứng đạt được nhiều kết quả, nổi bật một số điểm cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoạt động công chứng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Công chứng, hoạt động công chứng ở nước ta đã thu được kết quả đáng khích lệ. Hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở - lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp; không thể phủ nhận công chứng là “lá chắn” phòng ngừa hữu hiệu, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, giảm thiểu công việc cho Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự.
Thứ hai, hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa
Hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm “trung tâm” phục vụ. Các Văn phòng công chứng được thành lập, củng cố và tiếp tục phát triển góp phần giảm áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước. Các Phòng công chứng được chuyển đổi thành Văn phòng công chứng hoặc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ về tài chính cũng đã góp phần giảm bớt gánh nặng biên chế và ngân sách nhà nước, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu xã hội hóa hoạt động công chứng theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Luật Công chứng năm 2014.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên
Việc thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và 59 Hội công chứng viên địa phương góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên từ Trung ương đến địa phương đã bước đầu nâng cao vai trò tự quản nghề nghiệp, chia sẻ, hỗ trợ công việc với cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ tư, nghĩa vụ thành viên của Liên minh công chứng quốc tế được hoàn thành tốt
Việc công chứng Việt Nam đăng cai tổ chức thành công một số sự kiện của Liên minh công chứng quốc tế (UINL), chủ động, tích cực tham gia và hoàn thành tốt các nghĩa vụ của UINL là kết quả đáng ghi nhận góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế của công chứng nước ta với bạn bè quốc tế.
Toàn cảnh Hội nghị
Như vậy, việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 đã thu được nhiều kết quả, thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, đón nhận. Yêu cầu công chứng ngày càng tăng, sự hài lòng và thuận tiện của nhân dân về công chứng, đặc biệt hình ảnh Công chứng Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến, được UINL ghi nhận và đánh giá cao chính là thước đo sự thành công của Luật.
Hội nghị sẽ là một trong những cơ sở, định hướng quan trọng để Bộ Tư pháp tổng hợp, lập đề nghị sửa đổi Luật Công chứng, đồng thời nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ hoặc quy định theo thẩm quyền những giải pháp phù hợp hơn trong công tác quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động công chứng trong những năm tiếp theo. Qua Hội nghị này, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ hội tham khảo kinh nghiệm, nhìn nhận một cách đầy đủ, toàn diện hơn về trách nhiệm và cách thức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác quản lý nhà nước về công chứng. Đây sẽ là điều kiện cần và đủ nhằm tạo những chuyển biến mang tính đột phá trong thời gian tới, đồng thời bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững của hoạt động công chứng, chứng thực, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Cấn thiết sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng
Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp, kiến nghị trong triển khai Luật Công chứng. Hội nghị cũng đã nghe một số nội dung tham luận quan trọng, như: Công tác quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh - Kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc và đề xuất; Vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong tổ chức và hoạt động công chứng; Vai trò của công chứng trong hoạt động của Ngân hàng; Một số vấn đề về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng...
Nhấn mạnh đến kết quả triển khai công tác trên địa bàn, đồng thời thẳng thắn nhận định những khó khăn vướng mắc, đại diện Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Về thể chế, hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng hiện nay vẫn còn một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và gia đình... Các quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa đầy đủ, cụ thể như chưa có quy định về biểu mẫu liên quan đến thủ tục niêm yết (nội dung, hình thức) nên dẫn đến nhiều các hiểu khác nhau... Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan trong Luật Công chứng và các Luật, văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện.
Báo cáo tình hình thực tế tại địa phương, đại diện Sở Tư pháp Hải Dương chỉ ra một số tồn tại, hạn chế nổi cộm hiện nay, như: Vấn đề thiếu hụt công chứng viên so với yêu cầu thực tế dẫn đến tình trạng chất lượng công chứng viên giảm sút, nhất là tình trạng công chứng viên đã nghỉ hưu chiếm tỷ lệ lớn (tại Hải Dương là 18/51 công chứng viên), nhiều công chứng viên tuổi cao, sức khỏe yếu không đảm bảo nhưng vẫn hành nghề công chứng trong khi đó Luật công chứng chưa có giới hạn về độ tuổi hành nghề; một số văn phòng công chứng thực chất chỉ có 01 công chứng viên (công chứng viên còn lại đi thuê để đứng tên)… Đại diện Sở Tư pháp Hải Dương đồng tình với phương án đưa dự án Luật Công chứng sửa đổi vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022-2024 để khắc phục những tồn tại, hạn chế và đề xuất nghiên cứu, hướng dẫn quy định về thời hạn hợp danh tối thiểu của công chứng viên hợp danh tại tổ chức hành nghề công chứng, số hợp đồng công chứng tối thiểu của các công chứng viên hợp danh hàng năm; quy định về số tuổi tối đa hành nghề công chứng…
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu kết luận Hội nghị
Phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững
Điểm lại kết quả 07 năm triển khai thực hiện Luật Công chứng và thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 29/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng. Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững, tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng hoạt động công chứng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, của công dân, củng cố niềm tin của xã hội đối với nghề công chứng và giới công chứng viên.
Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng, trong đó cần tập trung xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Công chứng sửa đổi, bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong hoạt động công chứng; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… tập trung sửa đổi những quy định đang gây cản trở, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Bên cạnh đó, phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo đúng định hướng đã xác định trong Nghị quyết số 172/NQ-CP, phát triển có kiểm soát, đảm bảo sự phân bổ đều khắp của các tổ chức hành nghề công chứng trên các địa bàn, nhất là địa bàn có nền kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xây dựng đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, chấp hành nghiêm pháp luật và quy tắc nghề nghiệp, trong đó tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tập sự, công nhận hết tập sự; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề công chứng; phát huy vai trò tự quản của Hội Công chứng viên các địa phương, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng.
N.D - Trung tâm Thông tin